VietSoul:21
10/08/2010 5:00 chiều
http://www.talawas.org/?p=23362
.
Để tưởng nhớ đến những câu chuyện kể “từ cọng tranh bị tách rời”, “kéo xa cội nguồn”, và “mong ước trở về”… “Cọng tranh này là bạn với tất cả, luôn cả những ai muốn xé tơi tả lát tranh cho gió cuốn đi.”
(Trích The illuminated Rumi, 1997)
Bài quan điểm của Sonny Lê nhan đề “Giờ là lúc ngưng đánh đấm cuộc chiến đã hạ hồi từ lâu”[1] đăng ngày 26/7/10 trên nhật báo Mercury News ở San Jose, tiểu bang California, Hoa Kỳ, tương đối đã vượt qua được sự phê phán thiên kiến về hành động của Lý Tống là loại “phi văn hoá Hoa Kỳ” và “không thể chấp nhận được”. Dũng Taylor (người bầu sô), và Đỗ Dzũng (phóng viên báo Người Việt) qua lời phát biểu với đài BBC[2] hẳn có dụng ý khi dùng thái độ phê phán này để biện minh và bào chữa sự thuận tình với cái diễn luận (discourse) về nhóm tị nạn đang bị “Trắng” hóa (Whitening).
Hành động cá nhân của Lý Tống có thể bị sỉ nhục và nguyền rủa là vớ vẩn, ác quái, và thiếu văn minh bởi rất nhiều nhóm, đó là những người Mỹ da trắng và người da màu cả tin vào khái niệm “dân chủ” xuất chúng của Hoa Kỳ, giới hâm mộ ca sĩ, các tờ báo và bộ phận kỹ nghệ giải trí lợi nhuận, cũng như những tay đầu cơ chính trị và chính quyền tham nhũng cộng sản Việt Nam. Thế nhưng, đòn đột nhập xuất thần này rõ ràng có một chủ ý và đưa đến một kết quả nổi bật là làm lộ diện chứng liệt trí nhớ tập thể (collective amnesia) đang tràn lan mọi thế hệ và nằm trong tâm thức không chỉ riêng ở những người Việt đang sống tại hải ngoại. Bài quan điểm đề cập trên là một dẫn chứng rõ ràng nhất về hiện trạng của chứng liệt trí nhớ này.
Trọng tâm bài viết sử dụng yếu tố chủng tộc và chiến tranh hầu có thể than vãn một cách hùng biện về chuyện đánh đấm chia rẽ không ngừng của thời hậu chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, các thuật trò “gài khung” (framing)[3] này được dùng với cử chỉ thách thức cộng đồng. Ngoài ra, bài lại khéo dùng xảo thuật hùng biện hầu tạo nên ảnh hưởng ru ngủ thành phần thế hệ trẻ.
Thành phần thời hậu ký ức (post-memory)
Chẳng cần phải nói dông dài vì ai cũng thấy rằng cái phê phán cho là “phi văn hóa Hoa Kỳ” này (một kiểu phê phán cốt để tán thành chiều hướng Mỹ hoá, và nằm trong khuôn mẫu tiêu chuẩn Trắng[4](whiteness) được ủng hộ khá mạnh bởi đa số giới trẻ người Việt sinh ra lớn lên ở Hoa Kỳ thuộc các thành phần sau đây:
(1) bị đồng hoá do ảnh hưởng đô hộ của các ý thức hệ liên quan đến chủng tộc nay đã cập nhật hoá – một loại ý thức hệ tuy vẫn còn dựa vào chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa cá nhân để dẫn đến một thái độ chính trị thụ động nhưng ẩn dưới cái mặt nạ tự cho là mình đang theo chủ nghĩa “người của thế giới” (cosmopolitan) lồng vào chủ nghĩa chính trị tự do (liberal);
(2) bị nhập tâm kỳ thị chủng tộc – một hiện tượng vẫn tồn tại mạnh mẽ ở phương Tây và ẩn sâu trong đầu óc người bị đô hộ hiện đang sống trong quá trình vét cạn xã hội tính và tư hữu hóa những từ vựng[5] của thời hiện đại;
(3) còn lơ mơ về lịch sử của người Việt và các phân nhánh phức tạp bên trong cộng đồng do những học hỏi bị ảnh hưởng bởi nền giáo dục độc quyền về phản chiến khi đề cập đến lịch sử chiến tranh Việt Nam, và nói chung hấp thụ loại dạy dỗ kiểu “đút-rút tiền ngân hàng”[6] (nghĩa: không tạo được tư duy tự suy xét) trong các trường học tại Bắc Mỹ đang ngày càng bị thương mại hóa[7];
và/hoặc:
(4) đang dần dà dù ít dù nhiều trở thành một loại thực dân mới (trong một chính kiến chính trị toàn cầu) về phương diện đặc ân, quyền lực, chức vị, và cùng lúc tự mình bị thuần hóa (cooptation) trong các nối kết qua phương tiện giải trí, thương mại, giáo dục, chính trị, và từ thiện với Việt Nam.
Dù có công nhận hay không thì tất cả các phản xạ tư duy thuần nhất (group thinking) của các nhóm này đã làm nổi bật cái bất trắc giữa thành công và thất bại ở Nghị quyết 36[8] của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những thành phần này có thể không muốn thấy rằng tất cả sinh hoạt hằng ngày bên ni hay bên nớ đều mang tính chính trị cả.
Riêng về nhóm số 4 đề cập ở trên, họ cảm nhận rất rõ là họ vẫn không được xem là người bản xứ dẫu có cố gắng đến mấy đi nữa. Thật ra thì kinh nghiệm đó không chỉ xảy ra riêng cho họ, và cũng chẳng một ai muốn thú nhận điều này. Tuy nhiên, riêng nhóm này rất ước mong tái định cư ở Việt Nam – nơi mà họ có thể kiếm được chức vị và tiến thân nhờ vào khả năng Anh ngữ và các kỹ năng của phương Tây, nếu họ không phản đối các chuyện bất công, áp bức. Xã hội “được-cho-là đa chủng tộc” như Hoa Kỳ và châu Âu thì lại không có nhiều cơ hội cho công ăn việc làm hoặc chỉ có công việc thấp kém dù họ có dư thừa kỹ năng tiên tiến.
Không chóng thì chày rồi họ cũng nhắm vào chuyện làm sao để có thể thăng quan tiến chức trên một “quê hương” khác – nơi mà thời thơ ấu mơ hồ hoặc không hề có của mình lại được táí lập/nghiệm, nơi mà họ không phải chịu từng trải kinh nghiệm kỳ thị chủng tộc đậm mùi cơ cấu trong xã hội phương Tây. Có người trong số họ thậm chí tự nghĩ một cách ngây thơ rằng nếu mình nhắm mắt làm ngơ trước những vết thương tàn phế của các cựu chiến binh hai miền Nam Bắc cũng như không làm nhân chứng đối kháng các hệ thống bạo lực đang diễn ra thì sẽ được chính quyền cộng sản Việt Nam chấp nhận. Rồi từ đó họ có thể hành xử và đạt được những gì họ muốn cho bản thân mình, và trở thành phần tử của một xã hội Việt Nam “thời hội nhập” – một nơi mà cuộc chiến chống Mỹ đã không còn được đối thoại[9] chỉ vì mối quan hệ với Hoa Kỳ.
.
Thuật trò quên bất công kỳ thị
Quan điểm của bài viết thật ra thuộc loại “đánh trống bỏ dùi”. Mặc dầu vấn đề chủng tộc được tác giả lồng vào khung cảnh xung đột lê thê trong thời hậu chiến (có nghĩa là không sai), nhưng tác giả đã tự mâu thuẫn với chính mình. Tác giả đang sống trong ảo tưởng hoặc mơ mộng viễn vông khi khơi mào và thách thức người Việt hải ngoại lên tiếng cũng như phản đối những bất công gây ra bởi chính quyền Hoa Kỳ vì nhúng tay vào chuyện của các quốc gia khác ngay trong hiện tại hay thuộc thời quá khứ.
Tác giả xem thường vấn đề cộng đồng người Việt – cũng giống như các cộng đồng bị cho ra rìa khác – là những thuộc địa nhỏ bị tứ tán khắp nơi trên đất Hoa Kỳ. Họ đã tự tạo với cung cách riêng của mình một lịch sử không chính thức và không được truyền kể lại – một lịch sử cộng đồng dễ bị dòm ngó đụng chạm gây tổn thương, kháng cự ngầm, có ưu điểm linh động linh hoạt, và tiềm lực cởi bỏ được đô hộ hóa – mà không có bản thân tác giả tham gia. Tại sao tác giả đã chọn chức chỉ đạo về mặt truyền thông cho tổ chức Đông Tây Hội Ngộ (East Meets West Foundation)?
Thiết nghĩ lời nói thì phải đi đôi với việc làm và phải sử dụng “sân khấu chính trị” về những chuyện “hiện thực” hơn là than vãn về các “khả năng”. Đáng tiếc là tác giả Sonny Lê cùng với một số thành phần trí thức ở Hoa Kỳ đi lại với Việt Nam đã khéo lôi kéo, thuyết phục giới trẻ – các em đầu óc thương mại – thành lập OneVietnam[10] để hỗ trợ cho một mạng lưới có hệ thống và chuyên huy động cho Từ thiện Á Châu (Asian Philanthropy Forum/Give2Asia), một hệ thống được gọi là “tập đoàn kỹ nghệ vô vụ lợi” (non-profit industrial complex). Đó là một hệ thống giữa nhà nước, các cơ quan cung cấp ngân quỹ (cả thiên tả và thiên hữu), giới chủ nhân ông, cùng các cơ quan xã hội và những tổ chức thiên công bằng xã hội một khi tham gia vào mạng lưới để xin tiền hỗ trợ đành trở thành bảo thủ. Vì đây là một hệ thống rất phức tạp đẻ ra việc giám sát, khống chế, và quản lý chặt chẽ các phong trào đấu tranh chính trị. Các cơ quan vô vụ lợi thiên công bằng xã hội đành phải quay mặt làm ngơ với các tiên chỉ và hoạt động của họ định ra từ lúc đầu là đấu tranh dân chủ (tức là hơn cả việc xóa đói giảm nghèo), nhất là một khi đã nhận tiền và tuân theo điều lệ chỉ thị và sự theo dõi của các cơ quan cung cấp ngân quỹ – những cơ quan thật ra có quyền lực tạo ảnh hưởng lên chính sách nhà nước, các diễn luận công khai phổ biến, và tổng thể bối cảnh chính trị của một quốc gia.[11] Tự do ngôn luận và lập hội nhóm bị kềm chế vì các cơ quan vô vụ lợi tự kiểm duyệt mình sau khi đã tranh đua với các cơ quan cùng thể loại, và trở thành kẻ nhận ngân quỹ.[12] Tác giả và không ít các em thanh niên Mỹ gốc Việt có lẽ hoặc không nghĩ ra hoặc chưa hình dung được một phong trào cá biệt nào không bị kẹt nghẽn trong mô thức vô vụ lợi, một mô hình phục tùng định hướng của chính trị chủng tộc chính thống, mất dần tính dân chủ, và bị điều khiển qua nề nếp của cơ chế chuyên gia và ngân quỹ.
.
Một quan điểm lấn áp trong thời hậu ký ức
Văn phong bài viết của Sonny Lê dường như cho thấy lời phát biểu của tác giả thuộc lực lượng cấp tiến thiên hòa bình và chỉ vì hòa bình. Tác giả quên phắt đi cái đặc quyền của mình trên đất nước này trong việc chọn lựa hòa bình hay không – trong khi thật ra bất cứ lựa chọn nào trong các chọn lựa ấy ở xứ Hoa Kỳ cũng oái oăm và là nguyên nhân hủy diệt ”Kẻ kia”[13]. Tác giả được chọn cho nói và chỉ chú trọng đến cái giàu, cái “phát triển” mới ở Việt Nam, trong khi biết bao nhiêu người Việt Nam trong và ngoài nước bị bịt miệng[14] vì phản kháng đàn áp hay bị đối xử vô nhân đạo.
Giọng văn của tác giả phảng phất một xấu hổ ngấm ngầm trong lúc bất ngờ bị ép phải đối diện với tình trạng hỗn độn của nội tình xích mích bất hòa và chia rẽ không chỉ ở tầm mức cộng đồng. Nó liền được tán thành ngay bằng một phản hồi tiêu biểu với lời lẽ kẻ cả trong việc vừa tha thứ vừa quên phắt đi vài “con sâu”, vì “Tương lai là chìa khóa cho vấn nạn này”[15] và sẽ giúp thế hệ hậu ký ức không bị “phiền nhiễu” lây.
Thật ra bài viết nói trên cũng như không ít luận điểm của giới “hãy quên cuộc chiến Việt Nam” và “phi chính trị” được thổi kèn, đánh trống inh ỏi lên để khỏi phải nghe thấy những nỗi hận trong lòng và các dị diện do mâu thuẫn chiến tranh Việt-Mỹ. Đấy chẳng qua chỉ là cách thức trang điểm lên vết sẹo của những vết thương từ nứt rạn chia rẽ giữa các thế hệ hầu giúp thỏa mãn khát vọng của hai khối trí thức tân bảo thủ (neoconservative) và tân tự do (neoliberal). Tâm thức tự diễn là “không cay đắng về quá khứ”[16] này không vượt ra khỏi cái đầu óc bố thí nhân đạo để có thể thực thi phản kháng các thế lực bạo động phạm nhân quyền, ở Hoa Kỳ hay nơi khác, và dựa vào một tinh thần tranh đấu không lệ thuộc. Các hành động như thế chỉ thúc đẩy cho những tác hại nghiêm trọng về mặt quyền lực, kỹ thuật, di dân, giao dịch và du lịch từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông, từ kẻ có đến kẻ không có, được tồn tại mãi mãi.
.
Truyền thông hỗ trợ chứng quên?
Tác động của vai trò truyền thông trong việc “gài khung” và chọn lựa ban phát đặc quyền cho ai rất đáng được xem xét ở đây. Tờ San Jose Mercury News đáng lẽ phải cổ võ thật tình cho nhiều quan điểm khác nhau thay vì chỉ đăng vỏn vẹn một ý kiến từ một người cố vấn truyền thông cho tờ báo. Vai trò truyền thông dân chủ là cổ xúy nhiều cách bày tỏ khác nhau và có suy tư sâu sắc thay vì chỉ là một bài viết mang quan điểm “gài khung” như thế. Tờ báo này cũng không thể chỉ miễn cưỡng (nếu phải nhượng bộ) cho đăng thêm chút đỉnh một vài tiếng nói tiêu biểu bất đồng với quan điểm của tác giả. Lý do sâu xa nào khiến tờ báo này chỉ chọn anh Sonny Lê thay vì nhiều quan điểm khác? SJ Mercury News đã không làm đúng vai trò mình trong việc thừa nhận hay ghi khắc lại sức mạnh của những tiếng hô to cũng như nỗi thinh lặng vì ký ức hậu chiến tranh.
Đã hơn ba thập niên qua, nếu những người “dị diện” gào thét thì bị cho là “bệnh” và “điên”, và phải nghe đuổi, “Cút về nước mày đi!” Nếu họ chọn sự im lặng vì nhiều lý do khác nhau, họ bị buộc tội là ngu xuẩn (và cũng dễ tạo chỗ cho các mánh khoé hạng cơ tầng và xóa sổ văn hóa tại các địa phương có người Việt tụ tập). Nếu họ lừng khừng nhưng chăm chỉ cần cù, họ được tưởng thưởng danh hiệu “thiểu số mẫu mực” – nhóm được xếp hạng dự bị tạm không coi là “Kẻ kia” nữa, và đáng làm gương cho các sắc dân khác trong công cuộc đeo đuổi cái thiên đường Hoa Kỳ “hậu chủng tộc” (post-racial)[17]. Dĩ nhiên là trường hợp éo le như thế này chỉ giúp cho hiện trạng bất bình đẳng chủng tộc và giai cấp vẫn y như cũ, và kéo dài tình thế những nhập nhằng không tên[18] ra thêm thôi.
Tóm lại, chúng ta cần nhiều tiếng nói đa dạng đa hình và trong tự do dân chủ khi linh hồn cộng đồng đang bị gài khung vào cái nhãn hiệu “bát nháo” “không chấp nhận được” vì “phi văn hóa Mỹ”. Khi những tiếng nói của ký ức tập thể này trỗi lên thì cả lời lẫn ý không thể tuân theo cái mẫu mã tinh vi được sáng chế của các tay “làm nô lệ bậc thầy” (dựa theo định nghĩa của Frantz Fanon[19] và G.W.F. Hegel[20]). Những tiếng nói bày tỏ nỗi niềm của ký ức thời hậu chiến tranh phải ra khỏi khuôn rập có kế hoạch chuyên phục vụ cho cơ chế kiểu Trắng độc đoán nhưng khéo ẩn trong thời đại “hậu dân quyền”[21] (post-civil rights era) hay thời đại đã thui chột màu da (color-blind era)[22].
Tất cả tín hiệu, hình thức, nội dung, và khuôn thước hằng ngày của cơ chế kiểu Trắng đều hoạt động để lấp liếm ký ức ám ảnh quốc gia này về cuộc chiến Hoa Kỳ ở Việt Nam. Đây là loại ký ức chỉ sống ngoài rìa tâm thức của người Mỹ để chống chọi lại sự hiện diện của những ai từng bị nô dịch hoá – nhất là những kẻ bị mang danh “chiến bại chân ướt chân ráo” (Fresh-off-the Boat losers) và chỉ coi là những hồn ma bóng quế nơi đất người.
Chắc chắn chúng ta cần nhiều tiếng kêu ca trách móc qua gào thét không còn bị xiềng xích và niềm thinh lặng tang thương hơn là sự phủ nhận và trám miệng của lịch sử chính thống đế quốc. Những tấm thân cởi bỏ xiềng xích ấy cần được công nhận và trình diễn cho hết thảy mọi người, nhất là qua nhiều hình thức khác nhau, và do đó không chỉ ở loại từ chương (text-based) vì “Giờ là lúc ngưng đánh đấm cuộc chiến đã hạ hồi từ lâu”[23].
© 2010 VietSoul:21
© 2010 talawas
[1] Sonny Lê (2010, July 26th). Giờ là lúc ngưng đánh cuộc chiến đã hạ hồi từ lâu (It’s time to stop fighting the long-past Vietnam War). San Jose Mercury News. Bản chính tiếng Anh: http://www.mercurynews.com/opinion/ci_15590279?nclick_check=15590271
Bản tiếng Việt: http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7638
[2] Nguyễn Hoàng. (2010, July 20th). “Hành động ‘phi văn hóa Mỹ’”? BBC Tiếng Việt. http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/2007/100720_dodzung_iv.shtml
[3] Vi Nhân (2010, August 2nd). “Bịt miệng nạn nhân”. talawas 03/8/2010, http://vietsoul21.net/2010/08/02/b%E1%BB%8Bt-mi%E1%BB%87ng-n%E1%BA%A1n-nhan/
[4] Cooks định nghĩa thuật ngữ “Trắng” (Whiteness) là “một bộ các sách lược của thuật hùng biện được sử dụng để xây dựng và tạo cho văn hóa và bản thể sắc diện của người da trắng được đứng vững.” Xem: L. Cooks (2003). “Pedagogy, Performance, and Positionality: Teaching about Whiteness in Interracial Communication”. Communication Education, 52 (3), tr. 246. Ngoài ra, P. McLaren thì cho nghĩa “Trắng” là sự chối bỏ việc thừa nhận người da trắng luôn dính đến một số các liên hệ nhất định trong xã hội về đặc quyền và tương quan giữa thống trị và bị trị.” Xem: P. McLaren (1997). “Decentering Whiteness”: In Search of a Revolutionary Multiculturalism. Multicultural Education, 5 (1), tr. 9.
[5] Robbins, C. G. (2004, September). Racism and the Authority of Neoliberalism: A Review of Three New Books on the Persistence of Racial Inequality in a Color-blind Era. Journal for Critical Education Policy Studies, 2(2), http://www.jceps.com/?pageID=article&articleID=35.
[6] Freire, P. (1970). Pedagogy of the oppressed (M. B. Ramos, Trans.). London, UK: Penguin. http://www.amazon.co.uk/Pedagogy-Oppressed-Paulo-Freire/dp/0826412769
[7] Saltman, K. J., & Gabbard, D. (2003). Education as enforcement: The militarization and corporatization of schools. New York; London: RoutledgeFalmer. http://www.routledge.com/books/details/9780415944892/
[8] Bruin, T. (2004, June 17th). Vietnam’s Manifesto on Overseas Vietnamese Rings Hollow. Partito Radicale Nonviolento transnazionale e transpartito (Nonviolent Radical Party transnational and transparty), http://www.radicalparty.org/en/content/vietnams-manifesto-overseas-vietnamese-rings-hollow
[9] Hayton, B. (2010). Vietnam: Rising dragon. New Haven, CT; London, UK: Yale University Press. http://yalepress.yale.edu/yupbooks/book.asp?isbn=9780300152036
[10] Mạng lưới OneVietnam vừa mới phát khởi khoảng giữa tháng 7/2010 từ miền vùng vịnh phía bắc tiểu bang California. Đây là mạng lưới được ủng hộ và cố vấn từ hội Đông Tây Hội Ngộ trong thúc dục tạo sự nối kết toàn cầu cho tầng lớp thanh niên Việt hải ngoại và trong nước. Xem Minh Anh. (2010). OneVietnam kết nối người Việt toàn cầu (OneVietnam links the Vietnamese on the globe). Voice of America (VOA News.com), http://www2011.voanews.com/vietnamese/news/vietnam/onevietnam-2007-2003-2010-97732519.html
[11]“ Incite! Women of Color Against Violence” (Ed. 2007). The revolution will not be funded: Beyond the non-profit industrial complex. Cambridge, MA: South End Press.
[12] Roelofs, J. (2009). “Networks and Democracy: It Ain’t Necessarily So.” American Behavioral Scientist, 52(7), 990-1005.
[13] Thuật ngữ “Kẻ kia” là một khái niệm trong triết học được khoa xã hội học dùng để diễn tả “các tiến trình mà các xã hội và nhóm đoàn sử dụng để loại trừ những “Kẻ kia” – những phần tử mà họ muốn thống trị tuy không đồng hóa được trong xã hội hay nhóm đoàn của họ…. Sách lược tạo ra “Kẻ kia” là một nhu cầu cấp bách cho các bản thể căn cước quốc gia, nơi mà các chính sách và hành động cho nhập cư và cách ly giúp tạo ra các ranh giới và làm quốc gia tính được giữ vững. Sách lược tạo ra “Kẻ kia” giúp tạo phân biệt giữa nhà/quê hương và xa nhà/xa quê hương, giữa cái không định và cố định. Sách lược nay thường dính líu đến chước nguyền rủa và bất nhân đối với các nhóm đoàn, để từ đó có thể bào chữa thêm cho các mưu “văn minh hóa” và bóc lột những kẻ hay nhóm “Kẻ kia” bị coi là “tồi” này. http://en.wikipedia.org/wiki/Other
[14] Vi Nhân (2010, August 2nd). “Bịt miệng nạn nhân”. talawas 03/8/2010, http://vietsoul21.net/2010/08/02/b%E1%BB%8Bt-mi%E1%BB%87ng-n%E1%BA%A1n-nhan/
[15] “From Seattle”. (2010, July 27th). “Tương lai là chìa khóa cho vấn nạn này” [Future is our key to this problem (Reader's Comment on the Opinon Piece, "It’s time to stop fighting the long-past Vietnam War")]. San Jose Mercury News, http://forums.mercurynews.com/topic/opinion-its-time-to-stop-fighting-long-past-vietnam-war#comment-42981.
[Nguyên văn lời phản hồi trên báo này từ một độc giả lấy tên là “Từ Seattle” tạm dịch như sau: “Tôi đứng về phía anh hoàn toàn 100%, anh Sonny Lê à, nhưng tôi chẳng băn khoăn lo lắng mấy về cái chuyện này. Hạng người như Lý Tống thật ra chỉ là vài con sâu trong cộng đồng mình thôi. Những con sâu này đang làm rầu nồi canh, nhưng chẳng bao lâu nữa thì bọn này cũng chết thôi và bầu trời sẽ xanh hơn nhiều. Tôi đã từng đối diện với bọn này, và anh tin tôi đi, tôi biết, họ là đám hung bạo và không biết điều một cách vô lý nhất trên trái đất này. Nhưng mà thôi, dẫu sao thì họ cũng đã từng là cha mẹ, anh chị của mình, và chúng ta không làm gì được cả. Mình cứ mặc kệ họ, văn hóa mình nó là vậy rồi. Việc điên rồ này thì cũng chẳng ăn thua gì đâu, ta cứ ráng kiểu kính trọng họ và cứ mặc kệ họ, cứ tiếp tục làm thế đi. Cái đáng buồn là việc họ làm đã đem lại nhiều bất lợi cho cộng đồng chúng ta, nhưng không sao cả. Ta cứ hướng về nơi sáng sủa, còn nhiều người không thành sâu bọ trong cộng đồng mình lắm. Cái tên Lý Tống sẽ đi vào lãng quên, nhưng những tên khác sẽ được ghi nhớ chẳng hạn như tên của anh, Sonny Lê, Madison Nguyễn, Đàm Vĩnh Hưng, v.v… còn nhiều tên khác nữa, những người đã đóng góp rất nhiều cho cộng đồng mình. Hiện tại thì ta cứ phải coi chừng và tránh cái bình xịt cay ấy trong một khoảng thời gian ngắn nữa thôi, hy vọng là vấn nạn này sẽ tiêu tan trong vòng 5-10 năm nữa, nhưng mà đừng có phải lo phiền về chuyện này làm gì, đừng thèm để ý tới và cứ mặc kệ họ. Cảm ơn anh Sonny Lê nhé!”]
[16] Mạng lưới OneVietnam được ủng hộ và cố vấn từ hội Đông Tây Hội Ngộ trong thúc dục tạo sự nối kết toàn cầu cho tầng lớp thanh niên Việt và để làm các việc “không đề cập tới vấn đề chính trị hay sự cay đắng của quá khứ,” theo lời của cô Isabelle Lai, một trong những người sáng lập đã tuyên bố với ký giả đài VOA. http://www1.voanews.com/vietnamese/news/vietnam/onevietnam-07-03-10-97732519.html. Xem Minh Anh. (2010). OneVietnam kết nối người Việt toàn cầu (OneVietnam links the Vietnamese on the globe). Voice of America (VOA News.com), http://www2011.voanews.com/vietnamese/news/vietnam/onevietnam-2007-2003-2010-97732519.html
[17] Những người quan tâm đến vấn đề chính trị của Hoa Kỳ đã bàn cãi về danh hiệu của thời kỳ sau khi Barack Obama trở thành vị Tổng thống người da đen đầu tiên ở Hoa Kỳ. Có người lạc quan cho rằng thời kỳ hiện tại đã đi vào giai đoạn “hậu chủng tộc” khi mà các nhà tranh đấu cho dân quyền trong thế kỷ trước ủy thác cho lịch sử (thời đại “hậu dân quyền”), và người Mỹ không còn dựa vào yếu tố chủng tộc để chọn ai là người lãnh đạo họ nữa. Rất nhiều người và nhóm khác thì không tin rằng yếu tố chủng tộc đã chấm dứt là một động cơ quan trọng trong việc các thể chế và người nắm quyền đối xử với dân, và họ vẫn cho là giai đoạn hiện tại là thời đại “thui chột màu da” (color-blind). http://news.newamericamedia.org/news/view_article.html?article_id=95559f6b47b35378b96d56a0d13cf461
[18] Vi Nhân (2009, May 10th). “Những cái nhập nhằng không tên” (The Unspoken Ambiguities). talawas 10/05/20019, http://vietsoul21.net/2009/09/24/the-unspoken-ambiguities/
[19] Fanon, F. (1967). Black skin, white masks. New York, NY: Grove Press
[20] Hegel, G. W. F., Miller, A. V., & Findlay, J. N. (1977). Phenomenology of spirit. Oxford, UK: Clarendon Press.
[21] Xem chú thích số 16.
[22] Xem chú thích số 16.
[23] Xem chú thích số 1.
.
.
.
No comments:
Post a Comment