Saturday, January 9, 2016

ĐẠI VỆ CHÍ DỊ TÂN BIÊN – KỊCH BẢN CHỐNG KHỦNG BỐ (Nguyễn Đình Cống)





Nguyễn Đình Cống
Posted by adminbasam on 10/01/2016

Đầu đề ĐẠI VỆ CHÍ DỊ được Người Buôn Gió sử dụng, viết nhiều bài. Tôi xin phép mượn nó, thêm vào hai chữ TÂN BIÊN để viết một vở kịch, mong Người Buôn Gió thông cảm, không phản đối.

Vở kịch có 2 hồi với 3 nhân vật: Tần Cận Đế – Hoàng đế của nước Đại Tần, Vệ Kính Vương – vua nước Vệ, một chư hầu của nước Tần, Ngô Sinh – thừa tướng nước Vệ.

Vì là kịch tân biên nên nhiều chi tiết là bịa đặt của tác giả.

Hồi 1- Tại kinh đô nước Vệ. Tần Cận Đế tuần thú ghé lại.

Tần Cận Đế: Này, Vệ Kính, nói cho ngươi hay, theo tin tình báo ta nắm được thì dân chúng nước Vệ không còn dễ bảo như trước, chúng nó lập ra nhiều tổ chức dân sự, tập dượt biểu tình. Phải có lực lượng mạnh để sẵn sàng trấn áp thì mới mong giữ được chế độ, nhiều nước mất chế độ chỉ tại biểu tình của nhân dân.

Vệ Kính Vương: Dạ, rất đội ơn sự quan tâm của Hoàng thượng, nhưng bản chức cũng đã lo đâu vào đấy bằng cách tạo dựng một lực lượng an ninh hùng hậu, họ nguyện là khi chế độ còn thì họ còn, một hệ thống mật vụ rộng rãi, một quân đội với rất nhiều tướng tá được ưu đãi, bị bắt buộc thề trung thành. Nếu dân chúng có gì rục rịch thì mật vụ biết ngay, an ninh kiên quyết đàn áp, quân đội sẵn sàng hậu thuẫn. Hơn nữa, Triều đình nước Vệ cũng đang trì hoãn việc ra luật biểu tình.

Tần Cận Đế: Khá khen ngươi có chuẩn bị nhưng mới chỉ biết một mà chưa biết hai. Ngươi có nghiên cứu cuộc chính biến năm Kỷ Tỵ không? Các nước Ba La, Ru Ma, Lê Tiệp, Đô Đức, Hung ga đều là những nước có hệ thống mật vụ, an ninh, quân đội rất mạnh, hàng ngày vẫn thề thốt trung thành, khi nhân dân biểu tình, ban đầu các lực lượng vũ trang có đàn áp, bắt bớ vài ngàn người, bắn chết và bị thương vài trăm người, nhưng rồi khi biểu tình phát triển, có hàng vạn dân tham gia thì lính tráng không dám bắn vào đồng bào của họ nữa, vì biết đâu trong đó có cha mẹ, anh em, bạn bè của họ. Nhiều đơn vị an ninh quăng súng bỏ chạy, nhiều đơn vị quân đội án binh bất động, tại nhiều đồn, lính tráng ôm nhau khóc khi biết sắp phải nhận lệnh đi bắn vào dân chúng tay không. Ngươi nên nhớ lực lượng vũ trang người trong nước chỉ phát huy tác dụng trong những vụ bắt bớ nhỏ, không thể tin được trong việc đàn áp các cuộc biểu tình lớn của dân cùng nòi giống.

Vệ Kính Vương: Dạ, nghe Hoàng thượng chỉ dạy thần sáng ra được. Thực tình thần chỉ biết có cuộc chính biến năm Kỷ Tỵ ở một số nước nhưng không biết được tường tận. Xin kính mong Hoàng thượng rủ lòng thương mà chỉ dạy cho cách đối phó.

Tần Cận Đế: Ngươi phải rút bài học từ việc quân đội nước Liên Tề đàn áp dân Hung ga năm Bính Tý, triệt hạ sự nổi dậy của dân Lê Tiệp trong phong trào Mùa xuân năm Nhâm Ngọ, và gần đây, vào năm Mậu Thìn, tại quảng trường Địa Môn an của Đại Tần, để thẳng tay đàn áp hàng vạn nho sinh người dân tộc Hạ, Thái thượng hoàng Đặng Nhỏ phải huy động mấy đội quân người Liêu từ biên giới phía bắc về. Bọn người Liêu đã được tuyên truyền là chỉ vì tầng lớp nho sinh phản động, ăn tàn phá hại mà đời sống của người Liêu lâm vào đói khổ, phải tiêu diệt nho sinh là kẻ thù của nhà vua và của người Liêu. Chính nhờ thế mà lịch sử mới có cuộc thảm sát nổi tiếng Địa Môn an năm Mậu Thìn, là thắng lợi lớn về ý chí quyết tâm của Thái thượng hoàng Đặng Nhỏ.

Vệ Kính Vương: Dạ, mong Hoàng thượng chỉ dạy rõ hơn chứ với đầu óc lú lẫn thần cũng chưa hiểu hết.

Tần Cận Đế: Có gì mà không hiểu. Muốn đàn áp đẫm máu biểu tình của người thuộc dân tộc nào thì phải dùng lực lượng vũ trang thuộc dân tộc khác và phải vu cho người biểu tình là kẻ thù của họ. Việc dùng người cùng dân tộc, cùng nòi giống thì hầu như không thể đàn áp triệt để. Lý luận lừa bịp dựa vào đấu tranh giai cấp của các bậc tiên đế không thể áp dụng cho các cuộc biểu tình trong thời đại hiện nay.
(Thế rồi Tần Cận Đế ghé vào tai Vệ Kính Vương nói nhỏ mấy câu, kết thúc là… cứ như thế, như thế)

Hồi 2- Tại kinh đô nước Tần. Ngô sinh đi sứ theo lệnh của Vệ Kính Vương

Ngô Sinh: Dạ muôn tâu. Lần đi sứ của hạ thần, danh nghĩa là theo lời mời của quan tể tướng Quý quốc nhưng thực chất là để được nghe chỉ giáo của Hoàng thượng về kịch bản chống biểu tình mà trước đây Hoàng thượng đã có chỉ dụ bằng miệng cho vua nước Vệ.

Tần Cận Đế: Thực chất là đàn áp biểu tình nhưng không được nói như thế. Phải nói là chống khủng bố. Vấn đề là phải đưa quân đội của Đại Tần vào nước Vệ mới dẹp được triệt để sự làm loạn của dân Vệ để bảo vệ chế độ. Không cần đưa nhiều, chỉ vài chục người cho có hình thức, vì đại quân đã được ém sẵn tại các vị trí xung yếu ở Vệ dưới danh phận người lao động, khi cần sẽ có ngay. Để cho danh chính ngôn thuận ngươi và tể tướng của Đại Tần nên bí mật ký kết một hiệp ước tương trợ chống khủng bố quốc tế. Trẫm sẽ chỉ dụ cho tể tướng tuyên bố là quân đội Đại Tần có quyền đến các nước láng giềng tham gia chống khủng bố với điều kiện được sự đồng thuận của triều đình Đại Tần và nước sở tại. Ngươi về nước tìm cách để thượng thư phụ trách an ninh tuyên bố là tại nước Vệ đã phát hiện ra một số tên khủng bố quốc tế lọt vào. Phải phối hợp hành động nhịp nhàng, tuy không qua mặt được bọn trí thức nhưng có thể lừa bịp được số đông người trong nước và trên thế giới.

Ngô Sinh: Dạ muôn tâu. Mưu lược của Hoàng thượng thật vô cùng thâm hậu, chắc là Tào Tháo, Khổng Minh cũng chỉ đến thế mà thôi. Trước mắt nước Vệ sẽ có đại hội cung đình, Hoàng thượng có dạy bảo gì thêm không ạ.

Tần Cận Đế: Những việc quan trọng ta đã dạy bảo Vệ Kính, nhưng gần đây thấy nội bộ các ngươi đấu đá ghê quá mà cái tên Vệ Kính do lú lẫn thế nào, toàn dùng những mưu mẹo hạ sách. Ngươi về bảo Vệ Kính phải mạnh tay dùng biện pháp cứng rắn. Tập họp trên 5000 quân cấm vệ tinh nhuệ, vũ trang cung cứng, giáo dài, ngựa tốt. Bên ngoài nói là để bảo vệ đại hội cung đình nhưng thực chất là để uy hiếp đối thủ và hăm dọa nhân dân. Lại lập đường dây liên lạc cực nóng bằng các ụ lửa khói để nếu nước Vệ có biến thì chỉ sau vài khắc là ta biết được để kịp ra tay. Thôi ngươi về tiếp tục lo việc đấu đá và chỉ đạo tay chân chuẩn bị sẵn bài tuyên bố là quân đội Đại Tần đến để giúp nước Vệ chống khủng bố quốc tế, không bao giờ được nhắc đến các từ “đàn áp”, “biểu tình”, nghe rõ chưa?





No comments: