Nhậu: 85% uống nỗi nhục và nước mắt — 15% uống máu dân
(ký sự / tường thuật)
05.08.2010
Giữa trưa nắng, 11 giờ sáng, trước cổng cơ quan Uỷ ban Nhân dân huyện, một người đàn ông da dẻ hồng hào, mắt sáng, dáng bộ quắc thước, mạnh mẽ, tóc dài và trắng phau, xoã ngang lưng, tung trong gió, mỗi khi cái đầu ông lắc lư thì những dòng suối tóc bay lên như thể mây trời gặp gió. Ông đi qua, đi lại, đi tới, đi lui, trước cổng uỷ ban huyện. Những cán bộ vẫn ngồi bên trong uỷ ban, họ có vẻ như không hay biết gì. Và ông đi như vậy cho đến 12 giờ trưa, vẫn không có cán bộ nào ra về. Tự dưng, với tâm lý hiếu kỳ, tôi ngồi trong quán nước và quan sát ông suốt hơn một giờ đồng hồ. Ông vẫn cứ đi, cán bộ vẫn ngồi trong cơ quan. Họ làm việc luôn trưa chắc, hay là người đàn ông này thần kinh không bình thường, hoặc say rượu, hoặc có âm mưu khủng bố?! Cái màu da đỏ au của ông cho thấy rất có thể ông say rượu. Và bất ngờ, một cán bộ phóng xe ào qua cổng, người đàn ông hét: “Đứng lại, không tao bắn!” Chiếc xe dừng khựng lại, anh cán bộ mặt tái lét tái xanh, có vẻ thủ thế. Người đàn ông quát to vào mặt người cán bộ: “Mày về bảo sếp mày tuyển người có chữ vào làm việc nhé. Tuyển gì toàn mấy người thất học về để cứ lúc nào cũng đi học, đi học, lấy ai phục vụ dân? Mẹ kiếp tụi bay, có cái giấy chứng nhận mà tao đi cả tuần không xong. Học, học, tuyển người có học về làm đó nghe không!” Anh cán bộ gật đầu lia lịa rồi dông xe mất hút. Và những cán bộ khác ra cũng gặp y như vậy, người đàn ông này không chừa ai.
.
Đợi cho cán bộ Uỷ ban về hết, tôi lân la hỏi chuyện người đàn ông này, câu đầu tiên của tôi là: “Dạ, cháu không phải cán bộ. Cho cháu nói chuyện với bác chút được không? Mời bác vào quán uống nước kẻo nắng!” Người đàn ông nhìn tôi một lúc rồi nói: “Không cần giải thích, nhìn là biết, chú mà cán bộ gì, nhìn mặt chú sáng sủa, có tư cách, không thể là cán bộ được!” Tôi nín cười, nói tiếp: “Bác nói hơi quá ấy chứ cháu không phải cán bộ vì cháu để đầu trọc thì có!” Người đàn ông cười ha ha ha vỗ vai tôi và nói: “Vào quán làm ly nước mía đã. Mẹ... tức quá, nói nhiều, giờ khát nước bỏ mẹ!” Tôi lại nín cười dắt ông vào quán nước.
.
Tôi không quên hỏi ông cất súng ở đâu mà lúc nãy doạ bắn nghe dễ sợ vậy, hơn nữa mang theo súng trong người thì chỉ có công an hoặc thứ gì gì đó chứ thường dân thì rắc rối vô cùng... Ông cười, móc trong túi áo ra một cây súng nước, “Hề hề... Bọn quan tham thì hèn nhát, bọn quan dốt thì rất tham, nên chi hai loại đó sợ cái này, sợ cả đồ con nít chơi, hề hề... Hỏi em chứ ai thời mà cán bộ ăn lương nhà nước, đó là thuế của dân thì phải phục vụ nhân dân chứ có đâu cứ đi học, hết tại chức lại đến chuyên tu, học mãi mà viết vẫn cứ sai chính tả, bằng này bằng nọ mà gặp người nước ngoài cứ hi hi hi rồi lại ‘do you go to Việt Nam to say out?’ Tôi nghe không hiểu thằng đó nói gì, người nước ngoài nghe càng không hiểu, hỏi ra thằng cán bộ mới dịch là :’Tôi hỏi nó sang Việt
.
Sau một hồi “giải tức”, người đàn ông giới thiệu mình tên Lê Hoán, làm nghề hoạ sĩ, vẽ truyền thần, từng có bốn đời vợ, hiện tại vẫn cô đơn vì không có người nâng khăn sửa túi, sống rày đây mai đó, có một biệt thự xây xong nhờ người tới ở giùm để mình có thời gian đi giang hồ... Năm nay 60 tuổi, mấy lần được chính quyền mời lên làm việc vì đã phát biểu lung tung làm ảnh hưởng đến danh dự chế độ, rất yêu mèo, chó, không yêu gà mấy vì thi thoảng vẫn ăn thịt gà, nhậu món lẩu gà, đặc biệt không thể yêu cá được vì rất thích món cá lóc nấu canh chua... vv và... vv...
.
Lê Hoán
http://www.tienve.org/home/literature/images/lt-lehoan.jpg
.
Ngồi được một lúc sau, người đàn ông này dắt tôi về nhà chơi. Tôi đi theo ông, đến giữa đường, ông bảo: “Hay là anh em mình mua ít mồi ghé vào nhà bạn anh nhậu một tâng rồi về nhà anh ngủ một giấc, hết say tính tiếp, chú đừng có xưng anh bằng bác nữa, mình là dân văn nghệ, xưng bác nghe già bỏ mẹ!” Tôi gật đầu đồng ý và ghé vào một quán bên đường mua món bê thui Cầu Mống chấm muối ớt, khế và chuối chát. Anh Hoán bảo để anh trả tiền vì anh mời. Tôi lại gật đầu.
.
Qua một đoạn đường khá dài, toàn bụi đỏ, đến căn nhà cấp bốn của người bạn anh Hoán, anh đứng trước ngõ lấy điện thoại ra gọi thêm mấy người bạn nữa cùng đến chơi. Xong, chừng mười lăm phút sau, tất cả những người bạn anh mời có mặt, trong đó có cả anh Trương Thanh Giản mà tôi đã giới thiệu trong bài trước (“Chuyện kể của người tử tế ở Thăng Bình”). “Hoá ra trái đất này cũng không rộng mấy, hà hà!” Anh Giản vừa bắt tay tôi vừa nói. Tôi chào tất cả các anh em và buổi rượu cũng bắt đầu.
.
Lê Hoán và những người bạn
http://www.tienve.org/home/literature/images/lt-lehoanvaban.jpg
.
Một bữa rượu tình cờ rất vui vẻ, những người bạn [vong niên] mới của tôi bắt đầu trổ tài, người thì chơi guitar, người thì hát nhạc tiền chiến, các bài nhạc ngoại, độc tấu guitar... Nhưng đáng nhớ nhất có lẽ là bài Việt Nam quê hương ngạo nghễ , một bài hát được tất cả các anh em đồng ca hùng hồn, say sưa. Tự dưng tôi quên mất mình là người mới, tôi cũng hát tràn mấy bài liên tục, không khí mỗi lúc thêm thân mật, ấm áp.
.
Đó cũng là lúc người ta có thể dừng đàn ngồi trò chuyện, lắng sâu vào câu chuyện của nhau để đồng cảm, chia sẻ. Sau khi nghe tôi nói rằng mình đang trên đường đi thực tế cho loạt bài viết về nhậu và văn hoá nhậu trước thềm đại hội Đảng XI, các anh có vẻ hơi ngạc nhiên vì chuyện tôi ghép hai vế Nhậu và Đảng lại với nhau. Anh Giản thì tinh tế, lém lỉnh cười chúm chím và nói: “Chẳng qua chú mày thích đi nhậu mà cứ nhân danh Đảng!” Tôi cười. Mọi người ồ lên cười khi hiểu ra dụng ý của tôi. Anh Nguyễn Tấn Sĩ, một nhà thơ, hiệu trưởng trường cấp II Bình Trị - Thăng Bình, ngồi trầm ngâm một lúc rồi đọc thơ, anh là nhà thơ không tham gia hội đoàn nào cả. Anh kể với tôi là có người cùng họ tên với anh, cũng làm hiệu trưởng ở Tam Kì, cũng làm thơ và là Uỷ viên ban chấp hành Hội Văn học – Nghệ thuật Quảng
.
“Ở xứ này người tốt thường chết sớm em ơi!” Anh Giản nói vậy rồi cười buồn, mấy người bạn còn lại bắt đầu đàn hát cho phá đi không khí buồn buồn vây bọc. Nói chuyện một lúc nữa, tôi mới phát hiện những người ngồi chung bàn với tôi ai cũng có nỗi niềm cả, người thì bị chính quyền lừa bịp đất vườn, anh H. kể với tôi là trước đây anh có hơn 1000m² đất canh tác, do ruộng khô quanh năm nên chẳng trồng lúa được, anh trồng khoai để nuôi heo, nói chung là khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, mọi người trong xóm cũng làm giống như anh thôi, cũng sống được. Đùng một cái, các ông trên uỷ ban xã xuống thu hồi đất của bà con và trả tiền các vụ sau với giá rất thấp, cả ngàn mét đất đền bù mua không được ba chỉ vàng. Bẵng đi nửa năm, tự nhiên nghe tin khu đất được qui hoạch, nước ngoài vào đầu tư xây dựng và đền bù với giá rất cao, lần này cán bộ xã đứng ra nhận đền bù nhân danh cá nhân. Mọi người té ngửa biết mình bị lừa, vì các ông cán bộ đã biết trước dự án hơn một năm mà không phổ biến cho bà con, lại bày trò thu hồi, thu mua... Vậy là bà con đứng ra đấu tranh, đòi lại đất, dắt nhau lên uỷ ban tỉnh biểu tình... Nhưng đâu lại vào đấy, không được gì, tốn công đi. “Bây giờ nhìn đất của mình mà người ta bán giá trên trời, hàng mấy tỉ đồng thì còn gì để nói hả em?!” Anh H. buồn rầu nói với tôi.
“Sở dĩ anh phản kháng như em thấy hồi trưa là vì anh không chấp nhận cái lối làm việc quá ư là tồi tệ, dốt nát và vô đạo đức như vậy em ạ! Nhưng bọn anh biết nói gì chứ, làm thì càng không biết làm gì cho ra hồn. Thôi, hy vọng vào lớp trẻ vậy. Thực ra, uống rượu, sẵn em nói là đang viết bài về nhậu và đại hội Đảng thì anh nói luôn, cũng có nhiều cách uống, kiểu uống lắm, 85% uống rượu bằng nước mắt và tủi nhục, 15% uống rượu bằng máu dân. Rồi em sẽ hiểu, anh sẽ dắt em đi nhậu vài lần để mà viết...” Câu nói của anh Hoán làm tôi có suy nghĩ rất lạ.
.
Chúng tôi tạm chia tay, và quyết tâm viết về Nhậu và Đại hội Đảng đang dâng cao trong tôi. Nhất định tôi sẽ còn kể chuyện nhậu của 85% nước mắt và 15% máu dân kia ở những bài sau. Lần sau tôi sẽ kể quí vị nghe chuyện trong quán có cái tên rất kêu: Sơn Hà Nguy Biến.
-----------------------
Bấm vào đây để đọc tất cả tác phẩm của Liêu Thái đã đăng trên Tiền Vệ
.
.
.
No comments:
Post a Comment