(VNTB) Tôi không có thói quen viết nhật ký. Hồi
bé tôi cũng ráng bắt chước các chị trong nhà, nắn nót viết vì được tặng một cuốn
sổ có chìa khóa bé xíu rất xinh, nhưng chỉ viết được vài dòng thì chán - chơi
búp-bê, chạy nhảy ngoài sân với bạn vui hơn.
Lớn
lên, khi buồn chuyện này người kia, tôi cũng có ý định trang trải tấm lòng trên
trang giấy, nhưng vốn biếng lười rồi sợ có người đọc được nên thôi. Thế nhưng
hôm nay tôi lại chạnh lòng, muốn viết một chút gì đó để hồi tưởng lại 40 năm tị
nạn, nhớ lại chặng đường dài mà người dân Việt đã đi qua. Nếu như tôi đã viết
nhật ký, việc ghi nhớ chuyện cũ có lẽ sẽ dễ dàng hơn nhiều, vì bây giờ những kỷ
niệm xưa, các suy tư đã phôi pha theo ngày tháng, tuổi tác … Nhưng hôm nay tôi
nhủ lòng sẽ cố gắng ghi lại một chút tâm tình - Tâm tình của người tị nạn, của
một thuyền nhân nhỏ bé tầm thường - viết lại tâm trạng khắc khoải của người di
tản buồn phải lưu vong trên xứ người. Tôi vẫn thích hát "Hãy cố quên đi mà
sống...", nhưng ngược lại có những điều tôi không cho phép mình được quên
để biết mình là ai và trách nhiệm như thế nào... “Mời người lên xe, về miền quá
khứ”....
Ngày...
tháng...
30
tháng 4, 1975, tôi chưa tròn 15 tuổi. Những tháng trước đó gia đình tôi không
được ở nhà mình tại khu nhà thờ Tây Ninh nữa, mà phải xin tạm trú với người bà
con ở xa khu vực tỉnh lỵ để tránh pháo kích. Sợ lắm, nửa đêm đang ngủ ngon bỗng
nghe tiếng đạn nổ thật to, thật gần. Ba má và mấy chị em chúng tôi phải chạy trốn
xuống hầm tránh đạn, ngồi co ro lo lắng. Tôi hay hỏi: Hết pháo kích chưa để được
lên nhà nằm ngủ, ba má biết đường nào mà trả lời! Tôi đã thấy những miểng đạn
thật to bay vào sân nhà, tôi đã đi đám tang của bà bán chè trong xóm chết tại
chỗ, thịt da và máu lẫn trong nồi chè lênh láng. Tôi đã nghe radio loan tin về
các em học sinh bị pháo kích ở Cai Lậy, và rơi nước mắt với nhiều gia đình vì
người thân đi lính đã tử trận. Ôi chiến tranh, ôi thời kỳ đau thương khốn khó.
Xưa
kia em có mẹ cha
Xưa
kia em có ông bà
Trong
một ngày em mất cả ba....
Anh tôi
hiểu tình hình thời sự, nên khuyên ba má và mấy đứa em chúng tôi bỏ Tây Ninh
lên thành phố sinh sống, vì Saigon dù sao cũng có tai mắt quốc tế, ít sợ bị trả
thù, bị gò bó như ở tỉnh nhỏ. Rời Tây Ninh tôi buồn lắm, xa trường mất bạn
nhưng biết làm sao hơn.
Người
tỵ nạn Việt Nam tìm đường tự do sau biến cố 30-4-1975
Nhưng buồn
hơn cả là biết được 30 tháng 4 là ngày mất nước, Việt Cộng đã tràn vào tới
Saigon, trên đài phát thanh ông Dương Văn Minh đã chính thức đầu hàng. Chị tôi
bảo phải lo cắt móng tay cho thật ngắn, vì Việt Cộng không thích những đứa xí xọn
để móng tay dài. Má tôi có vài lượng vàng, vài cái nhẫn, bắt chúng tôi giấu kín
trong người, tưởng rằng như thế là qua mắt được "họ"! Chúng tôi còn
ngây thơ quá, ít kinh nghiệm với Cộng Sản quá, bằng chứng là sau đó hai ông anh
của tôi đã nghe lời ra trình diện học tập cải tạo 10 ngày, để rồi đi "mút
mùa" bao nhiêu năm.
Mấy
tháng sau ngày 30 tháng 4, tôi được đi học lại, nhưng ngày đầu tiên là học hát
nhạc đỏ, nhạc "cách mạng", nghe giảng chính trị dài dòng vô nghĩa. Dù
sao tôi cũng còn may mắn có sự bảo bọc của gia đình, không phải đi kinh tế mới,
không phải đi bán vé số, lượm rác...
Ngày... tháng...
Tôi học
trung học cấp Ba, tuổi học trò nên còn vô tư, còn vui với bạn bè, dù cuộc sống
đã bắt đầu thay đổi. Vì lao động là vinh quang, học sinh phải làm công tác sản
xuất ngoài giờ học chữ, nên chúng tôi quay quần bên nhau đan lá mây tre, tức là
ngồi đan những cái rổ, cái giỏ để xuất khẩu cho nhà trường kiếm tiền. Chúng tôi
thủ thỉ chuyện thơ văn, chuyện bất công đói rách đang xảy ra trên quê hương,
tình bạn thật thắm thiết dù thầy cô "quốc doanh" dạy chúng tôi phải
có tinh thần tập thể, cái gì cũng phải mang ơn Bác và Đảng, như ngắm trăng cũng
phải cùng ngắm chung, ngồi một mình tư lự với trăng là tư duy sai lầm, là cá
nhân chủ nghĩa!
Hôm nay
N. đến trường nhưng không ở hết buổi học, anh tới giã biệt tôi vì phải cùng mẹ
đi xa kiếm cách sinh sống. Ba của N. đã trốn vào bưng tìm cách đấu tranh giành
lại chính quyền, kinh tế gia đình gặp khó khăn, công an có thể tới nhà N điều
tra khó dễ. Tôi buồn lắm, một phần vì cũng có cảm tình đặc biệt với N, lũ bạn
hay "cáp đôi" chúng tôi với nhau, một phần vì lo sợ cho chính gia
đình tôi. Trước vận mệnh đất nước, nhiều chia ly, đau khổ sẽ diễn ra. Thầy T.
đang dạy chúng tôi môn Toán cũng bị công an tới tận lớp bắt đem đi mất, nói là
có tội với Cách mạng, cô T. và gia đình thầy khổ sở biết bao nhiêu. Tôi nhớ câu
chuyện Bầy Phượng Vỹ Khác Thường của Nhã Ca, chúng tôi cũng đang trong tâm trạng
thấp thỏm lo âu, không an tâm học hành, không biết ngày mai chuyện gì sẽ xảy
ra...
Ngày...
tháng...
Sáng
nay tôi giật mình dậy sớm vì nghe tiếng khóc nỉ non, tiếng kể lể từ nhà hàng
xóm bên cạnh vọng lại. Trời ơi! bạn K. bị bắt đi nghĩa vụ quân sự mấy tháng trước
đã bỏ mình nơi chiến trường Campuchea. Xót xa nào hơn khi cha mẹ tóc bạc phải
khóc con đầu xanh, mà lại không được thấy xác con để nhìn mặt lần cuối hoặc
chôn cất. Hèn chi người anh bà con của tôi nhất định không chịu trình diện làm
lính thế thân cho Cộng Sản. Anh trốn chui trốn nhũi đói khát thật đáng thương.
Anh không được đi học đi làm, cũng không thể ở nhà vì lệnh bắt trốn nghĩa vụ
quân sự ai cũng biết, không ai dám chứa chấp. Chị tôi bị ép phải "phấn đấu"
để có thể trở thành cảm tình viên của Đoàn Thanh niên Cộng Sản. Chị đâu có muốn
thành đoàn viên. Gia đình tôi lý lịch xấu, cha làm công chức cho chế độ cũ, anh
làm "Lính Ngụy", phấn đấu 10 đời cũng không tới đâu, nhưng họ vẫn bắt
chị đi họp hành ca hát, công tác liên tục. Mấy đứa cháu phải tham gia Thiếu Nhi
Khăn Quàng Đỏ, bị nhồi sọ những chuyện sai lầm, sắt máu. Còn các bà mẹ, các người
chị phải ra ngoài buôn thúng bán bưng, đầu tiên là bán các thứ trong nhà để sống
cầm hơi, vì người đàn ông trụ cột trong gia đình đã đi tù cải tạo. Mọi người có
thêm gánh nặng nhịn ăn nhịn mặc để lo thăm nuôi người nhà trong trại tù. Tôi có
cùng chị dâu đi thăm anh tôi ở trại cải tạo một lần, thật là thương cho các chiến
sĩ, nhân viên chế độ Cộng Hòa bị sa cơ thất thế. Đói rét đã đành, nhiều người bệnh
nặng, bị biệt giam gông cùm thật khổ. Trong cuốn Hỏa Lò của Nguyễn Chí Thiện có
ghi lại kinh nghiệm tù mà tôi còn nhớ. Khi bị cùm lâu ngày một chân sẽ bị teo
nhỏ lại không đi vững được, nhưng người tù vẫn không dám xin cán bộ đổi cùm
sang chân kia. Lý do không phải vì sợ cán bộ từ chối, nhưng chân teo nhỏ lại sẽ
ít bị cái cùm siết chặt, ít đau đớn hơn. Nhiều người bị nhốt trong phòng tối mười
mấy năm, mắt trở nên mù lòa thật khổ. Tôi hồi ấy cũng còn ngây thơ, nên thắc mắc
cán bộ không cho tù cải tạo ăn đường là phải, vì mua đường tốn tiền, nhưng muối
rất rẻ mà sao họ cũng không cho ăn để cải tạo bị phù thủng? Thì ra Cộng Sản muốn
làm khổ, muốn hành hạ cho phá bệnh tật để không còn sức lực tranh đấu, chứ
không phải vì thiếu muối. Thật vậy, tình thương yêu thông cảm đâu tốn xu nào để
mua, mà con người vẫn dè sẻn đâu đã cho nhau hết lòng, nói chi đến Đảng Cộng Sản
sắt máu.
Nhiều
em bé không được tới trường, phải lang thang đầu đường xó chợ đói rách kiếm ăn.
Do thiếu giáo dục các em hỗn láo ma lanh, dối gian... Nhà cầm quyền lại đánh
phá "Tư sản mại bản" bằng nhiều hình thức, một trong những cách là đổi
tiền hai ba lần. Tôi nhớ lần đầu mỗi gia đình chỉ được đổi 200 đồng tiền Hồ,
còn lại mất hết, ba má và người thân tiếc tiền phát bệnh, có người còn tự tử.
Ôi, thân phận con người thế hệ chúng tôi.
Ngày...
tháng...
Đến thời
gian này phong trào "Đi" được bắt đầu, vì cái cột đèn nếu có chân
cũng sẽ bỏ trốn Cộng Sản để ra đi mà! Chuyện đút lót mua bãi để không bị bắt lại,
chuyện bị lường gạt mất "cây" mà không đi được, chuyện vào tù vì dám
bỏ trốn chế độ xảy ra thường xuyên. Rồi vượt biên lạc đường bị đói khát, bị cướp
biển, bị làm mồi cho cá mập... Ai nấy căng thẳng sợ hãi. Nhưng ở lại cũng chết,
ra đi dù sao cũng có chút hy vọng, nên đông đảo người dân đã liều mình vượt
biên, tạo nên một sự kiện đặc biệt trong lịch sử. Hôm nay đi học tôi lại thấy vắng
thêm một người bạn, công an đang hồ hởi phong tỏa căn nhà của gia đình bạn để
làm cơ sở thành phố. Thầy bói có thêm cơ hội hành nghề, vì nhiều người quá lo
phải tới nhờ thầy xem dùm có đi thoát không rồi mới dám liều. Anh chị Hai tôi ở
Bến Tre, anh là Đại Úy phải đi học tập, chị bị công an tịch thu nhà để làm Ủy
Ban Quân Quản Thành Phố, đuổi đi kinh tế mới. Đàn con phải làm rẫy khổ sở, nên
chị liều mình vượt biên, rủ tôi cùng đi.
Trẻ
em Việt Nam tại một trại tỵ nạn. Ảnh: The Star
May mắn
chuyến hải trình êm xuôi, chúng tôi không bị hải tặc, chỉ bị công an Việt Nam
chặn lại cướp của làm tiền. Chúng tôi được đưa tới trại tị nạn tại Nam Dương, mừng
quá là mừng. Đó cũng là nhờ cháu bé con anh Năm tôi lúc đó mới 3 tháng tuổi.
Khi tàu Tây Đức đi ngang qua, họ không muốn rắc rối nên chỉ cho thức ăn nước uống
để chúng tôi đi tiếp. May quá một người nhanh trí đã ẵm cháu tôi giơ lên cao
cho người Đức thấy. Có lẽ vì thương trẻ em cùng với con thuyền bé nhỏ mong manh
trên biển cả, họ bảo chúng tôi đục cho tàu ngập nước, rồi gọi về cho cấp trên
nói là chúng tôi đang chết chìm nên phải cứu.
Trại tị
nạn Indonesia được mệnh danh là "Ngưỡng cửa của Tự Do và Tình Người",
chúng tôi an tâm học Anh văn, chuẩn bị ngày đi Mỹ. Cơm Cao Ủy phát chúng tôi ăn
còn đói, còn thiếu thốn rất nhiều các phương tiện khác, nhưng không dám đòi hỏi
gì hơn. Chỉ buồn là thấy chung quanh cũng có một số ít người vì chút quyền lợi,
vì thiếu suy nghĩ nên luồn cúi cảnh sát Indonesia làm hại bà con, hoặc có các
chị chịu đi chơi riêng với người Indonesia, không tiếc phẩm giá. Lại có người độc
thân tại chỗ, vì quá cô đơn yếu đuối cần nơi nương tựa, nên đã "ghép
form" ở tạm với nhau, làm sau này gặp phải cảnh hai vợ hai chồng, không biết
chọn ai bỏ ai. Ở lại quê nhà là một dấu chấm than, nhưng ra đi được lại là một
dấu chấm hỏi to tướng. Trách nhiệm rất nặng nề, mình sẽ làm được gì cho bản thân,
cho gia đình, cho đất nước đây?...
Ngày...
Tháng...
Thời
gian ở trại Tị nạn thật dài với những vui buồn lẫn lộn. Vui vì thoát được chế độ
Cộng Sản, buồn vì xa nhà, lo lắng cho tương lai trên xứ lạ quê người. Cuối cùng
tôi và gia đình anh chị cũng tới được Cali đất Mỹ. Tôi vừa học vừa làm, mỗi
ngày mười mấy tiếng, có bệnh cũng không dám nghỉ, ráng dành dụm gởi tiền, gởi
quà về cho gia đình và bè bạn. Ngày ấy vải vóc ở Việt Nam rất quý, hơn một thước
vải xoa Pháp vài đô-la là may được một cái quần đen, nếu chúng tôi nhịn xài thì
có thể giúp được nhiều người. Mỗi khi thèm quá mua bánh kẹo trái cây ăn, cô
cháu gọi tôi bằng dì luôn xuýt xoa "Chèn ơi! Ăn hết một cái quần xoa Pháp
rồi!"
Chúng
tôi bây giờ văn minh, bắt đầu sợ mập ăn kiêng, nhưng vẫn không quên những ngày
đói khổ tại quê nhà. Chúng tôi hay nhắc lại kỷ niệm cũ như lúc phải nấu cháo ăn
cho đỡ tốn, hoặc lúc đi lặn lội đào kinh làm công tác thủy lợi do phường khóm đề
ra, không đi là cắt hộ khẩu, cắt gạo, bị kiểm điểm. Cái màn tự kiểm và bị kiểm
điểm thật ghê sợ, nếu không nói dối, không khôn khéo sẽ bị tù như chơi. Tôi khi
ấy cũng phải phụ giúp gia đình, sáng đi học chiều đi bán nước mía cho người bà
con kiếm thêm tiền. Tôi lượm vỏ mía về cho má tôi nấu ăn thay củi, vỏ mía cháy
vèo vèo nhưng chịu cực thì cơm cũng chín. Có lần lãng đãng lo ra, tôi đút cả
ngón tay vào trục xay nước mía, may mà chỉ bị mất một phần nhỏ ngón tay cái,
không bị cụt!
Tiếng
Anh là rào cản của hầu hết người Việt khi đặt chân đến xứ Mỹ
Tôi đã
từng sắp hàng cả ngày để mua được vài ký bo bo, nấu lên cứng ngắc ba tôi nhai
trệu trạo thật đau lòng. Tôi cũng nhớ có lần mang sổ hộ khẩu sắp hàng để mua được
một chia bia, đem bán chợ đen ngay để có tiền mua đi chợ. Chị tôi đi dạy học có
tiêu chuẩn mỗi tháng nửa ký thịt, nhưng chị vừa hiền lành vừa khẳng khái không
tranh dành, nên chỉ đem về chừng vài trăm gram thịt mỡ bèo nhèo, lớp cán bộ đã
ăn bớt, lớp các bạn đồng nghiệp chia chác hai ba đợt. Ba tôi lâu ngày không có
thịt ăn, ăn vào lạ bụng tiêu chảy quá chừng. Buổi cơm gia đình tôi lúc ấy thường
chỉ là rau muống luộc, đậu hũ luộc, ngày nào có khách thì mua vài cái trứng vịt,
quậy thêm với bột mì để chiên cho được nhiều. Nhiều nơi hàng xóm dòm ngó nhau,
nếu có thịt, có thức ăn ngon cũng phải dấu diếm, nếu không sẽ bị tố giác, làm
khó dễ. Cộng Sản quá khôn ngoan ác độc với những hình thức trừng phạt, gieo vào
lòng tất cả người dân một sự sợ hãi khó lòng vượt qua được. Sợ, sợ lắm, tới bây
giờ tôi vẫn còn sợ....
Nhớ lúc
mới được nhà thờ bảo trợ qua Mỹ, chúng tôi còn xấu hổ. Nhà thờ hôm ấy mừng lễ
Phục Sinh, tức là Easter có cho trẻ em chơi trò dấu trứng. Trứng đây là kẹo
chocolate gói giấy màu thật đẹp hình trái trứng, tượng trưng cho sự đổi mới
sanh sôi nảy nở. Các cháu tôi ốm nhom bé choắt, lại khai rút tuổi để dễ đi học
nên khôn lanh so với con nít Mỹ thật nhiều. Có bao nhiêu kẹo dấu ở đâu chúng
cũng hớn hở tìm ra hết, hình như chúng "hửi" được mùi ngọt, đám con
nít Mỹ ngây thơ hầu như chẳng tìm được trái trứng nào. Gia đình "Mít"
thâu lượm hết, không biết chia sẻ, không biết đây chỉ là trò chơi cho vui!
Lại còn
chuyện đãi các ông bà bảo trợ cũng mắc cười. Chị tôi mua tôm càng to đút lò,
làm chả giò và nhiều món ngon mời bảo trợ tới nhà ăn để tỏ lòng biết ơn. Dĩ
nhiên mấy dì cháu tôi đâu có tiêu chuẩn ăn tôm, nhưng may thay khách tới trò
chuyện vui quá, chị tôi quên mất món tôm còn để nguyên trong lò. Khách về chúng
tôi sung sướng thưởng thức, trong khi anh chị tôi tiếc hùi hụi....
Ngày...
Tháng...
Vấn đề
ngôn ngữ bất đồng tại xứ người cũng rắc rối. Mấy dì cháu tôi khổ sở ngày ngày
tra tự điển, uốn lưỡi tập đọc tiếng Anh, ráng nói mà sao Tây Mỹ vẫn tròn xoe mắt
không chịu hiểu. Bạn tôi ước gì có viên thuốc đặc biệt uống vào là tiếng Anh
như gió để có thể tìm việc làm mà không cần phải học. Nói tiếng Anh chúng tôi
không mỏi miệng mà mỏi tay, vì phải ra dấu diễn tả lung tung.
Hôm đó
là ngày lễ, tức là longweekend không phải đi học đi làm, nhưng chúng tôi nhận
điện tín báo tin buồn. Vì nhân viên bưu điện cũng nghỉ lễ, nên họ không tới nhà
trao điện tín, mà đọc nội dung cho nghe qua điện thoại trước, rồi sẽ giao giấy
sau. Họ đánh vần rõ ràng "Ba đã mất" nhưng khi cô cháu nhận phôn nói
lại, cả nhà không ai chịu tin. Má tôi bệnh tiểu đường, rất yếu nên má mất mới hợp
lý, chứ ba tôi còn khỏe lắm. Chúng tôi trách cháu nghe cò ra quạ, chữ M lại tưởng
chữ B, rồi khóc mà không biết khóc ai! Hôm sau nhận điện tín mới rõ đúng là ba
đã mất.
Khu
trại tị nạn ở Galang, Batam, Indonesia. Ảnh: Masgatotkaca
Qua được
xứ Mỹ nhưng chúng tôi rất hà tiện, vì mới chân ướt chân ráo làm lương rẻ và còn
đang đi học thêm. Mỗi lần chợ đại hạ giá món hàng nào, chị Hai bắt hết mấy dì
cháu chúng tôi sắp hàng mua thật nhiều về để dành. Khi có dư chút đỉnh chị mua
vàng lá để trong nhà ngắm nghía. Chúng tôi bàn nên gởi ngân hàng cho có tiền lời,
nhưng chị bảo hồi ở Việt Nam quá khổ, cái nhẫn một chỉ cũng không có nên bây giờ
chị nhất định mua ít vàng về chưng trong phòng cho bõ ghét! Ấy thế mà chị
"trúng", sau này vàng lên giá quá chừng. Chị cũng rất sáng suốt, tuy
cần tiền nhưng nhất định không cho ai "share" phòng, dù lúc này việc
cho mướn phòng kiếm thêm tiền đang rất phổ thông. Chị bảo cho đàn ông vào share
phòng thì sẽ mất con gái, còn cho đàn bà vào ở thì sẽ mất chồng!
Các
cháu tôi ít nhiều cũng biết khổ là gì vì lớn lên ở Việt Nam, biết giá trị của
cuộc sống nên cố gắng học hành, sau này đều thành bác sĩ, kỹ sư thật thành
công. Cô cháu Út bắt đầu quên tiếng Việt, nói tiếng Mỹ đúng giọng rất hay. Đám
trẻ thật dễ hội nhập, thật là mừng và cảm ơn xứ người đã cho chúng tôi cơ hội sống
tốt đẹp hơn. Nghĩ cũng lạ, nhiều nhà cha mẹ nói tiếng Anh không giỏi lắm, nhưng
con cái không biết chút tiếng Việt nào. Một người quen bảo lãnh được cha mẹ
sang giúp trông cháu, đứa cháu cần cái ly, nói tiếng Anh ông bà không hiểu, phải
gọi điện thoại vào hãng nhờ mẹ thông dịch mới có cái ly uống sữa! Do phải làm
việc nhiều, một số gia đình không có giờ dạy dỗ con cái, chúng học theo cái xấu
của Tây Mỹ trở nên hư hỏng, vợ chồng bất hòa ly dị.... Được tự do no ấm, nhưng
cuộc sống hải ngoại cũng không dễ vì đang có những vấn nạn khác, không có gì là
toàn vẹn....
Ngày...
Tháng...
Hôm nay
đi chợ bất ngờ tôi gặp lại bạn cũ. Tôi không nhận ra nhưng chị gọi tôi. Chị đi
với một thanh niên rất cao ráo, thì ra đây là cháu trai hồi đó sinh ra ở đảo -
đứa con không mong đợi khi chị bị hải tại cưỡng hiếp trên đường vượt biên. Tôi
nhớ ngày ấy chị rất buồn. Không nỡ phá thai, nhưng chị xấu hổ bó bụng lại nên
sanh ra cháu èo uột đen đủi, có người bảo cháu giống ... con khỉ. Tình mẹ thật
nhiệm mầu, dù cháu có nhăn nhó xấu xí chăng nữa chị vẫn chăm sóc, hôn hít yêu
thương. Sau khi trò chuyện, tôi biết chị sang Cali, đã lập gia đình với anh D -
người cùng thời ở đảo, nhưng anh này lớp khó tính, lớp hay đem chuyện chị bị
hãm hiếp ra dày vò mỗi khi nổi giận, nên chị ly dị ở một mình nuôi con. Tôi ủng
hộ quyết định của chị, nếu việc bị hải tặc ngày xưa mà cứ đem ra nói đi nói lại
thì chẳng khác nào làm chị bị cưỡng hiếp thêm lần nữa. Cháu trai nay sắp tốt
nghiệp dược sĩ, rất ngoan và siêng năng. Tôi thật mừng cho chị. Cuộc đời có ai
biết ai ngờ, nhiều người tưởng là sẽ thành công nhưng cuối cùng lại thất bại,
nhiều người bị thử thách nhưng không ngờ lại có thể vượt qua mà vươn lên. “Con
khỉ” ngày xưa bây giờ là một dược sĩ bảnh trai - Hạt giống đau khổ nhưng nẩy mầm
trong vùng đất tốt đã trổ sinh hoa trái tươi đẹp. Thật là một phép mầu, mà nếu
không ở xứ Tự Do hai ngoai thì phép mầu này khó có thể xảy ra được.
Ngày...
Tháng...
Chúng
tôi sống một ngày như mọi ngày, trẻ đi học, người lớn đi làm, đi chợ nấu ăn, giặt
giũ, cuối tuần thì tới nhà thờ, đi chùa, dự tiệc tùng hoặc các sinh hoạt
khác.... Dù bận rộn nhưng cũng vui. Khi kinh tế khó khăn, chúng tôi cũng bị thất
nghiệp, phải lo lắng nhưng rồi cũng có việc khác. Một số bạn bè bắt đầu nghề
làm móng tay, mở tiệm Nail khấm khá hẳn ra. Nhiều người học cao tạo được danh
tiếng trong thương trường, đóng góp đáng kể cho xã hội và được vinh danh tại hải
ngoại. Sinh hoạt văn nghệ, truyền hình, sách báo sáng tác cũng rất phong phú.
Ngược lại cũng có người buôn lậu, trồng cần sa hoặc trộm cắp, gian lận trợ cấp
welfare, medicare làm xấu hổ người Việt, nhưng cũng may số người xấu này không
đông. Trên các diễn dàn, thế giới ảo email, facebook lại hay có những bài viết
nặc danh chửi bới làm nản lòng mọi người, làm thối chí ai muốn đóng góp cho Tự
Do Dân Chủ trên quê hương, nhưng nói chung người tốt và các sinh hoạt ý nghĩa vẫn
tiếp tục được thực hiện. Thật an ủi vì đa số ai cũng sẵn lòng góp công góp của
làm việc tốt, việc thiện. Truyền thống hào hùng bất khuất, lá lành đùm lá rách
vẫn mãi tồn tại và được đề cao tại hải ngoại.
Cộng
đồng người Việt tại Mỹ nay đã vững mạnh
Riêng tại
quê nhà, cuộc sống vất vả và cái nghèo luôn hiện hữu. Một số chán nản trước đời
sống không lối thoát đầy tệ nạn nên đã tìm quên trong men rượu, thậm chí bài bạc
làm xã hội càng thêm xuống dốc. Không có Tự do Dân chủ, sống chung quanh các giả
trá dối gian, nhiều người chịu ảnh huởng trở nên xấu thật đáng tiếc. Bất công
và ranh giới giàu nghèo ngày càng rõ. Chỉ có giới cán bộ tai to mặt lớn là giàu
sụ, còn lại dân nghèo dân oan khắp nơi.... 40 năm thay vì phát triển và là hòn
ngọc sáng chói của Viễn Đông, nước tôi trở nên lạc hậu nghèo khổ hơn bao giờ.
Dù sao,
tôi cũng xin ghi lại những dòng chữ hôm nay để cảm ơn các vui buồn trong cuộc sống,
cảm ơn những thử thách để có thể tôi luyện chính mình. Tôi chân thành ghi nhớ
những gương lành, những vị đã kiên trì làm việc tốt cho cộng đồng, cho người
khác. Tôi cũng cám ơn cuộc sống tiện nghi, những phương tiện truyền thông tân
tiến giúp tin tức, kiến thức mọi người được tốt đẹp. Tạ ơn cuộc sống này dù có
nhiều phức tạp âu lo....
Ngày...
Tháng...
Thỉnh
thoảng chúng tôi cũng hưởng ứng các sinh hoạt cộng đồng, góp tiếng tranh đấu
cho Nhân Quyền, cho các Dân Oan bị áp bức không thể lên tiếng tại Việt Nam.
Riêng tôi rất thông cảm cho các nhóm tổ chức. Ai cũng bận rộn khiếm khuyết, thiếu
thì giờ, nếu có sai sót cũng rất đáng được bổ sung, cùng góp ý xây dựng sửa đổi,
không nên chửi bới mạt sát. Ngày sanh con, đem các cháu đi bác sĩ chích ngừa
các loại bệnh thông thường như đậu mùa, phong đòn gánh, tôi đã ước gì có loại
thuốc chích ngừa tinh thần, tức là làm sao chủng ngừa cho các con tôi tránh được
bệnh ích kỷ, bệnh lười biếng vô cảm cũng như các chứng hư tật xấu để các cháu
có thể xây dựng tương lai - không những cho chính mình mà còn sống vì người
khác. Bây giờ tôi thấm thía chính tôi cũng cần chích ngừa và tránh những bệnh
đó. Chính tôi phải làm gương để các cháu hiểu được thế nào là tình người, là
trách nhiệm với tổ quốc. Ai cũng sợ bị đột quỵ, bị stroke bất ngờ nằm bán thân
bất toại, nhưng cơn stroke tâm hồn có lẽ còn nguy hiểm hơn nếu không tích cực,
không sẵn lòng hy sinh và đoàn kết yêu thương. Tôi cũng đã từng bị đột quỵ tâm
hồn, ú ớ không nói được lời động viên, xin lỗi với người chung quanh hoặc nhát
sợ không dám lên tiếng cho sự thật, mặc "cha chung không ai khóc"!
Nhìn lại
cuộc sống của một người tị nạn tầm thường nhưng đầy may mắn, tôi không biết nói
sao để dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, đội ơn tiền nhân và biết ơn đất nước đã cho
tôi tạm dung. Được tự do, có việc làm, có rất nhiều quyền mà trong đó quyền căn
bản của con người được tôn trọng, được học hỏi nhiều điều hay tại Tây Phương,
được đi du lịch đó đây, con cháu có cơ hội học hành thành đạt trong xã hội mới...
tôi còn mong muốn gì hơn. Thế nhưng tôi vẫn hay tự hỏi: Bỏ nước ra đi với hai
bàn tay trắng, sau mấy mươi năm nhìn lại tôi đã làm được gì cho bản thân, gia
đình và việc chung? Tôi phải làm gì để san sẻ sự may mắn của mình cho người
khác, đặc biệt cho những đồng bào còn đang chịu áp bức, đau khổ ở quê nhà? Tôi
đã quá nửa đời người, khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại tôi nên làm gì, nghĩ
gì? Cụ Phan Bội Châu đã viết những câu thơ rất hay và làm tôi suy tư thật nhiều,
sống đứng chật trời không ích lợi gì thì sống làm chi?
Tôi xin
góp lời để hiệp thông và ủng hộ các nhà Dân Chủ tại quê hương - những anh hùng
anh thư thời đại dám vượt qua sợ hãi tù đày, sợ gia đình bị liên lụy để mang
khát vọng yêu chuộng Tự do và Nhân quyền của người dân trong nước để thế giới
hiểu được. Tôi cũng nhủ lòng phải cố gắng tích cực hơn, lạc quan hơn và làm việc
nhiều hơn, dù chỉ là những việc bé nhỏ nhưng với hết tấm lòng. Tôi tin nếu ai
cũng ra sức đóng góp thì chắc chắn việc chung sẽ có kết quả cao.
Người
Do Thái sau bao năm lưu đày đã quyết tâm trở về, và họ đã làm được. Không biết
tới ngày nào tôi mới có thể bắt đầu trang nhật ký mới bằng câu: Hôm nay chúng
tôi vinh quang trở về xây dựng quê hương, vì gông cùm cộng sản không còn - Ngày
ấy chắc tôi sẽ cảm động rơi nước mắt. Tôi chỉ còn biết cầu nguyện và hi vọng.
Xin chắp tay dâng một lời kinh tự đáy lòng để tình người được triển nở và đất
nước, con người Việt Nam sẽ sớm bước sang chặng đường mới sáng tươi..
No comments:
Post a Comment