Mông Cổ, đường dây buôn người lao động Bắc Triều Tiên
Thứ ba 10 Tháng Tám 2010
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20100810-mong-co-duong-day-buon-nguoi-lao-dong-bac-trieu-tien
Báo Le Figaro hôm nay có bài chú ý đến châu Á với tựa đề « Mông Cổ trung tâm buôn lậu lao động Bắc Triều Tiên » . Phóng viên của tờ báo đã đến tận thủ đô Ulan Bato để có bài viết về tình trạng buôn bán lao động Bắc Triều Tiên tại Mông Cổ.
.
Tác giả bài báo ghi nhận, tại một khu phố của trung tâm thủ đô Ulan Bato, có một trụ sở, bên ngoài có cắm cờ Bắc Triều Tiên. Đó là một văn phòng công chứng, nhưng ông chủ của nó còn là một nhà thầu lao động đến từ Bắc Triều Tiên. Theo tác giả bài báo thì cách đây ít tuần, có 6 người Bắc Triều Tiên làm lập trình tin học đã đến làm việc tại các cơ sở của ông chủ này và lương của họ được rót thẳng vào tài khoản của nhà độc tài Kim Jong Il. Những người đó hoàn thành công việc đã trở về nước, nhưng sẽ có những người khác sang thay thế họ.
.
Theo tác giả bài báo, chế độ kiệt quệ Bình Nhưỡng đang xoay sang việc bán nhân công ra nước ngoài để làm nguồn thu. Từ vài năm trở lại đây người ta đã đồn đoán có bóng dáng của các công nhân Bắc Triều Tiên trên các công trường ở những nước từ châu Phi đến Đông Nam Á hay Trung Đông. Nhưng giờ đây ở Ulan Bato, tin đồn đó là chuyện có thật. Một người có trách nhiệm của chính quyền đã cho Le Figaro biết, Mông cổ vừa thỏa thuận với Bình Nhưỡng nhận 5 nghìn lao động Băc Triều Tiên. Vẫn theo nhân vật này thì vào lúc lệnh trừng phạt quốc tế đang đánh mạnh vào việc buôn bán vũ khí của Bắc Triều Tiên, một nguồn thu ngân sách truyền thống của nước này, thì bán lao động là nguồn thu duy nhất còn lại của chế độ này.
Mông Cổ là nước thưa dân, chỉ có 2,7 triệu người, trong bối cảnh bùng nổ của ngành khai mỏ phục vụ cho công cuộc phát triển, đất nước nhỏ bé này đang rất thiếu nhân lực.
Những công nhân được Bình Nhưỡng gửi đến là nguồn nhân lực lý tưởng cho các công việc nặng nhọc như xây dựng đường xá, nhà cửa hay lái xe tải. Nhưng điều quan trọng hơn cả là giá rẻ hơn so với lao động Trung Quốc hay Mông Cổ, theo như lời giải thích của ông chủ tịch của Chinggis, một tập đoàn Công nghiệp lớn nhất Mông Cổ. Ông chủ này cũng cho biết là các công nhân Bắc Triều Tiên rất kỷ luật và chấp nhận làm việc vất vả. Nhất là họ không phải là người Trung Quốc, đây là một ưu thế ở Mông Cổ, một đất nước vẫn bị ám ảnh từ bao đời nay về sự xâm lược của người láng giềng vĩ đại Trung Quốc. Việc có mặt các công nhân Bắc Triều Tiên góp phần nào vào việc ngăn chặn làn sóng ồ ạt của công nhân Trung Quốc, đang coi Mông Cổ như là một miền đất hứa mới.
Để khuyến khích việc chọn công nhân Bắc Triều Tiên, chính phủ Mông Cổ còn miễn cho các công ty 200 đô la tiền thuế mỗi tháng trên một đầu lao động ngoại quốc.
.
Tạm nhập để tái xuất
Thế nhưng theo bài báo thì người Mông Cổ còn muốn đi xa hơn nữa, họ muốn từ đây lại xuất khẩu tiếp lực lượng lao động này sang các nước đang phát triển khác. Mông Cổ đã tái xuất các công nhân Bắc Triều Tiên sang Algerie, nơi mà họ lại phải lăn lưng ra làm cho các ông chủ Hàn Quốc, những người không thể ký kết được với người anh em thù địch miền Bắc.
Theo Le Figaro, hình thức buôn bán người này đã bị tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Right Watch lên án. Điều đáng quan ngại là những lao động Bắc Triều Tiên đó chỉ được nhận một phần đồng lương, phần lớn còn lại được rót về cho ngân quỹ nhà nước.
Nguồn thu này của chế độ Bình Nhưỡng sẽ phải đặt thành vấn đề khi mà Hoa Kỳ đang chuẩn bị thắt chặt các biện pháp trừng phạt mới để ngăn chặn mọi nguồn tài chính từ buôn bán của Bắc Triều Tiên nhằm phục vụ cho chương trình hạt nhân quân sự của họ.
Nhưng Washington vẫn làm ngơ trước thỏa thuận giữa Mông Cổ và chế độ của Kim Jong Il. Bởi các nhà ngoại giao Mỹ nhìn thấy được ở mối quan hệ hữu nghị kia có thể tìm được một kênh liên lạc hiếm hoi với chế độ kín cổng cao thường nhất thế giới kia. Và biết đâu có thể đây sẽ lại có ích trong trường hợp khởi động các cuộc đàm phán với Bắc Triều Tiên.
.
.
.
No comments:
Post a Comment