Wednesday, August 11, 2010

KHI NÀO ĐẠI DIỆN VATICAN ĐẾN VIỆT NAM ?

Khi nào đại diện Vatican đến Việt Nam?

Gia Minh, biên tập viên RFA

2010-08-10

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Viet-catholics-look-forward-to-vatican-s-non-resident-representative-GMinh-08102010195926.html

Hồi tháng sáu vừa qua, Tổ công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican đã tiến hành vòng làm việc thứ hai tại Rome. Kết quả của phiên họp đó là hai phía thống nhất sẽ có một vị đại diện không trường trú của Vatican tại Việt Nam.

Khi nghe được tin đó, giới Công giáo tại Việt Nam đang chờ đợi vị đại diện đó của Tòa Thánh.

Gia Minh hỏi chuyện Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương, thuộc Bộ Truyền giáo Vatican, người từng tham gia Tổ công tác Hỗn hợp trong vòng đàm phán đầu tiên ở Hà Nội về một số thông tin liên quan.

.

Thiện chí chung

Trước hết Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương đưa ra nhận định về quyết định liên quan vị đại diện không thường trú của Vatican ở Việt Nam:

Đức Ông Barnabê: Dĩ nhiên muốn có tiến trình tốt đẹp trước hết giữa Tòa Thánh và Giáo hội Việt Nam; thứ hai đối với chính phủ Việt Nam. Ý muốn, thỏa thuận, thiện chí chung muốn xây dựng Giáo hội Việt Nam cho được tốt đẹp, cũng như mối quan hệ giữa Vatican và nhà nước Việt Nam cho được mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Đó là thiện chí.

Gia Minh: Theo kinh nghiệm của Đức Ông thì tại những nơi nào phải có cấp đại diện không thường trú như thế?

Đức Ông Barnabê: Đơn cử trước đây có đại diện không thường trú của Tòa Thánh đối với Nga; thỉnh thoảng qua đó. Tại vùng Á Châu, ví dụ như Sứ thần Tòa thánh tại Thái Lan, đồng thời làm chức vụ đại diện không thường trú tại Miến Điện. Nhiệm vụ thỉnh thoảng sang Miến Điện chủ yếu gặp các giám mục; nhưng đồng thời cũng có gặp gỡ, liên hệ với chính phủ Miến Điện. Vị Sứ thần Tòa Thánh tại Thái cũng sang Lào làm việc với các giám mục Lào, bởi chưa có quan hệ ngoại giao giữa Lào và Vatican. Khi sang Lào vị Sứ Thần cũng gặp gỡ chính quyền để tạo hiểu biết hơn, cũng như giúp đỡ trong các công tác xã hội.

Đối với Việt Nam thì Tòa Thánh Vatican cũng không có quan hệ ngoại giao, ngay cả trong thời của những chế độ trước; tại đó chỉ có đức Khâm sứ mà thôi; thế nhưng từ năm 1975 không còn nữa. Nay có bước tiến thông qua thỏa thuận (về vị đại diện không thường trú của Vatican ở Việt Nam); nhưng chưa được thực hiện.

.

Khi nào thực hiện?

Gia Minh: Từ khi có thỏa thuận đến lúc thực hiện phải mất bao lâu?

Đức Ông Barnabê:Chưa thể biết được, vì tùy thuộc vào việc thu xếp tìm người từ phía Vatican, rồi cũng có sự thỏa thuận với chính phủ Việt Nam; nên cần thời gian.

Gia Minh: Trên mạng Internet, có tin nói cha Jean- Baptiste Etcharren, từ Hội Thừa Sai Ba Lê, đã được chọn. Đức Ông biết gì về thông tin đó?

Đức Ông Barnabê:Tôi cũng đọc trên mạng thôi, hoàn toàn không biết về vấn đề đó. Dĩ nhiên, tôi biết cha Etcharren hiểu biết Việt Nam rất nhiều, Ngài là (nguyên) tổng quyền Hội Thừa Sai Ba Lê, nói tiếng Việt rất giỏi. Có khi những người thông tin như thế ước muốn. Nhưng đó là thông tin tôi chỉ đọc được trên mạng Internet thôi.

Gia Minh: Thông thường lâu nay, trong giáo hội phải qua phẩm trật từ dưới lên; nhưng trong thời đại hiện nay, giáo dân có thể đưa thông tin đến trực tiếp với Tòa Thánh được không?

Đức Ông Barnabê:Thời đại này có những phương tiện hết sức mới mẻ như Internet, e-mail... do đó người ta có thể liên lạc một cách dễ hơn với Tòa Thánh so với trước đây.

Trong lịch sử, một người giáo dân muốn trình bày vấn đề gì với Tòa Thánh đều hoàn toàn tự do liên hệ tùy theo phương tiện mà họ có. Tòa Thánh sẵn sàng mở rộng tiếp nhận những ý kiến, suy tư, những yêu sách chính đáng của giáo dân. Điều đó không phải bây giờ mà thôi, trước đây vẫn có; nhưng bây giờ dễ hơn.

Gia Minh: Nhưng tại Tòa Thánh có một văn phòng, dạng để ‘tiếp dân’ như ở Việt Nam, không?

Đức Ông Barnabê:Giáo dân nếu đến Roma, vào văn phòng các bộ, người ta sẵn sàng tiếp. Còn việc muốn gặp những nhân vật cấp lớn, ở trên cần phải xin trước, hẹn trước, rồi người ta xem có tiếp được hay không.

Gia Minh: Vừa rồi trong giáo hội Việt Nam có những xáo động, nhưng điểm tích cực mà Đức Ông nhận thấy là gì?

Đức Ông Barnabê:Giáo hội Việt Nam đang thăng tiến. Việc bổ nhiệm các Đức giám mục, truyền chức cho linh mục, việc vào chủng viện dễ dàng hơn, việc di chuyển các linh mục - cha sở cũng dễ hơn; nhưng cũng còn gặp khó khăn. Tất cả những điều đó cho thấy có sự cởi mở, tiến triển của giáo hội Việt Nam; tuy nhiên khó khăn của giáo hội Việt Nam mà ai cũng biết đó là không có cơ quan ngôn luận riêng, không có báo riêng. Rồi việc thực hiện các công tác giáo dục, từ thiện - bác ái, giáo hội vẫn còn vướng mắc, chưa được tự do. Đó là những điều chính mà giáo hội mong muốn.

Gia Minh: Về mặt báo chí thì ở Việt Nam có tờ Công giáo và Dân tộc rồi thưa Đức Ông?

Đức Ông Barnabê:Báo lấy tên ‘Công giáo & Dân tộc’ nhưng tất cả mọi người đều biết đó không phải là báo của hàng giáo phẩm, cũng như của Công giáo. Mà đó là cơ quan liên hệ mật thiết với chính phủ, với Nhà nước nên không phải cơ quan của giáo hội Công giáo.

Gia Minh: Còn về chất thế nào?

Đức Ông Barnabê:Giáo hội cần sự đóng góp nhiều hơn nữa từ phía giáo dân, những lĩnh vực mà họ phải tham gia. Tuy nhiên điều đó chưa được thực hiện.

Gia Minh: Xin chân thành cám ơn Đức Ông.

.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments: