Trần Hoàng Lan
21/08/2010 6:00 chiều
http://www.talawas.org/?p=23712
.
Vẹt là loài chim có bộ lông sặc sỡ, có khả năng bắt chước tiếng nói của người nên thường được nuôi để làm chim cảnh. Vẹt không thuộc loại động vật quý hiếm và cũng chẳng lạ lẫm gì với con người. Thế nhưng ở quốc gia nọ lại có một giống vẹt khiến du khách đến đây lần đầu đều không tránh khỏi ngạc nhiên.
Vẹt nhiều
Vẹt ở đây nhiều vô kể, hầu như khắp mọi nơi đều có. Những phố sang trọng, nơi làm việc của trung ương Đảng và Chính phủ phải có tới hàng trăm. Còn những phố có cán bộ tỉnh hoặc tương đương cũng phải tới hàng chục. Ngay cả những nơi hẻo lánh, dân cư thưa thớt, nổi tiếng nghèo, cũng có vài ba con.
Chủ của vẹt
Giống vẹt thường, người ta nuôi làm cảnh, dạy nói để nghe cho vui, nếu nó lỡ học được vài câu tục tĩu, hỗn hào có khi chủ lại khoái. Còn giống vẹt đang nói ở đây do Đảng và Nhà nước nuôi bằng tiền Nhà nước, tức là tiền thuế của dân. Giống vẹt quốc doanh, vẹt của Nhà nước này được dạy nói để phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của Đảng nên không thể phát ngôn tùy tiện, lung tung như vẹt thường. Vì vậy Đảng và nhà nước phải lập hẳn một hệ thống các Ban Tuyên giáo từ trung ương xuống địa phương để chuyên dạy và điều khiển chúng.
Nói nhiều, nói như nhau và cả im lặng cũng như nhau
Đã nhiều, lại nói khỏe, nên vẹt quốc doanh có thể phục vụ bàn dân thiên hạ từ sáng tinh mơ đến tận đêm khuya, cần thiết có thể 24/24 và thành ngữ “nói như vẹt” còn có thêm nghĩa nói nhiều, nói khỏe. Có chung một ông chủ là Ban Tuyên giáo nên vẹt quốc doanh thường nói giống hệt nhau khi tuyên truyền, ca ngợi, bôi xấu, trả lời các câu hỏi liên quan tới những “vấn đề nhạy cảm”.
Khi tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chúng luôn làm tốt vai trò của những chiếc loa truyền thanh là nói đúng đến từng câu chữ và còn sáng tạo hơn bằng cách biết chua thêm những từ như “đúng”, “sáng suốt”…
Khi ca ngợi, đặc biệt là ca ngợi lãnh tụ, chúng luôn vượt xa ngay cả các bậc tiền bối vốn nổi danh về nịnh. Có lệnh của chủ, chúng sẵn sàng dùng những ngôn từ bóng bảy, đẹp đẽ để biến một kẻ thậm chí là tội phạm thành anh hùng, vĩ nhân trong nháy mắt.
Khi chủ ghét ai, chúng cũng nhanh chóng tìm được những cái gì xấu xa nhất để bôi bẩn người đó.
Khi phải trả lời các câu hỏi “nhạy cảm” của du khách thì chúng chỉ cần giở “túi khôn” của ông chủ, trong đó đã có sẵn những câu trả lời. Chẳng hạn du khách hỏi tại sao chính quyền bắt giam những người bất đồng chính kiến? Câu trả lời là: Chính quyền chỉ bắt giam những người vi phạm pháp luật, những người bị bắt là những người vi phạm pháp luật. Còn khi được hỏi rằng trong nước có tù chính trị không? Phải khẳng định rằng: Không có! Trường hợp du khách nêu tên, tuổi cụ thể của người tù, lại khẳng định tiếp: Đó là người vi phạm pháp luật, can tội “xâm hại an ninh quốc gia”. Nếu du khách có nêu thắc mắc tại sao nhà nước không chịu thực hiện đầy đủ các điều luật về nhân quyền như công ước của Liên hiệp quốc thì giải thích cho họ rằng: Mỗi quốc gia có một đặc thù riêng nên có cách vận dụng nhân quyền khác nhau, nhân tiện tố cáo một số thế lực thường lấy chiêu bài nhân quyền để áp đặt các điều kiện chính trị lên một số nước. Đặc biệt khi du khách hỏi về tự do dân chủ ở trong nước thì bao giờ cũng phảỉ lớn tiếng thay mặt mọi người trong nước nói rằng: Ở đây có tự do dân chủ gấp triệu lần các quốc gia khác. Những câu hỏi về mối quan hệ với “nước lạ” thì câu trả lời bao giờ cũng phải xoay quanh “4 điều tốt” về tình hữu nghị và “16 chữ vàng”.
Ông chủ cũng luyện thành công cho vẹt quốc doanh một phản xạ: Khi nghe du khách tố cáo các hành động xấu xa của Đảng, nhà nước thì trước tiên phải chối bay chối biến sau đó mới chờ chỉ đạo để trả lời tiếp.
Một luật bất thành văn cho vẹt quốc doanh là: Nói xấu ai thì tùy, nhưng phải chừa ra các ông lớn, nhất là các ông trong Bộ Chính trị. Với các vấn đề “nhạy cảm”, việc nói hay dừng nhất nhất phải theo lệnh của ông chủ. Phạm luật này đồng nghĩa với phạm tội “làm lộ bí mật quốc gia” và tất nhiên không thể tránh khỏi bị trừng trị.
Đặc điểm và cũng chính là thói quen mà vẹt quốc doanh tạo được sau bao năm dạy dỗ của ông chủ là sẵn sàng đổi trắng thay đen, vu oan giá họa khi cần. Chính vì vậy nên khi muốn hạ uy tín của ai, ông chủ chỉ cần phát tín hiệu là ngay lập tức cả nghìn con như một, đồng thanh bêu xấu người đó. Đã có rất nhiều nhân vật bị Đảng, Nhà nước liệt vào diện “các thế lực thù địch” là nạn nhân của các thói quen này.
Không chỉ nói mà cả sự lặng im của vẹt quốc doanh cũng giống nhau. Trước các thông tin về biên giới, hải đảo bị lấn chiếm, ngư dân bị bắn giết,… chúng đều một mực im lặng như không biết. Có khi đang đồng thanh, cao giọng, bỗng nhận được lệnh, thế là cả ngàn con như một bỗng đột ngột lặng im.
Cây gậy và củ cà rốt
Vẹt quốc doanh tuy tham ăn nhưng lại nhút nhát. Biết rõ đặc điểm này nên để trị chúng, ông chủ thường áp dụng chiến thuật “cây gậy và củ cà rốt”. Những con nào có giọng nói hay, giỏi ca ngợi, nịnh hót, nói đúng, nói đủ những lời đã chỉ bảo, sáng tạo trong việc nói xấu, vu cáo các “lực lượng thù địch” thường được thưởng những củ cà rốt rất hậu, cá biệt còn có con trở thành lãnh đạo cao cấp. Còn những con bướng bỉnh, có giọng nói hay nhưng lại thường phanh phui các sự thật làm mất uy tín của Đảng, Nhà nước, không chịu nói như dạy dỗ, uốn nắn, thì ông chủ dùng “cây gậy” để trị. Trước tiên chúng được liệt vào diện “các thế lực thù địch”, phạm tội “chống phá nhà nước”. Tiếp theo, với tội danh này theo luật pháp sẽ có những hình phạt dành cho chúng: nhẹ thì bỏ đói, bịt mỏ không cho nói, nặng thì ngồi bóc lịch trong nhà đá.
Cứ vài năm một lần vẹt quốc doanh lại được Đảng, Nhà nước cho tiền tập hợp nhau lại để kiểm điểm việc nói năng, bình chọn những con có uy tín để làm thủ lĩnh. Công việc này tuy có gây tốn kém cho ngân quỹ nhưng bù lại nó giúp Đảng, Nhà nước chấn chỉnh, loại đi những con bướng bỉnh, và đặc biệt con thủ lĩnh sẽ giúp được nhiều việc rất đắc lực.
.
Cơ chế thị trường
Gần đây, khi số vẹt quốc doanh ngày càng nhiều, có đủ các phương tiện hiện đại để nói, thì cũng là lúc người dân từ chán chuyển sang ghét nghe chúng. Trái lại dù bị cấm đoán, bắt bớ nhưng họ lại tìm mọi cách để nghe được tiếng nói của “các lực lượng thù địch”. Nghịch cảnh trên thực chất cũng chỉ là một quy luật của cơ chế thị trường: Những món hàng nào thừa mứa, kém chất lượng tất sẽ bị ế ẩm, ngược lại loại khan hiếm chất lượng cao sẽ vô cùng đắt giá.
Phát ngôn nô
Câu tục ngữ “ăn cây nào rào cây ấy” hàm ý nhắc người chịu ơn phải luôn nhớ ơn và trả ơn. Có những chính quyền đã trơ trẽn coi nhân dân là kẻ chịu ơn của mình để biện minh cho sự tồn tại của một chế độ mục ruỗng, thối nát. Lũ vẹt quốc doanh ở quốc gia nọ, để biện minh cho thân phận của mình cũng trơ trẽn tự nhận là kẻ chịu ơn của Đảng, Nhà nước. Vì vậy ngoài vẹt quốc doanh, một cái tên xứng đáng hơn có thể đặt cho chúng: đó là “phát ngôn nô”.
.
8/2010
© 2010 Trần Hoàng Lan
© 2010 talawas
.
.
.
No comments:
Post a Comment