Saturday, August 14, 2010

MỘT CỰU CHIẾN BINH TRAO ĐỔI VỚI Ông NGUYỄN VĂN HƯỞNG về NHÂN QUYỀN

Lá thư của một cựu chiến binh trao đổi với Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng về vấn đề nhân quyền

Đăng bởi bvnpost on 14/08/2010

http://boxitvn.wordpress.com/2010/08/14/l-th%c6%b0-c%e1%bb%a7a-m%e1%bb%99t-c%e1%bb%b1u-chi%e1%ba%bfn-binh-trao-d%e1%bb%95i-v%e1%bb%9bi-th%c6%b0%e1%bb%a3ng-t%c6%b0%e1%bb%9bng-nguy%e1%bb%85n-van-h%c6%b0%e1%bb%9fng-v%e1%bb%81-v/

Hà Nội, Ngày 05 tháng 8 năm 2010

THƯ NGỎ

Kính gửi: THƯỢNG TƯỚNG NGUYỄN VĂN HƯỞNG

ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ ĐẢNG

ỦY CÔNG AN TRUNG ƯƠNG, THỨ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN.

.

Sau khi xem bài ” Hãy hiểu đúng về Nhân quyền ở Việt nam” của quý Ông đăng trên tạp chí Nhân quyền Việt Nam, tôi thấy dân mình sung sướng quá, hạnh phúc quá khi đang được sống trong thiên đường XHCN! Bỗng tiếng còi hơi chát chúa của một chiếc xe “Ben” ầm ầm chạy qua làm tôi bừng tỉnh, thì ra tôi đang nằm mơ giữa ban ngày. Có lẽ Ông đang ở trên đỉnh cao của quyền lực, cùng với những đặc quyền, đặc lợi nên không thể hiểu nổi sự thật nhân quyền ở Việt Nam như thế nào?

Bài viết với tiêu đề “Hãy hiểu…” đã như một mệnh lệnh mang tính cửa quyền và áp đặt cho nhân dân Việt Nam. Giá như Ông đề “Nên hiểu…” có lẽ đỡ phản cảm hơn. Nội dung bài viết đề cập tới vấn đề nhân quyền với những điều quá ư tốt đẹp, kiêu hãnh, thậm chí còn là “Một tấm gương mẫu mực cho các quốc gia noi theo”;“Có lẽ trên thế giới chưa có chính phủ nào làm được việc này”… mà không hề nêu lên một chút băn khoăn hoặc hạn chế nào về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam! Như vậy liệu có khách quan và tôn trọng sự thật không?

Nhân quyền hiểu một cách đơn giản là “Những nhu cầu, lợi ích tự nhiên và khách quan của con người, được ghi nhận và bảo đảm trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế”; “Quyền con người không phải là sự ban phát của Nhà nước, mà là quyền vốn có của nhân dân, do nhân dân đấu tranh mà giành được” (Sách Tư tưởng Hồ Chi Minh về quyền con người – NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005).

Vậy nhân quyền ở Việt Nam nên hiểu như thế nào?

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, các điều từ 49 đến 82 và các đạo luật khác thể hiện quyền lực của Nhà nước quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của công dân, mang đầy ý nghĩa nhân văn, hợp lòng dân… Dường như những điều tốt đẹp đó chỉ có tính hình thức còn quyền lực thật sự lại nằm trong tay cá nhân các đảng viên là cán bộ, công chức có chức vụ trong bộ máy Đảng và Nhà nước.

Vụ bắt giam những người đấu tranh chống tham nhũng tại Ban quản lý dự án PMU 18; bắt giam những người đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền; vụ bắn chết dân ở Nghi Sơn, Thanh Hóa; vụ mua dâm học sinh phổ thông của Nguyễn Trường Tô Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang; cảnh hàng trăm người chầu chực, chen lấn để xin học cho con tại Trường Mầm non B, quận Tây Hồ, Hà Nội; vụ Nguyễn Văn Hiện Ủy viên trung ương Đảng, Phó ban chỉ đạo cải cách tư pháp VP Chủ tịch nước, nguyên đại biểu Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên ban chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng, lợi dụng chức vụ, bằng quyết định Kháng nghị số 61/KNDS ngày 12/9/2003 trái pháp luật (Đ 296 Luật hình sự), đã tạo nên vụ án oan sai để tham nhũng: Khủng bố, xúc phạm nhân phẩm, cướp đất, tài sản hợp pháp của công dân trị giá 14.344.080.000đ (mười bốn tỷ, ba trăm bốn bốn triệu, tám mươi nghìn đồng – thời điểm tháng 4/2010) tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, v.v.

Trung ương Đảng và Nhà nước đã dung túng, bao che cho Nguyễn Văn Hiện và đồng bọn bằng sự im lặng, bưng bít thông tin, không môt lần giải quyết đơn khiếu tố theo luật định, là hành vi mất dân chủ, là tội ác đã dồn hàng loạt dân cư của một khu vực vào bước đường cùng để bức tử họ (Đ 100 Luật hình sự). Đó là nhân quyền Việt Nam ư?

.

Công luận đã từng chỉ rõ: “Đảng ta để xảy ra [những chuyện tồi tệ] trong thời gian dài đến nay vẫn chưa được ngăn chặn đẩy lùi, như các tệ nạn tham nhũng, quan liêu, lãng phí, cửa quyền, ức hiếp dân, làm khó cho dân bằng các thủ tục rườm rà, xử lý nhiều việc oan sai, dân đi khiếu nại đến đâu cũng vấp phải sự im lặng đáng sợ” (báo Nhân dân ngày 30/3/2006). Đó là nhân quyền Việt Nam ư?

.

Một năm với hơn 9000 vụ án oan sai, hơn 5000 vụ yêu cầu giám đốc thẩm (báo đã dẫn), đã tạo nên một tầng lớp dân cư mới: Tầng lớp Dân Oan. Đã tước đoạt “Các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội” (Đ 50 HP) của bao nhiêu số phận “Dẫn đến đảo lộn trật tự xã hội, trật tự trong mỗi gia đình” đúng như Ông đã nói. Đó là nhân quyền Việt Nam ư?

.

Với quốc tế, Việt Nam xếp hạng tham nhũng thứ 3 ở khu vực Châu Á, thứ 120/180 nước trên thế giới, thuộc nhóm kém minh bạch nhất (VTV ngày 27/6/2010). Với việc đánh sập 300 trang Website, trang blog, Việt Nam bị coi là kẻ thù của internet. Các công ước quốc tế về quyền con người của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam đã tham gia ký kết chỉ mang tính hình thức chứ không thi hành. Đó là nhân quyền Việt Nam ư?

.

Ở Việt Nam lâu nay hai chữ “Nhân quyền” được coi là nhạy cảm, là điều kiêng kỵ. Những ai lên tiếng về thực trạng nhân quyền ở Việt Nam đều bị coi là luận điệu của của các thế lực thù địch, phản động, v.v và v.v…

Theo Ông: Nhân quyền ở Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định:“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Thế nhưng Ông lại cố tình quên lời cảnh báo của chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Theo Ông “Người dân đã bắt đầu quen với luật pháp, quen với nếp sống kỷ cương và ngày hôm nay người dân Việt Nam đang bắt đầu đi vào kỷ nguyên sống và làm việc theo luật pháp”. Nếu như vậy Việt Nam với 4000 năm lịch sử chỉ là miền đất hoang vu, con người sống một cách hoang dã, không xã hội, không Nhà nước, không pháp luật? Với cách nghĩ như vậy, Ông đã phủ định sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong 60 năm qua, đã coi thường lịch sử dân tộc Việt Nam rồi đó.

.

Việt Nam từ khi có sự đổi mới và hội nhập quốc tế, người dân có điều kiện đi ra nước ngoài du lịch, làm ăn, sinh sống. Họ đã cảm nhận được nhiều điều hay cũng như chưa hay, nhưng hay nhất là sự nghiêm minh của pháp luật của các nước trên thế giới. Ở đó quyền con người được tôn trọng và bảo vệ bởi chế độ pháp quyền, bất kỳ ai từ người lãnh đạo cao nhất của đất nước, nếu vi phạm pháp luật cũng bị xử lý nghiêm minh. Còn ở Việt Nam người phạm tội nếu là đảng viên cộng sản đặc biệt là đảng viên thuộc diện trung ương quản lý thì phải chờ tổ chức Đảng ở cơ sở đó xử lý kỷ luật trước, nếu không pháp luật cũng không xét xử được (Hoãn phiên tòa vì các bị cáo chưa bị đình chỉ sinh hoạt Đảng – Báo Pháp luật VN ngày 22/11/2007) Có lẽ trên thế giới chỉ Việt Nam là có hiện tượng này. Đó là nhân quyền Việt Nam ư?

Đúng! Nhân quyền ở Việt Nam là như vậy đó!

.

Là người dân hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chúng tôi cũng không muốn bàn luận đến chuyện của người khác. Song tạp chí Nhân quyền Việt Nam “Là diễn đàn nghiên cứu, trao đổi, phổ biến kinh nghiệm về các vấn đề quyền con người… Đồng thời phê phán những nhận thức lệch lạc và đấu tranh với biểu hiện sai trái, thù địch về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam” (Website VTV.VN ngày 20/7/2010).

Vì vậy với tình cảm và trách nhiệm cũng như quyền và nghĩa vụ công dân, tôi xin gửi tới quý Ông cùng những người có thẩm quyền và trách nhiệm “Quản lý xã hội bằng pháp luật…” (Điều 12 Hiến pháp), để làm sao thực sự “Quyền con người, một khi đã được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận, sẽ trở thành ý chí chung của toàn xã hội, được xã hội tuân thủ và được pháp luật bảo vệ” (Sách trắng – Bộ Ngoại giao 2005).

Cuối thư, tôi xin gửi tới quý Ông lời chào chân trọng, lời chúc sức khỏe và hạnh phúc.

Kính thư

.

Nơi nhận - Như trên

- Trung ương Đảng và nhà nước

- Các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước

Nguyễn Anh Dũng

HV hội cựu chiến binh VN

ĐC: Số 5 ngách 12/87 Chính Kinh, Nhân

Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.

. ĐT: NR (04)38583514, DĐ 0984535494

Gmail : anhdungnhanchinh@gmail. com

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

.

.

.

TRAO ĐỔI VỚI Thượng Tướng NGUYỄN VĂN HƯỞNG về NHÂN Quyền (Kami)

PHẢI HIỂU NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM NHƯ THẾ NÒA CHO ĐÚNG ? (talawas)

VIỆT NAM ĐÃ CÓ NHÂN QUYỀN (RFA)

.

.

.

No comments: