Sunday, January 10, 2016

CÔNG NHÂN VN : HÃY THỬ NGHĨ VỀ MỌT PHẦN SỨC LAO ĐỘNG CỦA BẠN ĐƯỢC DÙNG NHƯ THẾ NÀO ? (Nguyễn Anh Tuấn)





Sun, 01/10/2016 - 09:52 — nguyenanhtuan

Công đoàn phí được trích từ 2% quỹ lương của người lao động, về bản chất, là kết tinh từ sức lao động của họ. Song không nhiều công nhân Việt Nam biết hoặc quan tâm đến việc một phần giá trị sức lao động này của họ đang được sử dụng như thế nào. Bài viết đối chiếu giữa hoạt động tư vấn pháp lý cho người lao động ở Việt Nam với Úc nhằm đặt lại vấn đề trên một lần nữa. 

Tư vấn pháp lý là "bữa tiệc tinh thần thịnh soạn" của công nhân Việt Nam...

"Báo Lao Động phối hợp với LĐLĐ tỉnh Bình Dương tổ chức ngày hội tư vấn pháp luật cho 10.000 công nhân. Hơn 60 luật sư của Đoàn luật sư TPHCM, tỉnh Bình Dương có uy tín và kinh nghiệm sẽ tham gia tư vấn và giải đáp thắc mắc miễn phí cho NLĐ tham dự ngày hội... Các CN tham dự ví von ngày hội như một “bữa tiệc tinh thần thịnh soạn” dành cho CNLĐ." [1]

Trên đây là một đoạn trích từ bản tin Báo Lao Động thuật lại một buổi tư vấn pháp lý mà công đoàn nhà nước tổ chức tháng 11 vừa qua cho công nhân ở Bình Dương - một trong những địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước. 

Chật vật với những lo toan cơm áo gạo tiền thường nhật, thật dễ hiểu khi người công nhân Việt Nam, lớp người ngày càng đông đảo theo nhịp công nghiệp hóa của đất nước, coi mỗi dịp được luật sư tư vấn pháp lý như một 'bữa tiệc tinh thần thịnh soạn'. 

Tiệc 'pháp lý' thịnh soạn nhưng vì có tới 10000 'ăn' trong khi chỉ có 60 luật sư 'phục vụ', hẳn mỗi người chỉ được một phần nhỏ.

Thật vậy, 60 luật sư tư vấn cho 10000 công nhân, vị chi 1 luật sư 'lo' 166 công nhân. 

Tính trung bình ngày làm việc 8 tiếng tư vấn liên tục, mỗi giờ đồng hồ mỗi luật sư sẽ cần tư vấn cho khoảng 20 công nhân.

Vậy 1 công nhân được tư vấn 1 luật sư tư vấn riêng 3 phút. 

Nếu là tư vấn theo nhóm thì thời gian dành cho mỗi nhóm có thể nhiều hơn. Nhưng như thế thì chỉ giải đáp những vấn đề pháp lý chung nhất chứ khó đi sâu vào chi tiết của từng cá nhân người lao động. 

Đã thế những 'ngày hội tư vấn' này cũng không được tổ chức thường xuyên, do đó, việc luật sư tiếp tục theo đuổi (follow up) các vụ việc cụ thể của công nhân gần như không khả thi. Luật sư chỉ có thể coi công nhân như những người nhận sự hỗ trợ, chứ khó có thể coi là thân chủ. Bởi vậy, dù rằng rất trân trọng tấm lòng của các luật sư tham gia những buổi tư vấn thế này song thật khó để không nghi ngờ về tính hiệu quả của nó. 

...nhưng là món ăn thường ngày của người lao động Úc

Điều này trái ngược hoàn toàn với các luật sư làm việc cho các nghiệp đoàn mà tôi có cơ hội thực tập bên Úc. Họ thực sự coi người lao động là thân chủ, thường xuyên gặp gỡ, giữ liên lạc để giải quyết các vấn đề, giải đáp các thắc mắc dù là nhỏ nhất của người lao động.

Tôi đã từng chứng kiến việc một công nhân trong ngành dịch vụ y tế nhắn tin cho luật sư nghiệp đoàn báo rằng bị chủ lao động đòi thông tin passport. Luật sư nghiệp đoàn ngay sau đó đã hẹn gặp luật sư và quản lý của chủ lao động, chất vấn họ trong suốt phiên họp, dọa đưa ra các cơ chế giải quyết quan hệ lao động, khiến bên chủ lao động phải xin lỗi rối rít và hứa không tái phạm. 

Luật sư và cán bộ nghiệp đoàn cũng thường xuyên đến tận nơi làm việc của công nhân (workplace) để tư vấn pháp luật, đại diện họ làm việc với phía quản lý để cùng giải quyết các vấn đề ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. 

Việc được luật sư 'phục vụ' như vậy dần đã trở thành điều bình thường đối với người lao động là thành viên nghiệp đoàn ở Úc, bởi lẽ đôi bên người lao động và luật sư đều hiểu rất rõ một sự thật là lương trả cho luật sư đến từ tiền nghiệp đoàn phí nghĩa là tiền mồ hôi nước mắt của người lao động. 

(Cán bộ tổ chức cơ sở và nhân viên truyền thông của nghiệp đoàn ngành Dịch vụ Y tế HSU bang New South Wales (Health Service Union) đang đào tạo cách thức tổ chức một chiến dịch truyền thông cho đại diện người lao động từ các bệnh viên công trong vùng)

Đâu là khác biệt?

Vì sao trong khi người lao động Úc coi việc được hỗ trợ pháp lý thường xuyên từ các luật sư chuyên nghiệp là điều bình thường một khi họ gia nhập nghiệp đoàn, trong khi công nhân Việt Nam - trên danh nghĩa đều là thành viên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lại coi việc thỉnh thoảng được gặp luật sư như một 'bữa tiệc thịnh soạn'?

Phải chăng vì người lao động Úc giàu hơn Việt Nam? 

Hoàn toàn không phải. Không có người lao động nào ở Úc có thể một mình theo đuổi những vụ kiện với chủ lao động. Chênh lệch về khả năng tài chính khiến cuộc đua pháp lý trở nên bất bình đẳng, khi mà chủ lao động luôn có một đội ngũ luật sư hùng hậu thì mỗi một cá nhân người lao động hầu như không thể nào mướn được bất kỳ luật sư nào với mức lương của họ. 

Vậy ai mướn luật sư cho họ? Chính là nghiệp đoàn.

Nhưng làm sao nghiệp đoàn làm được điều này? Thử nhẩm tính, giả sử thuê 1 luật sư tranh chấp lao động trung bình hết khoảng 50,000 đô cho một vụ, số tiền không quá lớn đối với giới chủ, song lại rất lớn đối với công nhân. Tuy nhiên nếu công nhân đó tham gia nghiệp đoàn có 10,000 thành viên, tính ra nghiệp đoàn chỉ cần sử dụng 5 đô của mỗi thành viên là có thể mướn được luật sư lo cho người công nhân đang dính vào tranh chấp với chủ hãng xưởng. Nghiệp đoàn phí lúc này đóng vai trò như một gói bảo hiểm rủi ro pháp lý.

Vậy câu trả lời cho sự khác biệt ở đây không phải là Úc giàu hơn Việt Nam, mà chính là: Úc có nghiệp đoàn độc lập còn Việt Nam thì không.

Giờ hãy thử điểm qua một vài con số để thấy nếu công nhân Việt Nam có nghiệp đoàn độc lập, quyền lợi của họ sẽ được bảo vệ như thế nào. 

Lấy ví dụ công ty PouYuen Việt Nam, nơi 90,000 công nhân đình công vào tháng 3 năm ngoái để phản đối các chính sách bảo hiểm xã hội.

Giả sử họ đang nhận mức lương tối thiểu là 3,500,000 đồng/tháng [2] ,(mặc dù hiếm ai nhận mức tối thiểu cả); với mức đóng phí công đoàn 2%, mỗi công nhân đang bị bắt buộc đóng 70,000 đồng/tháng cho hệ thống công đoàn.

Vậy chỉ riêng công nhân của một nhà máy nói trên thôi đã đóng tổng cộng 70,000 đồng X 90,000 = 6,3 tỷ đồng/tháng để nuôi tổ chức công đoàn quốc doanh này. 

Số tiền này, thay vì được đóng tự động vào Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam rồi sau đó được dùng để tổ chức những 'bữa tiệc thịnh soạn' và 'miễn phí' (theo cách gọi của Báo Lao Động) như trên, nếu được dùng để duy trì bộ máy nghiệp đoàn độc lập gồm các luật sư, cán bộ nghiệp đoàn (nhân viên truyền thông, cán bộ tổ chức cơ sở, nhà đào tạo...) chuyên nghiệp thì thử tưởng tượng mọi thứ sẽ khác đi thế nào?

Giả định một bộ máy nghiệp đoàn độc lập cho công nhân nhà máy PouYuen: Ban Quản trị 5 người do công nhân bầu ra (gồm 1 chủ tịch, 2 phó chủ tịch, 1 thư ký, 1 thủ quỹ); 10 luật sư; 10 cán bộ tổ chức cơ sở; 5 nhân viên truyền thông, 5 nhà đào tạo; 5 nhân viên hành chính.

Tổng cộng 40 người làm việc toàn thời gian. Ngay cả khi trả 50 triệu đồng/tháng cho mỗi người thì tổng lương cũng chỉ hết có 2 tỷ đồng, vẫn thừa 4,3 tỷ đồng mỗi tháng. Chi trả tiền thuê trụ sở và các phí tổn khác thì vẫn còn thừa lại rất nhiều tiền để đưa vào tài sản nghiệp đoàn, cứ thế tích lũy dần đảm bảo nghiệp đoàn mạnh và bền vững về mặt tài chính để tiếp tục phụng sự công nhân lâu dài. 

Thử tưởng tượng, các công nhân Việt Nam thường xuyên được một đội ngũ cán bộ giàu năng lực hỗ trợ, giúp đỡ thường xuyên liên tục với thái độ phục vụ 'các ông bà chủ' thì quyền lợi của sẽ được đảm bảo tới mức cao như thế nào? Liệu chủ lao đông có thể 'ăn hiếp' được như lâu nay nữa hay không?

"At the end of the day, it's all about money." Đến cuối ngày, tất cả là tiền. Lý do cho sự khác biệt sâu xa là ở chỗ tiền của công nhân đang được tiêu như thế nào. 








No comments: