Monday, August 16, 2010

NGƯỜI THÂN HY SINH, 39 NĂM SAU GIA ĐÌNH MỚI BIẾT CHÔN Ở ĐÂU

Người thân hy sinh, 39 năm sau gia đình mới biết chôn ở đâu

Ðỗ Dzũng/Người Việt

Saturday, August 14, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=117401&z=1

.

Chuyến trực thăng bị bắn rơi ở Hạ Lào 1971

.

WASHINGTON, DC (NV) -Ngày 10 tháng 2 năm 1971, bà Phan Thị Tuyết Ngọc hay tin chồng mình, Ðại Tá Phạm Vi, bị mất tích tại chiến trường Hạ Lào. Phải gần bốn thập niên sau, bà mới biết chồng mìnhđã tử nạn cùng sáu đồng đội khác và bốn phóng viên Mỹ trong lúc ở trên một chiếc trực thăng thị sát chiến trường.

Những nắm xương tàn, lẫn lộn người này người kia không tách ra nổi, đã được chôn tại viện bảo tàng truyền thông Newseum ở Washington, DC, từ năm 2008, nhờ một cựu phóng viên AP, nhà báo hồi hưu Richard Pyle, bỏ biết bao công sức đi tìm.

Và tới ngày 10 tháng 8, năm 2010, tức là hơn 39 năm sau ngày máy bay rớt, một số người thân của nhóm quân nhân thiệt mạng, được ông Pyle hướng dẫn đến thăm Newseum và ngậm ngùi nhìn nơi chôn cất người thân của mình.

.

Bà Heather Phạm bên nơi chôn hài cốt 11 người cùng chết trên chuyến trực thăng tại chiến trường Hạ Lào năm 1971,
trong đó có thân phụ bà, cố Ðại Tá Phạm Vi, trưởng Phòng 4 Quân Khu 1. Trong tay bà là cuốn sách “Lost in Laos” của nhà báo Richard Pyle. (Hình gia đình)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/117401-HeatherPham1aa.jpg

.

Ngoài gia đình bà Ngọc ở Toronto, Canada, còn có bà Nguyễn Thị Kim Dung, 73 tuổi, quả phụ của cố Ðại Tá Cao Khắc Nhật, hiện đang sống ở một khu kinh tế mới tỉnh Bình Dương; bà Hồ Thị Lý, quả phụ của cố Thiếu Úy Tạ Hòa, đang sống ở Sài Gòn; em trai của cố Trung Sĩ Vũ Tư, ở Maryland; và gia đình con trai của phóng viên ảnh Larry Burrows. “Tôi xúc động lắm, cảm thấy vui buồn lẫn lộn, không biết diễn tả như thế nào. Tôi buồn vì ông không còn nữa. Nhưng tôi vui vì bây giờ biết ông đang ở đâu,” bà Ngọc nói với nhật báo Người Việt.

.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung (phải), hiện sống ở vùng kinh tế mới tại Bình Dương,và người cháu Nicole Lê,hiệnở Dallas,
xúc động khi đến thăm nơi chôn một phần hài cốt của chồng, cố Ðại Tá Cao Khắc Nhật, tại Newseum hôm 10 tháng 8 vừa qua.
Ðại Tá Nhật là một trong 11 người bị thiệt mạng tại Hạ Lào năm 1971. (Hình: AP Photo/Jacquelyn Martin)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/117401-big_A1_Newseum%20Dung1aa.jpg

.

Nhà báo Richard Pyle trước đây là trưởng văn phòng hãng thông tấn AP tại Sài Gòn. Ông chia sẻ với Người Việt: “Tôi đã hoàn thành công việc bỏ dở của tôi. Khi hay tin về tấn thảm kịch, tôi hoàn toàn không biết xảy ra ở đâu, chỉ biết ở Hạ Lào. Rồi từ đó không ai nhắc tới nữa, cả chính phủ Hoa Kỳ, VNCH và Việt Nam hiện nay. Từ đó, tôi tự hứa với lòng mình, tôi phải đi tìm họ cho bằng được. Tất cả họ đều là bạn của tôi.”

“Sau này, khi tôi viết cuốn 'Lost Over Laos: A True Story of Tragedy, Mystery and Friendship,' cùng với nhà báo Horst Faas, tôi có kể rất chi tiết về vụ này. Tôi có tên của bảy người Việt Nam, tôi không biết người thân họ là ai, nhưng hy vọng một ngày nào họ đọc được cuốn sách, họ sẽ biết số phận của thân nhân họ. Và tôi rất xúc động được cùng họ đến Newseum hôm 10 tháng 8,” ông Pyle nói.

.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung (trái), quả phụ cố Ðại Tá Cao Khắc Nhật, và bà Phan Thị Tuyết Ngọc, quả phụ cố Ðại Tá Phạm Vi,
bên cạnh tấm bảng ghi lại chuyến bay thị sát chiến trường khiến 11 người thiệt mạng. (Hình: Heather Phạm)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/117401-big_DP_Newseum%20hai%20ba%20dai%20ta1aa.jpg

.
“Lost Over Laos

Ngày 10 tháng 2, 1971, hai chiếc trực thăng UH-1 Huey của QLVNCH xuất phát từ Khe Sanh trong cuộc hành quân Lam Sơn 719. Chiếc đi trước chở Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm và đoàn tùy tùng của ông. Chiếc đi sau chở bảy quân nhân QLVNCH và bốn nhà báo Mỹ.

Khi đang thị sát chiến trường Hạ Lào, gần đồi 31 do Tiểu Ðoàn 1 Nhảy Dù trấn giữ, gần đường mòn Hồ Chí Minh, theo lời kể của phóng viên ảnh hãng AP Nick Út, thì chiếc trực thăng đi sau bị súng phòng không 37 ly của đối phương bắn nổ tung.

.

Bà Phan Thị Tuyết Ngọc, quả phụ cố Ðại Tá Phạm Vi, ngồi bên cạnh tấm plaque gắn tại chỗ chôn một số hài cốt và kỷ vật
của 11 người bị thiệt mạng tại Hạ Lào năm 1971, trong đó có chồng bà, tại viện bảo tàng Newseum, Washington, DC.
(Hình: AP Photo/Jacquelyn Martin)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/117401-big_A1_Newseum%20Ngoc1aa.jpg

.

Tất cả 11 nhân mạng đều bị liệt vào danh sách “mất tích.” Bảy người Việt Nam bao gồm Ðại Tá Phạm Vi, Ðại Tá Cao Khắc Nhật, Thiếu Úy phi công Tạ Hòa, Thiếu Úy phi công Nguyễn Ðiểu, Trung Sĩ Nguyễn Hoàng Anh, Trung Sĩ Trần Công Minh và Trung Sĩ Vũ Tư, thuộc Nha Ðiện Ảnh Quân Ðội, Bộ Tổng Tham Mưu. Tấm bảng trong Newseum ghi cấp bậc ông Vi là trung tá, nhưng theo lời bà Ngọc, ông Vi, trưởng Phòng 4, Quân Ðoàn I, đã có lon đại tá nhưng chưa đeo.

Bốn nhà báo Mỹ gồm có Henri Huet của hãng thông tấn AP, Larry Burrows của tạp chí Life Magazine, Kent Potter của hãng thông tấn UPI và Keisaburo Shimamoto của tuần báo Newsweek.

Phóng viên ảnh Nick Út kể: “Hôm đó, đáng lẽ tôi đi chuyến đó, nhưng Henri Huet đòi đi, vì anh sắp đi Hồng Kông nghỉ phép. Tôi đồng ý và lấy máy bay C-130 bay về Sài Gòn. Về tới nơi, tôi nghe nói trực thăng bị rớt. Tôi bay trở lại Khe Sanh, lấy trực thăng bay sang Hạ Lào. Tôi đến đồi 31, không tìm thấy một thứ gì cả. Coi như Henri đã thế mạng cho tôi. Từ đó, tôi vẫn thường liên lạc với Richard Pyle để biết tin tức. Tôi rất vui khi biết ông tìm ra nạn nhân và liên lạc được với thân nhân người quá cố.”

.

“Mất tích” trong 39 năm

Bà Heather Phạm, con gái lớn cố Ðại Tá Phạm Vi, kể: “Ngày đó, tôi mới 14 tuổi. Tôi nhớ hôm đó ba gọi điện thoại từ Khe Sanh về, bảo vài ngày nữa về. Ðến 11 giờ 45 phút sáng, tự nhiên mẹ tôi nhận điện thoại báo ba tôi mất tích. Từ đó, chúng tôi không biết ông sống chết ra sao. Sau năm 1975, chúng tôi chờ đợi ông trở về, nếu còn sống và bị bắt, nhưng không thấy gì cả. Ðối với chúng tôi, hai chữ ‘mất tích’ có vẻ mơ hồ quá.”

Thế rồi cuộc sống gia đình bà Heather vẫn trôi qua, nhưng chị không bao giờ yên tâm về số phận của cha mình. Bà kể: “Trong gần 40 qua, chúng tôi cố sống và cứ cố hy vọng. Thậm chí, tôi còn ngỡ ba tôi sẽ trở về với một người vợ Lào.”

Tháng 9, 2009, bà Heather bay về Huế làm từ thiện. Trong chuyến bay, khi được tiếp viên hàng không báo cho biết đang trên bầu trời Hạ Lào, chị thầm khấn: “Nếu ba còn ở đây, xin cho con một cảm giác gì đó.” Rồi, bà kể: “Tôi cảm thấy tâm hồn rất tịnh.”

Tháng 3 sau đó, bà Ngọc từ Toronto qua Washington DC chơi. Ở đó, bà gặp người em chồng, cựu Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất. Theo lời kể bà Heather: “Chú tôi có đọc cuốn sách 'Lost Over Laos,” có nhắc đến tên ba tôi, thế là chúng tôi liên lạc tác giả Richard Pyle, mới biết một phần xương cốt cha tôi chôn tại Newseum.”

Nhà báo Richard Pyle nói với Người Việt: “Sau khi xuất bản cuốn sách năm 2003, rồi tái bản năm 2004, vẫn không thấy ai liên lạc với tôi. Năm ngoái, Newseum gọi điện thoại cho tôi, rồi có người ở Việt Nam gọi cho tôi. Họ không có cuốn sách trong tay, nhưng họ cho biết đó là lần đầu tiên họ biết thông tin về người thân.”

“Tôi kinh ngạc vô cùng, Việt Nam Cộng Hòa không còn nữa, không ai nói cho họ biết số phận của người quá cố. Họ cũng không biết chắc người thân của họ đã chết hay chưa, hoặc bất cứ chi tiết gì. Thế rồi, tôi liên lạc với họ. Và ngày 10 tháng 8 vừa qua, tôi từ New York bay xuống, cùng họ, gần 30 người, đi vào Newseum viếng người thân,” nhà báo này nói tiếp.

.

Tấm bảng trong viện bảo tàng Newseum dựng bên cạnh nơi chôn hài cốt người tử trận trong chuyến trực thăng tại chiến trường Hạ Lào, ghi chú như sau:

Bấm : http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/117401-big_DP_Newseum%20plaque1aa.jpg

“Chôn trong hành lang tưởng niệm nhà báo là hài cốt tìm thấy tại nơi rớt trực thăng ở Lào năm 1971 trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Bốn phóng viên ảnh và bảy quân nhân miền Nam Việt Nam bị chết khi trực thăng rớt. Hài cốt được chôn tại đây trong một buổi lễ ngày 3 tháng 4, 2008.”

Tấm bảng liệt kê 11 người cùng được chôn một chỗ, vì cơ quan giảo nghiệm hài cốt POW/MIA không tách ra được, gồm có bốn phóng viên ảnh: Larry Burrows, tạp chí Life; Kent Potter, hãng thông tấn UPI; Henri Huet, hãng thông tấn AP; Keisaburo Shimamoto, tuần báo Newsweek; và bảy quân nhân Việt Nam: Ðại Tá Cao Khắc Nhật, Ðại Tá Phạm Vi (tấm bảng ghi là trung tá vì ông đã có lon đại tá nhưng chưa đeo), Trung Sĩ Vũ Tư, Thiếu Úy Nguyễn Ðiểu, Thiếu Úy Tạ Hòa, Trung Sĩ Trần Công Minh, Trung Sĩ Nguyễn Hoàng Anh.

.

Công cuộc tìm kiếm và giảo nghiệm

Theo nhà báo Richard Pyle kể với nhật báo Người Việt, phải mất hàng chục năm trời mới tìm được điểm máy bay rớt và mất hai năm chính phủ Lào mới cho đến khai quật.

Ông kể: “Năm 1989 tôi có về lại Hạ Lào, đến nơi rớt máy bay, khai quật. Năm 1996, toán tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích sang Lào, xác nhận vị trí, tìm được một số di vật như nón sắt, đồng hồ Rolex, máy chụp hình hiệu Leika (của phóng viên ảnh Larry Burrows, Life Magazine) và một số kỷ vật khác. Mãi đến năm 1998 chính phủ Lào mới cho phép Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ chính thức khai quật, tìm được một số mảnh xương vụn, và đưa tất cả về phòng thí nghiệm ở Hawaii giảo nghiệm.”

“Các chuyên viên giảo nghiệm không thể xác định danh tánh từng cá nhân một cách khoa học. Năm 2002, họ quyết định đóng hồ sơ và tuyên bố có chứng cớ gián tiếp đầy đủ để quyết định cả 11 người đã bị thiệt mạng tại địa điểm đó,” nhà báo Richard Pyle kể. Một số kỷ vật được tìm thấy trong lúc khai quật là của cố Ðại Tá Phạm Vi. Bà Heather Phạm cho biết: “Ông Pyle xác nhận có nhiều kỷ vật của ba tôi như cái đồng hồ Rolex, la bàn, khẩu súng P38, khẩu flare, cặp táp.”

Ngày 3 tháng 4, 2008, tất cả kỷ vật và những mảnh xương được bỏ vào một cái hộp và chôn tại Newseum, bên cạnh Ðài Tưởng Niệm Các Nhà Báo, với tên của bốn nhà báo Mỹ tử trận tại Hạ Lào được khắc trên nắp.

.

Công việc chưa hoàn tất

Một vấn đề còn chưa được giải quyết được là tên của bảy người Việt Nam chưa được khắc trên tấm plaque phía trên mộ phần tại Newseum.

Nhà báo Richard Pyle nói: “Tôi rất bực mình chuyện này vì trong tấm plaque không có tên những người Việt Nam hy sinh. Tôi nói với viện bảo tàng cho dù họ không phải là nhà báo, nhưng họ được chôn chung với các nhà báo Mỹ. Tôi yêu cầu họ phải để tên bảy người này vào thì mới phải lẽ. Tôi không biết họ có làm không. Tôi nghĩ là họ nên và tôi đang đấu tranh cho chuyện này.”

Bà Heather cho biết: “Hiện nay, tấm plaque chỉ có tên bốn người Mỹ và không nhắc gì tới người Việt Nam. Chỉ có tấm bảng trên tường kể về câu chuyện này xảy ra ở Hạ Lào và có nhắc đến họ.”

Dù vậy, ông Richard Pyle vẫn cảm thấy xúc động khi cùng với những thân nhân người quá cố đến Newseum mới đây.

Ông nói: “Tôi vô cùng sung sướng, nhưng rất cảm động. Tôi thông cảm cho thân nhân của những người đã chết. Tôi không ngờ bây giờ tôi gặp được thân nhân của những người tôi đề cập trong cuốn sách của mình. Nhiệm vụ của một nhà báo là phải kể câu chuyện cho mọi người biết. Và họ đã tìm ra số phận thân nhân của họ. Tôi rất hạnh phúc khi đến Newseum với những người này.”

Ðối với gia đình bà Heather, một trang sử đã được kết thúc, sau 39 năm đợi chờ.

Bà chia sẻ: “Ðối với tôi, đặt để ba ở đâu không quan trọng mà cuối cùng là ba đã về cùng với chúng tôi. Ở Bắc Mỹ vẫn gần hơn ở Lào. Coi như một trang sử đã được đóng lại. Từ nay, mỗi năm, tới ngày 10 tháng 2, chúng tôi sẽ từ Toronto sang Washington, DC, để cầu nguyện cho ba. Ngày 2 tháng 10 tới đây, tôi sẽ tổ chức một buổi tiệc gây quỹ từ thiện lấy tên 'Cho một người vừa nằm xuống' để tưởng niệm ba.”

.

.

.

No comments: