Chưa khi nào nhà văn xứng đáng bị coi thường như hiện nay
Tạ Duy Anh
03/08/2010 3:48 chiều
http://www.talawas.org/?p=23039
.
(Nhà văn Vũ Hữu Sự hỏi chuyện nhà văn Tạ Duy Anh)
Nhân Đại hội Nhà văn lần thứ VIII, nhà văn Vũ Hữu Sự – một người tạm gác lại văn chương để xông vào lĩnh vực báo chí và được bạn đọc phong cho chức “hiệp sĩ diệt quan tham” – có cuộc trao đổi với nhà văn Tạ Duy Anh, người tự nhận mình là một “lão già vô dụng” (nguồn gốc của bút danh Lão Tạ) khi mới có 30 tuổi và từ lâu đã lui về lặng lẽ làm việc, không muốn vương vấn những chuyện nhức đầu nhưng lại bị giới quan chức – nhất là các quan chức ngành văn hoá – căm ghét vì cái thói “mục hạ vô quan” của ông.
_____________________
Vũ Hữu Sự: Ông đánh giá thế nào về vai trò của các nhà văn hiện nay với thời cuộc? Nhiều người cho rằng, nhà văn đang xa rời với số phận, bi kịch của người nông dân, mà chạy theo vuốt ve thành thị?
Tạ Duy Anh: Xét về mặt truyền thống văn hoá thì ngay cả khi văn chương rẻ như bèo hiện nay, danh hiệu nhà văn vẫn khá là thiêng liêng trong tình cảm chung của xã hội. Nhà văn vẫn được kính trọng ở bất cứ đâu anh ta xuất hiện. Nhưng đó là do anh ta đang thừa hưởng nốt những thứ của “thừa kế” mà các lớp nhà văn trước, kể từ các cụ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… để lại. Bởi vì chưa khi nào nhà văn của chúng ta xứng đáng bị coi thường như hiện nay. Ông chỉ cần mỗi tháng dạo qua những nơi được coi là những tụ điểm văn chương vài lần, sẽ thấy ngay điều đó; ông chỉ cần xem những cuộc tranh cãi, kiện tụng, gian lận danh tiếng, chạy chọt giải thưởng, chạy chọt để được vào Hội Nhà văn,… ông sẽ thấy ngay điều đó; nếu ông biết đủ thứ chuyện đằng sau những cuộc đi thăm quan nước ngoài, nhận tài trợ sáng tác, xét duyệt giải thưởng các loại… như tôi, ông thậm chí còn không thể hiểu nổi thực sự làm nhà văn khác với làm con buôn ở chỗ nào? Nhân cách như thế thì làm sao đóng vai trò gì được với thời cuộc? Vì thế, nếu có làm được điều gì đó thì chỉ là những cá nhân đơn lẻ. Nghĩa là câu hỏi của ông cần phải gắn với những cái tên cụ thể, chẳng hạn ông hỏi tôi về Nguyễn Huy Thiệp, về Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương, Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê, Nguyễn Bình Phương hay Y Ban… thì tôi mới trả lời rõ ràng được.
Cho đến nay, như tôi được biết, chỉ những nhà văn nào gắn với đề tài chiến tranh và nông thôn – những hiện thực tạo ra bộ mặt lịch sử, bộ mặt tinh thần của Việt
Vũ Hữu Sự: Nhà văn chưa thể hiện hết vai trò của mình đối với thời cuộc (nếu có), thì theo ông đó là do tài năng của người viết hay vấn đề gì khác?
Tạ Duy Anh: Ngoài những gì tôi đã trả lời ở trên, công bằng thì cũng còn do chính thời cuộc nữa. Thời cuộc không định tạo ra những phát ngôn tinh thần của mình. Nhiều nhà văn đương đại tài năng hơn (hoặc không kém), có tác phẩm xuất sắc không kém, thậm chí về phương diện nghệ thuật còn có phần hơn nhiều nhà văn lớp trước, nhưng họ có nằm mơ cũng không có được vị thế của những tiền bối đồng nghiệp để đưa ra những tiếng nói có sức nặng. Bởi vì thời cuộc đã chuyển sang mải mê với việc tạo ra thứ khác.
Vũ Hữu Sự: Tiếp xúc với nhà văn của những nước phát triển, ông thấy họ quan niệm về trách nhiệm của nhà văn với thời cuộc thế nào?
Tạ Duy Anh: Do không có điều kiện và cũng không có hứng thú nên tôi rất ít gặp gỡ các nhà văn ngoại quốc. Vì công việc nên tôi có tiếp xúc với một số nhà văn, chắc cũng thuộc loại làng nhàng, (vì nhà văn đàng hoàng có lẽ họ chẳng thèm gặp một nhà văn Việt Nam như mình), trong đó có khá nhiều người được báo chí Việt Nam khen là những nhà văn lớn và thấy họ chỉ chăm chú quảng cáo cho mình, chăm chú quan tâm đến ăn uống chơi bời mà không thấy nói gì đến trách nhiệm với thời cuộc. Hình như ở đâu cũng thế, khi chỉ cần danh hiệu nhà văn để đi đánh quả (sang Việt
Vũ Hữu Sự: Thời gian gần đây, một số nhà văn, nhà thơ lớp trước, đã đạt được một số thành tựu, tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa nhưng khi cuối đời, họ công bố những “sự thật” (tất nhiên chỉ lưu truyền qua internet), gần như phủ nhận những điều mình đã viết ra. Điều này gây hoang mang cho bạn đọc. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Họ – những nhà văn ấy đã thành thật với mình, với bạn đọc, với thời cuộc chưa?
Tạ Duy Anh: Độc giả hoang mang là có thật. Nhưng đó chỉ là chuyện trước sau cũng phải xảy ra, và là chuyện đáng mừng. Mấy chục năm qua, từ thế hệ của tôi cho đến những lớp trẻ hơn, chúng tôi luôn thắc mắc tác phẩm mình phải học nó hay và nó có giá trị ở chỗ nào nhỉ? Hàng triệu học sinh sẽ còn tiếp tục thắc mắc về điều đó, về khá nhiều tác phẩm đang được dạy trong nhà trường. Chúng tôi và các bạn thế hệ sau có biết đâu chúng bị “bắt” phải hay, phải có giá trị. Vì chúng hợp và tiện cho việc tuyên truyền. Cứ đọc đề thi văn hàng năm cho các cấp học mà thấy thương thế hệ tương lai, không nỡ trách vì sao chúng hung bạo. Tôi chờ xem sau Nguyễn Khải có ai tiếp tục dũng cảm như ông nữa không. Chính những sự thành thật ấy lại cho tôi vẫn cứ hy vọng vào cái nghề và một số đồng nghiệp của mình.
Vũ Hữu Sự: Chúng tôi đọc trên mạng, một vài người viết than phiền đại ý rằng, họ không nói hết được những gì mình nghĩ, tức là yếu tố “cấm kị, kiểm duyệt”. Chúng tôi thì chưa thấy có chuyện đó. Nhưng, giả dụ có đi chăng nữa, nếu anh có tài năng, thì dù cửa có hẹp mấy, anh cũng có cách qua được. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
Tạ Duy Anh: Về chuyện này chúng ta phải thật sòng phẳng và rõ ràng.
Ông bảo chưa thấy chuyện đó, còn tôi (đang làm việc biên tập ở một nhà xuất bản lớn) thì khẳng định luôn là có. Bằng những hình thức tinh vi đến mức những người làm công tác quản lý phải chịu trách nhiệm về việc cấm đoán ấy dễ dàng phủi tay để vẫn đủ tự tin, ở đâu cũng có thể trơ tráo nói làm gì còn tác phẩm nào đã viết mà bị cấm chưa cho in? Họ ăn lương để làm điều đó thì thôi chúng ta cũng nên thông cảm. Nhưng cấm, ngăn cản việc công bố tác phẩm là có, vẫn đang diễn ra. Bản thân tôi cũng đang là nạn nhân.
Nhưng việc ngăn cấm, với nhà văn có bản lĩnh, thì không thành vấn đề gì. Mỗi nhà văn hoàn toàn có thể tự cho mình tự do mà không cần phải ai ban. Vả lại việc ngăn cấm hình như chỉ để thoả mãn những sự cay nghiệt mù quáng nào đó, sự đố kỵ của ai đó chứ xét về thực tế của thời đại thông tin toàn cầu, là hoàn toàn vô nghĩa và không thể. Nhà văn không cần phải lách để in tác phẩm như trước đây. Cửa của các nhà xuất bản thì có thể khép lại với người này người nọ nhưng cửa thông tin mạng thì mở rộng với tất cả mọi người.
Vũ Hữu Sự: Chúng tôi thấy thế này, nhiều người viết xin vào Hội Nhà văn, ban đầu thì rất tha thiết. Nhưng khi vào được rồi thì dường như bỏ quên Hội. Nhưng khi sắp Đại hội thì “mắng mỏ”, trách cứ Hội, có ý kiến rất nặng nề. Hội là của chung, nếu Hội yếu kém thì hội viên cũng phải có trách nhiệm; bởi chính họ bầu ra Ban Chấp hành. Hình như, nhiều nhà văn tự cho mình có cái quyền hay cái tật là cứ mở lời là la, mắng? Điều này, có phải là cũng thiếu trách nhiệm với Hội và chính họ hay không, thưa nhà văn Tạ Duy Anh?
Tạ Duy Anh: Hội Nhà văn – như bất cứ hội nghề nghiệp nào, chỉ đóng được vai trò vui chơi giải trí cho hội viên thôi. Nó là nơi giao lưu, kết bạn, chia sẻ, khoe tác phẩm hoặc khá hơn là giúp nhau vượt qua những lúc bĩ về cả vật chất lẫn tinh thần. Khá hơn nữa (!) là cho mỗi người một bài điếu văn khi chết để họ có cơ hội được biết đến, ít nhất một lần. May cho Hội Nhà văn là mỗi năm xin Chính phủ được một ít tiền thuế của dân để chia nhau…! Lúc chia nhau thì vui như Tết, ai chả thế. Hồi bé tôi từng đi chia thịt Tết nên tôi không thấy điều đó là lạ. Đôi khi chỉ hơn được một nửa cái tai lợn cũng cứ rạo rực cả ngày! Người được chia thì vui như đi hội. Còn khi không có gì chia và với người không được chia thì cãi nhau, kiện nhau, bôi xấu nhau… Cũng không nên coi đó là chuyện lạ. Ở đâu cứ có yếu tố bổng lộc, có hơi tiền thì không thể không xảy ra những chuyện như ông vừa liệt kê. Và chúng ta cũng nên coi đó là những chuyện bình thường. Vì mọi người và ngay cả ông cũng cứ tưởng cái danh hiệu hội viên Hội Nhà văn nó ghê gớm lắm và vì mọi người chờ đợi nhà văn vào Hội để viết hay hơn nên mới bức xúc như vậy.
Vũ Hữu Sự: Xin được hỏi câu cuối, nghe nói kỳ Đại hội trước, dù được mời ông cũng không tham gia, mọi hoạt động của Hội ông không quan tâm, tiền tài trợ sáng tác -nguyên nhân của nhiều cuộc kiện tụng – ông không nhận, rồi ngay cả Hội mời ông đi nước ngoài ông cũng không đi… Ông phản ứng lại điều gì chăng? Ông có định tham gia Đại hội sắp tới và nếu tham gia thì ông kì vọng gì ở Đại hội lần này?
Tạ Duy Anh: Tôi muốn mình hoàn toàn tự do khi sáng tác. Tôi cũng là người sống theo lời khuyên của cụ Nguyễn Trãi “Lưng khôn uốn, lộc nên từ”. Vì thứ mà tôi tìm kiếm là sự thanh thản. Vả lại có lẽ nhiều người khác cần được giúp đỡ hơn tôi.
Khi nghe tin Đại hội tiến hành ở Cung Văn hoá Hữu nghị, tôi nghĩ là mình sẽ tham gia. Nhưng nay chuyển đến địa điểm mới[1] thì có thể nói 90 % là tôi không dự. Kể cả dự hay không dự thì tôi cũng không kỳ vọng bất cứ điều gì ở Đại hội. Dở hơi mà kỳ vọng vào cái thứ hão huyền. Chúng ta cứ hay long trọng hoá cả những trò vốn chỉ sinh ra để mua vui, (cho vài kẻ cầm trò cực kỳ xỏ lá nhưng giấu mặt) nên mới cứ căng thẳng một cách xa xỉ như vậy.
Vũ Hữu Sự: Xin cám ơn ông đã chiếu cố mở miệng!
© 2010 Tạ Duy Anh & Vũ Hữu Sự
© 2010 talawas
[1] Chú thích của talawas: Đại hội Nhà văn Việt
.
Phản hồi
Sacroyant Nguyen nói:
Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định của ông Tạ Duy Anh, rằng : “Nhưng việc ngăn cấm, với nhà văn có bản lĩnh, thì không thành vấn đề gì. Mỗi nhà văn hoàn toàn có thể tự cho mình tự do mà không cần phải ai ban.”
Theo cách nhìn của tôi, nhà văn Đào Hiếu là một ví dụ nổi bật cho nỗ lực tìm kiếm tự do trong sáng tác văn học. Giá trị nghệ thuật và giá trị tư tưởng trong các tác phẩm như “Kẻ tử đạo cuối dùng”, “Nổi loạn”, “Hoa dại lang thang”… chắc chắn sẽ đưa ông chiếm lĩnh một vị trí xứng đáng trong lịch sử Văn học Việt Nam. Ngoài ra, tôi chưa thấy có tác giả (ở trong nước) nào khác ngang tầm Đào Hiếu.
Sau bài viết này, tôi cũng bắt đầu thử đến với Tạ Duy Anh qua tác phẩm “Đi tìm nhân vật”.
.
.
.
No comments:
Post a Comment