Monday, August 9, 2010

CĂNG THẲNG TĂNG CAO KHI TRUNG QUỐC BIỂU DƯƠNG LỰC LƯỢNG

Căng thẳng tăng cao khi Trung Quc biu dương lc lượng

Nguồn: Louisa Lim, NPR

Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ

05.08.2010

http://www.x-cafevn.org/node/782

Tuần này lực lượng không quân Trung Quốc đang tiến hành một cuộc tập trận kéo dài năm ngày bao gồm hàng loạt các phi cơ và 12 nghìn binh sĩ. Được đặt tên "Tiên phong 2010", đây là dấu hiệu rõ ràng nhất của Trung Quốc đang phô trương cơ bắp của mình trong tình hình căng thẳng quân sự với Hoa Kỳ.

Những căng thẳng này - đặc biệt liên quan đến những hoạt động tại vùng biển Hoàng Hải - tạo ra một thời điểm mới về tranh chấp giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Các cuộc thao dợt quân sự của Trung Quốc vốn từng là những hoạt động tối mật, chỉ được thông báo sau khi chúng kết thúc. Nhưng gần đây giới quân sự Trung Quốc dường như muốn thông báo những hoạt động của mình với cả thế giới.

Cuộc tập trận mới nhất này diễn ra tại tỉnh Hà Nam ở miền trung và tỉnh Sơn Đông ở phía đông, tiếp giáp với vùng biển Hoàng Hải, bao gồm 100 chiến đấu cơ. Đây là một hoạt động mới nhất trong hàng loạt những hoạt động nổi bật khác, bao gồm những cuộc tập trận hải quân vào tuần trước ở vùng biển Nam Hải, là cuộc tập trận lớn nhất loại này từ trước đến nay.

Hoa Kỳ khẳng định quyền lợi trong khu vực

Trung Quốc đã tái khẳng định vị thế quân sự của mình sau những phát biểu dứt khoát của Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton vào tháng trước tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Hà Nội.

Bà Clinton đã bảo vệ quan điểm tự do đi lại trong vùng biển Nam Hải. Bà nói rằng Hoa Kỳ có một quyền lợi quốc gia trong việc giải quyết những tuyên bố chủ quyền về các quần đảo trong vùng biển Nam Hải, một khu vực đang bị tranh chấp bởi Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines.

Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ tham gia vào những căng thẳng về ranh giới khu vực, và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã phản ứng một cách giận dữ.

Thời Ẩn Hoằng, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Hoa Kỳ tại Đại học Nhân Dân Bắc Kinh, gọi những phát biểu của Clinton là sự "phục kích."

"Tôi không cho là Washington đã có những hội ý trước một cách nghiêm túc hoặc ngay cả đã có những thông tin về Trung Quốc, rồi bất ngờ đưa việc này ra tại Hà Nội," ông Thời nói. "Tôi cho rằng mối tranh chấp chiến lược này rất đặc biệt và rất tồi tệ."

Trung Quốc vốn đã giận dữ vì những cuộc tập trận giữa Nam Hàn và Hoa Kỳ trong vùng biển Nhật Bản, nằm ngoài bờ biển phía đông của Nam Hàn.

Những hành động và phản ứng sau việc tàu chiến bị đắm

Những cuộc tập trận [của Nam Hàn và Hoa Kỳ] này nhắm vào Bắc Hàn sau khi việc chiếc tàu chiến Cheonan của Nam Hàn bị đánh đắm vào tháng Ba. Nhưng Trung Quốc cũng đã cảm thấy bị đe doạ vì vị thế của những cuộc thao dợt này.

"Người Mỹ sẽ cảm thấy như thế nào nếu người Trung Quốc hoặc người Nga đi xuyên đại dương để tiến hành việc tập trận trong những vùng biển sâu gần bờ của Florida, California hoặc New York?" Tờ Trung Hoa Nhật Báo đặt câu hỏi trong một bài bình luận.

Giờ thì Bắc Kinh đã đưa ra phản ứng riêng của mình với những cuộc tập trận mới.

"Điều bạn thấy được sự lớn mạnh nhanh chóng của Trung Quốc với sức mạnh hải quân vĩ đại là việc Trung Quốc có thể phô trương cơ bắp của họ nhiều hơn tí nữa," Ralf Emmers thuộc Đại học Kỹ thuật Nam Dương ở Singapore và tác giả của một cuốn sách về địa chính trị và những tranh chấp về lãnh hải ở vùng Đông Á nói.

"Chúng ta không biết được Trung Quốc sẽ tiến xa đến đâu trong việc sử dụng lực lượng quân sự để áp đặt chủ quyền của họ trên vùng biển Nam Hải. Trên thực tế, những gì chúng ta thấy được từ năm 1995 là họ có rất nhiều sự kềm chế, sẵn sàng để thương lượng với những quốc gia trong vùng Đông nam Á và tìm cách có được một bảng điều lệ về ứng xử," Emmers nói.

Quyền lợi quốc gia cốt lõi

Không ai biết được Trung Quốc sẽ đi bao xa. Vào tháng Ba, lần đầu tiên một viên chức cao cấp Trung Quốc lần đã tuyên bố về vùng biển Nam Hải như là một "quyền lợi quốc gia cốt lõi," một hạng bậc được chính thức xếp hạng tương đương với Đài Loan và Tây Tạng.

Việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền của vùng biển Nam Hải không phải là mới, nhưng rõ ràng là nó đã trở nên mạnh mẽ hơn. Quốc gia này đã đang thực hiện việc tuyên bố chủ quyền của mình bằng cách bắt giữ những tàu đánh cá của Việt Nam, giam giữ những ngư dân người Việt và gây áp lực với các công ty dầu hoả phương tây không được giao thương với Việt Nam.

Hiện nay việc Trung Quốc tăng cường vị thế của mình đang gây hoảng sợ tương tự với các láng giềng Nam Á mà Bắc Kinh đang cần mẫn chiêu dụ bằng tiền cho vay và đầu tư.

"Nhiều quốc gia châu Á dường như đang tham gia vào cuộc chơi đối đầu với Trung Quốc, như Việt Nam và Indonesia - cả hai đều muốn có sự hợp tác quân sự với Hoa Kỳ.," Hoàng Tinh, một chuyên gia về Trung Quốc và các vấn đề an ninh thuộc Đại học Quốc gia Singapore nói.

Ông cho rằng những tiến triển gần đây cho thấy một chiều hướng quan ngại.

"Đối với tôi dường như hải quân Trung Quốc đã phát triển vượt cả tư tưởng chiến lược của Trung Quốc. Những nhà tư tưởng chiến lược đang bị thụt lùi phía sau sự phát triển của lực lượng hải quân, điều này có thể trở nên vô cùng nguy hiểm," ông nói.

Thiếu một tầm chiến lược

Hải quân Trung Quốc và các vị tướng đứng đầu không "thật sự có một chiến lược thấu suốt. Họ chỉ ứng xử theo khả năng của mình. Đã có những bài học lịch sử tồi tệ - thứ nhất là Nhật Bản trong những năm 1930s - Nhưng tôi cho rằng những nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể minh mẫn hơn," ông nói.

Sự tăng cường căng thẳng đang diễn ra vào thời điểm khi mà các quan hệ quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang bị ngừng trệ. Trung Quốc đã cắt bỏ những tiếp xúc quân sự vào tháng Giêng để phản đối việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan.

"Tôi không cho rằng có một nguy cơ thực sự về một mâu thuẫn công khai trong vùng biển Nam Hải," Emmers nói. "Nhưng không nên bỏ qua những hiểu lầm và nguy cơ về các sự cố. Lầu Năm Góc và giới quân sự Trung Quốc phải tìm ra những phương tiện liên lạc để tránh những hiểu lầm từ đó dẫn đến tiềm năng căng thẳng về ngoại giao và những khủng hoảng."

Với việc chạy đua tập trận, tình hình càng thêm nóng bỏng. Và nó có thể tăng cao hơn nữa. Hải quân Nam Hàn được cho là đang chuẩn bị thêm những cuộc thao dợt trong vùng biển Hoàng Hải lẫn những cuộc tập trận hàng tháng với Hoa Kỳ.

Tờ nhật báo của quân đội Trung Quốc hiện đang ở trong trạng thái hiếu chiến, đang cảnh báo rằng quân đội nên "tăng cường chuẩn bị cho chiến tranh."

.

.

No comments: