Saturday, January 23, 2016

"ĐẤT NƯỚC NÀY CŨNG THUỘC VỀ QUÝ VỊ" (Bùi Bích Hà)





Bùi Bích Hà
Wednesday, January 20, 2016 3:15:04 PM 

WESTMINSTER - Sáng Chủ Nhật, 17 Tháng Giêng, 2016, nhằm ngày mùng 8 Tháng Chạp, Âm Lịch, năm Ất Mùi, thời tiết quận Cam rất đẹp. Trời cao, nắng nhẹ, gió hiu hiu mát. Tôi và vài người bạn đi chung xe hướng về công viên Mile Square thuộc địa phận thành phố Fountain Valley, phía đường Euclid gần ngã tư Edinger. Dài theo bờ lề phía này, xe hơi nối đuôi nhau đậu san sát. Đó là xe của những người dân quận Cam thường lui tới công viên để đi bộ, tập thể thao, bắn cung. Của các thanh thiếu niên đến để đá banh hoặc chơi các trò chơi tập thể. Chúng tôi đi dự lễ an vị tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nên chạy thẳng đến cổng vào gần đường Edinger.

Buổi sáng trong công viên đông người nhưng không gian ở đây thoáng đãng, bãi cỏ mênh mông trải mình êm ả giữa những lối đi xi măng sạch trắng và đàn vịt trời nhởn nhơ bơi lội dưới hồ nước trong trẻo. Hai bãi đậu xe dành cho khách mời có ưu tiên hết chỗ, chúng tôi chạy theo sự hướng dẫn của nhân viên trật tự xuống khu đất trống tạm dùng làm bãi đậu xe phụ rồi đi bộ vòng trở lại một quãng khá xa để đến nơi hành lễ.

OC Park đã cho dựng các lều che nắng đối diện với khán đài và pho tượng phủ khăn xanh trên bệ cao, phía sau bàn thờ có 2 lọng che. Một rừng cờ Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa phơ phất gió, làm sáng trưng một góc công viên. Đồng hương và quan khách ngồi kín tất cả các hàng ghế trong các lều và một số đông nữa đứng rải rác hoặc đi lại quanh địa điểm đặt tượng. Đội tế nữ quan của hai hội Cao Niên Á Mỹ và Bà Triệu trang phục lộng lẫy với áo dài gấm, khăn vành dây, mỗi vị một đóa hồng trên tay, xếp hàng chờ sẵn.

Chúng ta không quên binh chủng Hải Quân VNCH đã tôn vinh Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là Thánh Tổ của binh chủng do binh thư chiến lược xuất chúng Ngài đã sử dụng để đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông trên Bạch Đằng Giang, giúp nhà Trần giữ yên bờ cõi. Các anh em cựu quân nhân binh chủng Hải Quân mặc binh phục hồ cứng trắng toát, đeo giây biểu chương, nhắc nhở mọi người bờ sông Bạch Đằng với tượng của Ngài uy nghi, lẫm liệt, ngày đêm đứng đấy phù trợ những con tàu của Hải Quân Việt Nam ra khơi và trở về, một thời oai hùng trong sứ mệnh bảo quốc an dân bên cạnh Không Quân và Lục Quân.

Nhìn một vòng địa điểm hành lễ đông đầy người tham dự, ước tính con số gần hai ngàn, ngoài các trẻ em đi theo ông bà/cha mẹ, các bạn trẻ tham gia trình diễn trong nhiều tiết mục khác nhau, nhân viên các đài truyền hình/truyền thanh, phần đông khán thính giả đến dự lễ an vị tượng và vinh danh các chiến sĩ vị quốc vong thân trong trận hải chiến Hoàng Sa-Trường Sa năm 1974, đều ở lứa tuổi từ trung niên đến cao niên, thiếu vắng hẳn thành phần trẻ. Kinh nghiệm thực tế cho chúng ta biết nếu đời sống của một dân tộc không phản chiếu liên tục nền văn hóa kết tinh từ lịch sử dựng nước và giữ nước của dòng giống mình thì những trang sử sẽ chỉ là những trang sách cũ vàng úa thời gian, những danh nhân lịch sử sẽ chỉ là cổ tích, là những tấm gương không được lau chùi rạng rỡ cho đời sau soi mình noi theo. Hiểu được điều này, Giám Sát Viên Andrew Đỗ đã kết thúc bài diễn văn khai mạc của ông bằng câu nói đầy cảm xúc: “Chúng ta cùng nhau giữ cho lịch sử dân tộc luôn sống động.”

Tôi không biết lời hiệu triệu tha thiết và đầy nhiệt huyết của Ông Giám Sát Viên Andrew Đỗ đánh động đến bao nhiêu cõi lòng những người đang nghe ông, có làm lịch sử bừng sống dậy cùng với tiếng trống bồi hồi, nao nức, vuông vải xanh được lấy xuống khỏi bức tượng đứng giữa khói hương nghi ngút, để lộ rõ dung quang Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, uy vũ, tuấn tú, sừng sững in lên nền trời hửng nắng một ngày mùa đông nơi xứ người? Đối với riêng tôi, bức tượng như có linh hồn, khiến tôi mường tượng ra đất nước và dân tộc ở một khúc quanh nghiệt ngã và bi thảm, liệu có thoát khỏi ngoại xâm nếu không có một con người cao cả, tiết tháo, vĩ đại như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, không tham sống sợ chết, không màng phú quý danh lợi, suốt đời một lòng một dạ vì nước, vì dân, đã chỉ lấy cái cổ giữ cái đầu nhỏ bé của mình chống đỡ cả sơn hà xã tắc lúc ngửa nghiêng: “Xin bệ hạ hãy chém đầu thần rồi hãy hàng địch?”

Sử sách ghi rõ. Trước khi được tôn vinh trên bệ cao, trước khi hiển thánh và được thờ phượng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cũng là một chúng sinh như mọi ai, cũng có những đêm không ngủ, ngày quên ăn, cũng buồn vui, cũng lo âu, cũng hy vọng, cũng thất vọng, cũng chịu dày xéo giữa thù nhà nợ nước, cũng chao đảo ở những ngã ba đường nhưng rồi tất thắng nhờ ở trái tim quá lớn, quá thánh thiện, thương đến muôn dân hơn cả thân mình. Nhìn thấy Ngài ở đây, tha hương ngộ cố tri, lòng hổ thẹn và đau đớn như đã phụ rẫy công ơn trời bể của Ngài, nước mắt tuôn rơi, tự hỏi phải chăng Ngài vẫn theo phù trợ con dân dù chúng lưu lạc góc bể chân trời nào, dạy cho chúng bài học phục quốc: “Vua tôi đồng tâm. Anh em hòa mục. Cả nước góp sức giặc phải tan. Nên khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy.” Quyền lực tuyệt đỉnh trong tay nhưng không một mình thao túng mà theo đuổi kế sách huấn luyện thêm người, tiến cử hiền tài cho đất nước (Dã Tượng, Yết Kiêu, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Ngô sĩ Thường...). Đất nước còn, dân mới còn nên quyền lợi của đất nước luôn được đặt lên trên hết. Những khoảng thời gian ngừng chinh chiến, Ngài lui về Vạn Kiếp ẩn dật, viết sách binh thư, di dưỡng tâm hồn, chứng minh với đôi vầng nhật nguyệt và với đấng sinh thành lúc lâm chung, trối trăng Ngài phải gồm thâu thiên hạ để trả thù nhà: Ngài không phò nhà Trần vì vinh hoa phú quý, cũng không phải vì bất tài không làm được điều cha căn dặn mà chính vì nghĩa khí, coi trọng xã tắc và muôn dân hơn những tỵ hiềm riêng. Nghĩ được như vậy, sống được như vậy, quả Ngài đã hiển thánh ngay giữa cõi đời tục lụy này.

Dựng tượng Ngài giữa công viên đẹp nhất quận Cam để làm đẹp thêm lịch sử của người Việt Nam, một cộng đồng hãnh diện đóng góp phần mình một cách sớm sủa, vào sinh hoạt văn hóa/chính trị đa chủng tại vùng đất này, bên cạnh một tổng thống làm nên thời thế lỗi lạc của nước Mỹ, Ronald Reagan; bên cạnh một anh hùng chống ngoại xâm, dâng hiến trọn đời mình cho nền độc lập của Mexico, Linh Mục Miguel Hidalgo và trong tương lai, hẳn sẽ có sự góp mặt của các cộng đồng nhập cư khác nữa.

Cảm ơn Hội đồng Giám sát quận Cam đã lắng nghe và hỗ trợ tiếng nói thể hiện khát vọng tự do, dân chủ của cộng đồng người Việt di tản, cũng là những giá trị thiết thân của cả khối nhân loại tiến bộ trong đó, Hoa Kỳ là quốc gia hàng đầu đã xây dựng sức mạnh của mình trên những giá trị muôn đời ấy.

Qua lời phát biểu phấn khích và nồng nhiệt của giám sát viên địa hạt 3, Todd Spitzer: “Với tượng Hưng Đạo Đại Vương uy nghi, tuấn tú, hiện diện tại công viên này, đất nước này cũng thuộc về quý vị, những công dân Mỹ gốc Việt,” cộng đồng chúng ta đã tiến xa hơn một bước trong nỗ lực thắt chặt thêm mối tương quan thân thiện và bình đẳng với chính giới Hoa Kỳ. Ước mong chúng ta không bỏ qua khởi đầu tốt đẹp này, không xao lãng việc giữ gìn thể diện, sức mạnh đoàn kết và uy tín của cộng đồng để tiếng nói của chúng ta luôn được lắng nghe, được tôn trọng, được hỗ trợ, làm bệ phóng vững chãi cho con em thế hệ sau bước vào xây dựng một Việt Nam nhỏ bé, kiên cường, mẫu mực bên ngoài lãnh thổ, chuẩn bị một ngày không xa, trở về xây dựng lại đất nước hậu cộng sản bằng những hạt mầm tinh hoa từ bàn tay, khối óc các em luôn yêu thương, gắn bó và tự hào về nguồn cội mình.

Riêng chúng tôi biết chắc rằng, từ nay, mỗi khi chạy xe qua bốn phía đường bao quanh Mile Square Park, dù bận rộn tới đâu, cũng để tâm trí có một giây hình dung ra tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn ngự giữa công viên, cũng để lòng bàng hoàng thấy một khoảnh đất quê nhà dưới chân Ngài như một phép lạ linh hiển mà chỉ một năm trước đây, có lẽ không ai có thể ngờ...

---------------------------

TIN LIÊN HỆ :





No comments: