Việt Nam đi nước đôi nhằm tránh hiểm họa Trung Quốc
The Hanoist
Trần Ngọc Cư dịch
07/08/2010 4:00 sáng
http://www.talawas.org/?p=23120
Trong khi Trung Quốc và Việt Nam chính thức chào mừng “Năm Hữu nghị”, đánh dấu năm thứ 60 kể từ ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Hà Nội lại âm thầm theo đuổi một kế hoạch quân bình lực lượng để đối phó với người láng giềng phương bắc. Những nét chính của chiến lược này còn đang hình thành, gồm có triển khai một lập trường chung giữa các nước ASEAN để đối đầu với Trung Quốc, cầu thân với Hoa Kỳ và thành lập các quan hệ an ninh quốc phòng với các cường quốc chính ở trong vùng.
Tuy nhiên, đường lối này diễn tiến như thế nào là còn tùy thuộc vào chính trị nội bộ của Việt Nam cũng như lợi ích quốc gia của từng nước liên hệ. Hà Nội đã sử dụng chức chủ tịch của ASEAN (gồm 10 thành viên) để đưa những tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông vào chương trình nghị sự của Diễn đàn ASEAN tại Hà Nội. Năm 2002, Trung Quốc và ASEAN đã ký một qui tắc ứng xử không ràng buộc (non-binding code of conduct) và từ đó Bắc Kinh đã tìm cách giải quyết các dị biệt qua các cuộc đàm phán song phương với từng nước, theo đó Trung Quốc thường áp đảo phía bên kia.
Trong khối ASEAN chỉ một mình Việt Nam là có biên giới trên đất liền từng tranh chấp với Trung Quốc, cộng thêm những tranh chấp lãnh hải đang diễn ra về Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa), hai chuỗi đảo trong Biển Đông. Philippines cũng giành chủ quyền trên Trường Sa, trong khi Malaysia và Brunei lại đòi chủ quyền một phần ở đó. Những nước khác trong khối ASEAN lâu nay vẫn vui vẻ để cho Việt Nam “đứng mũi chịu sào” trước sức ép của Trung Quốc trong khi họ phát triển quan hệ mậu dịch và đầu tư mạnh mẽ hơn với Bắc Kinh.
Cho đến nay, hình như chỉ có sự hợp tác giữa Việt Nam và Malaysia [trong vấn đề Biển Đông] là cao nhất so với các nước khác. Năm ngoái hai nước cùng đứng tên đưa hồ sơ ra trước ủy ban điều hành Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc. Hồ sơ này vẽ ra các vùng kinh tế riêng biệt của Việt Nam và Malaysia trong vùng Nam Biển Đông, nhưng liền bị Trung Quốc bác bỏ là “bất hợp pháp” – vì Trung Quốc đòi toàn bộ lãnh hải từ Đài Loan đến Singapore.
Thái độ hung hãn của Trung Quốc đã khiến nhiều nước khác trong khối ASEAN, mặc dù không có quyền lợi trực tiếp với vùng biển đảo nói trên, cũng phải lưu ý. Khi ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố tại Diễn đàn ASEAN vào ngày 23 tháng Bảy rằng Hoa Kỳ có một “lợi ích quốc gia trong việc tự do đi lại trên biển, tự do sử dụng các hải phận quốc tế châu Á, và tôn trọng luật pháp quốc tế tại Biển Nam Hải”, Indonesia, Singapore, Malaysia, Phippines, Brunei và Việt Nam trong số mười hai quốc gia liền biểu lộ sự đồng tình về một “tiến trình ngoại giao có sự hợp tác đa phương”.
Bằng cách dấn thân vào cuộc tranh chấp Biển Đông, Hoa Kỳ bắt đầu hậu thuẫn ASEAN triển khai một đối sách chặt chẽ hơn ở trong vùng này. Tin tức cho hay trong các cuộc họp riêng, Việt Nam đã thúc đẩy Hoa Kỳ phải có lập trường cứng rắn hơn nữa với Trung Quốc. Và Hà Nội sẽ hưởng được nhiều lợi thế nhất nếu các quốc gia ASEAN luôn luôn đoàn kết nhau khi đối phó với Trung Quốc.
Vì hồ sơ nhân quyền của Hà Nội khá bết bát, Hoa Kỳ và Việt Nam khó có thể trực tiếp theo đuổi một liên minh quân sự, nhưng hai nước cựu thù vẫn tổ chức các cuộc thảo luận an ninh quốc phòng hằng năm và các cuộc trao đổi có định kỳ về các vấn đề quân sự. Trong những năm gần đây, tàu của Hải quân Hoa Kỳ đã ghé lại cả chục lần tại các hải cảng Việt Nam và có ít nhất hai lần các sĩ quan Việt Nam được không vận ra thăm các tàu sân bay của Mỹ.
Mặc dù lãnh đạo của Đảng Cộng sản tại Hà nội đang phân vân có nên trở thành quá thân với Washington hay không, nhưng càng ngày họ càng nhận thức rằng Hoa Kỳ là rất thiết yếu để đối trọng lại với sự vươn dậy của Trung Quốc.
.
Các đồng minh châu Á
Mặt khác, lãnh đạo Việt Nam không hề e dè về việc họ công khai hợp tác với Nga, một cựu đồng minh cộng sản trong thời Chiến tranh Lạnh. Việc củng cố quan hệ an ninh quốc phòng sâu sắc hơn với Moscow không những mở thêm một bước đi nước đôi nhằm đề phòng Trung Quốc, mà còn giúp Việt Nam hiện đại hóa quân đội, một quân đội vẫn còn dựa rất nhiều vào trang bị mà Nga viện trợ vào thập niên 70 của thế kỷ trước.
Hà Nội hiện nay là khách hàng hàng đầu mua vũ khí của Nga, gồm có các hợp đồng vừa ký kết để mua 6 tầu ngầm diesel hạng Kilo và 20 máy bay chiến đấu đa chức năng Sukhoi Su-30. Vào cuối năm nay, Việt Nam sẽ tiếp quản hai tàu khu trục loại Gepard do Nga chế tạo, và các cuộc thảo luận đang diễn ra nhằm yêu cầu Nga xây dựng và giúp điều hành một căn cứ tầu ngầm tại Việt Nam, có lẽ tại vị trí chiến lược Vịnh Cam Ranh.
Ấn Độ là một đối tác khác trong vùng có cùng một mục tiêu chiến lược với Việt Nam. Vào ngày 27 tháng Bảy, hai nước đã đồng ý tăng cường hợp tác quốc phòng nhân chuyến viếng thăm Việt Nam của tham mưu trưởng quân đội Ấn, tướng V K Singh. New Delhi lấy làm lo ngại vì Bắc Kinh ra sức triển khai sự hiện diện của mình trong Ấn Độ Dương. Trung Quốc và Ấn Độ cũng có tranh chấp biên giới từ lâu, một cuộc tranh chấp đã bùng nổ thành chiến tranh năm 1962.
New Delhi và Hà Nội có cùng quan tâm chiến lược đối với Trung Quốc và, qua lịch sử, hai chính phủ đã thừa hưởng những quan hệ rất gần gũi, những quan hệ được nhào nặn từ các cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa thực dân. Cả hai quân đội đều sử dụng các trang bị tương tự do Nga chế tạo.
Một hợp đồng bề ngoài mang màu sắc thương mại, nhưng thực chất có thể đã tăng cường quan hệ chiến lược giữa Ấn Độ và Việt Nam. BP, vì muốn gây vốn để chi trả các phí tổn cho việc dọn sạch môi trường sau vụ rò rỉ dầu trong Vịnh Mexico, đã rao bán đủ loại tài sản trên toàn cầu, gồm cả phần hùn đầu tư tại vùng trũng Nam Côn Sơn nằm ngoài khơi duyên hải nam Việt Nam. Theo tin tức báo chí, chính phủ Việt Nam đã cho phép một tổ hợp gồm các hãng năng lượng quốc doanh Ấn Độ và Petro Việt Nam sang lại phần hùn của BP.
Một điều có ý nghĩa là, dự án khai thác khí đốt thiên nhiên trên qui mô lớn này nằm trong vùng trũng Nam Côn Sơn, nơi mà BP đã công bố vào tháng Ba 2009 là sẽ ngưng việc thăm dò, vì sức ép của Trung Quốc. Bằng cách quay sang các hãng Ấn Độ khó bị Trung Quốc đe nẹt hơn, Việt Nam đang mạnh dạn xác định quyền khai thác năng lượng trong đặc khu kinh tế 200-dặm của mình.
Trong khi đó, Nhật Bản và Việt Nam vừa mới công bố thiết lập đối thoại an ninh song phương giữa các viên chức ngoại giao và quốc phòng của hai nước. Các cuộc đối thoại an ninh quốc phòng là một diễn biến có ý nghĩa trong mối quan hệ song phương của hai nước, một mối quan hệ cho đến nay chỉ tập trung vào thương mại và viện trợ. Nhật Bản cũng đang mở ra các đối thoại tương tự với Hoa Kỳ, Australia và Ấn Độ.
Thật không mấy ngạc nhiên khi Việt Nam phải đi nước đôi, nước ba để chống lại mối đe dọa chiến lược của Trung Quốc. Hai nước có một lịch sử xung khắc lâu dài, kể cả việc Trung Quốc giành lấy quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam năm 1974. Hai nước láng giềng cũng lâm vào một cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi năm 1979 và đánh nhau một trận hải chiến tại quần đảo Trường Sa năm 1988. Theo các nguồn tin của giới ngoại giao, hai bên cũng đụng độ vũ trang trên biển cách nay không lâu, tức vào năm 2005 và có lẽ lại thêm một lần nữa vào năm 2008, nhưng chẳng bên nào muốn tiết lộ những tin tức này.
Chắc chắn là, Việt Nam không có đủ tư thế ngoại giao hay ở vào một vị trí địa lý có thể lãnh đạo một liên minh quốc tế chống Trung Quốc. Trong ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt các cán bộ cao cấp ngành công an và ban tuyên giáo, có nhiều người muốn đi theo mô hình cởi mở kinh tế nhưng khép kín chính trị của Trung Quốc. Phe thân-Trung Quốc cách đây không lâu đã đứng đằng sau một đợt trấn áp nhắm vào các bloggers và các người tranh đấu chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc trên những vùng mà người Việt Nam cho là lãnh thổ của họ.
Tuy nhiên, hiện nay, ngay trong giới lãnh đạo Việt Nam hình như đã có một sự đồng thuận tương đối về việc phải quân bình ảnh hưởng của Trung Quốc bằng cách phát triển quan hệ với các cường quốc khác trong vùng, như Hoa Kỳ, Nga và Ấn Độ. Sự đồng thuận trong Đảng sẽ diễn ra như thế nào và những quan hệ chiến lược với các cường quốc sẽ phát triển như thế nào, hai khả năng này phần lớn tùy thuộc vào cán cân lực lượng đạt được giữa các phe phái trong Đảng vào Đại hội Đảng Cộng sản sang năm, được mọi người đang chờ xem.
.
The Hanoist chuyên viết về chính trị và người dân Việt Nam.
Nguồn: “Vietnam hedges its China risk”
Bản tiếng Việt © 2010 Trần Ngọc Cư
Bản tiếng Việt © 2010 talawas
.
.
.
No comments:
Post a Comment