Tuesday, August 17, 2010

NÓI ĐẾN "NHÂN QUYỀN", TẠI SAO KHÔNG?

NÓI ĐẾN “NHÂN QUYỀN”, TẠI SAO KHÔNG?

Nguyễn Tuệ Anh

[15.08.2010 22:38 - Nhịp Cầu Thế Giới Online]

http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=2498

Không hiểu tại sao ở Việt Nam, hễ cứ nói đến hai chữ “nhân quyền” là bị coi là đụng chạm, là “nhạy cảm”, như thể đó là “taboo” không bằng. Một xã hội coi trọng con người thì vấn đề nhân quyền không phải là “taboo”, không-thể-động-chạm-đến. Ngược lại, những gì chống lại con người mới là cái cần loại bỏ.

.

Một xã hội coi trọng con người thì trẻ em đến trường không phải sợ thầy cô giáo, ra đường không phải sợ chú công an. Trẻ em không được nuôi dạy bằng dọa nạt mà bằng tình yêu, sự tôn trọng. Một xã hội coi trọng con người thì trẻ em không thể thất học vì không có tiền đóng học phí. Một trẻ em không được đến trường đã là quá nhiều, là không-thể-biện-minh được, chứ đừng nói đến việc “có thể phải chấp nhận hàng triệu trẻ em thất học vì tăng học phí”.

.

Một xã hội coi trọng con người thì người nghèo không phải chết vì không có tiền đút lót bác sĩ. Người tàn tật không bị xa lánh, chế nhạo, bị tước đoạt quyền tham gia vào đời sống vì xã hội đơn giản là không có chỗ cho người đi xe đẩy.

.

Một xã hội coi trọng con người thì người ta không thờ ơ vô cảm đi ngang qua một tai nạn, hay bỏ mặc hàng xóm chết đuối vì còn mải lo cứu con bò nhà mình. Người ta không rải đinh ra đường, mong cho người khác nổ bánh xe mà ngã chết. Người ta cũng không hùa nhau đánh hội đồng những người đã ngã ngựa, mong người đó chết đi cho nhanh.

.

Một xã hội coi trọng con người thì người dân không phải co rúm người vì sợ khi đến các cơ quan công quyền. Người ta sẽ hạnh phúc khi ra phường đăng ký kết hôn chứ không phải chán ngán soạn ra những cái phong bì để bôi trơn mấy cái bộ mặt nặng chình chịch chỉ biết có hạnh sách và quát tháo.

.

Một xã hội coi trọng con người thì tất cả con người đều bình đẳng, và một người dân có thể kiện lãnh đạo nhà nước nếu bị làm tổn hại quyền lợi, mà không sợ bị trù dập, hay rêu rao bôi nhọ trên báo, đài.

.

Một xã hội tôn trọng con người thì con người ở đó có quyền được sống cho ra một con người. Nghĩa là yêu thì nói là yêu, ghét thì nói là ghét, đúng thì nói là đúng, sai thì nói là sai, không phải học cách dối trá, nịnh bợ, đổi trắng thay đen, để phải hổ thẹn với lương tâm. Không ai bị truy đuổi vì có suy nghĩ khác với đám đông hay một nhóm người cầm quyền.

.

Ở một xã hội coi trọng con người, những con người ở đó sẽ biết tự coi trọng mình, không làm những việc hạ thấp nhân cách. Sẽ không có cán bộ ngoại giao buôn lậu động vật quý hiếm, hay phi công chở hàng buôn lậu và hàng ăn cắp. Sẽ không có cảnh hàng đoàn con gái đứng xếp hàng cho đàn ông ngoại quốc lựa chọn như một món đồ. Và sẽ có những quan chức có đủ liêm sỉ để xin lỗi, nhận trách nhiệm, và từ chức.

Một xã hội như thế, có gì là xấu xa, để chúng ta không dám nói đến?

Nguyễn Tuệ Anh

.

.

.

No comments: