Ngô Thị Hồng Lâm
23/01/2016
Theo lịch hẹn trước với người Giám đốc “Trung tâm
Nghị lực sống”, tôi đến Trung tâm này vào một chiều đông cuối năm 2015 trong tiết
trời se lạnh! Trung tâm tọa lạc trên tầng 6 của khu chung cư cao tầng Linh Đàm,
Hà Nội.
Thảo Vân , Giám đốc
“Trung tâm Nghị lực sống”
Tiếp tôi tại “Trung tâm Nghị lực sống” là cô gái
khuyết tật Thảo Vân , Giám đốc của Trung tâm. Thoạt nhìn tôi không thể tưởng tượng
đây là bà Giám đốc của một trung tâm đào tạo nghề vào hạng nổi danh mà thế giới
mạng đang nhắc đến với tất cả sự kính nể. Thảo Vân cho biết: cô sinh năm 1987,
là con thứ ba trong một gia đình Kito giáo ở đất Nghệ An. Cả ba anh em khi sinh
ra đều bình thường. Người chị gái đầu hiện đang sống ở Đức với cơ thể lành lặn.
Anh kế là Nguyễn Công Hùng rồi đến Thảo Vân.
Khi lớn lên thì anh Hùng bỗng bị một cơn sốt và cơ
thể bị co quắp biến dạng. Sau đó đến lượt Thảo Vân cũng trải qua căn bệnh và chịu
chung thiệt thòi như anh trai của mình. Cơ thể của cô co rút dần khi cô lên 5
tuổi. Có điều may hơn anh Hùng chút ít là đôi tay của cô hoạt động bình thường,
vẫn làm được nhiều việc.
Một thuận lợi vững chắc cho anh chị em của Thảo Vân,
cha mẹ của các em là những người rất coi trọng sự học tập và quan tâm hỗ trợ
cho các con vươn lên. Năm 2001, chiếc máy tính đầu tiên về làng là của Cha sở
Nhà thờ. Thảo Vân được bố bế vào Nhà thờ xem máy tính. Trong đầu em bắt đầu mở
ra một thế giới mới, với rất nhiều giấc mơ lạ kỳ. Và từ đây, thỉnh thoảng em lại
được bố bế vào Nhà thờ để học những bài cơ bản về máy tính do Cha sở dạy. Thảo
Vân đã tiếp thu rất nhanh kĩ thuật computer một cách bất ngờ. Một công nghệ
đang còn rất hạn chế với nhiều người khỏe mạnh, huống chi với người khuyết tật
thì hoạt động sẽ gặp vô vàn khó khăn, chật vật hơn. Nhưng hai anh em đã quyết
vượt lên.
Một năm sau, mẹ của Thảo Vân bán hết những tài sản
có giá trị trong nhà, để mua về một bộ máy tính cho anh Công Hùng học. Thảo Vân
thỉnh thoảng được học ké qua anh Hùng dạy lại, cùng với sự tự học đam mê, tự
nghiên cứu. Trong đó cô tự học cả tiếng Anh.
Năm 2003 Nguyễn Công Hùng dạy học miễn phí cho 3 bạn
khuyết tật trong làng đến nhà của mình học, để giúp các bạn hòa nhập với thế giới
văn minh. Cũng từ đó anh Nguyễn Công Hùng đã đào tạo cho 20 người khuyết tật
trong vùng. Sau khi học, các em tự mở ra dịch vụ phục vụ nhu cầu của cộng đồng,
như đánh máy, chụp ảnh kĩ thuật số, tin học để tự nuôi sống bản thân và giảm bớt
gánh nặng cho xã hội.
Năm 2005 anh Nguyễn Công Hùng được giải công nghệ
thông tin và vinh danh!
Năm 2006 Thảo Vân học hết lớp 12, với vốn công nghệ
thông tin mà em tiếp thu được từ người anh, Thảo Vân ra Hà Nội tìm cơ hội tốt
hơn để trải nghiệm cuộc sống. Trong điều kiện cực kỳ khó khăn của một người
khuyết tật gần như toàn thân, sinh hoạt của Thảo Vân vô cùng hạn chế. Mỗi khi
di chuyển em phải có người bồng bế và chăm sóc những sinh hoạt cá nhân.
Cùng với anh trai của mình, hai anh em đã nỗ lực tạo
dựng một Trung Tâm đào tạo cho các em khuyết tật vào đời, với những hành trang
bước đầu giúp các em có thể tự nuôi sống mình. Đó là kĩ năng sống, kĩ năng làm
việc với doanh nghiệp, đồng thời cũng là những công cụ khai sáng giúp các em tiếp
xúc với thế giới bên ngoài, với bao nhiều điều hay, ý lạ mà họ chưa hề biết.
Các môn học cơ bản các em bắt buộc phải thông qua là:
Tin học, chỉnh sửa ảnh, marketing online và tiếng
Anh cho mỗi khóa 30 em học sinh khuyết tật. Cộng sự có 3 người do Trung tâm chi
trả lương hàng tháng cùng với đội ngũ tình nguyện viên đầy nhiệt tình.
Chúng tôi đang trò chuyện thì có bạn Tom tìm gặp Thảo
Vân để chuyển sự hỗ trợ quý báu cho 2 em khuyết tật đang theo học tại Trung tâm
này do Tom kêu gọi bạn hữu đóng góp. Thật cảm động trước tình cảm của Tom, một
sinh viên người Anh 23 tuổi, yêu mến đất nước Việt Nam. Trong một lần du lịch đến
Việt Nam, Tom đã tìm đến Trung tâm để tiếp cận học sinh khuyết tật. Thông qua
Thảo Vân Tom đã bảo trợ hai em học sinh khuyết tật đang theo học tại Trung tâm.
Thảo Vân và Tom
Được biết, Trung tâm cũng đã nhận “thách đố” của TS
Phùng Liên Đoàn, một Kỹ sư nguyên tử lực tại Hoa Kỳ, qua quỹ “Khuyến khích Tự lập”,
của gia đình ông. Trước bài này ít lâu, Bauxite Việt Nam có
hân hạnh được biết chương trình “Khuyến khích Tự lập” của ông Đoàn, cũng biết
thêm bằng cách nào ông đã tiếp cận được Thảo Vân của “Nghị lực sống”.
Từ 2003 “Trung tâm Nghị lực sống” đi vào hoạt động đến
nay đã đào tạo nghề cho 700 người khuyết tật, giúp họ tự đảm bảo cuộc sống của
mình. Kinh phí để đào tạo cho một người khuyết tật học tại Trung tâm là 30 triệu.
Các em ăn ở và học tại Trung tâm. Khi đã có kiến thức và tay nghề, Trung tâm
còn cộng tác tìm việc cho họ. Đã có hơn 500 người khuyết tật “ra trường” từ
Trung tâm tìm được việc làm.
Một lớp học tại
“Trung tâm Nghị lực sống”.
Vừa qua, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
cũng đã vào cuộc, hỗ trợ nguồn kinh phí “Dự án dạy nghề” cho “Trung tâm Nghị lực
sống”, giúp Trung Tâm có thêm ít nhiều điều kiện tài chính để đào tạo cho những
người kém may mắn.
Tôi được Thảo Vân dẫn đến khu học tập của các em tại
tầng 10 của tòa nhà với một dàn 10 máy vi tính chất lượng tốt nhất do cộng đồng
hỗ trợ cho Trung tâm. Được biết một khó khăn lớn nhất đối với “Trung tâm Nghị lực
sống” hiện nay là: có năm phải chuyển nhà đến 6 lần. Mỗi lần đi tìm thuê địa điểm
mới là rất gian nan. Vì nhiều người Việt họ kiêng kị cho người khuyết tật thuê
nhà – một điều không thể hiểu nổi đối với các nước văn minh dân chủ, nơi luôn
dành cho người tàn tật những điều kiện ưu tiên nhất, như nhà cho thuê công cộng,
lối đi vào các quán hàng, nơi đỗ xe, nhà toa-lét…
Trong 5 năm vừa qua, vừa đào tạo, vừa kinh doanh và
được sự ủng hộ của các tình nguyện viên và sự hỗ trợ đáng kể của các nhà hảo
tâm, “Trung tâm Nghị lực sống” đã dành dụm mua được một miếng đất diện tích
250m2 ở Văn Giang. Ước mong của Thảo Vân được cộng đồng chung tay hỗ trợ, đã có
đủ tài chính để đi vào xây dựng trụ sở của mình, sắp tới sẽ có một nơi ổn định
đào tạo nghề cho người khuyết tật, vừa làm kí túc xá cho các em ở tỉnh xa nghỉ
lại, giảm bớt khó khăn cho học viên trong sinh hoạt học hành của họ.
Thật đáng khâm phục nghị lực và ý chí của một cô gái
tàn tật, những tưởng phải chịu trắng tay trước định mệnh nghiệt ngã. Vậy mà với
sự kiên cường không lùi bước trong hàng chục năm, nay công việc cô đang làm đã
giảm bớt một gánh nặng không nhỏ cho gia đình và xã hội trong việc hỗ trợ chăm
sóc người khuyết tật, ngõ hầu tạo điều kiện cho những người kém may mắn trong
xã hội có cơ hội vươn lên, hòa nhập cộng đồng. Một công việc quả đầy khó khăn
và thách thức ngay cả đối với những người khỏe mạnh bình thường. Nghị lực, ý thức
sống vượt lên chính mình của Thảo Vân còn là tấm gương soi vằng vặc cho những kẻ
lười biếng, tham nhũng, đục khoét công quỹ, miệng nói cứ như thánh nhưng thực
chất là lũ chuyên ăn tàn phá hại tài sản của đất nước!
Xin gửi đến cộng đồng trong và ngoài nước những
thành quả của công việc đầy ý nghĩa nhân văn tích cực mà Thảo Vân đang làm cho
người khuyết tật kém may mắn và rất mong nhận được sự ủng hộ, chung tay của cộng
đồng, giúp cho ngôi nhà của “Trung tâm Nghị lực sống” do Thảo Vân quản lý và điều
hành sớm thành hiện thực.
Trong sự thành công của Thảo Vân không thể không nhắc
tới một bạn gái trẻ tình nguyện phục vụ Thảo Vân trong mọi sinh hoạt như bồng bế,
tắm giặt hàng ngày, đó là Nguyễn Thị Phượng, một người bạn quý góp phần quan trọng
vào thành công của Thảo Vân và “Trung tâm Nghị lực sống”.
Nguyễn Thị Phượng
đang đỡ đần Thảo Vân
Chúc Thảo vân mãi mãi có đủ sức khỏe để giữ bền lòng
yêu công việc của mình, và những thành công đầy ý nghĩa của cô sẽ ngày càng được
nhân rộng ra, để nay mai sẽ có thêm nhiều “Trung tâm Nghị lực sống” trên một đất
nước vốn đang rất cần được góp sức để vượt qua những khó khăn cơ hồ không vượt
nổi!
N.T.H.L.
Tác giả gửi BVN
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 01:34
No comments:
Post a Comment