Tuesday, August 3, 2010

LẤN BIỂN hay LẤN ĐẤT DÂN ?

Lấn biển hay lấn đất dân?

Thanh Quang, phóng viên RFA

2010-08-02

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Project-of-sea-encroachment-is-infact-an-encroachment-on-people-s-land-ThQuang-08022010205749.html

Một trong những rắc rối về đất đai dai dẳng và gây nhiều chú ý trong nước có lẽ là vụ ở Rạch Giá – tại nơi gọi là “khu lấn biển” Kiên Giang.

Thực chất của dự án lấn biển Kiên Giang ra sao? Người dân bị ảnh hưởng phản ứng như thế nào? Thanh Quang tìm hiểu vấn đề này, mời quý vị theo dõi sau đây:

.

Lấn ngược vô đất canh tác

Dự án mà chính phủ cho phép chính quyền Kiên Giang lấn ra biển trên diện tích 420 hecta để mở rộng đất sinh sống cho cư dân địa phương, nhất là giúp những hộ nghèo có đất cư trú, hẳn là điều tốt đẹp trên lý thuyết. Nhưng dự án ấy đã gây phản ứng đáng kể cùng nhiều nỗi uất ức của cư dân ở Phường An Hòa và Phường Vĩnh Bảo thuộc TP Rạch Giá trong 12 năm nay, khi công trình “lấn biển” trở thành lấn ngược vô đất canh tác và sinh sống lâu năm của người dân.

Cách nay ít lâu, tạp chí Pháp Lý của Hội Luật Gia Việt Nam phải kết luận rằng với “quyết định của chính phủ cho Kiên Giang lấn biển 420 ha, việc UBND tỉnh Kiên Giang thu hồi 45 hecta đất của dân là do Ban Quản lý Công trình lấn biển “chế ra” và được UB tỉnh “OK”. Mới đây, báo Pháp Luật cũng kết luận rằng “Kiên Giang lợi dụng lấn biển để lấn đất dân”.

Hành động của giới cầm quyền Kiên Giang gây phẫn nộ người dân địa phương, như một cư dân nhận xét:

“Đảng và Nhà nước chủ trương lấn biển mở rộng đô thị Rạch Giá thì chủ trương đó bị tỉnh Kiên Giang và Ban Quản lý Dự án Lấn biển lợi dụng lấn thêm 45 hecta đất của dân. Mục đích của họ là nhằm bồi thường giá rẻ, rẻ hơn kinh phí bỏ ra để lấn biển. Họ dùng từ là “chỉnh trang đô thị” và lợi dụng việc lấn biển để lấy đất của dân. Hiện nay chúng tôi đang thưa kiện việc chính quyền tỉnh Kiên Giang hỗ trợ, bao che cho Ban Quản lý Dự án Lấn biển lấy đất của dân nhằm thường với giá rẻ mạt trong khi không ra quy định thu hồi đất. Vụ này 12 năm rồi, hiện là 2010, họ tính giá đất năm 1998 với giá là 13.200 đồng.

Khi chúng tôi thưa lên chính phủ thì chính phủ chỉ đạo xuống, yêu cầu Kiên Giang giải quyết dứt điểm, giải quyết tính theo giá vàng trượt giá, tiền mất giá và tính lãi cho chúng tôi. Nhưng lấy giá mốc cơ sở ban đầu tính tiền trượt giá và mất giá cũng bằng nghĩa với đồng tiền Việt Nam mất giá hiện nay là 12 năm. Có nghĩa là hồi đó anh giao miếng đất này và mua được 1 lượng vàng thì ngày hôm nay anh cũng chỉ mua được 1 lượng vàng thôi. Còn nhà đầu tư lấy đất, họ bán với giá hiện hành là từ 2 triệu tới 6 triệu đồng/1 m2.”

Một dân oan khác ở địa phương này cho biết thêm:

“Chúng tôi gởi đơn thưa lên chính phủ, thì đoàn Thanh tra chính phủ xuống nói việc này là việc của chính phủ, và chỉ có chính phủ mới trả lời là chính quyền Kiên Giang đúng hay dân thưa kiện là đúng. Cho tới giờ phút này, chưa có quyết định cuối cùng nói rằng Kiên Giang là đúng. Chưa có quyết định cuối cùng của chính phủ thì tại sao chính quyền Kiên Giang lại ra quyết định cưỡng chế đất của dân và cho đó là đúng được? Ở đây quan tòa là chính phủ. Mà chính phủ chưa có quyết định sau cùng nào hết. Chúng tôi là công dân của đất nước có chính quyền, có đoàn thể, có đảng lãnh đạo, thì chúng tôi chỉ biết thưa kiện mấy ông đó chứ biết thưa kiện ai bây giờ. Báo chí cho tới giờ phút này vẫn đồng tình với chúng tôi là chính quyền Kiên Giang làm sai.”

Dù bị cư dân địa phương và cả báo chí gần như đồng loạt phản đối, nhưng giới cầm quyền địa phương xem chừng như “câu giờ” để tiếp tục hành động biến dự án “lấn biển” thành “lấn đất dân”, như một cư dân khác mô tả:

“Dân hoan nghênh những bài báo ấy. Họ lên tiếng ủng hộ các bài báo và chờ Ủy ban tỉnh sửa sai. Nhưng mà tỉnh và Ban Quản lý Công trình Lấn biển lợi dụng cứ kéo dài thời gian rồi thấy êm êm thì bắt đầu làm tiếp, chứ không sửa đổi.”

.

Thu hồi hay cướp đất?

Phương tiện của việc cưỡng chế đất đai trong nước, kể cả vụ “lấn biển Kiên Giang” luôn là võ lực, như một dân oan vừa rồi mô tả:

“Chính quyền dùng biện pháp cưỡng chế chúng tôi. Họ có công an, quân đội, có dân quân rất đông, tới cưỡng chế có mấy chục hộ dân thì làm sao chúng tôi đỡ được. Chúng tôi thưa lực lượng công an về việc hôm rồi họ cưỡng chế, lôi người ta ra khi người ta đứng trên đất của mình và chỉ yêu cầu ngừng thi công thôi. Mà yêu cầu này là hợp lý, vì người ta chưa nhận tiền bồi thường, đang trong vòng thưa kiện thì làm sao chính quyền cho thi công trên đất người ta được. Chúng tôi chỉ chống đỡ bằng văn bản, bằng thưa kiện, bằng báo chí. Nhưng họ vẫn cứ làm, họ làm bừa, làm càn - tôi cho là làm càn. Thậm chí có người dân phát biểu là “mấy ông ăn cướp đất của tôi chứ không phải thu hồi đất của tôi. 500 m2 mà tôi chỉ mua lại được có 5 m2 thì là ăn cướp đất của tôi chớ còn gì nữa?”. Hiện nay, khi họp dân lại, thì họ nói rõ rằng tiền bồi thường 1 m2 không đủ mua 1 kg cá linh cho con cháu ăn.”

Hậu quả luôn là sự thua thiệt trong sự chịu đựng của người dân:

“Người ta cầm quyền thì mình không trả lời được. Họ cầm quyền thì khi họ hành động như vậy có thể là họ biết đó, nhưng người ta cầm quyền thì người ta cứ làm. Mình không thể nào cưỡng lại được.”

Sự tung hoành trắng trợn và tùy tiện đó của giới cầm quyền địa phương tương phản với lời hứa tốt đẹp của giới lãnh đạo Việt Nam dành cho người dân phải di dời chỗ ở. Một cư dân vừa lên tiếng giải thích thêm:

“45 hecta đất đô thị của 252 hộ dân bị cho là trong quy hoạch. Rồi họ liệt kê trong văn bản là đất nông nghiệp loại 4, có nghĩa là định giá đất đô thị của chúng tôi như giá đất ở ngoài ruộng, ở đâu xa xôi lắm. Mà tôi nghĩ bây giờ đất ở hang cùng ngõ hẻm nào cũng không có cái giá này nữa. Trong khi đó, Rạch Giá được nhà nước công nhận là đất đô thị loại 3. Mà hiển nhiên đất của tôi - ở ngay TP Rạch Giá – cũng phải là đất đô thị loại 3, chớ làm gì có đất nông nghiệp loại 4.

Bây giờ chúng tôi yêu cầu họ lấy đất của chúng tôi thì phải có quyết định thu hồi đất, và lấy đất để làm gì thì phải ghi rõ. Nếu đúng thì cứ lấy. Còn tiền thì chính phủ đã quy định, đất đai phải đền bù theo giá thị trường. Mà giá thị trường ở đây bao nhiêu thì anh mua phải trả cho chúng tôi như vậy để chúng tôi dùng số tiền đó đi chỗ khác mua được miếng đất cũng bằng và thậm chí tốt đẹp hơn đất cũ – theo ý của ông Tổng Bí thư. Ông ấy đã nói rằng người bị thu hồi đất phải có nơi ở mới bằng và tốt hơn nơi ở cũ. Nhưng bây giờ miếng đất của tôi tới 5 ngàn m2, rồi sau khi nhận tiền bồi thường tôi đi mua lại đất mới chưa được 500 m2, thì làm sao bằng và tốt hơn đất cũ được ? Điều này đâu có đúng với chủ trương của đảng và nhà nước hứa hỗ trợ cho những người bị thu hồi đất được đẹp hơn, tốt hơn, giàu có hơn. Mà chính quyền Kiên Giang này là ai ? Chính quyền này cũng là một bộ phận của đảng, của nhà nước chớ ai ? Câu phát biểu “mấy ông ăn cướp đất của tôi chứ không phải là thu hồi đất của tôi”, thì tôi cho là ăn cướp. Sự thật là như vậy.

Vẫn theo dân oan này, thì hành động cưỡng chế đất đai tiếp diễn gây sự phẫn nộ cho tất cả cư dân ở khu vực này:

“Gia đình tôi và một số hộ xung quanh cũng bị lấy đất như vậy, tôi nói thật, nhiều người không biết phải nói cách nào đây. Họ nói luật pháp của Việt Nam sao kỳ cục quá. Sao mà nói một đàng, làm một ngã. Thật là kỳ cục. Mà luật thì nói rõ ràng rằng lấy đất của dân phải ra quyết định thu hồi đất. Không có quyết định thu hồi đất mà đem công an, bộ đội đến cưỡng chế người ta, lôi người ta ra khỏi đất của mình. Tôi bị tước đoạt quyền quản lý đất của mình 28 năm nay rồi. Miếng đất này tôi bỏ tiền ra mua 28 năm rồi. Chừng ấy thời gian biết bao nhiêu thay đổi, mà tại sao đất đai của tôi, tôi không được làm giấy tờ, không được cấp sổ đỏ. Tại sao đất của tôi quy hoạch tới 28 năm mà chưa cho tụi tôi làm giấy? Bất cứ người nào ở trong khu vực bị lấy đất này đều phẫn nộ như vậy.”

Thưa qúy vị, trước tình cảnh của dân oan như vậy, câu trả lời của quan chức địa phương vẫn thường là tránh né, như một viên chức thị xã Rạch Giá cho biết:

Viên chức Rạch Giá:“Cái này tôi không biết, cái này tôi không rành” (cúp máy).

Trong khi cư dân ở các phường An Hòa và Vĩnh Bảo, TP Rạch Giá phải chịu đựng hành động cưỡng chiếm đất đai của giới cầm quyền địa phương, thì dân oan khắp nước được biết cũng lâm cảnh tương tự, khiến có lần MS Nguyễn Hồng Quang ở Sài Gòn phải thốt lên rằng tình trạng này “đã lên thấu trời xanh” rồi.

.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments: