HỒ SƠ WIKILEAKS (45) :
Hà Giang/Người Việt
Thứ Sáu - 11 Tháng 11, 2011
Trước bối cảnh người thiểu số Montagnard thuộc vùng Tây Nguyên Việt Nam ngày càng bỏ trốn qua Campuchia để đến các trung tâm của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tại Phnom Penh xin tị nạn, và các tổ chức đấu tranh người Thượng tại Mỹ tìm cách vận động để đưa đồng hương của họ vào Hoa Kỳ tị nạn, tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Phnom Penh đã phải nghiên cứu vấn đề để tường trình cho Bộ Ngoại Giao tại Washington D.C.
Công điện có tựa đề “Cập nhật tình hình người Thượng, và phản hồi cáo buộc của các tổ chức phi chính phủ,” được gửi từ Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Phnom Penh về cho Bộ Ngoại Giao tại Hoa Thịnh Ðốn ngày 20 Tháng Chín, 2006, trình bày khá cặn kẽ cách xét đơn xin tị nạn của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tại Campuchia.
Một phần của công điện nói trên ghi lại nhận định của tòa đại sứ về những cáo buộc của các tổ đấu tranh phi chính phủ của người thiểu số Montagnard.
Công điện cho biết trong một cuộc họp ngày 11 tháng 9 với viên chức Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ, Sauerbrey, ông Kay Reibold thuộc “Dự Án Phát Triển Ðồng Bào Thiểu Số,” và thành viên các tổ chức nhân quyền người Thượng đã đưa ra một số nhận định về cách Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc xét đơn xin tị nạn của người Thượng.
Sau khi tóm tắt các cáo buộc của các tổ chức phi chính phủ về việc người thiểu số Montagnard bị bác đơn xin tị nạn một cách oan uổng, công điện tóm tắt nhận định chung của Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Phnom Penh: “Thật ra, Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đã được nghe các cáo buộc này nhiều lần, từ các nhóm vận động người Thượng.”
Rồi công điện đi vào từng điểm một của các cáo buộc.
Về khẳng định của các tổ chức phi chính phủ người Thượng tại Hoa Kỳ, rằng “đồng bào thiểu số Montagnard không trốn khỏi Việt Nam vì lý do kinh tế; mà để trốn chạy cuộc đàn áp dữ dội,” Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Phnom Penh nhận xét là điều này có lẽ để cho tòa đại sứ hay lãnh sự tại Việt Nam nhận định là tốt nhất. Tuy nhiên, “Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc từng nhấn mạnh rằng nhân viên của họ được đào tạo để đặt những câu hỏi thích hợp, ngõ hầu xét xem một người chạy trốn thực sự có bị trù dập không. Trong trường hợp có nghi vấn, nhân viên của cao ủy thường đi đến kết luận có lợi cho người nộp đơn.”
Công điện giải thích thêm, nhân viên cao ủy tỏ ra rất thông cảm với trình độ học vấn tương đối thấp của những người nộp đơn, do đó những người phiên dịch thường đặt những câu hỏi rất đơn giản, và đặt một câu hỏi theo nhiều cách khác nhau.
Công điện đơn cử một thí dụ: “Ðể đánh giá xem người xin tị nạn có bị công an sách nhiễu hay giam giữ không, nhân viên cao ủy sẽ đặt một loạt những câu hỏi liên quan đến công an, bao gồm cả câu hỏi liệu công an có đến tận nhà ở của họ không, có bắt họ phải đến đồn công an không, hay có bao giờ nhìn thấy quang cảnh bên trong đồn công an không, chứ không chỉ hỏi một câu đơn giản là có bao giờ bị công an bắt chưa.”
Và kết luận: “Nói tóm lại, đồng bào thiểu số Montagnard có nhiều cơ hội để chứng minh rằng mình bị đàn áp!”
Trước than phiền rằng Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc “không có thông dịch viên đủ điều kiện để thực hiện các cuộc phỏng vấn, khiến đơn xin tị nạn của những người Thượng hội đủ điều kiện bị bác bỏ một cách oan uổng,” Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Phnom Penh xác nhận rằng công việc thông dịch tại Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc rất cồng kềnh, đôi khi người phỏng vấn phải dịch từ tiếng Anh sang tiếng Kinh, rồi từ tiếng Kinh ra ngôn ngữ dân tộc thiểu số và đi ngược lại một vòng nữa.
Tuy nhiên, Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Phnom Penh cũng nhận định: “Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đã xét đơn tị nạn của đồng bào thiểu số ít nhất là 5 năm, và quá trình này đã trở thành thường xuyên, do đó phức tạp trong việc thông dịch không phải là không thể vượt qua. Thủ tục xét đơn của cao ủy đi qua nhiều vòng phỏng vấn, với nhiều cuộc xét duyệt hồ sơ do đó xác suất một đơn bị bác oan uổng vì trở ngại ngôn ngữ là rất nhỏ.”
Cũng theo công điện, tại mỗi trung tâm, Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đều có một thùng bỏ phiếu nhận xét mà chỉ có nhân viên cấp quốc tế (chứ không phải địa phương), mới được mở ra xem.
Công điện dẫn chứng: “Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc thường xuyên xét lại các đơn bị bác, ngay cả đối với những người không kháng cáo, để bảo đảm không có người xin tị nạn nào bị bác oan.”
Về than phiền rằng ít nhất một trong các “nhân viên của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tại Campuchia là nhân viên của chính phủ Việt Nam có nhiệm vụ lùa đồng bào thiểu số Montagnard trở về quê quán,” Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Phnom Penh khẳng định “không nhân viên ngoại quốc nào có thẩm quyền bác đơn tị nạn là người Việt Nam, và Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc không có lý do gì để có một nhân viên hoạt động cho chính quyền Việt Nam trong tổ chức của mình, và nếu biết có nhân viên nào như thế, người đó sẽ bị sa thải ngay lập tức.”
Công điện cũng cho biết thêm, trong quá khứ, các tổ chức vận động thiểu số Montagnard từng cáo buộc điều này, “nhưng khi Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc yêu cầu họ đưa ra những chi tiết cụ thể để thẩm định thì không tổ chức nào cung cấp điều gì.”
Hơn thế nữa, cũng theo công điện, Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đã “từng có những cuộc điều tra khách quan để khám phá và ngăn ngừa hành động phi pháp của nhân viên trong quá khứ.”
Ðoạn sau của công điện cho thấy nhân viên Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Phnom Penh đã điều tra tỉ mỉ trước khi đi đến kết luận. Kết luận của công điện ghi rằng: “Trước cáo buộc là chính phủ Việt Nam đã cho người trà trộn trong số những người tị nạn để hướng dẫn họ trả lời sai cho đơn bị Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc bác, Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Phnom Penh thấy rằng trên thực tế, lại có bằng chứng ngược lại, nghĩa là, chính những tổ chức đấu tranh người thiểu số đã chỉ cho người Thượng các trả lời phỏng vấn để đơn họ được chấp thuận.”
Công điện dẫn chứng: “Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ghi nhận rằng đôi khi trong quá trình khiếu nại, câu chuyện của một người hoàn toàn thay đổi để phù hợp hơn với hoàn cảnh một người đủ điều kiện tị nạn. Từ đó dẫn đến sự nghi ngờ của cao ủy là người đó đã được huấn luyện để thay đổi câu chuyện của mình. Thêm vào đó, những người thiểu số Montagnard chuyện trò với nhau rất tỉ mỉ, cho nên ai trà trộn vào các trại để đưa ra những câu trả lời sai, chắc chắn sẽ bị khám phá nhanh chóng.”
Tuy nhiên, công điện cũng nhận định rằng những phản bác trên không loại trừ xác suất là chính phủ Việt Nam có thể đã cho người vào trại tị nạn để dò la tin tức về những người hoạt động của những tổ chức đấu tranh người Thượng ở Hoa Kỳ.
(Kỳ sau: Xung quanh việc người thiểu số Montagnard bỏ trốn từ Việt Nam qua Campuchia xin tị nạn).
–––––
Liên lạc tác giả: HaGiang@nguoi-viet.com
.
.
.
No comments:
Post a Comment