Saturday, November 12, 2011

HỒ SƠ WIKILEAKS (46) : Xung quanh việc xét đơn người Thượng tị nạn (tiếp theo & hết) - (Hà Giang/Người Việt)



HỒ SƠ WIKILEAKS (46) :
Hà Giang/Người Việt
Thứ Bảy - 12 Tháng 11, 2011




Cũng trong công điện có tựa đề “Cập nhật tình hình người Thượng, và phản hồi cáo buộc của các tổ chức phi chính phủ,” được gửi từ Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Phnom Penh về cho Bộ Ngoại Giao tại Hoa Thịnh Ðốn ngày 20 Tháng Chín, 2006, nhân viên Tòa Sứ Hoa Kỳ tại đây tường trình tỉ mỉ những đánh giá khác về tình hình người Thượng thuộc vùng Tây Nguyên Việt Nam ngày càng bỏ trốn qua Campuchia đông hơn để xin tị nạn.

Một cách tổng quát, công điện xác nhận việc ngày càng có nhiều người Thượng kéo sang Campuchia:
“Từ Tháng Giêng đến Tháng Bảy năm nay, số đồng bào thiểu số người Montagnard đến Campuchia tăng gần 50% so với cùng thời kỳ này năm ngoái, lên đến 170 người (trừ 30 người sau này được biết người Campuchia).
Phân tích kỹ hơn, công điện cho biết Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc thấy là 55% trong số 140 người này đến Campuchia vào cuối Tháng Bảy. Trong số này 17% đủ điều kiện là người tị nạn, 38% đã bị từ chối, mặc dù một người có đơn bị từ chối đang kháng án. trong số này có khiếu nại đang chờ xử lý.
Trong số 140 người Thượng, 98 đến từ Gia Lai, 20 từ Ðắk Lắk, 16 từ tỉnh Ðắk Nông và Lâm Ðồng. Năm trẻ em được sinh ra tại Phnom Penh. Hầu như tất cả những người Thượng kéo đến Campuchia năm 2006 đều xin hưởng quy chế tị nạn vì lý do bị khủng bố chứ không phải vì muốn đoàn tụ gia đình.

Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc cũng thấy có sự khác biệt lớn giữa các nhóm dân tộc hội đủ điều kiện làm người tị nạn. Chẳng hạn, trong số những người xin tị nan người Jarai, nhóm đông nhất gồm 101 người, chỉ 14 người được chấp thuận. Trong khi đó 4 trong số 16 người Hmong xin tị nạn được chấp thuận, và những dân tộc còn lại đa số là được chấp thuận.

Ðánh giá thái độ hợp tác của chính phủ Campuchia với chính phủ Hoa Kỳ và Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc trong việc xét đơn xin tị nạn của người Thượng kéo qua đây, một đoạn của công điện này viết:
“Theo đề nghị của Hoa Kỳ, chính phủ Campuchia chấp thuận sẽ có một chuyến đi đến Mondulkiri (một tỉnh miền Ðông của Campuchia, công điện viết là Mondolkiri) chung với Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc để giải cứu một số đồng bào thiểu số người Montagnard.”

Công điện cũng cho biết là giữa lúc hai bên đang có thỏa thuận này thì một nhóm 14 người Montagnards đã từ Mondulkiri tìm đến văn phòng của cao ủy tại Phnom Penh vào ngày 15 Tháng Chín, tuy nhiên một trong số những người này đã bị bắt giữ, lý do là vì chính phủ Campuchia “có bằng chứng là những người này đã nhận tiền từ một nhóm người đấu tranh người Montagnard tại Hoa Kỳ.”

Công điện viết:
“Cảnh sát Campuchia bắt giữ một người Việt gốc Khmer Krom về tội đã dùng xe gắn máy chở người nhập cảnh lậu từ TP Hồ Chí Minh đến Phnom Penh.”

Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Phnom Penh tỏ ra không đồng ý với những nhận định của giới vận động hành lang người Montagnard, khi họ cho rằng sự thông dịch sai lạc của các viên chức Việt Nam nằm trong âm mưu ngăn chặn không cho người thiểu số Montagnard được hưởng quy chế tị nạn có vẻ không đáng tin cậy.

Việc đi tìm các người Thượng được công điện mô tả trong đoạn văn dưới đây:
“Ðáp ứng yêu cầu giúp đỡ của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc để đi đến Mondulkiri, cũng như lời kêu gọi chính phủ Campuchia cho phép Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đến tỉnh Mondulkiri để điều tra những tường trình về việc người Montagnard kéo đến Campuchia trong thời gian gần đây của Ðại Sứ Hoa Kỳ, bộ trưởng Ngoại Vụ Campuchia, ông Long Visalo, nói rằng Campuchia hiểu nghĩa vụ của mình theo Công Ước Tị Nạn năm 1951, và sẽ hợp tác với Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc trong nhiệm vụ đón nhận người đồng bào thiểu số người Montagnard tại các tỉnh.”

Công điện cũng cho biết trong cùng ngày, đại sứ Hoa Kỳ đã kiểm chứng với bộ trưởng Bộ Nội Vụ Campuchia là ông Prum Sokha, và ông này cũng nói y như ông Visalo.
Tuy nhiên, ông Sokha lưu ý đại sứ Hoa Kỳ rằng những khoản của bản ghi nhớ không được thực hiện một cách đồng đều qua từng cấp bậc của cảnh sát của Bộ Nội Vụ Campuchia. Ông thừa nhận rằng Bộ Nội Vụ của nước ông đôi khi có chậm chạp trong việc đáp ứng yêu cầu của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc. Ông Sokha nhấn mạnh rằng chuyện người thiểu số Montagnard hiện đang là một vấn đề khó khăn cho chính phủ Campuchia, và nhắc đến sự lo ngại của chính phủ Việt Nam về khuynh hướng muốn ly khai của một số người Thượng. Ông Sokha còn nói thêm rằng trước sự tương đồng giữa người Thượng và các nhóm dân tộc thiểu số Campuchia ở vùng Ðông Bắc Campuchia, chính phủ Campuchia e rằng khuynh hướng ly khai này sẽ lây lan qua biên giới.

Mặc dầu đã chấp thuận cho Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đến vùng Mondulkiri ngay sau các cuộc tiếp xúc nói trên, chính phủ Campuchia vẫn chưa định ngày cho chuyến đi. Còn Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc thì công bố là vào ngày 15 Tháng Chín, 14 người Thượng từng lẩn trốn ở vùng Mondulkiri đã tự tìm đến văn phòng của Cao Ủy tại Phnom Penh. Hiện có khoảng 272 người Thượng ở rải rác trong các khu tạm trú của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tại Phnom Penh.

Dịch vụ nhập cảnh lậu người Thượng

Theo công điện thì một trong những lý do mà số người Thượng đến Campuchia ngày càng đông là vì sự hoạt động của những dịch vụ đưa người từ Việt Nam nhập cảnh lậu vào nước này:
Ngày mùng 5 Tháng Chín, cảnh sát Phnom Penh bắt giữ ông Lâm Nguyễn, người Việt gốc Khmer Krom, bị buộc tội lái xe hơi chở ba người Thượng từ thành phố Hồ Chí Minh đến Campuchia. Ông Lâm Nguyễn thú nhận đã đưa ít nhất bảy người Thượng đến đến văn phòng của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tại Phnom Penh, đổi lấy hàng ngàn đô la thù lao. Cảnh sát Camphuchia nói với báo chí là họ đã tịch thu được nhiều biên lai chuyển tiền Western Union, cho thấy việc chuyển tiền từ ngân quỹ của các nhà hoạt động thiểu số người Montagnard tại Hoa Kỳ để trả tiền cho dịch vụ đưa người xin tị nạn lậu. Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc cho biết chính ông Lâm Nguyễn cũng đã xin tị nạn, nhưng cao ủy từ chối vì thấy ông ta không phải là người thiểu số Montagnard.

Ðoạn cuối của công điện kết luận rằng Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Phnom Penh không có gì ngạc nhiên khi Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc chấp thuận đơn của đa số những người đấu tranh đòi tự do tôn giáo hay biểu lộ bất đồng chính kiến, đã từng bị nhà cầm quyền VN bắt giữ hay sách nhiễu.
Công điện cũng nhận định là số đơn xin tị nạn thực sự hội đủ điều kiện ngày càng giảm kể từ năm 2004, và số đơn điền một cách không thành thực ngày càng tăng. Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại đây cũng hiểu và sự bực mình của chính phủ Campuchia khi phải đối diện với tình trạng này.

––––
Liên lạc tác giả: HaGiang@nguoi-viet.com

.
.
.

No comments: