Wednesday, August 18, 2010

HỘI NGHỊ SAN FRANCISCO với V/Đ CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM DD/V HOÀNG SA và TRƯỜNG SA

Hội nghị San Francisco với vấn đề chủ quyền của VN đối với quần đảo HS&TS

Đăng bởi anhbasam on 12/08/2010

http://anhbasam.com/2010/08/12/611-h%E1%BB%99i-ngh%E1%BB%8B-san-francisco-v%E1%BB%9Bi-v%E1%BA%A5n-d%E1%BB%81-ch%E1%BB%A7-quy%E1%BB%81n-c%E1%BB%A7a-vn-d%E1%BB%91i-v%E1%BB%9Bi-qu%E1%BA%A7n-d%E1%BA%A3o-hs-va-ts/

Tạp chí Xưa và Nay

Số 360, tháng 7 năm 2010

Hội nghị San Francisco với vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

PHẠM NGỌC BẢO LIÊM

.

Về Hội nghị San Francisco (9-1951)

Đầu tháng 9-1951, các nước Đồng Minh trong Thế chiến hai tổ chức Hội nghị ở San Francisco(1) (Hoa Kỳ) để thảo luận vấn đề chấm dứt chiến tranh tại châu Á-Thái Bình Dương và mở ra quan hệ với Nhật Bản thời hậu chiến. Tham gia Hội nghị gồm phái đoàn của 51 nước. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân quốc không tham dự Hội nghị do Mỹ và Liên Xô không thống nhất được ai là người đại diện chính thức cho quyền lợi của Trung Hoa.

Trong hội nghị này, vấn đề chính là thảo luận dự thảo Hiệp ước Hòa bình giữa các nước trong phe Đồng Minh với Nhật Bản do Anh-Mỹ đưa ra ngày 12-7-1951 nhằm chính thức kết thúc Thế chiến hai ở châu Á-Thái bình Dương.

Ngày 8-9-1951, 48 quốc gia tham dự hội nghị đã ký một Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản(2). Hiệp ước này đã chính thức chấm dứt Thế chiến hai ở Viễn Đông cũng như đánh dấu chấm hết cho sự tồn tại của chủ nghĩa quân phiệt Nhật.

.

Vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Theo lời mời của Chính phủ Hoa Kỳ, với tư cách là thành viên của khối Liên hiệp Pháp, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam(3) đã tham dự Hội nghị. Ngày 7-9-1951, phát biểu tại Hội nghị, trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam, Thủ tướng Trần Văn Hữu nêu rõ: “Chúng tôi cũng sẽ trình bày ngay đây những quan điểm mà chúng tôi yêu cầu Hội nghị ghi nhận (chứng nhận)…”(4). Về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuyên bố của phái đoàn Việt Nam khẳng định: “Và cũng vì cần phải thành thật lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”(5).

Lời xác nhận chủ quyền đó của phái đoàn Việt Nam không hề gây ra một phản ứng chống đối hoặc yêu sách nào của 51 quốc gia tham dự Hội nghị(6).

Về nội dung, Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản được ký kết tại San Francisco ngày 8-9-1951 quy định Nhật Bản phải rút lui khỏi những nơi mà nước này đã dùng vũ lực để chiếm đóng trong Thế chiến hai(7). Riêng đối với quần đảo Trường Sa (Spratly Islands) và quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands), Điều 2 – khoản (f) của Hiệp ước quy định: “Nhật Bản từ bỏ tất cả quyền, danh nghĩa và đòi hỏi với quần đảo Trường Sa (Spratly Islands) và quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands)”(8).

Hiệp ước quy định Nhật Bản từ bỏ tất cả quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa mà không nói rõ lực lượng hay chính quyền nào sẽ tiếp nhận chủ quyền của hai quần đảo này đã gây ra những ngộ nhận. Sự thiếu rõ ràng ấy của Hiệp ước San Francisco đã bị những quốc gia sau này tranh chấp chủ quyền với Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa khai thác, lấy làm cớ để cho rằng phải “trao trả” lại hai quần đảo trên cho họ.

Đối với Trung Quốc – nước không tham dự hội nghị San Francisco(9) – thì Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không đưa ra tuyên bố phản đối nào tại Hội nghị San Francisco vì không tham dự Hội nghị. Tuy nhiên, ngày 15-8-1951, Ngoại trưởng Chu Ân Lai lên tiếng về bản dự thảo Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản do Mỹ – Anh soạn thảo(10).

Đòi hỏi cho quyền lợi của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong Hội nghị San Francisco đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa được phái đoàn Liên Xô nêu lên trong phiên họp khoáng đại ngày 5-9-1951 của Hội nghị. Phát biểu trong phiên họp này, Andrei A. Gromyko – Ngoại trưởng Liên Xô – đã đưa ra đề nghị gồm 13 khoản tu chính để định hướng cho việc ký kết hòa ước thực sự với Nhật Bản. Trong đó có khoản tu chính liên quan đến việc “Nhật nhìn nhận chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với đảo Hoàng Sa và những đảo xa hơn nữa dưới phía Nam”(11). Với 48 phiếu chống và 3 phiếu thuận, Hội nghị đã bác bỏ yêu cầu này của phái đoàn Liên Xô.

Nhận định về việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa viện dẫn việc Trung Hoa Dân quốc thừa lệnh Đồng Minh tiếp quản quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa năm 1946(12) để cho rằng chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc về Trung Quốc, tạp chí Quê hương năm 1961 đã viết: “Nhật Bản đã lấy danh nghĩa gì để chuyển giao chủ quyền cho họ (Trung Hoa Dân quốc – TG). Khi Nhật Bản giao miền Bắc Đông Dương cho Trung Hoa chiếm đóng, có phải là họ đã nhường chủ quyền trên đất Trung Hoa, một điều có bao giờ Trung Hoa thừa nhận? Vậy không thể viện lẽ rằng quần đảo Nam Sa do Nhật chuyển giao mà cho rằng mình có chủ quyền trên (các) đảo đó”(13).

Về phía Việt Nam – nước tham gia Hội nghị San Francisco với tư cách là thành viên của khối Liên hiệp Pháp(14) – tuyên bố của phái đoàn Quốc gia Việt Nam về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong Hội nghị mà không có sự phản đối nào của các nước tham gia cũng chính là sự thừa nhận của các nước Đồng Minh về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.

Hơn nữa, Điều 2 của Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản có hiệu lực đã tái lập sự toàn vẹn lãnh thổ cho những quốc gia bị quân Nhật chiếm đóng trong Thế chiến hai. Do đó, việc Nhật Bản tuyên bố từ bỏ tất cả các quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cũng có nghĩa là Nhật Bản trả lại chủ quyền của hai quần đảo mà nước này chiếm đóng trong giai đoạn 1939-1946 cho Việt Nam. Chủ quyền đối với hai quần đảo này do vậy hiển nhiên thuộc về Việt Nam.

Dựa trên những tư liệu đã được công bố, có thể khẳng định rằng (muộn nhất) từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XIX, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đã thuộc chủ quyền Việt Nam. Đến cuối thế kỷ XIX, những Hòa ước ký kết giữa Việt Nam với Pháp đã quy định rằng chính quyền Pháp ở Đông Dương thay mặt Việt Nam gìn giữ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo đó. Đồng thời, Chính quyền Đông Dương cũng đã thi hành mọi biện pháp để khẳng định sự chiếm hữu cũng như các biện pháp quản lý hành chính đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Đến giữa thế kỷ XX, tuy quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa bị quân đội Nhật Bản tạm thời chiếm đóng từ năm 1939 đến năm 1946 nhưng với Hòa ước San Francisco (9-1951), Chính phủ Nhật Bản đã chính thức tuyên bố từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với hai quần đảo này. Do đó, Việt Nam tất nhiên đã khôi phục lại được chủ quyền vốn có của mình đối với hai quần đảo đó.

Giá trị pháp lý về tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa trong Hội nghị San Francisco không những được khẳng định đối với các quốc gia tham dự Hội nghị mà còn đối với những quốc gia cũng như chính quyền không tham dự Hội nghị bởi những ràng buộc của Tuyên cáo Cairo(15) và Tuyên bố Potsdam(16). Việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa trong Hội nghị San Francisco là sự tái lập/tái khẳng định một tình thế đã có từ trước. Thêm nữa, Hội nghị Geneve năm 1954 bàn về việc chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương với sự tham gia của những quốc gia không có mặt tại Hội nghị San Francisco cũng đã tuyên bố cam kết tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam(17).

.

Một vài nhận định

Việc quốc gia Việt Nam dưới sự bảo trợ của Pháp, tham gia Hội nghị San Francisco (9-1951) và tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong chuỗi các sự kiện minh chứng cho sự xác lập chủ quyền từ sớm (về pháp lý cũng như sự chiếm hữu một cách hòa bình trên thực tế) đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tuyên bố của phái đoàn Quốc gia Việt Nam trong hội nghị San Francisco về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam tiếp tục đưa vấn đề tranh chấp ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa hiện nay ra các hội nghị, diễn đàn quốc tế. 51 nước tham dự Hội nghị San Francisco thừa nhận tuyên bố của Việt Nam cũng chính là sự công nhận của quốc tế về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Sự thừa nhận này sẽ làm yếu đi luận điểm cũng như thái độ muốn giải quyết những tranh chấp ở Biển Đông hiện nay thông qua đàm phán song phương. Ghi nhận tầm quan trọng của Hội nghị San Francisco đối với việc thiết lập hệ thống các quan hệ quốc tế mới sau Thế chiến hai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng chính là sự thừa nhận có tính pháp lý tuyên bố về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Trong xu hướng “hòa hợp” hiện nay, việc làm có ý nghĩa là toàn thể dân tộc Việt Nam tập hợp dưới cùng một ngọn cờ đoàn kết, và chỉ có như vậy mới tạo ra được sức mạnh đủ để giữ gìn và đấu tranh cho sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

… TUYÊN BỐ CỦA PHÁI ĐOÀN QUỐC GIA VIỆT ANM TRONG HỘI NGHỊ SAN FRANCISCO VỀ CHỦ QUYỀN VIỆT NAM ĐỐI VỚI HAI QUẦN ĐẢO NÀY LÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ QUAN TRỌNG ĐỂ VIỆT NAM TIẾP TỤC ĐƯA VẤN ĐỀ TRANH CHẤP Ở QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA HIỆN NAY RA CÁC HỘI NGHỊ, DIỄN ĐÀN QUỐC TẾ…

-----------------------------------

CHÚ THÍCH:

(1) Còn được gọi là Hòa hội Cựu Kim Sơn, diễn ra từ ngày 5 đến 8-9-1951.

(2) Còn gọi là Hiệp ước San Francisco (Treaty of San Francisco) hay Hiệp ước Hòa bình San Francisco (San Francisco Peace Treaty). Hiệp ước bắt đầu có hiệu lực từ ngày 28-4-1952. Do những bất đồng nên Liên Xô, Tiệp Khắc, Ba Lan không tham gia ký kết Hiệp ước này.

(3) Quốc gia Việt Nam là một thực thể chính trị tồn tại trong giai đoạn 1949-1956, ra đời sau Hiệp ước ngày 8-3-1949 giữa Pháp và cựu vương Bảo Đại (Hiệp ước Elysee). Cuối năm 1955, Ngô Đình Diệm – lúc này là Thủ tướng Quốc gia Việt Nam – lên làm tổng thống sau cuộc “Trưng cầu dân ý” ngày 23-10-1955. Đến năm 1956, Quốc gia Việt Nam “cải đổi” thành Việt Nam Cộng hòa, công bố Hiến pháp mới (26-10-1956). Như vậy có thể nói Quốc gia Việt Nam là “tiền thân” của Việt Nam Cộng hòa.

(4) Trần Đăng Đại (1975), Các văn kiện chính thức xác nhận chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thời Pháp thuộc tới nay, Tập san Sử Địa – số 29, tháng 1-3-1975, Sài Gòn, tr.284.

(5) Nguyên văn tiếng Pháp như sau: “Et comme il faut franchement profiter de toutes occasions pour estouffer lé germes de discorde, nous affirmons nos droits sur iles Spratly et Paracels qui de tout temps ont fait partie du Viet-Nam”. In trên Tạp chí France – Asia, số 66-67, tháng 11-12-1951, tr.505 – dẫn theo Trần Đăng Đại, Tlđd, tr.286.

(6) Lãng Hồ (1975), Hoàng Sa và Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam, Tập san Sử Địa - số 29, tháng 1-3-1975, Sài Gòn, tr.103.

(7) Năm 1938, Nhật Bản chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và đổi tên thành Hirata gunto. Năm 1939, quân đội Nhật Bản đổ bộ lên đảo Itu Aba (đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa). Ngày 31-3-1939, Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên bố rằng ngày 30-3-1939 Nhật Bản quyết định đặt quần đảo Trường Sa dưới sự kiểm soát của Nhật Bản. Ngày 19-8-1939, Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên bố quyết định đặt quần đảo Trường Sa – dưới tên gọi Shinnan gunto – trực thuộc đảo Đài Loan. Về những sự kiện này, Chính quyền Đông Dương đã nhiều lần lên tiếng chính thức phản đối Chính phủ Nhật Bản. Dẫn theo: Lãng Hồ, Tlđd, tr.100; Quốc Tuấn (1975), Nhận xét về các luận cứ của Trung Hoa liên quan tới vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Tập san Sử Địa – số 29, tháng 1-3-1975, Sài Gòn, tr.222; Nguyễn Nhã (2002), Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Đại học Quốc gia TP HCM, Trường Đại học KHXH&NV, tr.107. Về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, “ngày 14-10-1950, Chính phủ Pháp chính thức chuyển giao cho Chính phủ Bảo Đại (Quốc gia Việt Nam – TG) quyền quản lý các quần đảo Hoàng Sa. Thủ hiến Trung phần là Phan Văn Giáo đã chủ tọa việc chuyển giao quyền hành ở quần đảo Hoàng Sa” – Nguyễn Nhã (2002), Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Tlđd, tr.110.

(8) Nguyên văn: “Japan renounces all right, title and claim to the Spratly Islands and to the Paracel Islands” – Treaty of Peace with Japan, CHAPTER II (Territory) – Article 2 – f. Source: United Nations Treaty Series 1952 (reg. no. 1832), vol. 136, p.p.45 – 164, www.vcn.bc.ca.

(9) Riêng với Trung Hoa Dân quốc, ngày 28-4-1952, Trung Hoa Dân quốc ký riêng rẽ một Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản. Trong bản tuyên bố ngày 5-5-1952 về Hiệp ước này, Ngoại trưởng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai không nói gì đến quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa mặc dù hai quần đảo này đã được đề cập một cách mập mờ trong Điều 2 của Hiệp ước: “Điều 2 – Hai bên nhìn nhận là theo Điều 2 Hòa ước với Nhật Bản ký ngày 8-9-1951 tại Cựu Kim Sơn (San Francisco) ở Hoa Kỳ, Nhật Bản đã khước từ mọi quyền, danh nghĩa hay đòi hỏi liên quan tới Đài Loan (Formosa) và Bành Hồ (The Pescadores), cũng như quần đảo Trường Sa (Spratly Islands) và Hoàng Sa (Paracel Islands)” (Source: Chen Yin-ching (1975), Treaties and Agreements between The Republic of China and other powers, Sino-American Publishing Service, Washington D.C., p.p.454 456). Nghĩa là Nhật Bản và Trung Hoa Dân quốc chỉ nhắc lại việc khước từ chứ không nói là Nhật Bản trao hai quần đảo này cho Trung Hoa Dân quốc – Quốc Tuấn, Tlđd, tr.231.

(10) “Chính phủ Nhân dân Trung ương nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa một lần nữa tuyên bố: Nếu không có sự tham dự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong việc chuẩn bị, soạn thảo và ký một hòa ước với Nhật Bản thì dù nội dung và kết quả của một Hiệp ước như vậy có như thế nào, Chính phủ Nhân dân Trung ương cũng coi hòa ước ấy hoàn toàn bất hợp pháp, và vì vậy vô hiệu” – (Toàn văn bản tuyên bố ngày 15-8-1951 đăng trong People’s China, T.IV, số 5, ngày 1-9-1951, phụ trương ngày 1-9-1951, tr.3 – 6 dưới nhan đề Foreign Minister Chou En – lai’s Statement on the US British Draft Peace Treaty with Japan – dẫn theo Quốc Tuấn, Tlđd, tr.221).

Trước đó, ngày 4-12-1950, Ngoại trưởng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuyên bố: “Nhân dân Trung Hoa rất ước muốn sớm có một hòa ước liên hợp với Nhật Bản cùng với các quốc gia Đồng Minh khác trong thời kỳ Thế chiến hai. Nhưng căn bản của hòa ước phải hoàn toàn thích hợp với bản Tuyên cáo Cairo, Thỏa ước Yalta, bản Tuyên bố Potsdam và các chính sách căn bản đối với Nhật Bản sau khi nước này đầu hàng được quy định trong các văn kiện này” (Toàn văn bản tuyên bố ngày 4-12-1950 đăng trong bán nguyệt san People’s China, Bắc Kinh, T. II, số 12, phụ trương ngày 16-12-1950, trang 17-19, dưới nhan đề Chou En lai’s Statement on the Peace Treaty with Japan – dẫn theo Quốc Tuấn, Tlđd, tr.220).

Như vậy Tuyên bố ngày 15-8-1951 đã đi ngược lại tinh thần tuyên bố ngày 4-12-1950 của chính Trung Quốc vì thực chất, Hội nghị San Francisco được tổ chức nhằm “hiện thực hóa” những thỏa thuận được quy định trong Tuyên cáo Cairo, Thỏa ước Yalta và Tuyên bố Potsdam.

(11) Nguyễn Nhã, Tlđd, tr. 110.

(12) “Sự thực thời tướng Hà Ứng Khâm (Trung Hoa Dân quốc) đã thừa lệnh Đại tướng Mac Arthur để tiếp nhận sự đầu hàng của Okamura Yasutsugu là Tổng tư lệnh quân đội Nhật Bản tại chiến trường Trung Quốc” – xem thêm bài của Lãng Hồ, Tlđd, tr.101-102.

(13) Tân Phong (1961), Vấn đề chủ quyền trên nhóm quần đảo Tây Sa và Trường Sa, Tạp chí Quê hương số ngày 27-9-1961 – dẫn theo Lãng Hồ, Tlđd, tr.102.

Về việc tiếp quản quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa từ tay Nhật Bản của lực lượng Trung Hoa Dân quốc, tác giả Lãng Hồ viết: “Sự thực thời đó đâu phải là một cuộc tiếp thu chính thức theo quốc tế công pháp (mà) chỉ là một hành động trong khuôn khổ Trung Hoa Dân quốc đã thừa lệnh Đồng Minh đến nhận sự đầu hàng của quân Nhật mà thôi” – Lãng Hồ, Tlđd, tr.101

(14) Ngày 29-6-1950, Pháp chính thức công nhận Quốc gia Việt Nam là thành viên của khối Liên hiệp Pháp.

(15) Tuyên cáo ngày 26-11-1943 của Hội nghị Cairo (tổ chức từ ngày 23 đến 27-11-1943 tại Cairo, Ai Cập), gồm đại diện của ba nước là Hoa Kỳ (Franklin D. Roosevelt), Anh (Winston Churchil) và Trung Hoa Dân quốc (Tưởng Giới Thạch).

(16) Hội nghị Potsdam được tổ chức ở Potsdam (Đức) từ ngày 17-7 đến ngày 2-8-1945 gồm đại diện 3 nước: Liên Xô (Joseph Stalin), Mỹ (Harry Truman) và Anh (Winston Churchil, sau đó được thay bởi Clement Attlee) . Ngày 26-7–1945, W. Churchil, H. Truman và Tưởng Giới Thạch đưa ra Tuyên bố Potsdam vạch ra những điều khoản đầu hàng đối với Nhật Bản.

(17) Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa được thể hiện rõ trong Điều 12 – Tuyên bố cuối cùng của Hội nghĩ Geneve ngày 21-7-1954 mà Trung Quốc cũng đã tham dự, đó là “Trong quan hệ với Cao – Miên, Lào và Việt Nam, mỗi nước tham gia Hội nghị Geneve cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của những nước trên và tuyệt đối không can thiệp vào nội trị của những nước đó” – Vụ biên soạn, Ban tuyên huấn Trung ương (1979), Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam – trích văn kiện Đảng, T.II: 1945-1954, Nxb SGK Mác-Leenin, Hà Nội. tr.360.

--------------------------

Bình luận :

Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và sau này là Chính Phủ Công Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam không công nhận Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam và kế thừa nó là Chính Phủ Việt Nam Công Hòa (và gọi nó là “ngụy”) thì liệu Chính Phủ CHXHCNVN có kế thừa được tư cách của Chính Phủ VNCH để thừa hưởng chữ ký của nó tại Hội Nghị San Francisco hay không?

.

.

.

No comments: