Friday, August 13, 2010

TIẾNG NÓI CỦA AI ?

Tiếng nói của ai?

Đào Hữu Nghĩa Nhân

Aug 11, '10 3:16 AM

http://nghianhan.multiply.com/journal/item/121

Trước hàng loạt các vấn đề nóng hôi hổi gần đây trên các trang mạng lề trái phản ánh việc công an thi hành phận sự làm chết người vô cớ như ở Bắc Giang, Thanh Hóa và mới nhất là việc công an Thái Nguyên mặc thường phục bắn nát đùi một nữ sinh viên khi phát hiện họ đi xe máy không đội mũ bảo hiểm.

Vấn đề muốn đặt ra ở đây những vụ việc lùm xùm và gây bất bình trong dư luận ghê gớm là thế nhưng hầu như báo chí nước nhà hoàn toàn yên lặng và gần như không có bất kỳ một dòng thông tin nào dám khẽ khàng đưa lên mặt báo để trấn an dư luận, hay làm rõ những uẩn khúc của những sự cố đáng tiếc này. Đơn cử như vụ việc ở Bắc Giang, hành vi của công an đánh đập làm chết anh Khương đã rõ mười mươi, dân chúng bức xúc biểu tình rầm rộ, đập phá xe cộ, trụ sở,.. thế nhưng không hiểu vì lẽ gì mà tất cả các trang báo chính thống đồng loạt không dám đưa một dòng thông tin nào?

.

Nói thật việc báo chính thống bỏ qua các sự kiện nóng này chứng tỏ báo chí không phải là cơ quan ngôn luận của nhân dân. Báo chí chưa dám là người định hướng thông tin như ý kiến chỉ đạo của đảng. Báo chí chỉ dám đăng các tin nóng này khi nó đã nguội lạnh và được phép. Điển hình như TTrẻ chỉ dám đăng lại bài của TTXVN mà không hề có bất kỳ bài viết nào của riêng mình. TTrẻ đăng lại bài của TTXVN một cách dối trá và đáng xấu hổ như vậy, không hiểu bản thân những người làm báo có thấy nhục nhã vì sao mình hèn nhát như thế không? Và bản thân họ có tự hỏi và đặt lại vai trò của mình có còn là một nhà báo chân chính hay không, hay chỉ đơn thuần là những chú vẹt thông tin, như là cái loa phường on off theo người quản lý nó?

.

Nếu sự việc chỉ dừng lại đó thì còn đỡ nhục. Đàng này hễ khi có anh công an nào “hy sinh” khi đang thi hành công vụ là ngay tắp lự, ngày hôm sau sẽ có đồng loạt các báo đua nhau đăng tin “nóng” này. Chưa dừng lại đó, báo chí công cụ còn tiếp thêm hàng loạt các bài phóng sự mô tả lại những chiến công hiển hách trong quá khứ của người quá cố, hoàn cảnh thương tâm của chàng dũng sĩ đã vì đảng quên thân, vì Việt nam XHCN quên mình. Rằng chàng hết sức anh dũng liều mình vào hang bắt cọp cho dù chàng biết rằng sinh mạng của mình như chỉ mành treo chuông, với chàng đó chỉ là chuyện nhỏ. Vì sự bình an của tổ quốc VNXHCN, vì những công dân đời đời yêu đảng mà chàng chấp nhận sự trả giá sinh mạng của mình. Cái sinh mạng chỉ có ý nghĩa khi chàng phụng sự cho đảng, phụng sự cho con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Và cuộc đời chàng sẽ vô nghĩa khi chàng không phụng sự cho nó! Thậm chí các nhà làm báo chân chính của đảng ta còn xây dựng, viết nhiều bài mô tả cái cốt cách cao thượng của chàng, tấm lòng của chàng vời đồng đội, với nhân dân, hay cả xóm giềng của chàng. Đặc biệt có nhiều bài mô tả về tình yêu vợ con của chàng, những hy sinh thầm lặng của chàng giành cho gia đình của chàng, những khó khăn về kinh tế của gia đình chàng, những đứa con tuyệt vời của chàng,… Nhiều bài viết hay đến nỗi đã làm không biết bao nhiêu độc giả phải rơi lệ vì tấm gương cực kỳ anh dũng và những đức tính cao thượng của chàng. Nhà báo đã thánh hóa hình tượng chàng nhiều đến nỗi khi người ta chôn cất chàng xong rồi mà người vợ của chàng phải quật mộ chàng lên khóc hoài, khóc mãi vì những bài viết quá ư là lâm li, ly biệt. Đôi khi cũng vì những bài viết như vậy mà nếu như vợ chàng, người ở lại muốn dùng dằng đi bước nữa cũng không dám. Bởi vì làm thế sẽ khiến cho nàng mất điểm trong mắt công chúng. Mới hay người chiến sĩ CAND có một giá trị vĩnh hằng và to lớn nhường nào. Đổi lại khi mà những công dân đã lỡ chết dưới bàn tay giết người có giấy phép của chàng, thì số phận của anh ta không bao giờ có phần may mắn như chàng. Cái chết của anh ta sẽ mãi nằm im trong bóng tối, hoặc vì một lý do “chính đáng” nào đó người ta cũng sẽ có những kết luận rằng người chết đó vì một nguyên nhân nào khác thật đáng chê trách như có tiền sử rượu bia, ma túy hoặc đột tử,… chẳng hạn. Tuyệt không có những phóng sự, hoặc điều tra riêng của cánh nhà báo “chân chính” dám nói lên sự thật về cái chết đầy uẩn khúc của một “con người”!

Nói có sách mách có chứng. Vụ Bắc Giang cả thế giới đều biết nhưng T Trẻ thì im như thóc. Dư luận xã hội về vụ này chưa bớt nóng thì T Trẻ lại “dại dột” đăng bản tin thời sự hot của mình như là gáo nước lạnh tạt vào họ. Thiết nghĩ nếu như BBT khôn ngoan hơn không nên đăng bản tin chết tiệt này trong thời điểm hiện nay, bởi dù gì cũng đã có hàng trăm tờ báo khác làm thay rồi. Đăng bài này giống như khoe, “Tớ làm báo bằng cái đầu của tuyên giáo” . Điển hình như TT ngày 11 tháng 8 năm 2010 có đăng bài một chiến sĩ công an ở Tiền Giang Trần Minh Nhựt “hy sinh” khi làm nhiệm vụ. Anh Nhựt đã bị tên côn đồ đâm nhiều nhát dao khiến người chiến sĩ CAND phải “hy sinh” khi vừa tròn 50 tuổi.

.

Xung quanh cái chết của anh Nhựt hẳn có nhiều vấn đề để nói lắm, nếu có cuộc điều tra độc lập và công tâm chắc sẽ có lắm điều thú vị? Nhưng với truyền thông nước nhà, thì hẳn là kẻ đã gây ra cái chết của anh sẽ bị “pháp luật” trừng trị, và cái chết của anh tất nhiên cũng sẽ là tấm gương mẫu mực cho các đồng đội anh học tập!

.

Ai chết đi cũng là mất mát và đau thương cho gia đình và xã hội. Điều đáng buồn là đối với báo chí không như vậy. Khi một công dân bình thường chết dưới bàn tay công cụ bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ thì cái chết của anh ta sẽ không được truyền thông nói đến. Ngược lại khi công cụ bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ chết dưới bàn tay công dân vô tội hoặc không vô tội, sẽ bị truyền thông lên án và chỉ trích kịch liệt. Thử hỏi vai trò của báo chí nhảm như thế mà còn ra rả rằng: “báo chí là diễn đàn của nhân dân, phương tiện phản biện xã hội tích cực” nghe không ổn và lọt tai chút nào. Trừ phi nói… với thằng điên!

.

.

.

No comments: