Nhà văn ở thung lũng trầm tư (viết về Tiêu Dao Bảo Cự)
Bài và ảnh: Nguyễn Ðạt/Người Việt
Monday, August 09, 2010
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=117117&z=1
Nhà văn ở “Thung lũng trầm tư” trong bài ghi nhận này là Tiêu Dao Bảo Cự. Căn nhà của anh trong khoảng đất rộng 7 trăm mét vuông, dưới triền dốc con đường Nguyễn Ðình Chiểu yên vắng của thành phố Ðà Lạt, tiếp liền phía dưới khoảng đất là thung lũng, Tiêu Dao Bảo Cự đặt tên Thung Lũng Trầm Tư cho nơi chốn anh cư ngụ thật đúng và ý nghĩa.
.
Nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự (bên phải) và tác giả bài ký sự, Nguyễn Ðạt trước căn nhà ở Ðà Lạt.
(Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/117117-big_VN_TieuDaoBaoCu_NguyenDat_0809101aa.jpg
.
Tiêu Dao Bảo Cự được biết tới là một người đấu tranh cho tự do dân chủ, một người nói thẳng những bất đồng chính kiến với đảng và nhà nước đương quyền, một nhà văn dấn thân. Từ lâu tôi biết anh như vậy, biết anh từ lúc anh tham gia các phong trào sinh viên tranh đấu ở Huế. Tôi còn biết anh lúc đó là một sinh viên nổi tiếng học giỏi, vóc dáng thư sinh và hào hoa phong nhã. Tôi gặp Tiêu Dao Bảo Cự lần đầu tại Sài Gòn, người bạn trân trọng giới thiệu anh là nhà văn dấn thân. Sau lần gặp đó, tôi nói với người bạn đừng gọi Tiêu Dao Bảo Cự là nhà văn dấn thân. Bởi trong tình hình đất nước chúng ta, “dấn thân” không còn là tên gọi của sự chọn lựa, mà là một phẩm chất đạo đức của nhà văn. Tiêu Dao Bảo Cự là nhà văn với đầy đủ phẩm chất ấy, một nhà văn đầy nghệ sĩ tính, lãng mạn trữ tình và đặc biệt từ tâm, nhân hậu.
Lần đó tôi ngỡ anh đã giã từ Ðà Lạt để thường trú ở Sài Gòn. Hóa ra không phải. Anh cho biết, vì muốn thoát khỏi những vương vất ám ảnh ở nơi chốn anh đã bị theo dõi, bao vây, truy hỏi, khủng bố tinh thần trong thời gian dài, vợ chồng anh mượn tiền mua căn nhà trong một chung cư ở Hàng Xanh - Sài Gòn. Anh đã định bán căn nhà khu vườn nơi đây trả nợ, nhưng các con anh bảo nên giữ lại, các con sẽ làm việc để có tiền trả nợ. Tôi lại được gặp anh tại đây, nơi anh gọi là Ðộng Hoa Vàng trong Thung Lũng Trầm Tư. Anh nói: “Ngày trước chúng tôi chọn mua chỗ này chỉ vì yêu thích những ngọn bông lau phơ phất bên một bờ giếng cạn. Nhà ở là căn nhà gỗ nhỏ bé cũ kỹ lợp tôn, có tuổi thọ già hơn tuổi tôi - Tiêu Dao Bảo Cự sinh năm 1945, phía dưới đã mối mục nhưng vẫn còn đứng vững. Bù lại khu vườn rất rộng và vô cùng yên tĩnh, đầy nắng gió với thung lũng phía dưới bầu trời trên cao, suốt ngày được nghe tiếng chim ríu rít...” Ðấy là hình ảnh căn nhà khu vườn lúc trước. Sau đó anh bán lại nửa khoảng đất, người mua lấy phần đất phía ngoài, anh dời căn nhà gỗ vào trong, làm thêm căn nhà mới, dạng biệt thự đơn giản và khá đẹp, một vẻ đẹp thích hợp với những con mắt nghệ sĩ, nghĩa là không mấy tốn tiền xây dựng, không kiểu cọ huê dạng phô trương. Căn nhà gỗ bây giờ dùng để chứa những đồ vật linh tinh, dụng cụ làm vườn, giàn bông giấy màu tím lẫn màu cam đặc biệt của Ðà Lạt phủ dày trên mái. Khu vườn phía trước hai căn nhà cũ - mới trồng các thứ hoa màu vàng, Tiêu Dao Bảo Cự đặc biệt yêu thích hướng dương dại -hoa dã quỳ, anh gọi nơi đây là “Ðộng hoa vàng”. Trong khu vườn, mấy gốc cây mai anh đào đang nảy mầm chồi, anh từng cất công tìm kiếm đâu đó trong thành phố Ðà Lạt, quê hương của chúng.
Từ lâu tôi được biết Tiêu Dao Bảo Cự đã có 4-5 tác phẩm xuất bản ở Mỹ, nhiều người bạn tôi ở trong và ngoài nước đã đọc, đặc biệt là tiểu thuyết Nửa Ðời Nhìn Lại xuất bản năm 1994 đã tái bản năm 1997. Hiện nay mỗi tác phẩm anh chỉ còn một cuốn, anh nói nếu tôi ở Ðà Lạt lâu thì lấy đọc, không nên đem ra tiệm photocopy chụp lại, có thể bị phiền phức. Anh tặng tôi tập bút ký “Hành trình Mùa Xuân” in ra từ máy vi tính của anh.
Tập bút ký Hành Trình Mùa Xuân ghi lại cuộc hành trình của vợ chồng Tiêu Dao Bảo Cự bằng xe gắn máy, khởi hành từ Sài Gòn thời gian sau Tết Quý Mùi 2003, ra Hà Nội. Anh nói: “Gọi là chuyến đi xuyên Việt, thì đây là chuyến đi xuyên Việt thứ hai của tôi. Chuyến đi xuyên Việt lần đầu, vào năm 1988, tôi đi bằng xe ô-tô cùng với Bùi Minh Quốc và Hữu Loan, để đấu tranh cho tự do dân chủ và đổi mới thực sự. Chuyến đi đó đã gây ra biết bao hệ lụy và từ đó tôi đã phải chôn chân một chỗ. Chuyến đi xuyên Việt bằng xe gắn máy lần này có thể gọi là ‘hành trình tình cảm’, đi để thăm đất nước và bạn bè cũ sau bao nhiêu cách xa dâu biển, và để thư giãn tinh thần sau nhiều năm sống trong lo âu, căng thẳng.”
Ðưa tôi tập bút ký Hành Trình Mùa Xuân, anh cười nói: “Tôi biết anh là hội viên hội du lịch bằng xe gắn máy gì đó, anh thử đọc cuộc hành trình của chúng tôi cũng bằng xe gắn máy xem sao...” Ðúng là tôi thường đi chơi xa, xa nhất là lộ trình Sài Gòn-Ðà Lạt bằng xe gắn máy, nhưng không hề là hội viên một hội nào cả. Và thành tích tay lái xe gắn máy của tôi làm sao so sánh được với thành tích hành trình Mùa Xuân dài 2 ngàn cây số của anh. Xe gắn máy của tôi lại là xe Honda thứ thiệt, trong khi anh cả gan dùng xe “Honda” của Trung Quốc nhái xe Nhật Bản!
Tôi đọc tập bút ký, rất thú vị bởi đây là bút ký của một nhà văn, anh không chỉ ghi nhận cuộc hành trình thực tế, mà còn là những hồi tưởng và suy ngẫm, nghĩa là có cả cuộc hành trình nội tâm song hành. Lời kết cho Hành Trình Mùa Xuân, Tiêu Dao Bảo Cự viết: “Giang-sơn-gấm-vóc, đất-nước-tươi-đẹp là những từ mang tính cách ước lệ, tuy có một phần thực chất nhưng có lẽ chúng nói lên sự yêu mến và lòng kiêu hãnh của chúng ta về đất nước nhiều hơn. Quả thực chúng ta có những phong cảnh đẹp, đặc trưng, nổi bật là vô số bãi biển dọc dài theo đất nước và những di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới được Unesco công nhận nhưng cũng không ít nơi đất đai cằn cỗi, đồng khô cỏ cháy, phong cảnh đơn điệu nhàm chán. Trên thế giới biết bao quốc gia có phong cảnh thơ mộng, hùng vĩ, kỳ lạ và phong phú hơn đất nước ta. Dĩ nhiên về tình cảm, đất nước quê hương bao giờ cũng đẹp hơn cả, nhưng so sánh thực tế phải có lý trí tỉnh táo, không thể cứ tự hào suông.
Các công trình kiến trúc, điêu khắc của ta có giá trị riêng, mang dấu ấn lịch sử dân tộc, có nơi khá xa xưa nhưng không có tính hoành tráng, tinh tế hay trình độ nghệ thuật, thẩm mỹ cao như nhiều nước phương Tây. Các đền, chùa, tượng nhiều nơi phong cách gần giống nhau, ít tính sáng tạo và đa dạng. Các công trình mới xây dựng mang màu sắc hiện đại, hào nhoáng bên ngoài nhưng lại có một vẻ đơn điệu mới, chưa thấy gì gọi là đặc sắc. Ðặc biệt các tượng đài thể hiện sự nghèo nàn, rập khuôn, gò bó trong tư duy sáng tạo. Không ít công trình chỉ là sự thể hiện thô thiển những tư tưởng chính trị chỉ đạo cũng thô thiển không kém...”
Gặp gỡ, nói chuyện với Tiêu Dao Bảo Cự bên bàn cà phê, là những viên gạch, phiến gỗ bày ở khu vườn của “Ðộng hoa vàng” trong “Thung Lũng Trầm Tư”, tôi cảm nhận một niềm vui của những câu chuyện tâm tình thành khẩn. Trong câu chuyện ở cà phê Tùng, một quán già tuổi như căn nhà gỗ ở Thung Lũng Trầm Tư, anh nói: “Tôi chịu đựng được tất cả những gì mà công an đã truy bức tôi, nhưng thật khó khăn, khổ sở khi thấy Yến vì tôi mà bị liên lụy...” Bạch Yến là người bạn đời của anh, người đồng hành với anh trong Hành Trình Mùa Xuân.
Tôi nói với những người bạn hỏi về Tiêu Dao Bảo Cự, như anh đã nói với tôi, đã thể hiện qua những gì anh viết: Ðấy là một con người phản kháng, trung thực và dũng cảm bày tỏ những bất đồng ý kiến. Ðấy là những tâm tình, những bày tỏ trước tình trạng của đất nước mình đang sống. Tiêu Dao Bảo Cự không bao giờ là một người làm chính trị, và là một nỗi đam mê phù phiếm trong cuộc đời này. Về những tác phẩm mình đã viết, Tiêu Dao Bảo Cự thấy rằng: “Tác phẩm chính là cuộc đời tôi, phần nào mang dấu ấn của những giai đoạn lịch sử. Hầu hết tác phẩm của tôi đều là tự truyện hoặc gởi gắm ít nhiều tự truyện. Tôi cho chính mình là nhân vật tôi hiểu rõ nhất và viết chính là sống lại lần thứ hai, là cảm nhận sâu sắc thêm cuộc sống ở mọi chiều bề nhờ lý trí, rung cảm và hoài niệm. Viết là phơi mở chính mình, là nhìn nhận lại mối quan hệ với người khác, trong lắng chìm của tâm thức.”
Trên những con đường của thành phố cao nguyên, thấy hoa dã quỳ tôi lại nhớ tới anh. Những bông hoa vươn mình hướng về phía vầng dương, dù đêm tối đen, dù ngày âm u dông bão.
.
.
.
No comments:
Post a Comment