Sunday, January 17, 2016

BÍ MẬT CỦA ANH EM NHÀ CASTRO (Carlos Alberto Montaner - El Nuevo Herald)





Carlos Alberto Montaner
Phạm Nguyên Trường dịch
17-1-2016

Ngày 1 tháng 1 năm 2016, anh em nhà Castro cầm quyền ở Cuba được 57 năm. Cùng với thời gian, xuất hiện ba câu hỏi đáng quan tâm.

Thứ nhất, làm sao họ bám được vào quyền lực lâu đến như thế?

Thứ hai, nắm quyền lâu như thế là thất bại, như những người phản đối chế độ khẳng định hay là thắng lợi, như những người ủng hộ Castro nói?

Thứ ba, chuyện gì sẽ xảy ra ở Cuba sau khi họ ra đi?

Chế độ của anh em nhà Castro kéo dài được như thế là do chế độ độc tài này đã tìm cách tạo ra trong xã hội thái độ chấp nhận và vâng lời chính quyền.

Chế độ độc tài dựa trên sự nô dịch và kiểm soát dân chúng.

Nói cách khác, bí quyết nằm ở chỗ: nhà độc tài muốn nắm mãi quyền lực thì phải biến nhân dân thành một bày cừu và canh chừng chúng. Muốn thế phải có một bộ máy đàn áp đông đảo. Để làm việc đó, ở Cuba có Cục An Ninh Quốc gia với hơn 60 ngàn nhân viên.

Thực tế và kinh nghiệm hoạt động nhiều năm của KGB Liên Xô và Stasi Đông Đức, những nước vốn là cội nguồn của việc hình thành Cục An Ninh Quốc gia Cuba, thì số nhân viên an ninh không thể ít hơn 0,5% dân số cả nước.

Ở Bắc Triều Tiên cũng có chế độ tương tự như Cuba. Triều đại quân sự của Kim Nhật Thành đã tồn tại được hơn 68 năm. Người sáng lập chế độ độc tài này nắm được quyền lực năm 1948 và cai trị đất nước cho đến khi ông qua đời năm 1994. Sau đó, quyền lực được trao cho con trai là Kim Jong IL, và khi ông này chết thì được trao cho cháu của Kim Nhật Thành – Kim Jong Un.

Cục An Ninh Quốc gia Cộng hòa Dân chủ Nhân Dân Triều Tiên có 106 ngàn người, trong khi nước này chỉ có 24 triệu dân.

Bộ máy đàn áp của Cộng hòa Dân chủ Nhân Dân Triều Tiên tạo ra cái gọi là “sonbun”. Dân chúng được chia ra thành “đáng tin cậy”, “dao động” và “thù nghịch”, thay đổi địa vị là việc gần như bất khả thi.

Đáng tin cậy trước hết có nghĩa là được bảo đảm tốt hơn về lương thực thực phẩm, nhà ở tốt hơn và được sống trong những khu vực thuận lợi cùng khả năng được làm lãnh đạo thành phần “dao động” và “thù nghịch”. 

Fidel Castro

Raul Castro

Không có gì ngạc nhiên khi Fidel Castro thăm Bắc Triều Tiên – theo lời kể của các nhân chứng – ông ta đã kinh ngạc trước kết quả của cuộc thí nghiệm ở đây và cho rằng phù hợp với Cuba.

Thế thì phải coi chế độ của anh em nhà Castro là thành công hay thất bại?

Nếu đánh giá từ khả năng sống sót của chế thì chắc chắn phải coi đó là thành công.

Raul Castro trở thành Bộ trưởng các lực lượng vũ trang cách mạng Cuba khi mới 28 tuổi và lúc nào cũng là nhân vật số 2 sau Fidel. Đối với ông ta và những người thân cận của ông ta, việc ở trong đỉnh cao quyền lực lâu như thế chắc chắn là thắng lợi rồi.

Trong thời gian đó, nhờ các cơ quan an ninh của mình, chế độ ở Cuba đã tăng cường được ảnh hưởng không chỉ ở Venezuela mà còn ở nhiều nước Mĩ Latin khác.

Chỉ cần nhớ lại rằng quá trình thảo luận về thiết lập hòa bình cho Colombia diễn ra ở Gavana là đủ hiểu.

Nhưng nếu xem xét mức sống của người dân Cuba và sự thịnh vượng của dân tộc thì đây là thất bại hoàn toàn.

Trong vòng ba thế hệ đã có hàng ngàn người bị tử hình, hàng chục ngàn người bất đồng chính kiến bị tù đày, hàng triệu người Cuba buộc phải lưu vong sang các nước khác.

Mô hình kinh tế Cuba không hiệu quả, lãng phí và làm nghèo đất nước. Mô hình phát triển như thế được gọi là “tự phá hoại”.

Sau 57 năm cầm quyền của anh em nhà Castro, tất cả các chỉ số của đời sống như thức ăn, nước uống, nhà ở, giao thông, liên lạc, điện, quần áo và giày dép đều xấu đi. Hiện nay có hàng ngàn người Cuba đang ở Costa-Rica để chờ giấy phép vào Mĩ.

Kết quả đáng buồn của chế độ của anh em nhà Castro ở Cuba không phải là quy luật mà chỉ là sản phẩm của thói hám quyền và tham vọng, dựa trên hệ tư tưởng Mac-xít cách mạng. Để nắm quyền lực, họ sẵn sàng giết đồng bào của mình, buộc dân chúng cả nước phải sống theo những quan niệm không tưởng của họ về công bằng xã hội. Kết quả là đất nước tan hoang.

Sẽ xảy ra chuyện gì sau khi họ ra đi?

Chẳng có gì to tát hết.

Vấn đề là khi phe nhóm của Castro chưa rút ra khỏi đời sống xã hội, khi hệ thống chủ nghĩa tư bản quân sự-nhà nước như hiện nay tiếp tục tồn tại thì sẽ chẳng có thay đổi nào hết.

Đất nước tiếp tục phải chịu cảnh: nhiều người ra đi, còn nền kinh tế thì kém hiệu quả.

Vấn đề chính là người dân Cuba không cảm thấy và không tin rằng họ có thể làm được điều gì đó. Vì vậy, Mĩ có bỏ cấm vận hay không, người du lịch có đến nhiều hay không – cũng sẽ chẳng có gì thay đổi hết.

Sẽ chẳng có gì thay đổi sau chuyến thăm Cuba của tổng thống Obama và bài diễn văn ủng hộ tự do nảy lửa của ông, cũng như đã chẳng có gì xảy ra sau chuyến thăm của Giáo hoàng – lần thứ 3 trong 20 năm qua.

Người Cuba không tin hệ thống hiện hành. Họ không tin đồng bào của mình. Họ không tin các nhà lãnh đạo, càng không tin các quan chức quan liêu, những người tiếp tục lập và thực hiện kế tập trung như cũ.

Thay đổi chỉ có thể xảy ra sau khi hệ thồng quyền lực do anh em nhà Castro lập ra bị chôn vùi.

Không thể khác được.

Nguồn: El Nuevo Herald (Mĩ)

Dịch theo bản tiếng Nga tại địa chỉ: http://inosmi.ru/country_cuba/20160106/234987884.html

Đã đăng trên: Việt Nam Thời Báo
17T.1,2016
Posted by Phạm Duy Hiển






No comments: