Friday, August 20, 2010

CẦN CÓ ĐỐI THOẠI về CHIẾN LƯỢC HẢI QUÂN giữa ẤN ĐỘ và VIỆT NAM

Cần có đối thoại về chiến lược hải quân giữa Ấn Độ và Việt Nam

B. Raman

Cymbidium chuyển ngữ

Nhật báo VnDailyNews

20/08/2010

http://dailyvnews.wordpress.com/2010/08/20/c%e1%ba%a7n-co-d%e1%bb%91i-tho%e1%ba%a1i-v%e1%bb%81-chi%e1%ba%bfn-l%c6%b0%e1%bb%a3c-h%e1%ba%a3i-quan-gi%e1%bb%afa-%e1%ba%a5n-d%e1%bb%99-va-vi%e1%bb%87t-nam/

“Rõ ràng là đụng độ quân sự sẽ mang lại kết quả xấu cho tất cả các nước liên quan trong khu vực, nhưng Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ quyền bảo vệ lợi ích cốt lõi của họ bằng phương tiện quân sự.” (Global Times, 26/7/2010)

Sau khi thi hành một chính sách mềm mỏng đối với Trung Quốc kể từ lúc nhậm chức vào tháng Giêng năm 2009, chính phủ của Tổng thống Barack Obama cảm thấy bắt đầu phải bày tỏ trước dư luận mối quan tâm của họ về tác động liên quan đến sự tăng trưởng của lực lượng hải quân Trung Quốc và những ảnh hưởng có thể xảy ra đối với tự do hành hải và thương mại hàng hải. Việc thông báo công khai mối ưu tư của chính quyền Obama về vấn đề này đã được khai mào bởi thái độ mập mờ của Trung Quốc liên quan đến hành động phản đối Bắc Hàn sau khi bị cáo buộc đánh chìm một tàu hải quân Nam Hàn vào tháng Ba và những lời phát biểu cứng rắn của họ trong những tháng gần đây về chủ quyền ở Biển Đông và sự quyết tâm đóng vai mà Bắc Kinh cho như là hợp pháp trong Tây Thái Bình Dương.

Thật là thú vị và hấp dẫn, sự quan tâm của chính quyền Obama về chính sách mơ hồ của Trung Quốc trong khu vực này và về các hệ lụy gây ra bởi sự ngổ ngáo trên biển cả càng ngày càng gia tăng của Hải quân Trung Quốc đã được bày tỏ bởi hai chức sắc của chính quyền Obama, người gần đây đã viếng thăm New Delhi và Hà Nội, do đó đã gián tiếp cho thấy một tâm điểm tam giác của các mối quan tâm từ Hoa Kỳ, Ấn Độ và Việt Nam.

Điều này báo trước sự khởi đầu của lối tư duy trong hành lang quyền lực ở Washington về lợi ích có thể đến từ một chiến lược có phối hợp giữa Hoa Kỳ, Ấn Độ và Việt Nam đối với thái độ ngang tàng ngày càng gia tăng của Hải quân Trung Quốc?

Đó là một câu hỏi mà đã bắt đầu làm một số phân tích gia ở Trung Quốc khó chịu. Trong khi cho đến bây giờ vẫn cố nhịn không nhắc đến Ấn Độ trong bối cảnh này, họ đã rõ ràng kêu đích danh Việt Nam và cảnh báo quốc gia này đừng để bị chiêu dụ bởi những tình hữu nghị ngọt ngào đến từ Hoa Kỳ.

Phát súng khai mào việc dóng lên những mối quan tâm của Hoa Kỳ đã được khai hỏa bởi Đô đốc Mike Mullen, Tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ, trong chuyến thăm chính thức tại Ấn Độ. Ông tuyên bồ với giới truyền thông Ấn Độ vào ngày 23 tháng Bảy, 2010 rằng thái độ hung hấn của Trung Quốc trong việc khai có chủ quyền lãnh thổ trong vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương là một vấn đề quan ngại mà Hoa Kỳ chia sẻ với Ấn Độ. Báo chí Ấn Độ trích dẫn lời Ông nói như sau: “Đối với những lối khai có chủ quyền này, Trung Quốc dường như là càng ngày càng tự khẳng định. Gần đây, họ dường như dùng lối tiếp cận hung hãn nhiều hơn nữa đối với các khu vực gần biển… Điều đó làm mối quan tâm càng ngày càng tăng lên. Theo quan điểm của tôi, chúng tôi (Hoa Kỳ) phải làm việc với Ấn Độ trong lãnh vực này. Trong những giao dịch gần đây của tôi với giới lãnh đạo, Ấn Độ cũng đã bày tỏ quan ngại tương tự.” Ông đưa ra ví dụ về những lời phát biểu công khai gần đây của Trung Quốc về Hải quân Hoa Kỳ hoạt động trong Hoàng Hải. Đô đốc Mike Mullen cho biết, mặc dù Trung Quốc phát biểu như vậy, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hoạt động trong hải phận quốc tế vì các lực lượng hải quân Hoa Kỳ nằm trong hải phận quốc tế.

Đô đốc Mullen nói thêm rằng Hoa Kỳ tin rằng Trung Quốc đang chuyển trọng tâm từ đất liền sang khà năng không gian và hàng hải. “Khá gần đây, tôi đi từ tò mò về hướng đi của Trung Quốc cho đến trở nên quan tâm về họ. Nếu nói về quân sự Trung Quốc, một trong những đặc điểm mà họ không có là sự minh bạch. Trong thực tế, từ quan điểm quân sự, họ có sự mờ ám khiến chúng tôi thật ra vẫn không hiểu nổi. Chúng ta hầu như không có mối quan hệ nào với quân đội Trung Quốc. Nếu chúng ta có mối quan hệ như thế, chúng ta có thể đồng ý và bất đồng ý, và chúng ta cũng có thể học hỏi lẫn nhau.” Ông nhấn mạnh rằng các vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương rất quan trọng đối với các hoạt động kinh tế và thương mại, và sự ổn định trong hai khu vực này tuyệt đối cần thiết.

Cùng ngày, trong một diễn văn đọc trước các Bộ trưởng Ngoại giao của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tại Hà Nội, bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói rằng giải quyết các tranh chấp trong Biển Đông là điều “then chốt” cho sự ổn định trong khu vực và đề nghị một cơ chế quốc tế để giải quyết vấn đề. Bà Clinton nói “Hoa Kỳ có một lợi ích quốc gia trong quyền tự do hành hải, tự do đi lại đến các hải cảng ở Á Châu, và họ tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông.” Theo báo “China Daily”, Washington đã kêu gọi giao thông tự do đến khu vực này và cáo buộc Bắc Kinh áp dụng một thái độ ngày càng hung hăng trên các vùng biển.

Trong khi Bắc Kinh chưa phản ứng đối với những lời tuyên bố của Đô đốc Mullen ở New Delhi, họ phản ứng ngay lập tức và mạnh bạo với những nhận xét của bà Clinton – điều đó cho thấy rằng họ có thể bất tin tưởng Việt Nam nhiều hơn là Ấn Độ. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì, người thách thức những nhận xét của bà Clinton tại cuộc họp ARF ở Hà Nội, đã phản đối mạnh mẽ các nỗ lực quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Ông Dương nói “Hậu quả sẽ là gì nếu vấn đề này được biến thành một vấn đề quốc tế hoặc đa phương? Nó sẽ chỉ làm cho vấn đề tồi tệ hơn và giải pháp khó khăn hơn.” Ông nói thêm “Theo các thực hành quốc tế, cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp như vậy là để các quốc gia liên quan thương lượng trực tiếp và song phương với nhau.”

Trong lời đáp lễ bà Clinton, ông Dương nói: “Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với một vài quốc gia thành viên của ASEAN. Biển Đông hiện đang là một khu vực hòa bình với tự do hành hải. Thương mại đang được phát triển nhanh chóng trong khu vực và Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu với nhiều quốc gia trong vùng. Trong các cuộc thảo luận song phương giữa tôi với những đồng nghiệp ASEAN và những người khác, tất cả đều nói rằng không có mối đe dọa cho hòa bình và sự ổn định trong khu vực. Không phải là Trung Quốc mà là một quốc gia nào đó đã “ép buộc” các quốc gia trong vùng đi theo họ về vấn đề này. Á Châu có thể giải quyết vấn đề riêng của họ mà không cần sự can thiệp của các quốc gia bên ngoài. ASEAN cũng không phải là một diễn đàn thích hợp để giải quyết vấn đề. Trung Quốc và một số quốc gia trong ASEAN có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và hàng hải vì chúng tôi là hàng xóm. Và những tranh chấp đó không nên được xem như là những tranh chấp giữa Trung Quốc và toàn bộ ASEAN chỉ vì các quốc gia liên quan là thành viên của ASEAN. Bản Tuyên Ngôn Về Hành Vi Của Các Quốc Gia ở Biển Đông được ký bởi Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN vào năm 2002 đã đóng vai trò tốt trong việc ngăn ngừa các cuộc xung đột khu vực và sẽ đưa đến các cuộc họp cao cấp khi điều kiện chín muồi. Trong bản tuyên ngôn, các quốc gia cam kết kiềm chế, và không làm cho nó trở thành một vấn đề quốc tế hoặc đa phương. Những kênh thảo luận hiện đang có, mở rộng và trơn tru.”

Trung Quốc nghi ngờ rằng Ngoại trưởng Clinton có thể sẽ không tuyên bố mạnh mẽ như thế nếu không có sự đồng ý ngầm của Hà Nội. Ông Su Hào, một nhà nghiên cứu về Á Châu -Thái Bình Dương của Đại học Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh cho biết đã có nhiều “thay đổi tinh tế” trong vấn đề Biển Đông trong năm qua, với các quốc gia kể cả Việt Nam trở nên cứng rắn hơn nhiều và Washington từ bỏ thái độ khiêm nhượng của họ trước đó. Ông Su cho biết “Tôi chắc rằng Hoa Kỳ là lý do chính cho sự thay đổi – họ hỗ trợ các bên kia.” Ông nói thêm “Trong chuyến thăm Việt Nam gần đây, tôi nói với một viên chức Việt Nam có gốc gác ngoại giao rằng cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình đã từng tuyên bố “Bởi vì chúng ta không thể giải quyết vấn đề Biển Đông, chúng ta có thể để nó lại cho thế hệ sau thông minh hơn.” Theo ông Su, viên chức người Việt trả lời: “Đó là lý do tại sao chúng ta phải giải quyết nó ngay bây giờ.” Ông Shi Zhan, một nhà khảo cứu quốc tế tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc cho biết Hoa Kỳ tái phô trương bắp thịt trong Biển Đông một phần vì các nguồn tài nguyên trong khu vực.

Trong một bài viết dưới tiêu đề “Bóng Hoa Kỳ Trên Biển Đông”, tờ báo “Global Times” in ngày 26 tháng Bảy ở Bắc Kinh đã đăng “Duy trì và làm tăng căng thẳng trong khu vực là phương cách điển hình của Hoa Kỳ để giữ sự hiện diện và gây rối trong các vùng tranh chấp.”

Ngày thứ Sáu (23 tháng Bảy), Ngoại trưởng hoa Kỳ Hillary Clinton đã bày tỏ “quan tâm” về tự do hành hải và đề nghị giúp làm liên lạc thuận tiện trong Biển Đông. Hiện nay, điều nào trong hai điều trên là mối quan tâm chính trong khu vực? Câu trả lời là chẳng có điều nào. Dĩ nhiên, Ngoại trưởng Clinton đưa ra những nhận xét trên sau khi các cố vấn Hoa Kỳ và các nhóm truyền thông đã thổi phồng về tiềm năng xung đột mà nó có thể sẽ cần đến sự can thiệp của chính phủ Hoa Kỳ. Những lời tuyên bố của bà Clinton rõ ràng cho thấy dụng ý chiến lược của Hoa Kỳ ở Biển Đông. Nhưng Hoa Kỳ sẽ không đặt lợi ích khu vực lên hàng đầu. Đây là điều mà các quốc gia Đông Nam Á phải nhớ. Ổn định trong khu vực sẽ rất khó duy trì nếu các quốc gia có liên quan tự để mình bị điều khiển bởi chiều hướng chiến lược của Hoa Kỳ. Trung Quốc và các quốc gia láng giềng của họ đã xây dựng một hệ thống tham khảo để xoa dịu những bất đồng trong vùng biển tranh chấp, và các kênh liên lạc được mở rộng. Mặc dù thỉnh thoảng xuất hiện, các xung đột hy vọng sẽ được giảm bớt với sự hiểu biết sâu sắc hơn. Vì biết rõ ràng sự phức tạp của khu vực, Trung Quốc cung hiến một giải pháp “gác bất đồng và phát triển chung” để giúp tăng trưởng sự tin tưởng và đưa vấn đề ra đằng trước. Mục đích của Trung Quốc rõ ràng là: gây dựng sự tin tưởng chiến lược với các quốc gia láng giềng dưới sự khoan dung và kiên nhẫn của Trung Quốc.

Nhưng sự tin tưởng chật vật mới kiếm được đó đang bị đe dọa bởi ý định của Hoa Kỳ can thiệp vào trong khu vực và buộc các quốc gia phải chọn lựa giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Với sức mạnh kinh tế đang phát triển, Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể gặp xung đột nhiều hơn trong vùng biển tiếp giáp với Trung Quốc. Ít các quốc gia Đông Nam Á muốn nằm trong thế kẹt giữa những căng thẳng Trung-Hoa Kỳ, nhưng cũng giống như nhiều khu vực khác, họ bị dính vào trường hợp tiến thoái lưỡng nan: gần gũi về kinh tế với Trung Quốc nhưng lại bảo vệ chống lại Trung Quốc bằng quân sự. Các quốc gia Đông Nam Á cần phải hiểu rằng bất kỳ cố gắng nào để hưởng lợi tối đa bằng cách chơi trò cân bằng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là điều nguy hiểm. Sự khoan dung của Trung Quốc đôi khi bị lợi dụng bởi các quốc gia lân cận để chiếm các đảo trống và lấy tài nguyên thiên nhiên thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Kế hoạch chiến lược lâu dài của Trung Quốc không bao giờ nên được xem như là một cương vị yếu đuối. Rõ ràng là đụng độ quân sự sẽ mang lại kết quả xấu cho tất cả các nước liên quan trong khu vực, nhưng Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ quyền bảo vệ lợi ích cốt lõi của họ bằng phương tiện quân sự. Để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, giải pháp “gác lại bất đồng và phát triển chung” là lựa chọn duy nhất.

Trong một bài xã luận khác dưới tiêu đề “Nghi ngờ Hoa Kỳ tiến vào Việt Nam”, tờ “Global Times” vào ngày 28 tháng Bảy, 2010 đã đăng: “Trong một dấu hiệu ‘trở lại Đông Nam Á’ nữa , Hoa Kỳ đang tiếp cận với cựu thù của họ trong vùng. Trong thời gian ở Việt Nam hai ngày, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton ca ngợi hợp tác kinh tế, hứa sẽ giải quyết vấn đề còn tồn tại của chất độc Da Cam, và đánh giá cao tiềm năng không giới hạn của quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sau khi được cải thiện. Thông điệp đã quá rõ ràng khi Hoa Kỳ tuyên bố, trên đất Việt Nam rằng giải quyết các tranh chấp Biển Đông là lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ. Ôm cựu thù để đổi lấy thắng lợi chiến lược lớn hơn là trò ngoại giao mà Hoa Kỳ chơi rất hay. Sự thật là vẫn còn xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam qua tranh chấp vùng biển và tài nguyên thiên nhiên. Cả hai đều là những vấn đề nóng bỏng mà có thể gây ra sự oán giận công khai với nhau. Đó cũng là một trở ngại cho sự làm đằm thắm hóa quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng từ một khía cạnh lịch sử, hai quốc gia đã vượt qua cái bóng ma đụng độ quân sự trong quá khứ để cùng hưởng lợi. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong năm năm liên tiếp. Phác họa con đường cải cách tương tự như Trung Quốc, Việt Nam đang hưởng lợi nhờ vào sự bùng nổ kinh tế và ổn định chính trị mà các quốc gia láng giềng đang thèm muốn. Lòng mong muốn về lợi ích kinh tế chung vượt trên cả tranh chấp hải phận và nó cũng đặt một nền tảng vững chắc cho việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Cách đây hai tuần, hai quốc gia đã hoàn tất cắm mốc biên giới dài 1.300 km. Sáu năm trước, hai bên ký hiệp ước về cắm mốc hải phận tại Vịnh Beibei, thành lập một điểm tham chiếu để giải quyết các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Vì bị áp lực để duy trì ảnh hưởng và canh chừng một Trung Quốc đang lên, Tây Phương mong được gần gũi với Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác. Trong khi đó, giới báo chí Tây phương thích chà đạp quan hệ Trung-Việt bằng cách phác cho Trung Quốc một hình ảnh “con voi” có thể dễ dàng dày xéo lợi ích của Việt Nam. Việt Nam cũng nên cẩn thận để không trở thành một quân cờ của Hoa Kỳ vì họ đang theo đuổi một chương trình nghị sự rộng lớn hơn trong khu vực. Trung Quốc không bao gồm Việt Nam trong vòng ảnh hưởng của họ. Hai nước đang cố gắng xây dựng một quan hệ dựa trên căn bản bình thường giữa hai quốc gia. Cả hai có thể tìm ra cách giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và tránh bị lợi dụng bởi các quốc gia khác.

Trong cuộc tấn công những nhận xét của bà Clinton một cách phũ phàng, một số blogger Trung Quốc đã cáo buộc bà đã phục kích Trung Quốc trong sân sau của họ. Hiện nay chưa có một phản ứng tương tự chống lại những lời phê bình của Đô đốc Mullen, nhưng người Trung Quốc ắt hẳn đang nuôi dưỡng một e ngại tương tự, dù chưa được bày tỏ công khai rằng sẽ có một cuộc phục kích của Hoa Kỳ ở New Delhi.

Những sự kiện này kêu gọi một cuộc đối thoại chiến lược hải quân giữa Ấn Độ và Việt Nam để đánh giá mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa trên biển cả của Trung Quốc trong khu vực và để trao đổi quan điểm về các biện pháp sẵn có của Ấn Độ và Việt Nam để bảo vệ lợi ích hàng hải của họ. Không nên đem Hoa Kỳ vào cuộc đối thoại giữa Ấn Độ và Việt Nam về chủ đề này. Bất kỳ cuộc đối thoại nào giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ nên được giữ riêng biệt để không tạo ra bất cứ quan ngại nào ở Bắc Kinh cho rằng Ấn Độ, Hoa Kỳ và Việt Nam đang hè nhau ngăn chặn sự trổi lên của Trung Quốc như một sức mạnh hải quân.

.

.

.

No comments: