Monday, August 23, 2010

TRƯỜNG CHUYÊN LỚP CHỌN

Trường chuyên lớp chọn

Phùng Hi

23/08/2010 10:00 sáng

http://www.talawas.org/?p=23830

.

Trong trả lời phỏng vấn của tờ Văn Nghệ Trẻ về dự án 2300 tỉ đồng xây dựng hệ thống trường chuyên, số 31 ra ngày 01-8-2010, giáo sư Hồ Ngọc Đại cho rằng đó là hành động ảo tưởng và xuẩn ngốc! Và chúng tôi xin bàn góp thêm cùng bàn đọc.

*

Hầu như mỗi tỉnh thành của nước ta đều có ít nhất một trường chuyên bậc trung học phổ thông (THPT). Một kiểu phong trào, ai cũng có, không có không được, kiểu trăm hoa cúc đều bắt nở ra bông vạn thọ cả. Và cũng gần như mỗi một trường THPT đều có từ một đến hai lớp chọn, thuộc ban khoa học tự nhiên. Xin nhấn mạnh là không có lớp chọn nào cho ban khoa học xã hội (!). Chúng tôi hỏi nhiều vị hiệu trưởng, tại sao phải mở lớp chọn trong trường THPT, đều nhận được câu trả lời: “Chúng tôi lựa những học sinh có điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 cao, làm thành lớp chọn. Tất nhiên không ngoài mục đích để các em thi đỗ đại học nhiều hơn”. Thật là quan ngại. Thưa quí độc giả, tư duy về mục đích của trường chuyên hiện nay cũng giống như mấy vị hiệu trưởng vừa nói về lớp chọn vậy thôi. Đó đâu phải là sách lược, chiến lược giáo dục, đào tạo mang tầm quốc gia?

.

Chương trình cho trường chuyên lớp chọn hiện tại, chẳng qua là thời lượng được tăng lên bằng mọi cách cho mỗi môn học, để giáo viên dạy mở rộng hơn một chút, khó hơn một chút (nếu có) từ bộ SGK phân ban hiện hành. Chắc gì cụm lí thuyết mở rộng kia, bài tập thực hành khó hơn kia là đúng, xét cả về mặt khoa học lẫn giáo dục học? Xin ghi nhận rằng, học sinh trong trường chuyên lớp chọn có tích cực, thi đua trong học tập hơn, nhưng cũng không ít trường hợp lợi bất cập hại từ kiểu dạy – học nhồi nhét này.

.

Hiện nay, toàn bộ giáo viên THPT còn đang dạy, đều tốt nghiệp đại học sư phạm sau năm 1975. Ai cũng rõ thời điểm đó và trước đó nữa, lưu hành câu: “Chuột chạy cùng sào, nhào vô sư phạm”. Cũng từ đó đến nay, có thể nói không quá rằng, hầu hết học sinh giỏi không chọn ngành sư phạm để thi. Vậy nguồn giáo viên để phụ trách trường chuyên lớp chọn, lấy ở đâu? Một số ít giáo viên biết tìm tòi, nghiên cứu, thường xuyên tự đào tạo lại trong quá trình giảng dạy, cùng lắm chỉ ở mức chấp nhận được. Không có thầy giỏi, sao dạy được trò giỏi?

.

Được biết Bộ Giáo dục – Đào tạo sắp triển khai dự án 2.300 tỉ đồng để xây dựng và phát triển hệ thống trường chuyên, chúng tôi không hiểu với số tiền lớn đó, Bộ sẽ đầu tư vô hạng mục nào trước, trong khi giáo viên đủ khả năng dạy trường chuyên quá ít, gần như bằng không. Không phải cứ đổ tiền vào là có ngay giáo viên giỏi mà cần có tầm nhìn ít nhất mười năm, hai mươi năm sau. Tức là cần thời gian và chính sách ưu đãi (thực sự) cho ngành giáo dục để lấy được nguồn giáo viên giỏi từ học sinh giỏi ở bậc phổ thông. Nói rõ thêm, không phải kiểu “giáo viên giỏi” được chứng nhận ồ ạt theo phong trào qua những lần hội giảng cấp trường, cấp tỉnh lâu nay.

.

Người ta ngộ nhận rằng, nếu cho giáo viên THPT được học lên thạc sĩ, tiến sĩ thì sẽ dạy được trường chuyên lớp chọn. Quả là ngây thơ! Đừng làm rối thêm nền giáo dục, vốn đã rối không thua gì canh hẹ. Nhân chuyện giáo sư Ngô Bảo Châu, người từng học trường chuyên lớp chọn ở Việt Nam, đoạt giải thưởng Fields về việc chứng minh bổ đề Langlands, là giáo viên dạy toán, chúng tôi vui mừng và tự hào khôn xiết. Vừa mừng đó lại lo ngay, rồi đây trường chuyên lớp chọn chắc loạn lên mất. Lo quá, lo quá. Lo kiểu làm giáo dục theo phong trào của những cái đầu có tầm nhìn hạn hẹp, những cái tâm đục ngầu vật chất thấp hèn, nhưng cứ đòi “đi tắt đón đầu”.

.

Xin kể một câu chuyện để kết thúc bài viết:

Nhân bàn về thầy Khổng, một giáo viên đứng tuổi nọ nhắc: “Đó là vị vạn thế sư biểu” (người thầy của muôn đời). Chúng tôi hỏi lại “Thưa thầy, tại sao người ta phong cho Khổng Tử là vạn thế sư biểu?”. Ông giáo viên này giải thích, nào là học trò Khổng Tử đỗ đạt làm quan to, nào là sinh thời thầy Khổng dạy cách trị quốc cho các vị vua thời Chiến quốc v.v… Sai bét. Người đời cho rằng Khổng Tử – Vạn thế sư biểu là bởi khi giảng dạy: Một, ông theo khả năng, bản tính của mỗi người mà dạy (nhân tài thi giáo). Hai, ông để học trò tự do phát biểu tư tưởng, tình cảm của mình, không ép ai vào khuôn khổ. Ba, ông luôn nêu ý tưởng làm khởi điểm cho học trò suy nghĩ.[1]

Vâng, nếu giáo viên đủ năng lực (giỏi) làm được như Khổng Tử khi đứng lớp thì cần gì trường chuyên lớp chọn!

© 2010 Phùng Hi

© 2010 talawas


[1] Đây là kết luận tôi rút ra khi đọc quyển Đại cương triết học Trung quốc của Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê.

.

.

.

No comments: