HỘI NHÀ VĂN HAY GÁNH HÁT CHÈO?
Phạm Trần
Tháng 8-2010
http://www.doithoaionline.org/baimoitrongthang/2010/0810/baimoi0810_085.html
Đại hội Nhà văn Việt Nam trong nước lần thứ 8 diễn ra từ 4 đến 6 tháng 8/2010 theo cùng nhịp điệu lễ lạc với các tổ chức của đảng Cộng sản Việt Nam đã làm cho tính văn hóa của những người làm công tác văn nghệ mờ nhạt trước quần chúng.
.
Hãy kể ra đây một số việc cụ thể :
Thứ nhất, trang Báo điện tử của Hội Nhà văn cho biết : “ Sáng ngày 4/8/2010, trước khi chính thức bước vào khai mạc Đại hội Nhà văn khóa VIII, Ban tổ chức Đại hội gồm Hầu hết BCH Khóa VII: các nhà nhà thơ nhà văn Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Lê Văn Thảo, Trần Đăng Khoa... đã vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.”
Nhìn tấm ảnh chụp phổ biến mà thấy thương cho mấy nhà văn, nhà thơ mặc áo sơ-mi trắng dài tay, quần đen, cà-vạt lặng lẽ bước như lọt thẳm giữa qủang trường Ba Đình rộng mênh mông theo người Sĩ quan hướng dẫn và 2 lính gác khiêng vòng hoa tiến vào Lăng.
Cũng ngạc nhiên là Ban Chấp hành khóa VII, bầu ra từ tháng 4/2005 chỉ có 6 người mà 2 người không vào “viếng Bác” trong dịp trọng đại này thì có cần lời giải thích của Nhà thơ Chủ tịch Hữu Thỉnh không ? Hai người vắng mặt là Hồ Anh Thái và Phan Thị Vàng Anh.
Thứ hai, Đại hội Hội nhà văn Việt Nam lần thứ 8 cũng đúng hẹn 5 năm một lần như hầu hết nhiệm kỳ của các tổ chức chính trị-xã hội trong Mặt trận Tổ Quốc của đảng, theo Ban Tổ chức “ sẽ diễn ra trong 3 ngày (4-6/8/2010) tại Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh (Hà Nội)”. Câu hỏi của nhiều Nhà văn, Nhà thơ trong nước là tại sao lại phải họp ở nơi đào tạo cán bộ chính trị cấp cao của đảng mà không ở một nơi “thường dân” hơn, chẳng hạn như ở một khách sạn, một trường đại học hay một cơ sở văn hóa?
Hay là vì ngay trong ngày đầu, Hội nghị của các “nhà văn đảng viên” tham dự Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ VIII đã được tổ chức tại Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh nên Hội Nhà văn cũng “noi theo” cho tiện việc sổ sách mà lại không tốn phí ?
Thứ ba, tính “đảng hóa” nhà văn còn được xác nhận bởi sự có mặt của Phùng Hữu Phú, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội nghị các nhà văn đảng viên.
Theo tường thuật của ViệtnamNet ngày 4-8 (2010) thì Phú nói rằng: “Đại hội nhà văn lần thứ VIII được lãnh đạo Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Đã có một Ban chỉ đạo đại hội được thành lập, Ban này không can thiệp vào công việc nội bộ của đại hội mà hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đại hội thành công nhất.”
“Không can thiệp vào công việc nội bộ”, nhưng lại cử một trong số cán bộ chuyên môn ngành Tuyên giáo có nhiều kinh nghiệm như Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (nay đổi thành Ban Tuyên giáo) ngồi vào Ban chỉ đạo giúp Đại hội Nhà văn lần này thì đảng chỉ muốn “quan sát” hay còn “vẽ cả đường” cho Ban tổ chức chạy ?
Qúat là người mới bị mất chức Tổng Biên tập Báo Điện tử đảng CSVN vào ngày 2/8 (2010) vì đã phạm lỗi nghiêm trọng khi để cho báo này đăng tin Hải quân Trung quốc thao diễn quân sự tại hai quần đảo Hòang Sa và Trường Sa của Việt Nam hồi tháng 9 năm 2009, trong đó để nguyên cả lời tuyên bố của viên Tư lệnh Trung Quốc xấc xược xác nhận chủ quyền của Trung Hoa tại 2 quần đảo này.
Thứ tư, trong Bản Dự thảo Điều lệ của Hội Nhà văn kỳ VIII, Ban sọan thảo kỳ VII đã viết rõ các hội viên chỉ có một “Tổ quốc Việt nam xã hội chủ nghĩa” để phục vụ. Nói cách khác, nếu Tổ quốc Việt Nam mà không có cái đuôi “xã hội chủ nghĩa” thì không được phép phục vụ.
Cũng nên biết thứ “xã hội chủ nghĩa” mà đảng và nhà nước CSVN đang “thờ phượng” và kiên định hiện nay là Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh được minh định trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991", hay còn gọi là Cương lĩnh 1991.
Nguyên văn đọan 2 của Điều 2 quy định “Tính chất, mục đích của Hội” viết thế này : “ Hội tập hợp và đoàn kết các nhà văn trong sự nghiệp xây dựng nền văn học Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hội tôn trọng phong cách riêng của mỗi nhà văn và khuyến khích mọi tìm tòi đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật, nhằm phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì hòa bình và hợp tác hữu nghị với các dân tộc trên thế giới.”
Thứ năm, minh bạch nhưng cũng rất phũ phàng khi các Nhà văn trong tổ chức này xác nhận trong đọan 3, Điều 2:” Hội Nhà văn Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; Hội hoạt động theo đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng; chịu sự quản lý của Nhà nước và tuân thủ theo quy định của pháp luật Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
Tính nhà nước “bảo qủan” Hội Nhà văn còn thể hiện trong ĐIỀU 4 của Điều lệ dự thảo nói về “ Nguyên tắc tổ chức hoạt động”, theo đó : “ Hội Nhà văn Việt Nam hoạt động theo Điều lệ Hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.” Trong trường hợp này là Bộ Nội vụ như luật định đối với tất cả các tổ chức, hiệp hội.
Ngòai ra Hội Nhà văn, từ ngày thành lập đến nay vẫn nhận “Tiền cấp từ ngân sách Nhà nước” là nguồn ngân sách chính để họat động, ngòai các khoản tiền đóng góp nhỏ của các cơ quan trực thuộc Hội,Hội phí, tiền ủng hộ của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước và tiền thu từ hoạt động khác của Hội.
Ai ở Việt Nam cũng biết khi đã ngửa tay xin tiền Nhà nướcc, tức là lấy tiền đóng thuế của dân để họat động thì không thể “không có điều kiện” của kẻ cho và người nhận. Do đó, trong nhiều năm, tổ chức Hội Nhà văn Việt Nam đã bị tai tiếng tự biến mình thành “bù nhìn” và công cụ của chế độ như tất cả các tổ chức khác được nhà nước chi tiền.
Tác gỉa Mai An tiết lộ trên Báo Sài Gòn Giải Phóng hôm 5-8 (2010) rằng : “Những con số thống kê cho thấy, từ năm 2005-2010, Hội Nhà văn đã được Nhà nước cấp 86,6 tỷ đồng, trong đó có 14,7 tỷ đồng tài trợ sáng tác, hơn 5 tỷ đồng tài trợ tác phẩm chất lượng cao cho 235 nhà văn, hơn 4,2 tỷ đồng tài trợ công bố tác phẩm cho 802 lượt nhà văn.”
Không ai biết cái Hội của những người làm văn hóa này chi tiêu ra sao, nhưng Mai An đã nhắc khéo rằng sự thể Nhà nước chi tiền cho Hội “Cho thấy, vai trò của hội đã được đánh giá rất cao, nhưng cùng với đó, trách nhiệm của từng cá nhân hội viên lại càng phải cao hơn khi nhận những đồng tiền từ tiền thuế của người dân.”
Vì vậy vào ngày 3/8, một số Nhà văn đã phổ biến “kiến nghị” trên trang báo Bauxite Việt Nam kêu gọi Hội Nhà văn thôi nhận tiền của Nhà nước.
Kiến nghị viết : “Để bớt đi một gánh nặng chi phí lớn cho Nhà nước (lấy từ tiền dân đóng thuế), chúng tôi, các nhà văn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ký tên dưới đây khẩn thiết kiến nghị Đại hội VIII của Hội quyết định dứt khoát rời bỏ cơ chế bao cấp, chuyển từ hội xin tiền Nhà nước lâu nay thành hội tự nuôi tự quản.”
Đứng đầu danh sách ký tên là Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, rồi đến các Nhà văn Lại Nguyên Ân, Trần Nhương, Trần Thùy Mai, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Khắc Phê, Hòang Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Bùi Minh Quốc, Ngô Minh, Võ Văn Trực, Võ Thị Hảo, Trần Kỳ Trung, Dư Thị Hòan, Cao Duy Thảo v.v...
Mai An của Sài Gòn Giải Phóng còn mỉa mai : “ Chưa bao giờ hơn lúc này, đất nước, nhân dân mong muốn các nhà văn hãy dũng cảm nhìn thẳng và nói thật những vấn đề của hội, hãy cùng nhau làm thay đổi những định kiến để hội thực sự thể hiện đúng vai trò của mình. Đó là giúp các nhà văn có thêm nhiều điều kiện tốt để sáng tác, bảo vệ những cái đúng, cái mới, cái tốt trong tác phẩm của hội viên, giúp thế hệ những cây viết trẻ được định hướng đúng đắn về tư tưởng, có trách nhiệm với dân tộc, với đất nước.
Những thế hệ độc giả của ngày hôm nay, những người đã từng đứng tần ngần trước các hiệu sách mà ở đó có tới 70% là sách dịch, đang thực sự mong chờ nhiều điều ở kỳ Đại hội lần này. Họ mong chờ các nhà văn hãy làm thế nào để văn học Việt Nam có được tiếng nói rõ rệt hơn trong đời sống văn hoá tinh thần của đất nước mình. Và tiếng nói ấy phải thực sự là tiếng nói của thời cuộc, phải làm lay động lương tri và tâm hồn, phẩm giá của con người, hướng con người tới những mục đích tốt đẹp trong cõi nhân sinh.”
Thứ sáu, qủa đúng như Mai An viết, dù Hội Nhà văn đã nói nhiều đến lý tưởng và trách nhiệm cao đẹp của những người làm công tác Văn nghệ đối với dân tộc và đất nước, nhưng họ cũng như vô số cán bộ, đảng viên -- nhất là những kẻ có chức có quyền – chỉ biết nói để khoe mà chẳng bao giờ làm.
Bằng chứng là họ đã hứa trong ĐIỀU 7 của Điều lệ rằng Hội Nhà văn Việt Nam có nhiệm vụ “ Bảo vệ quyền lợi xã hội, nghề nghiệp và quyền tác giả được quy định trong pháp luật nhằm phát huy tự do sáng tạo với tinh thần trách nhiệm cao của mỗi nhà văn trước sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và quyền lợi của nhân dân”, nhưng trong thực tế Hội này đã cố tình làm ngơ trước hầu hết những trăn trở và khó khăn của người dân trong cuộc sống hàng ngày.
Nhà thơ Chủ tịch Hữu Thỉnh và trên dưới 1 ngàn hội viên Nhà văn, Nhà thơ, Nhà phê bình , Nhà biên kịch v.v..hãy sờ lên gáy tự hỏi mình đã làm gì cho khối dân đen có cả phụ nữ, cụ gìa, trẻ em đã phải cơm nắm, cơm gói lặn lội từ quê nghèo ra Tỉnh, về tận Hà Nội ngủ đầu đường xó chợ để khiếu kiện, kêu oan đòi công lý, đòi công bằng xã hội ?
Nhiều dân nghèo còn đến tận trước cổng nhà Tổng Bí thư đảng, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân đòi nhà nước trừng trị những cán bộ hà hiếp dân thì lúc đó Hội Nhà văn ở đâu ? Và liệu Hội Nhà văn có mắc bệnh kinh niên “tham nhũng” như muôn ngàn tổ chức của Đảng và Nhà nước không ?
Tổ chức này còn ngậm miệng trước hành động xâm chiếm lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam trong hai “Hiệp ước biên giới trên đất liền ngày 30 tháng 12 năm 1999” và “Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ (còn gọi là Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ) ngày 25/12/2000 giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Hội Nhà văn cũng nhắm mắt làm ngơ trước việc đảng để cho Tầu vào khai thác Bauxite trên Tây Nguyên, mặc cho lời cảnh giác hậu qủa đến an nguy Tổ quốc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hàng chục ngàn người dân, trong đó có vô số trí thức, cựu đảng viên cao cấp, khoa học gia trong và ngòai nước.
Họ cũng bảo nhau giấu mặt trước thảm cảnh của ngư dân Việt Nam bị quân Tầu sát hại, bắt giam đòi chuộc tiền trong khi đánh cá quanh vùng Trường Sa và Hòang Sa. Vì vậy nên không có ai ngạc nhiên khi thấy cái hội chỉ biết “nói phét” này đã im thin thít trước việc Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng ra lệnh cho Công an đàn áp sinh viên và đồng bào nổi lên đồng loạt biểu tình chống Tầu ở Hà Nội và Sài Gòn năm 2007.
Các cuộc xuống đường tự phát này nhằm đòi lại Hòang Sa bị Tầu chiếm năm 1974 và xác nhận chủ quyền của Việt Nam tại Trường Sa, sau khi Bắc Kinh công bố quyết định hành chính cai qủan cả 2 quần đảo này.
Hội Nhà văn Việt Nam còn “nhu nhược ” đến mức không dám lên tiếng chống lại những học gỉa, nhà báo, nhà văn Trung Quốc đang công khai chửi nhân dân Việt Nam và thúc hối nhà nứơc Trung Hoa mau chóng đem quân chiếm tất cả các đảo của Việt Nam ở Biển Đông.
Như vậy thì khẩu hiệu của đại hội lần 8 này là “đoàn kết, dân chủ, xây dựng, sáng tạo”, và báo cáo “Vì sự cường thịnh của đất nước, vì phẩm giá con người” của Ban chấp hành khóa 7 có ý nghĩa gì không, hay đó chỉ là trò bôi bác vô nghĩa của những người mặc chiếc áo “Nhà văn” ?
Màn kịch tranh nhau đọc diễn văn tham luận, vỗ tay nhiều lần đòi diễn gỉa chấm dứt, bát nháo giơ tay phản đối, ngủ gật, gác chân lên ghế ngồi đảnh cho đỡ mệt hay bỏ ra ngòai nghỉ xả hơi cho khỏi phải nghe những điều “biết rồi khổ lắm nói mãi” đã diễn ra trong ngày bầu bán Ban Chấp hành mới hôm 5-8 (2010).
Những cảnh “hỷ, nộ, ái, ố” này đã được các Nhà báo Hạnh Phương - Vân Nam của VietnamNet và Lưu Hà của VNEXPRESS tường thuật lại tỉ mỉ với từng động tác của một cuốn phim hài hước rất khó coi của những người làm văn hóa trong chế độ đảng trị hiện nay ở Việt Nam. -/-
Phạm Trần
(08/010)
.
.
.
No comments:
Post a Comment