Friday, August 20, 2010

TRUNG QUỐC LÀM SAO ĐỂ BỊT ĐƯỢC MIỆNG MỸ

TQ làm sao để bịt được miệng Mỹ
Minxin Pei - Trà Mi lược dịch

20-08-2010

http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7706

.

Trung Quốc không nên giựt mình vì tuyên bố của Mỹ. Và cẩn thận để khỏi phản ứng thái quá, Min xin Pei
.

Quan hệ Mỹ-Trung Quốc dường như đang đi vào vùng sỏi đá. Đầu tiên là sự tiết lộ về việc Trung Quốc và Pakistan đã ký một thỏa thuận có thể đưa tới việc xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân ở Pakistan do Trung Quốc đảm nhận, tình hình đó đã khiến Washington phải quan tâm nhiều hơn.

Sau đó, Bắc Kinh công khai hoá sự bất mãn với việc Hạm đội 7 và Hải quân Hàn Quốc thao diễn quy mô trong biển Nhật Bản, và nói rằng họ xem sự phô trương sức mạnh quân sự đó làm ‘mất ổn định.’

Nhưng tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vào ngày 23 tháng 7 tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) ở Hà Nội, “Hoa Kỳ hỗ trợ quá trình cộng tác ngoại giao của tất cả mọi bên để giải quyết những tranh chấp lãnh thổ không bị ép buộc,” và còn thông báo rằng Hoa Kỳ “phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa từ bất kỳ quốc gia (tranh chấp) nào.” Tuyên bố này đã làm Trung Quốc nổi giận, quan chức TQ đã lên án Mỹ đang muốn “quốc tế hóa” những tranh chấp ở vùng biển Đông.

Ở mặt ngoài, người ta thấy Bắc Kinh có vẻ hoàn toàn hợp lý khi khó chịu về những nhận xét của Clinton. Đầu tiên, bà Clinton rõ ràng đã làm Trung Quốc chưng hửng. Dường như Hoa Kỳ không gởi một tín hiệu nào báo cho TQ biêt trước rằng Clinton sẽ có một thông báo quan trọng tại ARF năm nay, được xem như một cuộc họp mặt bình thường.

Thứ hai, địa điểm bà Clinton chọn để phát biểu, ngay tại Hà Nội, đã làm Trung Quốc khó chịu vô cùng. Việt Nam là một trong những quốc gia chính đang trong vòng tranh chấp (lãnh thổ với TQ) và tuyên bố của Clinton, dù có vẻ mang tính trung lập, thực sự gần gũi và có lợi hơn cho Hiệp hội các nước Đông Nam Á.

Vì vậy, trong mắt của Bắc Kinh, Washington đã chọn đồng minh. Trung Quốc tin rằng, mặc dù cuộc tranh chấp lãnh thổ đã âm ỉ từ lâu ở biển Đông, họ đã có những bước nghiêm túc để giải quyết mối quan tâm của những nước láng giềng. Thí dụ, năm 2002, Trung Quốc và ASEAN đã ký một Tuyên bố lịch sử về Quy tắc Ứng xử của Các nước trong vùng Biển Nam Trung Hoa (1) cam kết tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp lãnh thổ. Trong khi đó, một số quan chức của ASEAN hy vọng rằng Trung Quốc sẽ ký một thoả hiệp chính thức về Quy tắc Ứng xử vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, Bắc Kinh không nên cho phép để cơn giận làm mất cái khôn. Chắc chắn, chưa có Ngoại trưởng Mỹ nào đã công khai tuyên bố về tư thế của Mỹ trong những tranh chấp ở biển Nam Trung Hoa (điều này trở nên khía cạnh quan trọng nhất trong lời tuyên bố của Clinton). Nhưng mặt khác, bản chất của lời tuyên bố của bà Hilary không tách rời quan điểm cố hữu của Mỹ về những tranh chấp ở Biển Đông. Như thế, trên thực tế, Mỹ không thay đổi chính sách.

Thật vậy, mặc dù tuyên bố của bà Clinton dường như là một cú sốc khó chịu, quan chức Trung Quốc thực sự cần phải chú ý nhiều hơn đển những tuyên bố gần đây của Washington về tranh chấp ở biển Nam Trung Hoa — tháng Hai năm nay, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Robert Scher đã tuyên bố tương tự như Ngoại trưởng Clinton tại cuộc họp về Hội đồng Xét lại về Kinh tế và An ninh giữa Mỹ-Trung Quốc, một cơ quan của Quốc hội.

Và nếu Bắc Kinh đã không quan tâm đến tuyên bố của ông Scher thì cũng nên để ý đến lời bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates vào ngày 5 tháng 6. Phát biểu tại cuộc Đối thoại Shangri-la ở Singapore, ông Gates tuyên bố rằng ‘biển Nam Trung Quốc là một khu vực có mối quan tâm ngày càng tăng ... Chính sách của chúng tôi rất rõ ràng: điều quan trọng là sự ổn định, tự do vận chuyển và sự phát triển kinh tế không bị cản trở phải được được duy trì. Chúng tôi không đứng về bên nào trong những tranh chấp chủ quyền, nhưng chúng tôi phản đối việc sử dụng vũ lực và hành động cản trở tự do di chuyển trên biển. Chúng tôi phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm đe doạ các công ty Mỹ hoặc công ty của bất cứ quốc gia nào khác đang tranh chấp vào các hoạt động kinh tế hợp pháp. Tất cả mọi bên phải cùng nhau làm việc để giải quyết sự khác biệt bằng những nỗ lực hòa bình, đa phương phù hợp với tập quán pháp luật quốc tế.”

Lạ thay, tuyên bố của Bộ trưởng Gates chua cay hơn so với tuyên bố của Ngoại trưởng Clinton, nhưng đã không thấy phản đối ồn ào từ phía Trung Quốc.

Vì vậy, các quan chức Trung Quốc không cần phải quá chú trọng vào từng con chữ trong tuyên bố mới đây của bà Clinton về (tranh chấp ở) biển Nam Trung Hoa, và TQ chắc chắn không nên phản ứng thái quá và gây hấn với Washington về một việc-không-phải-là-vấn-đề như thế này.

Cách trả lời hay nhất của Trung Quốc với Mỹ là nên dùng cái duyên của mình làm đòn phản công lại những nỗ lực ngoại giao muộn màng của Washington để khôi phục lại ảnh hưởng và uy tín ở Đông Nam Á. Suốt mười năm qua, Trung Quốc đã đạt được những thành công lớn trong việc dùng ảnh hưởng kinh tế và khả năng ngoại giao của mình để trấn an các nước trong vùng Đông Nam Á và cải thiện hình ảnh của TQ trong khu vực.

Trên thực tế, để dập tắt cơn bão ngoại giao nho nhỏ này
và bịt miệng Hoa Kỳ Bắc Kinh chỉ cần ký vào Thoả ước về Quy tắc Ứng xử ở Biển Nam Trung Hoa với các nước trong khối ASEAN.


© DCVOnline

Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân, 裴敏欣) là viện sĩ thỉnh giảng tại Carnegie Endowment for International Peace và là giáo sư khoa chính phủ tại College Claremont McKenna

Nguồn: How China Can Shut US UP, by Minxin Pei, The Diplomat, 02/08/2010.

DCVOnline: (1) Ngày 4 tháng 11, 2002 10 Ngoại trưởng của các nước trong khối ASEAN - Indonesia, Malaysia, the Philippines, Singapore, Thailand, Brunei, Burma (Myanmar), Cambodia, Laos, và Vietnam - đã ký bản Tuyên bố “Declaration On The Conduct Of Parties In The South China Sea” với Trung Quốc; tuy nhiên, người ký bản tuyên bố này cho TQ chỉ ở vai Thứ trưởng Ngoại Giao lúc đó – Wang Yi (
王毅, Vương Nghị).

.

.

.

No comments: