Nguyễn Quang Dy
Viet-Studies 22-1-2016
“Quyền
lực thường tha hóa và quyền lực tuyệt đối sẽ tha hóa tuyệt đối”. (Lord Acton)
“Hệ quả không định trước” (unintended
consequences) là một quy luật diễn ra trong nhiều lĩnh vưc, nhưng ít người để
ý, lại càng ít người biết cách vận dụng để lý giải thực tế trái chiều hoặc tác
động làm thay đổi hiện trạng. Có thể do vướng chấp nên người ta dễ bị “điểm mù”
(blind spot) che khuất tầm nhìn, nên tuy mắt sáng nhưng không nhìn thấy, hoặc
thấy nhưng không chịu thừa nhận. Vì thế mới có câu, “người mù nhất là người
không chịu nhìn” (Hoặc người điếc nhất là người không chịu nghe).
Hãy thử tìm hiểu quy luật này để vận dụng nhằm lý giải
một số thực tế hoặc tác động làm thay đổi dòng chảy của sự kiện, trong bối cảnh
tranh giành quyền lực đang diễn ra hiện nay.
Càng gần Đại hội, không khí càng nóng lên, tuy giữa
Mùa Đông. Có nhà bình luận nói chưa thấy Đại hội Đảng nào lại căng thẳng, kịch
tính và quyết liệt như lần này. Trong khi các phe nhóm phân hóa sâu sắc, choảng
nhau quyết liệt một mất một còn, để tranh giành quyền lực (và lợi ích), thì giới
trí thức đòi dân chủ và nhân quyền cũng như giới truyền thông cũng phân hóa
không kém. Một số ngộ nhận, ủng hộ “ông này”, chống “ông kia” một cách quyết liệt,
thâm chí thóa mạ nhau. Việt Nam chưa đa đảng nhưng đã “đa nguyên” một cách bất
bình thường (như kinh tế thị trường định hướng XHCN). Vì truyền thông trực tuyến
có vai trò ngày càng lớn, nên bị các phe nhóm thao túng (như công cụ của họ)
trong cuộc chiến truyền thông, tung tin thật giả lẫn lôn, làm dư luận càng dễ
ngộ nhận. Tuy chưa biết ai thắng ai thua, nhưng thấy rõ người Việt càng bị chia
rẽ thì đất nước càng suy yếu, trước hiểm họa bành trướng của Trung Quốc.
Xét theo khía cạnh này thì đó là một hệ quả đáng buồn
và nguy hiểm (vì dễ mất nước). Nhưng xét theo khía cạnh khác, thì những gì tồi
tệ đang diễn ra có thể dẫn đến một “hệ quả không định trước”, làm xuất hiện cơ
hội thay đổi đột phá, biến điều không thể thành có thể. Nói cách khác (theo “quẻ
biến”), thì “càng xấu xa lại càng tốt”, theo tư duy đột phá “ngoài cái hộp”
(out-of- the- box thinking).
Một
vài dẫn chứng
Năm 1983, tại một hội nghị quốc tế về bệnh lý
“erectile dysfunction” (liệt dương) ở Las Vegas, nhà nghiên cứu Giles Brindley
đã bất ngờ tụt quần để trưng bày “của quý” đang cương cứng, trước khi thuyết
trình về vấn đề này. Bằng một hành động gây ấn tượng mạnh, Brindley đã có công
thức tỉnh cộng đồng y khoa về một vấn nạn của xã hội loài người mà lúc đó chưa
có lời giải. Các hãng dược phẩm lớn đã nhận ra cơ hội thị trường tiềm năng và đổ
xô vào nghiên cứu. Nhưng mãi đến năm 1995 hãng dược Pfizer mới nghiên cứu và
bào chế thành công thuốc Viagra, làm cải thiện chất lượng cuộc sống cho hàng
triệu người trên thế giới bị bệnh lý ED (thiểu năng tình dục), và do đó họ thu
được hàng tỷ đô-la lợi nhuận.
Nhưng ít người biết rằng Viagra là “hệ quả không định
trước” của một dự án nghiên cứu của Pfizer (từ năm 1991) về hóa chất Sildenafil
dùng để điều trị bệnh nhồi máu cơ tim (chứ không phải “cơ chim” đâu). Trong khi
làm thí nghiệm lâm sàng, các nhà nghiên cứu đã tình cờ phát hiện ra một dược
tính kỳ diệu khác của Sildenafil có thể làm cương dương. Và thế là trong mấy
năm sau đó, Pfizer đã quyết định đầu tư lớn cho các trung tâm nghiên cứu về
Sildenafil tại Anh, Mỹ và các nước khác, để tìm ra bằng được phương thuốc điều
trị bệnh lý ED, và đến năm 1995 họ đã thành công, đáp ứng nhu cầu thị trường
theo “Chỉ số Quốc tế về Chức năng Cương dương” (International Index of Erectile
Function).
Hãy lấy một ví dụ khác cho đỡ “nhạy cảm”. Ai cũng biết
trong thế kỷ 18 và 19, những người Pháp thực dân đã đến Việt Nam (và Đông
Dương) để chiếm và khai thác thuộc địa, gây nhiều đau khổ, oán hận cho người
dân bản địa, dẫn đến cách mạng giải phóng dân tộc và chiến tranh khốc liệt (đến
tận 1954). Đấy là một trang sử đau buồn về chế độ thực dân cũ (cho cả hai dân tộc).
Nhưng bên cạnh những người Pháp thực dân tham lam, còn có những người Pháp tử tế
đã làm nhiều việc tốt lành để khai minh cho người dân bản địa, đóng góp phát
triển một đất nước còn lạc hậu. Đó là cha Alexandre de Rhodes (1591-1660) và những
người khác, đã có công sáng tạo ra chữ quốc ngữ cho người Việt, một bước ngoặt
về văn hóa. Đó là Louis Pasteur (1822-1895) và Alexandre Yersin (1863-1943) và
những người khác, là những nhà khoa học và bác sỹ mà tên tuổi và việc làm của họ
đã gắn bó với người dân bản địa như là ân nhân đã tìm cách cứu họ khỏi những nạn
dịch. Đó là danh họa Victor Tardieu (1870-1937) và đồng nghiệp, đã sáng lập ra
trường Mỹ thuật Đông dương (Ecole des Beaux Arts de l’Indochine, 1925), cái nôi
của một thế hệ danh họa Việt Nam, đã để lại những kiệt tác bất tử cho đời sau.
Đó là các kiến trúc sư C. Batteur và E. Hébrard và những người khác, đã thiết kế
hầu hết các biệt thự và công sở tại Hà Nội (và Sài Gòn). Đó là vài dụ về “hệ quả
không đinh trước” trong lịch sử quan hệ Pháp-Việt, đã để lại những di sản văn
hóa, y học, hội họa, kiến trúc… như “sức mạnh mềm” kết nối hai dân dân tộc, bất
chấp trang sử thực dân đau buồn.
Một ví dụ khác là Chiến tranh Việt Nam đẫm máu (kết
thúc 1975) cũng để lại một trang sử đau buồn mà 40 năm sau vẫn còn ám ảnh người
Mỹ và người Việt, như bóng ma của quá khứ. Mãi 20 năm sau (1995) hai nước mới
bình thường hóa quan hệ, và cựu bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara mới thừa
nhận sai lầm về Việt Nam. 40 năm sau, hai nước trở thành đối tác toàn diện (và
đang trở thành đối tác chiến lược) để ngăn chăn sự trỗi dậy đầy hiếu chiến của
Trung Quốc, đặc biệt là tại Biển Đông. Trước đây Mỹ đánh (Bắc) Việt Nam để ngăn
chặn Trung Cộng. Sau đó họ lại bắt tay với Trung Cộng (bằng Shanghai Communique
và “Constructive Engagement”) để chống Liên Xô và Việt Nam. Nay Mỹ lại “xoay trục”,
hơp tác với Việt Nam để ngăn chặn Trung Cộng. Lịch sử đang lặp lại, với những
“hệ quả không định trước”.
Bên cạnh những di họa của chiến tranh (như bom mìn,
chất độc da cam), còn có những “hệ quả không định trước” như “sức mạnh mềm” gắn
kết hai dân tộc. Đó là mối quan hệ “vừa yêu vừa ghét” (love hate) giữa hai cựu
thù, nay trở thành đối tác chiến lược. Đó là thế hệ những cựu chiến binh của
Vietnam War như thượng nghị sỹ John Kerry và John McCain, đại sứ Pete Peterson,
và rất nhiều người khác (cả cựu binh và nhà báo, nhà văn và nhà buôn…) đã không
quên được Việt Nam vì ám ảnh của quá khứ và lương tâm, làm chiếc cầu nối giữa
hai dân tộc. Họ đã dũng cảm trong hòa bình (cũng như trong chiến tranh) để góp
phần hòa giải hai dân tộc và hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng một thế
giới tử tế hơn.
Một “hệ quả không định trước” khác của Vietnam War
là sự hình thành cộng đồng người Viêt tại Mỹ, với gần 2 triệu người đã định cư
vào các thời điểm khác nhau. Bên cạnh đặc điểm phức tạp do bị phân hóa sâu sắc
(như bộ phim “Terror in Little Sai gon” đã phần nào phản ánh), cộng đồng người
Viêt ở Mỹ đã đóng góp đáng kể vào xã hội đa sắc tộc của Mỹ (như “melting pot”)
cũng như làm cầu nối để gắn kết hai quốc gia cựu thù, nay đang trở thành đồng
minh chiến lược. Tại các nước khác (Canada, Úc, Anh, Pháp, Đức, v.v. ) cộng đồng
người Việt tuy nhỏ hơn, nhưng cũng có vai trò tương tự. Có thể nói, công đồng
người Việt tại Mỹ (và các nước khác) là một “hệ quả kép” của Vietnam War, là một
tài sản tiềm năng làm cầu nối cho quan hệ hợp tác Mỹ-Việt. Bên cạnh đó, tính đến
năm 2015 đã có khoảng 16.500 sinh viên Việt Nam sang Mỹ du học (đông nhất
trong số các nước Đông Nam Á). Dự án Đại học Fullbright (đã được ký kết)
là một ví dụ khác về tiềm năng hợp tác xây dựng “sức mạnh mềm”, để gắn kết hai
dân tộc.
Liên
hệ thực tiễn
Năm 1990-1991, Chủ nghĩa Cộng sản đã sụp đổ ở Liên
Xô và Đông Âu, cùng với bức tường Berlin, chủ yếu vì những nguyên nhân nội tại
của hệ thống. Nhưng cũng không thể phủ nhận vai trò lịch sử của Gorbachev như một
tác nhân đã thúc đẩy quá trình sụp đổ đó, như một “hệ quả không định trước”.
Ngày nay, tại Trung Quốc, Tập Cận Bình đang cố gắng làm ngược lại với
Gorbachev, nhằm duy trì CNCS, bằng “Giấc mộng trung Hoa” (China Dream) và “Đả hổ
Diệt ruồi” để thanh trừng các phe phái đối lập bằng lá cờ chống tham nhũng. Có
lẽ Tập Cận Bình “đâm lao phải theo lao”. Nhưng càng cố làm ngược lại, thì Tập Cận
Bình càng đẩy nhanh quá trình sụp đổ không thể tránh khỏi, mà kết cục của nó
không khác những gì Gorbachev đã làm. Đó là một nghịch lý, như một “hệ quả
không định trước”.
Nói cách khác, “màn chót của chế độ cộng sản Trung
Quốc đã bắt đầu, và các biện pháp mạnh tay của Tập Cận Bình chỉ đưa đất nước đến
đến gần hơn sự đổ vỡ” (David Shambaugh, “the Coming China Crackup”, Wall Street
Journal, March 6, 2015:). Kết luận của David Shambaugh trùng hợp với nhận
xét của Paul Krugman (và nhiều học giả khác) là Trung Quốc đã “đến điểm giới hạn”
(Paul Krugman, “Hitting China’s Wall”, New York Times, July 18, 2013). Tại
sao tỷ Phú Lý Gia Thành phải “bỏ chạy” khỏi Trung Quốc? Tại sao 64% người
giàu Trung Quốc (có tài sản trên 1.6 triệu USD) đã hoặc đang di cư khỏi Trung
Quốc? (Elizabeth Economy at Council on Foreign Relations). Chủ nghĩa dân tộc cực
đoan, hay CNXH mang màu sắc Trung Quốc, hay “Giấc mộng Trung Hoa” cũng không
ngăn được người Trung Quốc đang “bỏ phiếu bằng chân” hàng loạt (en masse). Đó
là “gót chân Asin” của gã khổng lồ Trung Quốc.
Để đối phó với những mâu thuẫn nội tại, nhằm duy trì
nguyên trạng (bên trong), Tập Cận Bình gây căng thẳng để thay đổi nguyên trạng
(bên ngoài). Với Nhật thì Trung Quốc tranh chấp đảo Điếu Ngư (Senkaku), với Việt
Nam và ASEAN thì tranh chấp Trường Sa và Hoàng Sa, để kiểm soát Biển Đông.
Trung Quốc muốn khuấy động tinh thần dân tộc cực đoan của người Trung Quốc,
bành trướng ra ngoài để đánh lạc hướng sức ép bên trong. So với các hướng bành
trướng khác, hướng Biển Đông là dễ thôn tính nhất. Trung quốc đã âm mưu chiếm
đoạt Biển Đông từ lâu, nhưng nay mới có cơ hội. Tháng 5/2014, Trung Quốc cho rằng
cơ hội đã đến nên quyết định đưa dàn khoan HD981 vào vùng biển tranh chấp với
Việt Nam, gây ra khủng hoảng quan hệ Trung-Việt, tạo ra một bước ngoặt làm thay
đổi cuộc chơi (game changer).
Sự kiện dàn khoan HD981, cũng như việc Trung Quốc
ráo riết san lấp đảo và xây dựng hạ tầng quân sự (sân bay và cảng) trên các đảo
nhân tạo, đã làm cho phái thân Trung Quốc ở Việt Nam bị mất uy tín và suy yếu
trong cuộc khủng hoảng lãnh đạo, đã xô đẩy Việt Nam xích lại gần Mỹ. Mỹ buộc phải
xoay trục, ngày càng cứng rắn hơn trong việc tuần tra Biển Đông để đảm bảo tự
do hàng hải (FONOP) và tăng cường hợp tác quân sự với Việt Nam như một đối tác
chiến lược (bỏ dần lệnh cấm bán vũ khí sát thương). Đó cũng là một “hệ quả
không định trước”. Trung Quốc càng hung hăng, càng chơi xấu với Việt Nam, thì họ
càng xô đẩy Việt Nam vào vòng tay người Mỹ. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, Việt
Nam tuy xích lại gần Mỹ nhưng không dám quá gần, tuy tách xa Trung Quốc nhưng
không dám quá xa. Việt nam tuy đang xoay trục thân Phương Tây hơn, nhưng không
dám quá thân. Tóm lại, chừng nào cái bóng của Trung Quốc còn quá lớn, bàn tay của
Trung Quốc còn quá dài, trong khi Mỹ vẫn tiếp tục “tiếng kèn ngập ngừng”, thì
lãnh đạo Hà Nội vẫn lo sợ cả hai (bên ngoài), và lo sợ lẫn nhau (bên trong). Lo
sợ là một căn bệnh tâm thần khó chữa.
Đáng lẽ Việt Nam phải mạnh lên để “Thoát Trung”, thì
gần mười năm qua Viêt Nam đã “phát triển giật lùi”, xóa sổ gần hết những thành
quả cải cách kinh tế trước đó. Tham nhũng tràn lan và quản trị vĩ mô yếu kém đã
dẫn đến thua lỗ lớn và nợ công chồng chất. Những “quả đấm thép” (như Vinashin
và Vinalines) đã tan chảy thành bùn, đẩy nền kinh tế vào vòng xoáy suy thoái và
cái “bẫy thu nhập trung bình”. Kinh tế và chính trị lệ thuộc quá nhiều vào
Trung Quốc. Quá trình thay đổi thể chế và chuyển đổi cơ cấu diễn ra quá chậm, đến
bây giờ vẫn còn giữ “định hướng XHCN”, lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo, mặc
dù các tập đoàn nhà nước đã trở thành thảm họa. Chẳng ai muốn thế, nhưng đó là
hệ quả của một tầm nhìn sai. Nó vừa là lỗi của Chính phủ (đứng đầu là Thủ tướng),
vừa là lỗi của hệ thống (do Đảng độc quyền lãnh đạo). Những gì đang diễn ra sẽ
tiếp tục làm vô hiệu hóa mọi cố gắng cải cách (do tham nhũng và quản trị yếu
kém), làm người dân càng bất mãn (do bị chiếm đất, bóp nghẹt dân chủ và nhân
quyền), đẩy chế độ đến gần hơn sự đổ vỡ (crackup) chẳng khác gì Trung Quốc. Vậy
“thoát Trung” thế nào?
Trong bối cảnh đó, chỉ có hai kịch bản. Kịch bản
xấu nhất (worst case scenario) là trì hoãn cải cách thể chế, tiếp tục lệ
thuộc vào Trung Quốc (cả kinh tế và chính trị), mất dần chủ quyền và lãnh hải,
dẫn đến “Bắc thuộc Kiểu mới”. Kịch bản tốt nhất (best case scenario) là
đẩy nhanh cải cách thể chế và dân chủ hóa, thoát khỏi định hướng XHCN (theo
kinh tế thị trường), từng bước “Thoát trung” bằng cách xoay trục để hợp tác chiến
lược với Mỹ và đồng minh (qua TPP). Giữa hai kịch bản trên là một vùng xám
(grey area), nơi có thể xảy ra bất cứ điều gì, với “hệ quả không định trước”
(hoặc tốt hơn hoặc xấu hơn). Trong vùng xám đó, nếu các phe nhóm (hay cá nhân)
tranh giành quyền lực một cách cực đoan, bất chấp luật chơi (lawless), chỉ vì lợi
ích cá nhân, không vì lợi ích quốc gia, thì họ chỉ phục vụ ý đồ của Trung Quốc.
Tranh giành quyền lực ở VN (cũng như ở Trung Quốc)
là một trò chơi cực đoan và bạo liệt, vì họ không từ một thủ đoạn nào để triệt
hạ lẫn nhau. Nhà thơ Nguyễn Duy nói, “phe nào thắng thì nhân dân đều thua”. Nếu
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị dồn vào tình huống xấu nhất, không phải chỉ mất cơ
hội làm Tổng Bí Thư mà còn có thể mất tất cả, chẳng lẽ Nguyễn Tấn Dũng lại
khoanh tay chịu chết, mà không có đòn cuối tại Đại Hội này (như tại Đại hội XI
và Hội nghị TƯ 6), có thể đem lại một kết cục bất ngờ (không theo kịch bản), vượt
ra khỏi tính toán của các bên, như một “hệ quả không định trước”. Đến giờ phút
này, khi mọi thông tin về Đại hội XII vẫn bị bưng bít trong màn sương mù bí mật,
thì mọi khả năng đều có thể (như lời đồn đoán).
Những
yếu tố làm thay đổi cuộc chơi
Thứ
nhất, ai kiểm soát được luật chơi (thủ tục) người đó có lợi
thế quyết định cuộc chơi. Trong trường hợp này, Tổng Bí thư và Trưởng ban Tổ chức
Trung ương đã nắm quyền chủ động cuộc chơi và giành được thế thượng phong, làm
cho đối phương bất ngờ (nếu chủ quan, mất cảnh giác). Luật chơi (thủ tục bầu cử)
có ý nghĩa quyết định trong việc sắp xếp nhân sự (Bộ Chính trị, các vị trí chủ
chốt (như “tứ trụ”), Ban Chấp hành Trung ương, Đại biểu dự Đại hội) có lợi cho
phe cánh của mình (để giành phiếu). Nhưng thay đổi luật chơi quá mức lộ liễu
(Quyết định 244-QĐ/TW ngày 9/6/2014) có thể vi phạm điều lệ Đảng (luật chơi cơ
bản), gây phản ứng ngược lại. Quy định Tổng Bí Thư phải là người “Miền Bắc và
có lý luận”, sẽ gây phản cảm và phản ứng, dẫn đến “hệ quả không định trước”.
Thư của cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh có thể tác động đến thái độ của nhiều người
tham gia cuộc chơi, trong trận chiến cuối cùng.
Thứ
hai, ai nắm được quân đội và an ninh (nhất là Quân khu
Thủ đô) người đó có lợi thế quyết định cuộc chơi (như “quyền lực cứng” có tác dụng
răn đe trong trường hợp có bạo động). Việc Chủ tịch Quốc hội đột ngột sang thăm
Trung Quốc trong bối cảnh chuẩn bị Đại hội, và khi Trung Quốc có những động
thái mới như ra luật chống khủng bố (có thể điều quân can thiệp vào nước khác),
tăng cường các chuyến bay vi phạm không phận VN, điều tàu và giàn khoan HD981
vào hải phận VN, là những biện pháp răn đe để tác động vào kết quả Đại hội.
Nhưng các động thái này có thể tác động ngược lại đến thái độ của những người
VN tham gia cuộc chơi (vẫn còn ý thức dân tộc), như một “hệ quả không định trước”.
Thứ
ba, ai có nhiều tiền hơn và nắm được thế giới ngầm
(underworld) người đó có lợi thế trong cuộc chiến quyết liệt, để giành giật
phiếu và thế thượng phong. Điều này đã từng xảy ra (không có gì lạ), vì tham
lam và lo sợ luôn là huyệt yếu của con người trong các xã hội lạc hậu và độc
tài.
Thứ
tư, ai nắm được công cụ truyền thông, người đó có lợi
thế lớn trong cuộc chiến giành phiếu hiện nay, có thể trực tiếp hay gián tiếp
tác động đến thái độ những người tham gia (như “quyền lực mềm”). Nhưng vì báo
chí “lề phải” dường như mất tác dụng trong trò chơi này, nên báo chí “lề trái”
(social media và blogosphere) đã trở thành những kênh thông tin hiệu quả mà các
phe phái thao túng trong cuộc chiến truyền thông quyết liệt hiện nay. Nhiều
thông tin rò gỉ không thể kiểm chứng được vì các phe phái tung ra nhằm triệt hạ
lẫn nhau, làm cho môi trường thông tin bị ô nhiễm. Những nhà báo (hay bloggers)
thiếu bản lĩnh và sáng suốt có thể bị phân hóa, trở thành công cụ của các phe
nhóm (như bồi bút). Sự phát triển của thế giới mạng và truyền thông kỹ thuật số
cũng là một “hệ quả không định trước”.
Thứ
năm, trong khi giới truyền thông bị phân hóa, thì giới
trí thức đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền cũng bị phân hóa theo. Có lẽ người
Việt Nam có truyền thống dễ bị phân hóa (?) Một số nhảy vào tham gia cuộc chơi,
ủng hộ “ông này” chống “ông kia” vì nhiều lý do khác nhau (không nhất thiết vì
ông này tôt, hay ông kia xấu). Một số khác thì đứng ngoài cuộc (như vô can),
quan sát như xem đá bóng, chờ kết quả trận đấu. Người ta nói chính trị là bẩn
thỉu (ở đâu cũng vậy), nhưng đứng ngoài hay tham gia thế nào là một chuyện
không dễ, đòi hỏi một tầm nhìn. Người ta nói im lặng hay phản kháng đều là
chính trị. “Ngay cả khi bạn không làm chính trị, thì chính trị sẽ đến với bạn”
(Aung San Suu Kyi).
Thay
cho lời kết
Robert Merton đã liệt kê năm nguyên nhân chủ yếu thường
dẫn đến “hệ quả không định trước”:
(1) Do ngu dốt nên không dự báo được trước, không
phân tích và phán đoán được tình thế;
(2) Do sai sót khi phân tích vấn đề, dựa vào thói
quen cũ nên không phù hợp với tình thế mới;
(3) Chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt mà không nhìn thấy
lợi ích lâu dài;
(4) Những giá trị cơ bản có thể tác động làm thay đổi
tình thế vào lúc cuối;
(5) Do quá lo ngại về hậu quả, mà người ta hay vội
vã tìm giải pháp trước khi vấn đề xảy ra, nên không có vấn đề lại trở thành vấn
đề. (Tại sao điều 5200 quân bảo vệ Đại hội).
Con người dễ bị nhầm lẫn, và bệnh nhầm lẫn (hay lú lẫn)
là một tai họa. Khi nhầm lẫn thì những người tài giỏi và ngu dốt cũng nguy hiểm
như nhau. Hệ quả của ngộ nhận không phải chỉ do ngu dốt mà còn do chấp và ngã,
do quá lo sợ, làm tầm mắt bị che khuất bởi điểm mù (blind spot). Những người cực
đoan và bảo thủ thường hay nhầm lẫn, vì chấp và ngã của họ quá lớn và quá lâu.
Vì luôn cho mình là đúng, nên họ thường không chịu lắng nghe, nên không nhìn thấy
và không chịu thừa nhận những cái khác bên ngoài cái hộp tư duy kín mít của họ.
Cực đoan và bảo thủ gây ách tắc cho đổi mới (bottleneck).
Có lẽ lúc này Việt Nam đang trong tình thế hiểm
nghèo nhất (từ sau chiến tranh lạnh), đứng trước một “hiểm họa kép” (double
danger) rất khó hóa giải. Đó là hệ quả của suy thoái kinh tế và thể chế (bên
trong) đồng thời với đe dọa chủ quyền (bên ngoài). Nhưng dường như lãnh đạo Việt
Nam vẫn đang lúng túng và nhầm lẫn trong việc tìm lối thoát. Muốn thoát hiểm, để
trở thành một nền kinh tế “rồng bay” tại Đông Á, vấn đề không phải chỉ phụ thuộc
vào lựa chọn lãnh đạo nào (ông X hay ông Y), chọn lối đi nào (TPP hay “Giấc mộng
Trung Hoa), mà còn tùy thuộc vào hệ quả của cuộc chiến giành quyền lực đang diễn
ra tại Hà Nội.
Thay đổi lãnh đạo mà không thay đổi tầm nhìn thì vẫn
là bi kịch.
NQD.
21/1/2016
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 21-1-16
No comments:
Post a Comment