Thursday, August 5, 2010

KHI ĐẢNG CỐ SỨC ĐÓNG TÀU

Khi Đảng cố sức đóng tàu

BBC

Đăng bởi bvnpost on 06/08/2010

http://boxitvn.wordpress.com/2010/08/06/khi-da%cc%89ng-c%cc%81-s%c6%b0%cc%81c-do%cc%81ng-ta%cc%80u/#more-11761

Hết ông Thủ tướng hà hơi thổi ngạt cho một Tập đoàn mà khối u đã di căn đến giai đoạn cuối, nay lại đến lượt ông PTT bặm trợn lên dùng mệnh lệnh phán truyền phải cứu nó bằng bất kỳ giá nào. Và tiền của của dân lại sẽ đổ ra để dựng cái thây ma ấy dậy. Để rồi xem, chỉ với chức năng đóng tàu không thôi các vị có cải tử hoàn sinh nó được không theo cái nghĩa một tập đoàn làm ăn có lãi? Hay là nó cứ “sống” ngắc ngoải, cứ dài dài thua lỗ rồi đến một lúc lại phải tuyên bố đại giải phẫu cho nó một lần nữa? Mồm nói không duy ý chí nhưng mà hành động thì tự tung tự tác theo ý mình bất chấp quy luật, chỉ biết tuân theo yêu cầu của nhóm lợi ích. Căn bệnh kinh niên của “bộ máy” vốn là thế đấy, làm sao mà thay đổi được.

Bauxite Việt Nam

--------------------------------

Vụ bắt ông Phạm Thanh Bình, 57 tuổi, người gốc Cà Mau, cựu chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinashin đang thu hút dư luận trong và ngoài nước với các câu hỏi về chính sách quản trị tập đoàn của Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam.

Các hãng thông tấn nước ngoài chú ý vào cách xử lý song hành của các nhà lãnh đạo Việt Nam về vụ này.

Theo AP, về phía Chính phủ, tháng trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có quyết định đình chỉ chức chủ tịch hội đồng quản trị của ông Bình.

Nhưng một cơ quan của Đảng giám sát các doanh nghiệp nhà nước lớn cũng nêu ra rằng ông Bình "thiếu trách nhiệm" trong việc điều hành tập đoàn đóng tàu lớn nhất nước, và sử dùng sai vốn đầu tư, như mua các tàu thủy cũ, không dùng đi biển được.

Beth Thomas của hãng Bloomberg ngày 5 tháng 8 thì nêu ra rằng chính quyền đang điều tra các khó khăn tài chính của Vinashin theo sau vụ bắt ông Bình.

Bloomberg cũng trích các nguồn Việt Nam rằng Vinashin mắc khoản nợ 4,5 tỷ USD sau cuộc suy thoái toàn cầu và vì việc bành trướng làm ăn vào các hình thức mới.

Trong quá trình tái cơ cấu Vinashin, tập đoàn này đã sa thải 5000 công nhân.

Hãng tin Dow Jones Newswires cho hay đại diện của Vinashin "từ chối bình luận" khi được họ liên lạc.

.

Tàu to 'chớ để đắm'

Các hãng tin nước ngoài cũng chú ý cách đối phó của chính phủ và ghi nhận chuyện Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng họp báo hôm 04 tháng 8 để nêu rằng không thể để Vinashin sụp đổ.

Vì sao lại có chuyện đó?

Bên cạnh các đồn đoán về đấu đá nội bộ liên quan đến thời điểm "tái cơ cấu Vinashin", và cả việc bổ nhiệm tân bí thư Bắc Giang trước kỳ đại hội Đảng năm tới, các phân tích gần đây nói rằng chính sách của Đảng cầm quyền ở Việt Nam là dựa vào các tập đoàn nhà nước.

Ông David Koh, một chuyên gia quan sát Việt Nam từ Singapore gần đây cho rằng cần nhìn vụ Vinashin trong bối cảnh đường lối của Đảng.

Trong bài trên Strait Times 30/7, ông Koh viết "Vinashin chỉ là một trong hàng loạt doanh nghiệp nhà nước (ở Việt Nam) rơi vào khó khăn".

"Nhưng dự thảo cương lĩnh sửa đổi của Đảng Cộng sản vẫn nêu doanh nghiệp nhà nước là khu vực kinh tế chủ đạo. Vì thế, rõ ràng là Đảng Cộng sản phải hòa hợp thực tế với các tuyên bố về học thuyết của mình."

Các nhà quan sát từ bên ngoài cũng chú ý đến câu nói của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng rằng Vinashin "nay phải tập trung vào đóng tàu".

Việc tập đoàn này dùng tiền nhà nước tức là tiền dân đóng thuế để đầu tư ra quá nhiều ngành khác khiến Vinashin sa vào hố sâu của nợ nần.

Nhưng đây cũng là dịp để xem việc điều hành từ cấp cao nhất đối với Vinashin ra sao và cách báo chí Việt Nam được chỉ đạo đưa tin vụ này.

Theo AFP, "vì kỳ Đại hội Đảng trọng yếu sắp tới, chính quyền cũng yêu cầu quản lý công tác thông tin và tuyên truyền về vụ Vinashin nhằm ngăn ngừa vụ việc tác động xấu đến Đảng và Nhà nước".

Giới báo chí Việt Nam thì cũng đã nói từ lâu đến cơn sốt xây dựng tập đoàn của chính phủ Việt Nam.

Các tổng công ty và tập đoàn bị cho là tạo ra cạnh tranh bất bình đẳng vì không chỉ được sự bảo trợ chính trị mà còn hưởng lãi suất ưu đãi so với doanh nghiệp tư nhân.

Một nhà báo muốn ẩn danh cho BBC hay hôm 5/8 rằng "Mô hình tập đoàn là nguyên nhân gây độc quyền, điều các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn nói họ muốn chống khi làm ăn với các nước khác".

Trước đó, chuyên gia Việt Kiều như GS Ngô Vĩnh Long đã bình luận về chuyện các tập đoàn lợi ích riêng lũng đoạn kinh tế Việt Nam.

Việc động vào các 'đại gia nhà nước' này cũng có nghĩa là gây ảnh hưởng đến quyền lực.

Nhắc lại chuyện cơn sốt "lên tập đoàn" bằng cách dồn vốn của chính quyền, khi các tổng công ty được ca ngợi là "quả đấm thép" cho nền kinh tế, nay có ý kiến than rằng "Quả đấm thép Vinashin đấm dân méo mặt".

Một số ý kiến từ Việt Nam nói với BBC rằng trong vụ PMU18 vừa mới xong và Bộ Giao thông Vận tải chỉ đến toà là nguyên đơn dân sự, nay đã đến Vinashin, và còn ai "sẽ chịu trách nhiệm liên đới?"

Người ta cũng đặt ra câu hỏi không chỉ về trách nhiệm điều hành, giám sát của các bộ trưởng, Phó Thủ tướng và Thủ tướng về vụ Vinashin, mà còn về lý do tại sao lập ra nó.

Ngành đóng tàu chưa bao giờ là lợi thế của Việt Nam, một quốc gia hiện chưa có nhiều ngành công nghiệp nặng cần thiết như luyện kim, cầu cảng hay công nghệ thiết kế.

Thậm chí làm ăn trong ngành đóng tàu không phải là dễ với một nước như Hàn Quốc.

Tin của hãng Yonhap 5 tháng 8 này cho hay tập đoàn Daewoo Shipbuilding, hãng đóng tàu lớn nhất Hàn Quốc vừa cho hay lợi nhuận quý II của họ bị sụt giảm 32% vì thiếu đơn đặt hàng.

Tính từ tháng 4 đến hết tháng 6 năm nay, dịch vụ đóng tàu của Daewo chỉ đạt 141 tỷ won, so với 207 tỷ cùng kỳ năm 2009.

Vinashin, với số vốn đăng ký tương đương 420 triệu đô la Mỹ đang trên bờ phá sản vì khách hàng hủy 2/3 số hợp đồng trị giá 12 tỷ của họ.

Nhưng ở Việt Nam, chính quyền, qua lời ông Nguyễn Sinh Hùng, vẫn tỏ quyết tâm không để cho Vinashin sụp đổ.

Về tác động đến học thuyết tư bản nhà nước ở Việt Nam, có ý kiến nói sau các vụ như Tổng Công ty Điện lực EVN và Vinashin, có thể Đại hội Đảng tới cần xem lại cương lĩnh.

Vẫn theo ông David Koh, một lối thoát có thể là định nghĩa lại vai trò của doanh nghiệp nhà nước từ "chủ đạo" sang thành "một trong những khu vực kinh tế chủ đạo" ở Việt Nam.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/08/100805_vinashin_vn_party.shtml

--------------------------

.

Phụ lục:

.

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng: Vinashin chưa tuột khỏi tay chúng ta

Hà Nhân

TP – “Hiện nay tình hình của Tập đoàn Vinashin vẫn trong tầm kiểm soát và khả năng giải quyết. Vinashin chưa tuột khỏi tay chúng ta”- Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng khẳng định điều này tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ, chiều 4- 8.

Tái cơ cấu: Không duy ý chí

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Chính phủ đã thấy những yếu kém, khó khăn của Vinashin mà nguyên nhân chủ yếu là từ phía tập đoàn. Đó là nguyên nhân từ bên trong, từ quản lý. Vinashin đã mở ra quá rộng, đi mua tàu nhưng mua sai, mua phải tàu cũ. Nếu được quản trị tốt, lãnh đạo, điều hành tốt và công tác quản lý Nhà nước tốt hơn thì khó khăn của tập đoàn sẽ không lớn đến mức bên bờ vực phá sản.

Phó Thủ tướng cho rằng, mặc dù khó khăn nhưng chúng ta phải quyết tâm xây dựng ngành cơ khí đóng tàu của đất nước. Đây là quyết tâm của Đảng, Nhà nước. Do “Vinashin chưa tuột khỏi tay” nên Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhận định, nếu cho phá sản tập đoàn này thì sau cũng phải dựng lên một ngành công nghiệp tàu thủy mới.

Cần tạo được sự đồng thuận trong Đảng, Chính phủ và trong toàn dân về việc tái cơ cấu Vinashin. Chính phủ nhấn mạnh đến yếu tố này bởi “nếu có chuyện mà trong nhà rối lên sẽ không có cách gì cứu vãn nổi. Mà không cứu vãn nổi thì sụp đổ. 104 nghìn tỷ đồng tài sản nếu cơ cấu lại, đưa vào hoạt động được thì sẽ tiếp tục phát triển ngành tàu thủy. Nếu cho phá sản đi thì những nhà máy, dự án hiện có sẽ trở thành đống sắt vụn” – Phó Thủ tướng nói.

“Tái cơ cấu Vinashin có khả thi không hay là duy ý chí?”. Tự đặt cho mình câu hỏi này và Phó Thủ tướng trả lời: “Tái cơ cấu là có cơ sở, có căn cứ và chúng ta có thể làm được”. Đó là, Vinashin phải xác định lại chiến lược phát triển, thu hẹp ngành kinh doanh. Ngành chính của “Vinashin mới” là đóng tàu, sửa chữa tàu và công nghiệp phụ trợ đóng tàu. Vinashin không làm vận tải biển nữa.

Trước mắt Vinashin chỉ tập trung vào 13 dự án đóng tàu. Một Vinashin mới không còn đa ngành, đa dịch vụ. Những công ty con mà Vinashin đã góp vốn thì sẽ được bán, chuyển nhượng, cổ phần hóa để thu lại vốn trả nợ và đầu tư vào ngành chính.

Xứ lý nghiêm sai phạm

Phó Thủ tướng cho rằng, về nợ nần là phải sòng phẳng. Sau tái cơ cấu thì Vinashin có tiền để trả nợ. Nhà nước sẽ cấp đủ vốn điều lệ cho Vinashin hoạt động.

Về xử lý sai phạm, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, cơ quan Nhà nước tham mưu chưa tốt thì cần đánh giá lại mô hình thí điểm. Nhận thấy những tồn tại để từ đó tham mưu trình Quốc hội, Chính phủ sửa. “Những cá nhân có sai phạm, làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng thì cần phải bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Nếu làm tốt điều này sẽ tạo được lòng tin trong nhân dân” – Ông Hùng nói.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc có chậm trễ trong việc tái cơ cấu Vinashin hay không? Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc xử lý đã có quá trình từ trước. Công tác thanh tra, kiểm tra có làm nhưng không kiểm soát và phát hiện được kịp thời sai phạm để ngăn chặn.

Ví như việc mua tàu, kế hoạch trong tuầnnày thì tuần sau đã mua. Cơ quan thanh tra mấy tháng sau mới vào thì tàu đã mua rồi. Yếu kém ở đây là việc kiểm soát và ngăn chặn được từ trước. Điều này bắt nguồn từ cơ chế, giao quyền chủ động cho bên dưới nhưng thiếu kiểm tra, giám sát.

Phó Thủ tướng cho rằng, bản thân Vinashin phải lo trả nợ. Nếu thấy cần Chính phủ sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu cho Vinashin vay. Tuy nhiên, điều này cần tính toán thận trọng và khi Vinashin cân đối được thì phải trả lại khoản nợ này. Chứ “không có chuyện Chính phủ cấp vốn cho Vinashin để trả nợ” – Phó Thủ tướng nói.

HN

Nguồn: Tienphong

.

.

.

No comments: