Tuesday, August 24, 2010

CỰU TÙ CHÍNH TRỊ & TÔN GIÁO HỌP MẶT TƯƠNG TRỢ TẠI SÀI GÒN

Cựu tù chính trị & tôn giáo họp mặt tương trợ tại Sài Gòn

Thanh Quang, phóng viên RFA

2010-08-23

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Meeting-of-former-political-and-religious-prisoners-for-mutual-help-and-their-country-ThQuang-08232010203007.html

Sáng Chủ Nhật 22/8, một số cựu tù nhân chính trị và tôn giáo đã gặp nhau tại trụ sở Giáo Hội Tin Lành Mennonite Việt Nam ở Sài Gòn. Thanh Quang tìm hiểu diễn tiến này.

.

Những người đồng cảnh ngộ

Buổi họp mặt diễn ra tại phòng họp của Trụ Sở Giáo Hội Mennonite Việt Nam ở Quận 2, Sài Gòn, với sự hiện diện của những cựu tù nhân chính trị nổi tiếng trong nước như Thượng Tọa Thích Thiện Minh, Chủ tịch Hội Ái Hữu Cựu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo Việt Nam, Mục sư Nguyễn Hồng Quang, Phó Hội trưởng Thường Trực Hội Ái Hữu Cựu Tù Nhân Chính Trị & Tôn Giáo, cùng những tù nhân chính trị bất khuất như Trương Văn Sương, Trần Nam Phương, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Ngọc Quang cũng như thân nhân của những người tù “thế kỷ” Nguyễn Hữu Cầu, Trần Đình Thiên, Trương Minh Nguyệt…

.

Thượng Tọa Thích Thiện Minh cho biết mục tiêu chính của cuộc họp mặt, đó là:

TT Thích Thiện Minh: Những người đồng cảnh với nhau đến để an ủi, chia sẻ, tâm sự với nhau vì thời gian lâu dài không có gặp mặt.

.

Luật sư Nguyễn Bắc Truyển cho biết thêm về buổi họp mặt thân mật này:

Nguyễn Bắc Truyển: Thực ra thì buổi họp mặt giữa các cựu tù chính trị tại tu viện của Mục sư Nguyễn Hồng Quang có mục đích nhân đạo. Những anh em bạn tù quan tâm đến nhau, chia sẻ với nhau, đến đây để hỏi thăm, chăm sóc nhau.Có điều kiện gì thì mọi người giúp đỡ nhau.

.

Tù nhân chính trị bất khuất Trương Văn Sương bày tỏ xúc cảm của mình nhân dịp họp mặt này:

Trương Văn Sương: Khi gặp lại một số anh em tù nhân chính trị, tôi cảm thấy thật ấm cúng trong tình gia đình. Từ lúc tôi rời nhà tù trở về đến giờ thì nhiều anh em đến thăm – những người chưa ở tù cũng có, những người có ở tù nhưng không ở tù chung, những người từng ở tù chung 1 buồng với tôi. Do đó tôi thấy trong lòng rất ấm cúng, coi như đây là tình chiến hữu, đoàn kết, thương nhau. Tôi cũng mong những người tù chính trị được gặp nhau thường xuyên, tương trợ trong cuộc sống.

.

Nhân dịp này, MS Nguyễn Hồng Quang, cũng là Cố vấn Giáo Hội Tin Lành Mennonite Việt Nam, Cố vấn những Cộng Đồng Tin Lành Độc Lập, cho biết Hội Ái Hữu Cựu tù Nhân Chính trị và Tôn Giáo Việt Nam là tiếng nói tiên phong mạnh mẽ từ trong quốc nội, góp phần đấu tranh cho số phận của những tù nhân chính trị, tôn giáo còn tiếp tục cảnh đọa đày cũng như khát vọng của dân tộc:

MS Nguyễn Hồng Quang: Hội Ái Hữu Cựu Tù Nhân Chính trị và Tôn Giáo không phải là một tổ chức gì ghê gớm, nhưng bao gồm những người đặc thù, những người con bất khuất kiên cường. Hội được xây dựng bởi những hội viên từng bị tổng cộng lại hàng trăm năm tù. Họ kinh nghiệm trong chế độ CS. Cho nên vấn đề bức xúc nhất, nhân đạo nhất của Hội là quan tâm đến số phận của những người tù, thể hiện tình yêu thương đối với những người đang khổ, chết dần mòn trong các trại giam.

Kiến Nghị Thư của Hội cũng không ngoài mục đích là đánh động lương tâm của những người có khả năng giải quyết cho những người tù trở về, trong đó có lương tâm của các chính phủ nước ngoài, những nhà ngoại giao, những nhà lập pháp ở các quốc gia có ảnh hưởng tới Việt Nam. Đồng thời đây cũng là trách nhiệm của nhà cầm quyền CS Việt Nam, vì những tù nhân chính trị, tôn giáo này bị giam giữ quá lâu rồi, đã quá đủ để họ giam cầm quân, cán, chính của VNCH, và những người bất đồng chính kiến.

Hơn nữa trong bối cảnh bây giờ, khi CS Việt Nam đã hội nhập xa hơn về chính trị, quân sự với Hoa Kỳ. Đã tới lúc chúng tôi phải nêu bật ý kiến với khát vọng của toàn dân trong nước và đồng bào ở hải ngoại. Đáp ứng của nhà cầm quyền CS Việt Nam thế nào sẽ thể hiện họ có thành thật hay không .

.

Cựu tù chính trị Nguyễn Bắc Truyển nhân buổi họp mặt cũng lên tiếng với nhà cầm quyền Việt Nam:

Nguyễn Bắc Truyển: Nếu được có lời nào đó với nhà cầm quyền CSVN thì tôi cũng xin trình bày là các nhà lãnh đạo, nhân cơ hội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, hãy tiến hành phóng thích các tù nhân chính trị và tôn giáo còn đang bị giam giữ. Bởi vì hiện nay đang trong xu thế đưa người Việt Nam đến gần với nhau. Thì hành động đầu tiên mà nhà cầm quyền Việt Nam cần thể hiện là hãy phóng thích tất cả tù chính trị và tôn giáo.

.

Tự do dân chủ cho Việt Nam

Thưa quý vị, hiện diện trong cuộc gặp gỡ những người đồng cảnh ngộ vừa nói, ông Trần Phương Nam, từng trải qua cảnh đọa đày trong nhà tù CS 23 năm, khẳng định:

Trần Phương Nam: Quan điểm của tôi là kiên quyết đấu tranh để thành lập một nền tự do dân chủ đa đảng thật sự tại Việt Nam.

.

Và nhà dân chủ Nguyễn Thu Trâm, thành viên của Khối 8406, lên tiếng sau khi mới đây chứng kiến hành động công an đàn áp PGHH ở Miền Tây – tại Đạo Tràng của tu sĩ PGHH Huỳnh Huệ Thọ, ngăn chận Thượng Tọa Thích Thiện Minh tới đó để nói chuyện với hàng ngàn tín đồ:

Nguyễn Thu Trâm: Cảm nhận của tôi là họ đàn áp tôn giáo rất mạnh mẽ. Đối với PGHH thì họ càng ra tay đàn áp khốc liệt hơn.

.

Trước tình cảnh như vậy, ông Trương Văn Sương lưu ý thêm:

Trương Văn Sương: Chủ đề chính là anh em thăm hỏi nhau, nhưng không phải chỉ có thế, mà chúng ta là những người đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ, đã từng vào tù ra khám. Thì câu chuyện anh em chúng tôi thảo luận ở đây cũng không ngoài tình hình của đất nước - điều mà chúng tôi luôn quan tâm.

Mong mỏi của tôi là bên ngoài hãy giúp vận động, lên tiếng để đấu tranh cho những người còn bị giam cầm trong nhà tù trong nước được sớm rời khỏi cảnh lao lý này.

.

Theo MS Nguyễn Hồng Quang, thì Việt Nam đã trải qua một thời gian dài 35 năm đủ thuận lợi cho một chính quyền, một thể chế chính trị ý thức được trách nhiệm của mình đối với dân tộc, đất nước, hàn gắn những vết thương, những đổ vỡ mà một cuộc chiến khốc liệt, huynh đệ tương tàn mang lại khiến tiêu diệt một chính quyền dân sự, tự do ở Miền Nam. Nhưng giới cầm quyền đã hành động ra sao? MS Nguyễn Hồng Quang nhận xét:

MS Nguyễn Hồng Quang: Bây giờ chính quyền CS Việt Nam lại đi cái bước của chính phủ Miền Nam trước kia, tức bắt đầu lại những gì mà họ đã phá đổ. Nhưng việc hàn gắn vết thương chiến tranh, như trường hợp tù nhân chính trị, tôn giáo thì họ không chịu thả ra. Những người bị mất tích họ cũng không cung cấp tin tức, những người bị thủ tiêu trong các trại cải tạo, họ cũng không thông báo cho gia đình khiến người thân phải mỏi mòn chờ đợi 35 năm nay. Rồi những anh em bất đồng chính kiến, hoạt động vì lòng ái quốc hay là vì lương tâm mà bị ở tù, họ bị giam cầm khá lâu và bị phân biệt đối xử. Trong khi tù hình sự thậm chí giết người thì cũng còn được trở về, trong đó những người tù chính trị thì không được đặc xá gì cả.

Chúng tôi mong muốn cộng đồng hải ngoại hãy lên tiếng mạnh mẽ, vì đây là nỗi đau đớn nhất, cái di sản của chiến tranh còn sót lại, hay là một sự đối đầu giữa những người Miền Nam tự do với một chính thể độc tài.

Cuộc chiến không tiếng súng bây giờ vẫn còn hành hạ nhau, vẫn còn chiến trận, vẫn còn tiêu diệt nhau, hãm hại, tra tấn, tù đày. Như vậy cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt thật sự cho đến khi nào nhà cầm quyền CS Việt Nam ý thức vấn đề nhân đạo, vấn đề đối với dân tộc để từ bỏ hành động tra tấn, tù đày, giam cầm những nhà bất đồng chính kiến vốn là những người yêu nước chỉ vì họ có tiếng nói khác với giới cầm quyền.

.

Thượng Tọa Thích Thiện Minh thì quan ngại cho vận nước:

TT Thích Thiện Minh: Tôi nghe được những nguồn tin là thời điểm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long cũng trùng hợp với ngày quốc khánh của nước nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có mộng bành trướng. Tôi cũng nghe những nguồn dư luận trong ngoài nước nói là như vậy thì giới cầm quyền Việt Nam có lẽ là đã bán đứng nước Việt Nam này cho Trung Quốc rồi. Thì đây là một thảm họa cho dân tộc Việt Nam. Đây là điều đáng buồn. Tôi thấy tình hình hiện giờ xem chừng như biên giới lãnh hải, lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Việt Nam mất dần, mất dần vào tay Trung Quốc. Chúng tôi rất là xót xa khi thấy chiều hướng là giới lãnh đạo quốc gia không giữ vững được biên cương lãnh thổ, hoàn toàn làm mất lòng tin của nhân dân.

.

Nhân cuộc họp mặt của những cựu tù chính trị, tôn giáo vào dịp Vu Lan, Thượng Tọa Thích Thiện Minh nhắn gởi:

TT Thích Thiện Minh: Tôi thấy nhiệm vụ của người dân phải yêu thương quê hương đất nước. Nhất là trong Mùa Vu Lan Báo Hiếu này, nhiệm vụ của người con Phật nói riêng, và đồng bào Việt Nam nói chung phải nghĩ tới Tứ Ân, tức là “Thượng Báo Tứ Trọng Ân, Hạ Tế Tam Đồ Khổ”. Thì trong Tứ Ân đó có Ân Quê Hương Đất Nước. Nên nhiệm vụ của người dân phải bảo vệ lãnh thổ. Đó là máu ruột thịt của mình, cha ông, tiền nhân để lại mà thế hệ sau phải nhân danh lịch sử để giữ gìn mảnh đất quê hương này.

.

Theo MS Nguyễn Hồng Quang, thì Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long sẽ không có ý nghĩa gì nếu nhân tâm của người dân Việt tiếp tục ly tán, hận thù trong khi giới cầm quyền cứ làm ngơ, không ý thức. Chính họ mới có điều kiện hơn ai hết để giải quyết vấn đề này.

.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

ĐỌC THÊM :

CHÍNH QUYỀN ĐÀN ÁP PHẬT GIÁO HÒA HẢO Ở Ô MÔN (CẦN THƠ)

http://nhanquyenchovn.blogspot.com/2010/08/chinh-quyen-ap-phat-giao-hoa-hao-o-o.html

.

.

.

No comments: