Saturday, August 7, 2010

NGƯỜI BUÔN GIÓ : TÔI KHÂM PHỤC NHỮNG NGƯỜI BẠN CÔNG GIÁO CHÂN THÀNH

Người buôn Gió: Tôi khâm phục những người bạn công giáo chân thành và đầy tình yêu thương

nuvuongcongly

5/08/10 8:56 AM

http://www.nuvuongcongly.net/xa-hoi/phong-su/ng%c6%b0%e1%bb%9di-buon-gio-toi-kham-ph%e1%bb%a5c-nh%e1%bb%afng-ng%c6%b0%e1%bb%9di-b%e1%ba%a1n-cong-giao-chan-thanh-va-d%e1%ba%a7y-tinh-yeu-th%c6%b0%c6%a1ng/

Người buôn Gió (Tên thật là Bùi Thanh Hiếu) là bút danh của một nhân vật khá nổi tiếng với nhiều bài viết trên blog về các vấn đề chính trị xã hội. Đặc biệt loạt bài “Đại vệ Chí Dị” của anh được bạn đọc trong và ngoài nước mến mộ bởi giọng văn giả sử sâu cay và đầy tính thực tế.

.

Blogger Người Buôn Gió

http://www.vietherald.com//images/upload/Article/2010/8/6/634166888391949272_338x400.jpg

.

Anh cũng là người quen thuộc nhiều người công giáo, đặc biệt qua các biến cố như Tòa Khâm Sứ, Thái Hà, Đồng Chiêm, Tam Tòa với nhiều bài viết như “Nghĩ gì về ông Ngô Quang Kiệt” “Tam Tòa Ký sự” và một số bài viết khác bênh vực sự thật, công lý dù anh chưa phải là người Công giáo.

Nhân dịp Blogger Người Buôn Gió được Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch (HRW) quyết định trao giải thưởng Hellman/Hammett năm 2010. Nữ Vương Công Lý có bài phỏng vấn Blogger Người Buôn gió về những vấn đề quan tâm:

.

NVCL: Trước hết, xin hỏi anh có cảm nghĩ như thế nào khi nhận được tin Tổ chức Human Rights Watch quyết định trao giải thưởng năm 2010 có tên anh?

NBG: Tôi cảm ơn tổ chức này, dù sao đó cũng là sự chú ý của cộng đồng quốc tế đến một bộ phận không nhỏ của người Việt Nam, đó là những Blogger. Họ là những người nói lên tiếng nói, quan điểm, suy nghĩ của mình bằng phương tiện hiện đại của Khoa học kỹ thuật. Đó là một cộng đồng có ảnh hưởng lớn đến xã hội Việt Nam, là một kênh thông tin thu hút nhiều dư luận, nhưng các cơ quan truyền thông nhà nước, các cấp có thẩm quyền thơ ơ với vẻ coi thường như blog là tin vỉa hè vậy. Sự chú ý của các tổ chức quốc tế đến cộng đồng này và đó là một tin vui cho một xã hội Việt Nam có thêm một luồng thông tin mới, đa chiều hơn. Điều này đánh giá sự chú ý của các tổ chức quốc tế đến cộng đồng này và đó là một tin vui.

NVCL: Xin anh cho biết, trong cộng đồng mạng, ngoài các blog anh chú ý những thông tin nào?

NBG: Ngoài các blog, tôi đọc nhiều thông tin các báo “lề phải” cũng như “lề trái” mục đích là tìm hiểu thời cuộc và rút ra cho mình những sự thật trong đó là gì. Tôi cũng thường xuyên đọc thông tin trên Nữ Vương Công Lý để tham khảo tình hình xã hội và nhất là của Giáo hội Công giáo, dù tôi chưa là giáo dân.

NVCL: Xin anh cho vài cảm nhận khi anh đọc Nữ Vương Công Lý?

NBG: Nhận xét của tôi đầu tiên là hiếm có một tờ báo nào dám nói thẳng, nói thật như Nữ Vương Công Lý, không chỉ các vấn đề xã hội mà ngay cả các vấn đề của Giáo hội. Theo tôi đó là sức mạnh của người công giáo tiềm tàng. Tờ báo đã thực hiện đi đúng tôn chỉ Sự thật, Công Lý, Hòa Bình đã đề ra, đó là điều tôi thích nhất ở Nữ Vương Công Lý.

NVCL: Anh biết đến Công giáo từ khi nào?

NBG: Từ nhỏ đến khi lớn lên, tôi không hề biết đến Công giáo. Qua các sách vở được đọc, được học, tôi hình dung Công giáo là một nhóm người xa lạ, tối tăm lạc hậu, không được nhà nước ưa chuộng và phản động.

Nhưng từ khi sự kiện Tòa Khâm sứ nổ ra, các phương tiện truyền thông nhà nước nói nhiều đến nhân vật Ngô Quang Kiệt - TGM Hà Nội với nhiều lời lẽ khó tin nên tôi đã tìm hiểu sự thật. Và sự thật tôi tìm thấy đã ảnh hưởng lớn, có tác động rất lớn đối với tôi vì tôi đã phát hiện ra những điều tôi nghe được là những điều dối trá.

Chính khi đó, tôi viết bài “Nghĩ gì về ông Ngô Quang Kiệt”, trong bài viết đó, tôi nói lên sự cảm phục của mình đối với sự can đảm, dấn thân của một lãnh tụ tôn giáo vì Giáo hội và giáo dân, đáng để cho các quan chức học tập về đức tính cần có của một lãnh tụ.

Từ đó, tôi chú tâm tìm hiểu về Công giáo nhiều hơn. Tôi cũng may mắn được gặp một số anh chị em bạn bè là giáo dân, những người này đã củng cố them cho tôi những điều tôi đã khám phá ra. Từ đó tôi biết đến Công giáo, tôi thường đi đến nhà thờ nghe giảng, gặp gỡ giáo dân.

NVCL: Như anh đã theo dõi thời gian qua, ngay cả trong GHCG cũng có những vấn đề của nó, vậy khi đọc những thông tin đó anh nghĩ thế nào về Công giáo?

NBG: Giáo hội Công giáo cũng là một tổ chức, trong đó cũng bao gồm các cá thể hợp lại, các cá thể đó cũng là con người, không thể có chuyện trăm người như một, vì thế cũng có nhiều ý kiến khác nhau là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, điều tôi chứng kiến là dù có những ý kiến, cách làm khác nhau, nhưng tất cả tôi đọc được ở trong đó là nỗi lòng thao thức của mỗi người viết, người đọc và những giáo dân khác đối với Giáo hội bằng một niềm tin hết sức vững chắc vào Đấng tối cao là Thiên Chúa và yêu mến Giáo hội của mình.

Điều tôi nhận thấy ở người Công giáo là sự thẳng thắn nhìn nhận những sai lầm, những khiếm khuyết của bản thân, của tổ chức, của anh em mình và của cả giáo hội để thẳng thắn góp ý xây dựng nhằm đưa GH đi lên theo đúng đường hướng phục vụ người nghèo, người bần cùng. Điều này không phải tổ chức, cá nhân nào cũng có thể làm được, dù họ có hô hào “phê và tự phê” thì cũng chỉ là hình thức mà không có sự sám hối thực chất như ở đây. Đó là sức mạnh, là cơ sở để GHCG có sức mạnh đi lên và phát triển mạnh mẽ.

Tôi tin rằng khi mỗi cá nhân nhận thức được điểm chung như vậy, thì GHCG có sức mạnh tiềm tàng và không bao giờ bị chia rẽ.

NVCL: Sau một thời gian biết đến Công giáo, điều gì đọng lại sâu sắc nhất trong anh?

NBG: Đối với tôi từ chỗ xa lạ với người Công giáo cho đến hôm nay, tôi cảm nhận được ở đó một tình cảm yêu thương thật sự và sống trong sự thật, tôi khâm phục những người bạn công giáo chân thành và đầy tình yêu thương.

NVCL: Anh nghĩ gì về người Công giáo trong xã hội Việt Nam sau khi anh đã tìm hiểu về họ?

NBG: Tôi thấy người Công giáo chiếm một tỷ trọng lớn về số lượng trong xã hội, đất nước Việt Nam với 1/10 dân số. Với giáo lý, giáo luật của Công giáo luôn dạy những điều tốt đẹp, mà cao cả nhất trong đó là “Tình yêu thương”. Như vậy nếu xã hội được giáo dục theo chiều hướng đó thì sẽ hạn chế nhiều bạo lực, nâng cao đạo đức xã hội trách nhiệm và giá trị của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức con người. Đó là những nhân tố cần nhân lên để làm cho xã hội, cho đất nước tốt đẹp hơn.

NVCL: Xin cảm ơn anh và xin cầu chúc anh luôn bình an, mạnh khỏe.

NBG: Xin cảm ơn và chúc Ban Biên tập Nữ Vương Công Lý cùng quý vị độc giả đầy sự an bình và niềm tin mạnh mẽ, bước đi trên con đường Sự thật, Công Lý, Hòa bình của mình để góp phần xây dựng Giáo hội và xã hội ngày càng tốt đẹp và tốt đẹp đúng thực chất. Con đường đó cả dân tộc này cũng đang cần phải bước lên.

.

.

.

No comments: