NGUYỆT HẠ/Việt Tribune
August 06, 2010
http://www.viettribune.com/vt/index.php?id=4915
‘Muốn nhìn và thấy Đà Lạt, trong mấy năm qua, mình đã phải lùi thật xa, nhắm hết mắt mũi lại…’ chị Thu Ann Nguyễn, người gốc Đà Lạt đã nói với kẻ viết bài như thế trong chuyến xe đò Thành Bưởi chạy tuyến Sài Gòn-Đà Lạt vào cuối tuần qua. Hàng loạt hồi ức tuôn trào khi xe qua Đồi Cù, trường Bùi Thị Xuân, cà phê Thủy Tạ... khiến kẻ viết bài ‘ngửi ra’ dễ dàng lý lịch ‘cựu Bùi Thị Xuân có phu quân Trần Hưng Đạo’ của chị bạn đồng hành.
.
‘Cái này coi được!’
Đó là câu nhận xét tóm tắt của chị Thu về tình hình đường xá Đà Lạt. Mặc dù đã thay tên đổi họ nhưng những con đường quanh khu Hòa Bình, rộng ra khu vực đại học Đà Lạt, nhà thờ Con Gà, Trại Mát, cây số 4, cây số 6…vẫn còn khá nguyên vẹn linh hồn. Xe lướt êm qua đường Phan Đình Phùng, Võ Tánh, nét mặt người xa xứ hân hoan thấy rõ. Kẻ viết bài bảo nhỏ tài xế tránh đường Nguyễn Công Trứ, tránh hồ Xuân Hương. Anh ta gật đầu ngay, nét mặt biểu lộ sự đồng loã ngấm ngầm. Trước năm 75, đường Nguyễn Công Trứ tuy lở lói nặng nề nhưng chưa được ‘băng bó’ ra hồn. Sau 75, vẫn cảnh ‘vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh’. Kịp khi đại học Đà Lạt mở rộng qui mô đào tạo, chiêu sinh đủ loại sinh viên thì đường Nguyễn Công Trứ, Võ Tánh, Phù Đổng Thiên Vương, do ở sát trường Đại học, đã nhanh chóng trở thành nơi ‘tập kết’ toàn nhà trọ giá rẻ dành cho sinh viên, khá xô bồ, bát nháo. Chị Thu hoàn toàn chưa được ‘tham quan’ những nhà trọ này – nằm sâu dưới vườn rau, chênh với mặt đường mươi thước. Sau mỗi cơn mưa to, nhà trọ thành túi chứa nước. ‘Đang học trên lớp bọn em phải bỏ đó chạy vội về, di tản quần áo, máy tính, nồi cơm điện lên mặt đường theo kiểu chuột chạy lụt’, Anh Hùng, sinh viên năm hai khoa Du Lịch cho biết như vậy. Đối với người bán rau chuối, mì gói, bánh mì, cà phê thuốc lá, quần áo xôn trên lề đường Võ Tánh, Nguyễn Công Trứ, Phù Đổng Thiên Vương… lực lượng sinh viên trọ học là nguồn sống chính của họ. Nhưng đối với dân địa phương nói chung, sinh viên gây ít nhiều phiền phức, chí ít do bởi phong cách sống ‘Sinh viên mà!’ của họ.
Bên cạnh đường xá phong quang, điều khiến chị Thu nhận xét ‘cái này coi được’ chính là ở cách ăn mặc. Hồi xưa, vào thứ Bảy Chủ nhật, khu Hòa Bình tràn ngập mấy anh Võ Bị, Chiến Tranh Chính Trị, mấy cô trường tây, trường Bùi Thị Xuân với trang phục chỉnh tề, thanh lịch. Sau gần hai chục năm khố rách áo ôm khốn khổ khốn nạn, Hòa Bình bây giờ ngay người bán gánh, lái xe ôm, ăn xin cũng hai ba lớp áo ấm áp, lành lặn.
.
Trời ơi, sao mà...
Một trong những đặc sản của Đà Lạt là mưa, thứ mưa dầm dề suốt từ sáng đến tối, kéo suốt tuần. Mặt trời biến mất. Lạnh trong xương lạnh ra. Người già, người bệnh sù sụ ho, sù sụ khăn quàng, ngồi rầu rĩ trong nhà nhìn đám quần áo trên dây, phơi ba ngày, đến ngày thứ tư mọc rêu lấm tấm… Sở dĩ ‘được’ như vậy vì Đà Lạt là một trong những tỉnh có vũ lượng thuộc hàng lớn nhất Việt
Đứng nhìn hồ Xuân Hương trong đêm, dù bóng tối đã che bớt những phần kém thơ mộng, đồng thời đèn mầu tứ phía cho mượn hào quang, kẻ viết bài vẫn không khỏi choáng váng vì sự xấu xí thê thảm của hồ nước từng được mệnh danh là trái tim Đà Lạt. Công việc đội đá vá hồ xem ra vẫn chưa đâu vào đâu, tính từ ngày 22 tháng 1, khi hồ Xuân Hương chính thức được tháo nước để tiến hành nạo vét 315.000 mét khối bùn đất, thay mới hệ thống xi phông, xây ta – luy quanh hồ...Theo dự án được phê duyệt, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã chi kinh phí 63 tỉ đồng, dự định trong khoảng thời gian hơn một năm, từ trước Tết Canh Dần tới tết Tân Mão, hồ Xuân Hương và vùng phụ cận sẽ khoác lên mình bộ cánh mới, kiều diễm hơn xưa, xứng đáng với vai trò cửa ngõ dẫn vào Thành phố Ngàn hoa. Tính là thế, nhưng cho tới thời điểm hiện tại du khách đến Đà Lạt, không có chiếc hồ để thả hồn mơ mộng thì chớ, còn mất hồn vì bao hệ luỵ do việc đào bới xáo trộn quanh hồ.
Trong các tua du lịch mùa hè năm 2010 này, tua Đà Lạt ít hấp dẫn nhất. Bốn ngày lưu trú Đà Lạt chưa tới trăm đôla, rẻ nhiều so với tua Nha Trang, Bình Thuận, nhưng khách rất ít, chủ yếu trông vào cuối tuần (thứ Sáu đi, Chủ nhật về). Chị Bình Trang, chủ khách sạn đường Tăng Bạt Hổ cho biết dù đã ‘móc’ với các hướng dẫn viên du lịch, cho họ hưởng 20% huê hồng trong tiền phòng của khách nhưng ế vẫn hoàn ế. Tại sao ế? Chị Bình Trang khoát tay thành một vòng tròn bâng quơ, hất mắt ra góc khu Hòa Bình, ngay vị trí cầu thang dẫn xuống chợ Đà Lạt, nơi những hàng bánh kẹp ‘cải tiến’ nằm chung với hàng quần áo xôn (bánh tráng kẹp là một ‘phát kiến’ của các bà bán đồ nướng trên phố đêm một hai năm trở lại nay, gồm một cái bánh tráng, loại cuốn gỏi, cuốn chả giò, đặt trên bếp than hồng, sau đó đập một cái trứng gà vào, di trứng đều khắp mặt bánh, rắc ít tôm khô, hành mỡ, xong cuốn lại, lấy ra, ăn với tương ớt hoặc xì dầu, bán năm ngàn một cái),
Quần áo xôn, trước năm 75 đã có (gọi chung là đồ viện trợ Mỹ), bán tập trung ở chợ trên. Sau 75, khi toàn thành phố đói khổ, các hàng xôn mới ‘bò lan’ khắp phố. Và bây giờ thì túm tụm chừng hơn chục hàng ở góc photo Hồng Châu, ngay vị trí cầu thang chợ trên. Chả cứ dân địa phương, du khách ai cũng biết chỗ này. Một nhóm bốn cô gái trẻ hí húi lựa áo len cho biết họ từ Sài Gòn lên, xách mỗi người một cái bóp đựng đồ lặt vặt thay vì va li quần áo lỉnh kỉnh vì ‘ở đây bán đủ thứ: mũ len, khăn quàng 30.000 đồng, vớ 10.000 đồng ba đôi, áo gió 30.000 đồng một cái. Người bán không nói thách, tụi này cũng không có ý trả rẻ những thứ đã quá rẻ, bán đổ đống bên đường, tới tận khuya’.
Theo thông lệ, thứ Bảy Chủ nhật, quanh khu Hòa Bình cấm xe chạy, từ bảy giờ tối trở đi dành cho người đi bộ. Nhưng do mưa gió triền miên, du khách lác đác, phố đi bộ không phát huy tác dụng, xe cộ các loại lại được phép lưu thông. ‘Lên Đà Lạt chả biết làm gì cho hết ngày, hết tiền. Đồ ăn thì dở, hồ Xuân Hương đang sửa chữa, cảnh đẹp các nơi đều bị khai thác, chắp vá thô thiển, đồi thông, đồi hoa từ lâu đã thành đồi trọc. Sương mù cũng thôi giăng, quán cà phê Tùng thôi ngon…’. Nhiều người đi Đà Lạt về, nói trong vẻ chán nản, luyến tiếc, như vậy.
.
Từ cà phê Tùng…
Nhân nói cà phê Tùng, kẻ viết bài nhớ đã gặp tại đây một đôi bạn trẻ trong tình cảnh hết sức… Tùng, nghĩa là rất romantic. Nàng ở Đà Lạt dạy học. Chàng làm thơ, làm báo ở Sài Gòn. Nhớ nhau, nàng nhắn mobil phone ‘một tách cà phê Tùng đi anh’. Cứ tưởng nói chơi, không ngờ anh chàng xuống thật. Sáu trăm cây số vừa đi vừa về. Mười hai giờ trưa đáp xe đò Thành Bưởi. Bảy giờ tối gặp nhau ở góc cà phê ấm cúng riêng tư. Tám giờ tối, lên xe về lại Sài Gòn. Ba giờ sáng tới bến. Sáu giờ sáng ung dung đi làm, thắp điếu thuốc tươi rói, lập loè hình ảnh người yêu…. Đôi tình nhân nọ, đã xởi lởi mời kẻ viết bài ngồi cùng, nghe tiếng hát Khánh Ly lênh đênh sương khói ‘Tình yêu như trái phá, con tim mù lòa…’
Đi Đà lạt thăm người yêu như anh chàng trong cà phê Tùng, dẫu sao vẫn không nhiều so với người lên Đà Lạt mua bán nhà đất, đầu tư làm ăn, thăm dò dự án. Có điều những người này, tạm gọi là doanh nhân, rất bận rộn, hiếm khi lang thang lãng mạn. Ở họ toát ra một vẻ...không biết gọi đích xác là gì. Mắt sắc sảo, trán cau cau, thần thái ngưng tụ một lát trước khi bùng lên thành con số, chữ ký, danh thiếp, cú điện thoại, cuộc ăn uống bạc triệu…Họ đến đi Đà Lạt xoành xoạch bằng xe nhà, máy bay, xe đò. Chân họ đi đến đâu, mắt họ liếc đến đâu là thông, hoa ‘đi đời’ đến đó, nhường chỗ cho trang trại rau sạch, dãy biệt thự, công nghệ chế biến hoa khô, rượu vang, cà phê, hàng mỹ nghệ xuất khẩu…Họ được chính quyền trải thảm đỏ nhưng dân địa phương chả mấy khi biết mặt mũi tên tuổi họ. Có người đến rồi nhanh chóng một đi không trở lại. Cũng có người kiên nhẫn hơn, cưa kéo năm lần bảy lượt những gốc bự địa phương để xin được tấm giấy phép đầu tư xây dựng, như Nhi và Tất, hai chàng thầu khoán gốc Đà Lạt, đang ăn nên làm ra ở Sài Gòn, đùng đùng ‘đâm đầu’ về Đà Lạt, xin thầu việc nâng cấp ‘thang’ – cách gọi các ngõ tắt nối hai đường song song với nhau.
Nhờ Nhi nhắc, kẻ viết bài nhớ lại địa hình Đà Lạt toàn đồi dốc ngoằn ngoèo, lên cao xuống thấp. Để nối đường trên đường dưới với nhau, người dân xẻ đường tắt ngang, đứng xa trông như những chiếc thang bằng đá xanh bám chắc sườn đồi. Nhiều ‘thang’ bị nhà cửa chồm ra lấn chiếm nên tối om, ẩm ướt, bề ngang chỉ đủ hai người tránh nhau như ‘thang’ trên đường Hàm Nghi, Minh Mạng, Duy Tân nối xuống đường Phan Đình Phùng. Đầu thang có thể nằm nép một quán chè, lều cà phê. Giữa thang một chái tạp hóa cò con, cuối thang một chợ chồm hổm, tuy chỉ lèo tèo vài quang gánh nhưng cũng đủ chuối Laba, hồng, đào, bơ, thịt heo, thịt bò, cá biển, bắp sú, salade, giá, cà chua, chanh ớt, đậu hũ... Sáng ra, thay vì đi chợ Đà Lạt, dân ở ‘thang’ nào mua bán quanh ‘thang’ đó. Trùm áo mưa, thu tay trong bụng, đứng nép vào mái hiên, tay này cầm xôi, bánh mì, sữa đậu nành nóng, tay kia xách cá xách rau, vừa mua bán vừa trò truyện rôm rả khiến không khí trong các ngách, các ngõ quanh ‘thang’ mang vẻ đầm ấm riêng tư. Giọng Đà Lạt của họ nghe rất hay – không phải Sài Gòn, càng không Nha Trang, Quảng, Huế. Nó là một thứ tiếng Bắc nhẹ nhàng, pha đủ thổ âm khác nhau, pha nhuyễn đến mức không thể phân biệt được thổ âm gốc, chỉ biết càng nghe càng thấy dễ thương – nhưng thương dễ hay không, không dám chắc!
Thế đó, Đà Lạt đầu tháng Tám này, không có hoa tươi trái ngọt, thức ăn ngon để cầm chân du khách, chỉ có mưa dầm và đường xá, hàng quán, chợ búa lôi thôi ướt át. Nhưng nếu nhắm mắt lại, mở ký ức và tình yêu ra, người ta có thể thấy được nét đẹp khói sương lãng đãng của vùng đất này cũng nên. Mà một khi đã thấy, chuyện vượt 600 cây số hay 10.000 cây số về thăm coi như ‘số trời đã định’, muốn trốn trốn không xong.[NH]
.
.
.
No comments:
Post a Comment