Một khuôn mặt khác của Lưu Á Châu
Dương Danh Dy trích dịch
Đăng bởi bvnpost on 22/08/2010
http://boxitvn.wordpress.com/2010/08/22/m%E1%BB%99t-khun-m%E1%BA%B7t-khc-c%E1%BB%A7a-l%C6%B0u-chu/
Vừa qua Vietnamnet và một số báo mạng tiếng Việt nước ngoài đã đăng bài viết của Lưu Á Châu (mạng BVN đã đưa lại bài này từ VNN), một Trung tướng, nguyên Chính ủy không quân Trung Quốc. Điều đáng tiếc là người giới thiệu bài viết trên chỉ sử dụng khoảng 7 trang trên tổng số 22 trang (chữ Trung Quốc) của bài nói đó, bỏ hẳn phần “Niềm tin” và đặc biệt đã bỏ qua đoạn nói rõ quan điểm của tác giả về vai trò của quân đội Trung Quốc, đồng thời cũng là quan điểm của tác giả đối với cuộc đàn áp phong trào học sinh sinh viên Trung Quốc năm 1989 và cuộc chiến tranh biên giới năm 1979…
Vì vậy xin mạn phép trích dịch bổ sung mấy đoạn đưới đây để bạn đọc trong và ngoài nước có cái nhìn toàn diện hơn, chính xác hơn về quan điểm nghe có vẻ cấp tiến của Lưu Á Châu để bạn đọc nhìn nhận toàn diện hơn về con người hai mặt của Lưu. Có thể sau khi đọc xong, một số bạn đọc sẽ vỡ mộng về “người Trung Quốc tiến bộ này” như đã có bạn đọc nói với tôi… Nhưng sự thật vẫn là sự thật, dù có đi theo “con đường Mỹ” chăng nữa, Trung Quốc “bá quyền nước lớn” vẫn là “Trung Quốc bá quyền nước lớn”. Xin đừng ảo tưởng.
Dương Danh Dy
----------------------------
.
Vấn đề niềm tin
Martin Luther King nói: “Tôi có một giấc mơ”, cũng giống như ông, tôi có một giấc mơ. Giấc mơ quân đội hùng mạnh, giấc mơ đất nước hùng mạnh. Hai giấc mơ đó thực ra là một giấc mơ, đã trở thành niềm tin kiên cường của tôi. Chúng ta đều là quân nhân. So với tôi, các anh đều là những quân nhân trẻ tuổi. Khi lên lớp tại Đại học Kỹ thuật quốc phòng tôi đã từng dẫn một câu của Mao Chủ tịch: “Thế giới là của các bạn, cũng là của chúng ta, nhưng nói cho cùng là thuộc về các bạn”. Tôi nói, quân đội là của các anh, bởi vì các anh cũng là mặt trời của quân đội. Tôi vô cùng yêu mến đạo quân này. Tôi tham gia quân đội năm 15 tuổi, đến nay đã 34 năm, Tôi đã hiến dâng tuối thanh xuân cho quân đội, tôi nhất định sẽ hiến dâng cả đời cho quân đội, tuy vậy tôi không dám nói liệu có hiến dâng con cháu cho quân đội hay không. Tôi sinh ra trong doanh trại quân đội, lớn lên trong doanh trại quân đội. Cha tôi là một người lính già, năm 1939 ông và 6 thanh niên nông dân cùng quê tham gia Bát Lộ quân. Trong chiến dịch tàn khốc Mạnh Lương Cố, 6 người ấy đều hy sinh trong chiến đấu, chỉ còn lại một cha tôi…
…
Từ cải cách mở cửa đến nay về chính trị quân đội Trung Quốc đã hai lần phát huy vai trò quan trọng.
Một là cơn bão táp chính trị “6-4” [đàn áp Thiên An Môn]. Đồng chí Tiểu Bình đã nói, cơn sóng gió này sớm muộn sẽ dến. Không thể không đến, nhưng có khả năng sẽ đến sớm. Sau “6-4” công cuộc cải cách mở cửa ở nước ta bước sang một trang mới. Gần đây mọi người học tập Báo cáo chính tri của “Đại Hội 16” trong đó có một mệnh đề quan trọng, đó là thành tựu huy hoàng 13 năm qua của trung ương đảng do đồng chí Giang Trạch Dân làm hạt nhân… Có thể nói không có sự giải quyết vấn đề “6-4” sẽ không có cục diện phồn vinh hưng thịnh của đất nước chúng ta hôm nay; không có quân đội, vấn đề “6-4” không thể giải quyết được, nghĩa là sẽ không có 13 năm huy hoàng. Sáng sớm ngày 6 tháng 4 hôm ấy, Bắc Kinh sau khi trải qua một đêm trời long đất lở đã đột nhiên yên tĩnh, rất nhiều bộ đội thu dọn tụ tập tại quảng trường Thiên An Môn, không biết tình hình bước tiếp theo sẽ phát triển ra sao… Buổi sáng ngày hôm đó, mọi điện thoại ở Bắc Kinh đều không gọi được. Vì sao gọi không được? Bởi vì toàn thể thị dân đều núp trong nhà gọi điện thoại, trong chốc lát đường dây quá tải. Tin đồn không cánh mà bay, bay khắp cả nước. Phương Tây huyên náo. Con mắt toàn thế giới tập trung nhìn vào quảng trường Thiên An Môn. Chủ tịch nước Dương Thượng Côn lúc đó nói: “Trên quảng trường Thiên An Môn sáng sớm hôm đó nếu có một Trung đội có vấn đề là nguy vô cùng”. Thế nhưng quân đội của chúng ta là quân đội do đảng lãnh đạo. Không có Trung đội nào [có vấn đề] cả. Quân đội đã trải qua thử thách. Quân đội đã trả giá nặng nề cho “6-4”… có người Bắc Kinh đã hạ độc thủ để ngăn cản quân đội vào thành, có một Trung đội trưởng bị đánh bị thương rồi bị đem ra thiêu sống, có hai Tiểu đội trưởng sau khi bị thiêu chết rồi còn bị treo lên… Quân đội Trung Quốc đã phát huy tác dụng quan trọng trong sự kiện “6-4”, ổn định giang sơn, đó là một lần cống hiến của quân đội trong thời kỳ mới.
Một lần nữa là cuộc đánh trả tự vệ đối với Việt Nam năm 1979 và sau đó là cuộc chiến đấu tại “Lưỡng Sơn” (tức vùng Pháp Ca Sơn). Đặc biệt là cuộc đánh trả tự vệ Việt Nam năm 1979, rất nhiều đồng chí chúng ta không nhận thức được ý nghĩa của cuộc chiến tranh này. Đương thời đã có người nói: chúng ta và người Việt Nam đánh nhau, bây giờ hy sinh là liệt sĩ, tương lai một khi quan hệ hai nước tốt, bọn họ sẽ là cái gì? Tôi nói: “vẫn là liệt sĩ” Vì sao vậy? Chúng ta cần xem xét cuộc chiến này từ góc độ chính trị. Ý nghĩa của chiến tranh luôn luôn ở ngoài chiến tranh. Cuộc chiến tranh này của đồng chí Đặng Tiểu Bình là đánh để cho hai người xem, một là Đảng Cộng sản Trung Quốc, hai là bọn Mỹ. Năm 1978 đồng chí Tiểu Bình được phục hồi, tháng 1 năm 79 thăm Mỹ, tháng 2 đánh nhau. Xem xét từ chính trị thấy, trận đánh này không đánh không được. Vì sao vậy? Sau khi đồng chí Tiểu Bình phục hồi ý tưởng chiến lược cải cách mở cửa Trung Quốc đã hình thành trong tim gan đồng chí, muốn thực hiện ý tưởng chiến lược đó cần phải xây dựng được quyền uy tuyệt đối trong đảng. Phải đánh một trận. Lúc đó “lũ bốn người” vừa bị đập tan, những người có tư tưởng cực tả trong đảng chống Đặng càng chống đường lối và chính sách của ông hơn. Muốn cải cách cần phải có quyền uy. Biện pháp nhanh nhất để xây dựng quyền uy là đánh nhau….
Người Mỹ sau khi hao binh tổn tướng tả tơi nhếch nhác rút khỏi Việt Nam, đồng chí Tiểu Bình đã nói, chúng ta cho Việt Nam bài học. Lúc đó Việt Nam chạy theo ai? Chạy theo Liên Xô, lúc đó đồng chí Tiểu Bình phát động cuộc đánh trả tự vệ Việt Nam là đã vạch ranh giới giữa Trung Quốc với cái gọi là mặt trận xã hội chủ nghĩa Liên Xô… Mười năm trước đồng chí Tiểu Bình đã nhìn rõ điểm này, dùng cuộc chiến tranh đó để vạch rõ ranh giới với anh… Vừa rồi tôi nói trận đánh này cũng là đánh vì người Mỹ, có nghĩa là nói để cho người Mỹ hả giận. Có chứng cứ không? Có. Ngày hôm kia đồng chí Tiểu Bình vừa rời Nhà Trắng Mỹ về thì ngày hôm sau đánh. Vì sao muốn để người Mỹ hả giận? Người Mỹ vừa vỡ đầu sứt tai chạy khỏi Việt Nam. Vì sao chúng ta phải làm cho họ hả giận? Thực ra điều đó cũng không phải vì Mỹ mà là vì chúng ta vì cải cách mở cửa. Trung Quốc muốn cải cách mở cửa mà không có viện trợ của phương Tây đứng đầu là Mỹ là không có khả năng. Đánh trận này, viện trợ kinh tế, viện trợ khoa học kỹ thuật, bao gồm cả viện trợ quân sự và tiền vốn sẽ không ngừng chảy vào Trung Quốc. Thời kỳ trăng mật Trung Mỹ dài tới 10 năm, mãi đến ngày 6 tháng 4 năm 1989 mới có dấu chấm. Trận đánh đó mang lại cho Trung Quốc cái gì? Mang lại cho Trung Quốc rất nhiều thời gian, rất nhiều nguồn vốn, rất nhiều kỹ thuật… Vì thế có thể nói, bước đi đầu tiên của cải cách mở cửa Trung Quốc đã được cất lên từ cuộc chiến tranh này… [*]
…
DDD
.
Nguồn Trung Quốc báo đạo chu san 28/5/2005 đăng lại trên “Bách gia tranh minh”.
[*] Sau khi đọc thêm phần trích dịch cần thiết của ông Dương Danh Dy nhằm bổ sung cho phần dịch của ông Nguyễn Hải Hoành, BVN xin cung cấp thêm một vài nét về tiểu sử và con người Lưu Á Châu để chúng ta có cái nhìn phía này và phía khác của họ Lưu cho toàn diện: Lưu Á Châu là một sĩ quan cao cấp quân đội Trung Quốc nổi tiếng vì có những phát ngôn thẳng thắn, dám công khai phê phán, góp ý cho nhiều chủ trương chiến lược cấp cao nhất của TQ. Năm 1972 (20 tuổi) đi học ĐH ngoại ngữ tiếng Anh trong khi đang ở bộ đội. Tốt nghiệp ĐH làm cán sự Ban Liên lạc Không quân, thăng tiến rất nhanh. 38 tuổi làm Chính ủy một Viện kỹ thuật binh chủng tăng thiết giáp, 44 tuổi được phong quân hàm Thiếu tướng, 45 tuổi làm Chủ nhiệm chính trị không quân Quân khu Bắc Kinh, 50 tuổi là Chính ủy không quân Quân khu Thành Đô. 51 tuổi (2003) phong Trung tướng, làm Phó chính ủy binh chủng Không quân Trung Quốc, từ 25/1/2010 được đề bạt làm Chính ủy Trường đại học Quốc phòng Trung Quốc, ngang cấp Tư lệnh Đại quân khu.
Con đường thăng tiến nhanh như diều của Lưu cũng đủ thấy lập trường cơ bản của Lưu là ủng hộ phe đương quyền lúc bấy giờ do Đặng Tiểu Bình cầm chịch. Được coi là một tướng lĩnh cấp cao có tinh thần đổi mới tư tưởng chiến lược quân sự, tiếp thu các trào lưu tư tưởng tiên tiến phương Tây, phê phán sự lạc hậu bảo thủ của văn hóa truyền thống Trung Quốc, phê phán các tôn giáo Nho, Lão, Phật, Lưu ủng hộ đường lối cải cách mở cửa, đồng thời cũng ủng hộ triệt để lập trường xử lý vụ Thiên An Môn và cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979 mà TQ gọi là “chiến tranh phản kích tự vệ” của Đặng Tiểu Bình. Lưu phê phán Cách mạng văn hóa và các sai lầm của Mao Trạch Đông nhưng vẫn đề cao tư tưởng Mao Trạch Đông. Có công trong việc bí mật hội đàm với Hàn Quốc để lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc-Hàn Quốc.
Gần đây Lưu Á Châu phát biểu nhiều về việc Trung Quốc cần cải cách chế độ chính trị, thực hiện dân chủ hóa chính trị chứ không nên chỉ đơn thuần phát triển kinh tế. Lưu dám nói những câu như: Nếu một hệ thống không cho người dân được thở không khí tự do và phát huy sức sáng tạo đến mức tối đa, không lựa chọn đưa vào các vị trí lãnh đạo những người tốt nhất đại diện cho chế độ và nhân dân, thì hệ thống ấy sẽ đi đến diệt vong… và dự đoán: Trong 10 năm tới Trung Quốc không thể tránh khỏi xảy ra sự chuyển đổi từ chính trị của quyền lực sang dân chủ.
Lưu Á Châu bắt đầu sáng tác văn học từ 1974. Một số tác phẩm đã được giải thưởng. Tác phẩm chủ yếu: Trần Thắng; Chiến tranh do ác quỷ đạo diễn; Quảng trường; Cái chết của Hồ Diệu Bang, và nhiều chuyên luận quân sự, chính trị như Đại quốc sách; Đại chiến lược Trung Quốc 20 năm tới; Bàn về miền Tây;… rất có tiếng vang trong dư luận. 32 tuổi vào Hội Nhà văn, được bầu làm Ủy viên ban chấp hành Hội.
Lưu Á Châu có tác phong sống gương mẫu, giản dị, gần quần chúng. Khi xuống các đơn vị bộ đội đều không ăn nhậu, tối ngủ cùng lính. Khi cấp trên đến làm việc, Lưu không bao giờ chiêu đãi ăn uống.
.
.
.
No comments:
Post a Comment