Wednesday, August 11, 2010

NGHẸ THUẬT VIỆT NAM - BỨC TRANH XÁM

Nghệ thuật Việt - Bức tranh xám

Người Lao Động

Thứ tư, 11/08/2010 00:12GMT+7

http://nld.com.vn/20100810111248749P0C1020/nghe-thuat-viet-buc-tranh-xam.htm

Năm năm qua, hoạt động nghệ thuật của các lĩnh vực ca nhạc, điện ảnh, sân khấu... lại không có gì đáng để tôn vinh. Tất cả chỉ góp phần tạo nên một bức tranh nghệ thuật Việt rối ren và xám xịt

Mùa đại hội các hội nghệ thuật chuyên ngành đi qua đã để lại dư âm buồn. Mùa đại hội của 5 năm trước cũng đọng lại những dư âm buồn nhưng không đến mức buồn thảm như bây giờ.

Nhìn lại, 5 năm qua, hoạt động nghệ thuật của các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực mũi nhọn- tác động trực tiếp và có vai trò chi phối lớn đến đời sống tinh thần xã hội, như ca nhạc, điện ảnh, sân khấu... lại không có gì đáng để tôn vinh. Tất cả chỉ góp phần tạo nên một bức tranh nghệ thuật Việt rối ren và xám xịt.

Chưa thấy điểm dừng

Ngoài hai lĩnh vực lâu nay vẫn lặng lẽ là mỹ thuật và nhiếp ảnh, những lĩnh vực như ca nhạc, sân khấu, điện ảnh đang sôi động và phát triển từng ngày trên thế giới lại tụt dốc không phanh ở Việt Nam.

Đầu tiên là lĩnh vực ca nhạc, đặc biệt là ca nhạc đại chúng. Chỉ cách đây 15 năm, người ta đã chứng kiến sự lớn mạnh của nhạc Việt như thế nào. Những ca khúc mới mẻ về hình thức, đẹp về giai điệu và trau chuốt về ca từ cứ lần lượt ra đời làm say đắm lòng người yêu nhạc thuộc mọi đối tượng.

Dòng nhạc này đã nhanh chóng đẩy lùi những sáng tác của người Việt ở ngoài nước đang tràn vào Việt Nam qua băng đĩa nhập lậu, gọi là “nhạc hải ngoại”, tạo nên diện mạo mới: tươi trẻ, đầy sức sống và sức quyến rũ cho đời sống âm nhạc VN. Chưa đầy mười năm sau đó, những gì được coi là điểm son của đời sống nhạc Việt hiện đại chỉ còn trong hoài niệm của người yêu nhạc.

Đời sống âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc đại chúng, tụt dốc và xuống cấp đến mức chưa thấy điểm dừng. Giá trị âm nhạc bị đảo lộn. Những ca khúc lai căng về hình thức giai điệu, ca từ nhố nhăng, thô thiển ào ạt ra đời, chiếm lĩnh thị trường ca nhạc, chi phối đời sống âm nhạc, tạo ra tình trạng mất cân đối nghiêm trọng cả trong sáng tác, biểu diễn và người thưởng thức.

Chưa rời được chân núi

So với ca nhạc, điện ảnh cũng chẳng sáng sủa gì hơn, kể từ sau Đời cát giành huy chương vàng Liên hoan Phim châu Á- Thái Bình Dương, phim Việt Nam có tác phẩm nào để đáng tự hào? Điện ảnh Việt Nam được ví như “ông già leo núi”, leo mãi mà vẫn chưa rời khỏi chân núi.

Thi thoảng cũng có một vài cá nhân bứt phá bằng cách này hay cách khác để tạo cho mình một hai tác phẩm đủ để đưa đi thi thố ở các liên hoan phim quốc tế chứ chưa thể đánh động được công chúng yêu điện ảnh trong nước. Đội ngũ làm điện ảnh chuyển qua làm phim truyền hình là chính nhưng ở phim truyền hình cũng chưa có tác phẩm nào thật sự gây dấu ấn, chủ yếu tham gia sản xuất “hàng chợ” để giúp họ kiếm sống.

Sân khấu kịch những năm qua có phần sôi động, thi thoảng có được một vài tác phẩm có chất lượng nhưng chưa thể gọi là tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao. Các đơn vị kịch Nhà nước chủ yếu làm cho có sản phẩm để báo cáo, để tham gia hội diễn. Các đơn vị sân khấu tư nhân phải sống bằng tiền mua vé của khán giả nên cũng chỉ làm sao đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của khán giả để sàn diễn sáng đèn mỗi đêm.

Nhức nhối nhất có lẽ là lĩnh vực văn chương. Hãy thử tìm trên thị trường sách văn học trong nước có một cuốn sách văn học Việt nào nổi đình đám mà không dính đến nội dung sex hoặc có nội dung sai phạm, bị cơ quan quản lý ra quyết định thu hồi?

Nếu nửa đầu thời kỳ đất nước đổi mới, văn học Việt có được nhiều tiểu thuyết văn học lay động lòng người thì dạo sau này, người đọc không bói đâu ra những tác phẩm văn học thật sự có giá trị.

Chuyện nghệ thuật lúc thịnh lúc suy là lẽ thường nhưng tất cả các lĩnh vực cùng suy là bất thường. thực trạng này nói lên điều gì?

Trách nhiệm nghệ sĩ với xã hội?

Những sự yếu kém này cũng đã được các hội nhìn nhận nghiêm túc trong các bản tổng kết 5 năm hoạt động của mình nhưng chưa thật sự mổ xẻ đến nơi đến chốn để có những giải pháp vực dậy căn cơ.

Sự xuống cấp của đời sống âm nhạc hôm nay không thể không nói đến nguyên nhân chủ quan của chính các nghệ sĩ, những chủ thể làm nên diện mạo một đời sống âm nhạc. Nói như nhạc sĩ Trần Tiến, công chúng không có lỗi.

Chính chúng ta đã tạo ra họ. Thật vậy, khi những nhạc sĩ có tâm, có tài thờ ơ với công việc sáng tác của mình, đời sống âm nhạc không có những tác phẩm âm nhạc có giá trị, đáp ứng được nhu cầu luôn mới và hay của công chúng thì một bộ phận công chúng không nhỏ tìm đến những tác phẩm âm nhạc khác lạ như một cách để thỏa mãn nhu cầu nghe của mình.

Điều đáng nói là không ít nhạc sĩ tham gia sáng tác cho thị trường âm nhạc hiện nay vì muốn có nhiều tiền và nhanh chóng nổi tiếng đã góp phần tạo ra phong trào sáng tác chiều theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng trẻ không nhỏ.

Nhạc teen với nhiều ca khúc giai điệu lai căng, ca từ nhảm nhí nổi lên chiếm lĩnh thị trường âm nhạc và chi phối mạnh mẽ đến đời sống âm nhạc trong sự tiếp sức của các phương tiện truyền thông, trong các chương trình ca nhạc trên sóng phát thanh, truyền hình, trên các website âm nhạc... có các nhà quảng cáo tài trợ. Những nhạc sĩ tâm huyết với âm nhạc đành bất lực ngồi nhìn hoặc sớm buông tay, bỏ cuộc mặc cho đời sống âm nhạc ra sao thì ra.

Những người hoạt động điện ảnh cũng đã nhìn ra một sự thật yếu kém của điện ảnh Việt là đang hổng một đội ngũ biết làm phim để tìm giải pháp cho việc phát triển đội ngũ.

Những người làm sân khấu cũng đã ngồi lại sau 5 năm hoạt động và cơn khát tác phẩm sân khấu đỉnh cao vẫn đốt cháy những nghệ sĩ tâm huyết với nghề. Nghiệt nỗi, tác phẩm sân khấu cũng như điện ảnh không làm nên bởi cá nhân nên dù có tâm huyết đến đâu họ cũng không thể vẫy vùng trên những sàn diễn còn nặng nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Hơn 900 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã có một cuộc hội ngộ sau 5 năm trong một đại hội toàn thể để bàn chuyện nghề nghiệp nhưng chẳng mấy người chịu bàn chuyện văn chương đang xuống dốc, bàn đến trách nhiệm của nhà văn đối với đời sống xã hội mà chỉ chú tâm bàn chuyện nhân sự vào ban chấp hành.

Những nhà văn tâm huyết với nghề muốn nói lên tiếng lòng mình lại trở nên lạc lõng. Nhiều câu hỏi đã đặt ra trong dư luận: Nhà văn đứng ở đâu trong cuộc sống xã hội hôm nay. Có phải nhà văn vô cảm trước những vấn đề nóng bỏng, bức xúc của đời sống xã hội?

.

210 tỉ đồng cho hoạt động sáng tạo

Theo Quyết định số 926/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về đề án tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí... giai đoạn 2006-2010, mục tiêu của đề án là hỗ trợ các hoạt động sáng tạo trong các lĩnh vực văn học, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, kiến trúc, nhiếp ảnh, múa, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số, báo chí ở Trung ương và các hội văn học - nghệ thuật địa phương cho các đề tài phản ánh lịch sử, các thời kỳ kháng chiến cứu nước, truyền thống văn hóa dân tộc; công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ đất nước, những nhân tố tích cực, những con người tiêu biểu trong xã hội, của thời đại; thiếu niên, nhi đồng, dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, đề án cũng hỗ trợ sáng tạo để có những tác phẩm công trình có chất lượng cao; những tác phẩm, công trình có chất lượng cao nhưng chưa được đầu tư; tác phẩm báo chí chất lượng cao ở địa phương tập trung vào các đề tài lớn.

Kinh phí thực hiện đề án này trong giai đoạn 2006-2010 là 210 tỉ đồng, trong đó, hỗ trợ hoạt động sáng tạo đối với các hội văn học - nghệ thuật chuyên ngành, báo chí ở Trung ương là 98,5 tỉ đồng; hỗ trợ hoạt động sáng tạo đối với các hội văn học - nghệ thuật địa phương là 84 tỉ đồng; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao đối với các hội nhà báo địa phương là 27,5 tỉ đồng.

Ân Thông

.

.

.

No comments: