Cảm nhận Biển Đông
TS Nguyễn Ngọc Trường
9h:13' - 16/8/2010
http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Y-Kien-Binh-Luan/Ky-I-Trung-Quoc-Va-Bien-Dong.html
(Toquoc)-Một số nhận thức Biển Đông qua loạt bài: Trung Quốc-Biển Đông, Mỹ-Biển Đông và đối sách của Việt Nam.
Trung Quốc cho rằng tuy có lãnh thổ khổng lồ, song diện tích biển khá nhỏ. Với đường bờ biển khá ngắn và các hòn đảo không tranh chấp nằm không xa bờ, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Trung Quốc được quốc tế thừa nhận không được lớn như các nước may mắn hơn: Mỹ 12 triệu km2, Nga 7,5 triệu km2, Canađa 5,5 triệu km2, Nhật Bản 4,4 triệu km2, Trung Quốc 880.000 km2. Vì vậy, chiến lược biển hiện nay của Trung Quốc là vươn ra đại dương, trước hết khống chế “ba biển” – Hoàng Hải, Đông Hải (biển Nhật Bản), Nam Hải (người phương Tây gọi là Nam Trung Hoa, người Việt gọi là Biển Đông). Trung Quốc muốn kiểm soát 80% diện tích Biển Đông, tức khoảng 3,5 triệu km2.
.
Muốn đẩy Mỹ ra khỏi “ba biển”
Vấn đề Biển Đông nóng lên sau các tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhân dịp Diễn đàn ARF-Hà Nội, khẳng định giải quyết xung đột Biển Đông là “lợi ích quốc gia” của Mỹ. Cùng thời gian này, Trung Quốc tập trung lực lượng chính của cả ba hạm đội tập trận tại Biển Đông, do đích thân Tổng tham mưu trưởng, Phó bí thư Quân uỷ Trung ương chỉ huy. Tiếp đó, ngày 9/8, Trung Quốc loan tin triển khai một căn cứ tên lửa thứ hai, đặt tại tại Thiều Quan (Quảng Đông). Các tên lửa đất đối hạm tầm trung sẽ được biên chế cho căn cứ này, cùng tên lửa chống hạm DF-21D - loại “sát thủ” tàu sân bay.
Từ năm 2009, các tàu Ngư Chính của Trung Quốc (tàu chiến cải tiến) làm nhiệm vụ “chấp pháp” ngang dọc trên Biển Đông, gây ra nhiều sự cố tại một số vùng EEZ của các nước giáp Biển Đông.
Về phía Mỹ, tàu sân bay chủ lực của Hạm đội 7 USS George Washington, thướng trú tại Okinawa, sau cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, đã đến Biển Đông, đậu ở ngoài khơi Đà Nẵng. Một phái đoàn liên ngành Việt Nam ra thăm. Khu trục hạm USS John McCain, một chiến hạm chống tàu ngầm, thăm cảng Đà Nẵng tiến hành tập huấn phi tác chiến và giao lưu văn hoá thể thao nhân kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ.
Không ai xem những sự kiện của hải quân Mỹ và Trung Quốc nêu trên là biệt lập. Khi nhìn vào bức tranh chung Đông Á, sự đối địch quân sự Mỹ-Trung đã trở nên khẩn trương.
Ngày 9/8 vừa rồi tờ Thời báo Hoàn cầu (thuộc Nhân dân Nhật báo) đăng xã luận phê phán Washington “nuốt lời” khi coi Bắc Kinh là đối thủ chiến lược tiềm tàng lớn nhất. Một năm trước, các quan chức Lầu Năm Góc còn khẳng định Mỹ không coi Trung Quốc là đối thủ quân sự, nhưng nay sắp cử tàu sân bay tập trận chung tại Hoàng Hải và khẳng định với thế giới, Trung Quốc là đối thủ tiềm tàng. Các nhà phân tích và bình luận Trung Quốc còn nói rằng Mỹ đang tập hợp lực lượng hình thành một “NATO phương Đông” nhằm bao vây và kiềm chế Trung Quốc. Cách đây 4 ngày, Nhân dân Nhật báo cho rằng khối NATO châu Á này bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia và các nước Đông Nam Á.
Từ khi bước vào thế kỷ XXI, với quốc lực tăng cường, Trung Quốc theo đuổi một chính sách Đông Nam Á và Biển Đông mang tính hướng đích cao. Trước hết, củng cố ảnh hưởng kinh tế trước hết là Đông Nam Á lục địa, với thành tựu to lớn, vượt trội so với bất kỳ nước lớn khác. Thứ hai, nhằm độc tôn Biển Đông. Biển Đông nằm trong chủ trương mở rộng không gian chiến lược tại “ba biển”, nhằm thoát khỏi sự kiềm tỏa của hệ thống an ninh được Mỹ thiết lập từ sau Chiến tranh thế giới II dựa trên tuyến phòng thủ hải đảo thứ nhất, từ Guam đến Okinawa. Hải quân Trung Quốc hiện có ít nhất 260 tàu, gồm 75 tàu chiến chủ lực và hơn 60 tàu ngầm, không ngừng phát triển để thực hiện chiến lược vươn ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Mục tiêu lâu dài là đẩy Mỹ ra khỏi “ba biển”. Thứ ba, gần đây việc phát hiện những trữ lượng lớn dầu khí ở Biển Đông làm cho Bắc Kinh tăng cường đòi hỏi chủ quyền. Theo đánh giá sơ bộ của ngành hải dương Trung Quốc, trữ lượng dầu khí dưới Biển Đông là hơn 50 tỷ tấn, chủ yếu nằm ở độ sâu 500-2.000 mét. Biển Đông còn có một trữ lượng băng cháy (một loại năng lượng sạch cho tương lai) khổng lồ. Do đó, bên cạnh việc tăng cường sức mạnh cho Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc đang xây dựng “Hạm đội tác nghiệp biển sâu” phục vụ khai thác dầu khí Biển Đông, tăng thêm một hạm đội nữa trên Biển Đông.
Cuối tháng 3 năm nay, Trung Quốc đưa Biển Đông vào danh sách “lợi ích cốt lõi”, nghĩa là không khoan nhượng, không thương thuyết. Đây là cột mốc mới trong chính sách Biển Đông của Bắc Kinh. Với Mỹ, nó là giọt nước làm tràn li. Thái độ quyết đoán của Trung Quốc thúc đẩy Mỹ nhập cuộc. Sự thiếu tin cậy tăng lên.
.
O ép các nước giáp Bển Đông
Người phương Tây có câu ngạn ngữ: “Khi chiếc đồng hồ dừng, người ta mới biết nó chạy”. Mấy năm qua, người Trung Quốc dường như không mấy bận tâm về tình cảm của người Đông Nam Á giáp Biển Đông, xem xem họ nghĩ gì trước việc hải quân Trung Quốc diễu võ dương oai trên khắp các vùng biển Đông Nam Á; có biết đâu sự xúc động sâu xa của những người láng giềng khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá và phái tàu chiến ra bắt các thuyền chài, tịch thu tài sàn làm khuynh gia bại sản những người đánh cá cha truyền con nối kiếm cơm trên vùng biển này. Vậy nên khi Mỹ tái can dự vào Biển Đông thì họ thấy “tất cả đang nằm ngoài những gì Bắc Kinh chờ đợi” và “Trung Quốc sẽ phải điều chỉnh đối sách”.
Với Việt Nam, từ lâu Trung Quốc theo đuổi chủ trương mà Tạp chí Kính báo (HK) số 6/2007 tiết lộ “lục hoãn hải khẩu” (trên đất liền hòa dịu, ngoài biển căng thẳng).
Với Philippines - nơi viện trợ ODA của Trung Quốc năm 2009 lên đến 1,05 tỷ USD, gấp 17 lần so với năm 2003, và chỉ đứng sau Nhật Bản, 3 ngày sau khi tổng thống mới của nước này tuyên thệ nhậm chức, phía Trung Quốc nêu yêu cầu Manila không cho phép tàu đổ bộ xe tăng của hải quân Mỹ neo đậu ở vùng nước nông cách căn cứ tiền tuyến giám sát đảo san hô vòng Mischief mà Trung Quốc chiếm tháng 2/1995 khoảng 10 km và tàu ngầm hạt nhân của Mỹ neo đậu tại quân cảng Subic.
Với Indonesia, mới đây có mấy vụ các tàu Ngư chính Trung Quốc hộ tống các tàu đánh cá nước mình hoạt động tới tận các vùng xa xôi của Biển Đông mà Indonesia xác định thuộc đặc quyền kinh tế. Khi tàu chiến Indonesia bắt 1 tàu Trung Quốc, nhiều tàu Ngư chính kéo đến giải vây; súng ống sẵn sàng nhả đạn.
Với Malaysia, mấy tháng trước tàu Ngư chính Trung Quốc hộ tống các tàu đánh cá sâu trong vùng EEZ thuộc Malaysia, bị chiến hạm và chiến đấu cơ nước này truy kích 17 tiếng liền.
Kể từ lúc Trung Quốc tuyên bố có “lợi ích cốt lõi” tại Biển Đông, các nước Đông Nam Á, cũng như Mỹ, thức tỉnh về việc Trung Quốc đã đi quá giới hạn. Chẳng lẽ các tuyên bố thiện chí giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương lâu nay chỉ là thủ thuật câu giờ cho phái thực lực quân sự tiến hành độc chiếm Biển Đông? Nhưng cũng không vì vậy mà đánh giá thấp các nước Đông Nam Á rằng họ sẽ đột ngột thay đổi chính sách, đi với Mỹ chống Trung Quốc. Không ai chống Trung Quốc cả. Tất cả đều muốn làm láng giềng tốt với cường quốc đang trỗi dậy này. Vấn đề tuỳ thuộc vào Trung Quốc hơn là vào bất kỳ ai khác. Hai nước lớn Mỹ và Trung Quốc nếu đạt tới một sự cân bằng lực lượng và hoà hoãn mới, phối hợp cùng các bên liên quan khác giải quyết cuộc xung đột trên vùng biển này có lợi cho hoà bình, ổn định, hợp tác ở Đông Nam Á là điều đáng hoan nghênh.
.
Triển vọng chính sách
Hai tuần qua, cuộc thảo luận tại Trung Quốc cho thấy có sự phân hoá nội bộ nhất định. Phái thực dụng và hoà hoãn lên tiếng: “Việc lạm dụng thuật ngữ “lợi ích cốt lõi” làm cho nó mất thiêng, thậm chí có thể dẫn tới xung đột quân sự” (Tuần báo Outlook của Tân Hoa Xã); “Trung Quốc không thể đe dọa các nước xung quanh bằng việc tăng cường sức mạnh quân sự” (Thời báo Hoàn cầu)... Tuy vậy, trước thềm Đại hội ĐCS Trung Quốc lần thứ 18 năm 2012, rất ít khả năng có thương lượng và thoả hiệp thực chất liên quan Biển Đông. Thậm chí phái chủ trương tăng cường thực lực quân sự trong quân đội sẽ tăng cường sức ép, gây khó khăn cho chủ trương giải quyết tranh chấp trên biển bằng ngoại giao. Cuộc cạnh tranh giữa các binh chủng của quân đội Trung Quốc, mà hiện nay hải quân đang chiếm ưu thế (ngân sách hải quân chiếm hơn 1/3 ngân sách quốc phòng hai chữ số), sẽ làm cho tình hình thêm phức tạp.
Cuộc đối địch quân sự Trung-Mỹ nhiều khả năng sẽ tăng chứ không giảm, chừng nào chưa đạt được thoả hiệp giữa một bên muốn đẩy Mỹ ra khỏi “ba biển”, một bên kiên quyết bảo vệ quyền tự do thông thương hàng hải của một cường quốc đại dương. Có 3 giả thiết: Cùng thắng, tranh bá và chiến tranh lạnh mới. Hai nước có thể tiếp tục đàm phán để đạt tới một thoả thuận giải quyết những sự cố trên biển nhằm ngăn ngừa những hiểu lầm và nguy cơ đụng độ tàu bè trên biển. Nhưng nếu Mỹ đưa USS George Washington vào Hoàng Hải tập trận như Lầu Năm Góc mới tái xác nhận, tình hình sẽ phát triển khó lường.
Tương quan lực lượng quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương vẫn nghiêng về phía Mỹ, tuy nhiên, lợi thế “sân nhà” của Trung Quốc, đặc biệt với hệ thống tên lửa đất đối biển, sẽ tác động lớn đến việc bày binh bố trận của Mỹ tại châu Á-Thái Dương.
Trong cục diện chung hiện nay, sức mạnh quân sự không hẳn là yếu tố quyết định về ưu thế. Trong một thế giới đa dạng hoá quan hệ quốc tế, đồng thời tuỳ thuộc và cộng sinh kinh tế một cách sâu rộng như giữa các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương ở thời điểm hiện nay, “sức mạnh mềm” hay “ngoại giao thông minh” đóng vai trò trọng yếu. Ngoại giao pháo hạm của Trung Quốc, nếu có thể nói như vậy từ những gì đang diễn ra tại Biển Đông trong vòng một năm qua, đang làm yếu hình ảnh Trung Quốc như một cường quốc trỗi dậy hoà bình, chủ trương xây dựng “thế giới hài hoà” và theo đuổi chính sách Đông Nam Á “mục lân, an lân và phú lân” (hoà hợp với láng giềng, yên ổn với láng giềng và làm giàu với láng giềng) mà Thủ tướng Trung Quốc đề xuất năm 2003 vào dịp nước này gia nhập Hiệp ước hợp tác thân thiện ASEAN (TAC).
Mỹ tất nhiên đang tận dụng những căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á giáp Biển Đông để “trở lại Đông Nam Á” và không phải không thành công trong quá trình xây dựng hình ảnh một cường quốc thân thiện, đứng về phía nước nhỏ bị ức hiếp.
Ở chừng mực nào đó, tại Đông Nam Á, đang diễn ra cuộc đấu giữa Mỹ và Trung Quốc về văn hoá./.
.
.
.
Cảm nhận Biển Đông
TS Nguyễn Ngọc Trường
7h:41' - 18/8/2010
http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Y-Kien-Binh-Luan/Ky-Ii-My-Va-Bien-Dong.html
.
(Toquoc)-Lập trường mới của Mỹ về Biển Đông tạo ra cuộc chiến ngoại giao định hình châu Á trong những thập kỷ tới - sự giằng co giữa Mỹ và Trung Quốc về vai trò nổi trội tại khu vực.
.
Trong vòng một thập niên sự trỗi dậy hoà bình của Trung Quốc từng bước làm thay đổi cục diện và tương quan quyền lực tại châu Á-Thái Bình Dương. Các quốc gia liên quan tìm cách thích ứng với sự thay đổi này. Mỹ buộc phải thừa nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhưng cũng đồng thời tìm kiếm chiến lược nhằm bảo đảm việc Bắc Kinh tôn trọng lợi ích của mình. Dưới chính quyền Bush, theo ý kiến của một học giả Trung Quốc, chính sách Trung Quốc của Mỹ là cách tiếp cận “một bề”, can dự kinh tế, khuyến khích Trung Quốc đóng vai trò thành viên có trách nhiệm trong công việc thế giới.
Sự thay đổi về lượng đến một thời điểm tất yếu dẫn tới biến đổi về chất. Trung Quốc vượt ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới thành công hơn phần lớn các nền kinh tế lớn khác, trở thành chủ nợ của Mỹ. Trong khi Mỹ càng dấn sâu vào cuộc khủng hoảng kép. Sự nổi trội của Mỹ ở Đông Á được thay thế bởi một sự cân bằng quyền lực bấp bênh.
.
2009 là năm định mệnh của quan hệ Mỹ-Trung. Có thể nêu ba sự kiện để thấy giới hoạch định chính sách Bắc Kinh đầy tự tin trong ứng xử với Mỹ như thế nào. Khi Tổng thống Barack Obama lần đầu tiên thăm chính thức Trung Quốc, một số chương trình bị kiểm soát dưới mức dành cho các tổng thống Bill Clinton và George Bush trước đây. Tại Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về biến đổi khí hậu Copenhagen, phía Trung Quốc cử Thứ trưởng đến dự cuộc gặp của Tổng thống Mỹ với các nguyên thủ quốc gia để tìm giải pháp thoả hiệp cứu vãn Hội nghị khỏi thất bại hoàn toàn. Tổng thống Mỹ phải đến gặp riêng Thủ tướng Trung Quốc. Một nhóm tàu thuyền Trung Quốc bao vây tàu nghiên cứu Impeccable của hải quân Mỹ hoạt động cách Hải Nam 200 km. Kết thúc năm đầu của chính quyền Obama, tâm trạng bất mãn lan tràn Washington khi Mỹ nhìn lại những kết quả khiêm tốn của hợp tác song phương và đa phương với Trung Quốc.
.
Mỹ điều chỉnh chính sách đối với Đông Á. Washington tiếp cận Trung Quốc vừa thông qua can dự kinh tế, vừa ngăn chặn ngoại giao và “kiềm chế phòng ngừa” về quân sự. Sự căng thẳng do tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á giáp Biển Đông tạo ra mắt xích yếu trong hệ thống quyền lực mà Trung Quốc xây dựng ở khu vực Đông Nam Á. Biển Đông là thước đo cách đối xử của một nước Trung Quốc đang trỗi dậy. Tháng 7/2009, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố Mỹ “đang trở lại Đông Nam Á” và chính thức ký Hiệp ước hợp tác thân thiện ASEAN (TAC), mở đường cho việc Mỹ tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á tại Hà Nội năm 2010. Mỹ thực hiện hợp đồng bán 6,4 tỷ USD vũ khí mà chính quyền Bush ký nhưng không vượt qua được sự chống đối của Bắc Kinh. Thế rồi, cuối tháng 3/2010, việc Bắc Kinh chính thức thông báo với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ thăm Trung Quốc rằng Biển Đông nằm trong “lợi ích cốt lõi”, khiến Mỹ thức tỉnh. Điều Mỹ đặc biệt chống lại là Bắc Kinh yêu cầu các tàu thuyền của Mỹ không được hoạt động thu thập thông tin tình báo trong vòng 200 hải lý của EEZ. Luật quốc tế không cấm đoán, mà xưa nay chưa bao giờ Mỹ chấp nhận điều này bất kỳ ở đâu và với ai.
.
Chính thức đáp trả đòi hỏi “lợi ích cốt lõi” này, ngày 5/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, tại Diễn đàn Shangrila-2010, nêu ra một số nguyên tắc và quan điểm về Biển Đông, khẳng định Mỹ cam kết duy trì an ninh đối với đồng minh, đối tác và khu vực; “việc duy trì ổn định, tự do hàng hải, phát triển kinh tế một cách tự do và không bị cản trở có ý nghĩa quan trọng”; “nguyên tắc giải quyết xung đột không sử dụng vũ lực”.
Phát biểu của ông Gates nhất thời làm Bắc Kinh giận dữ huỷ chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nhưng chưa tạo ra ấn tượng lâu dài. Tại Diễn đàn ARF-Hànội tháng 7 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã gây chấn động khi khẳng định: Việc giải quyết xung đột Biển Đông thuộc “lợi ích quốc gia” của Mỹ. Lấy “lợi ích quốc gia” đối chọi lại “lợi ích cốt lõi”, tuy hai khái niệm này là một. Ngoại trưởng Mỹ không những tái khẳng định việc Mỹ quay trở lại châu Á mà còn tiến cử Mỹ như một “nhà môi giới” để hòa giải cuộc tranh chấp tại Biển Đông.
Có thể hiểu được sự giận dữ của Trung Quốc lần này. Nỗ lực tranh thủ châu Á của Trung Quốc đã gặp rắc rối, giữa lúc các nhà ngoại giao Bắc Kinh hầu như đã thành công trong việc không để ASEAN nêu vấn đề Biển Đông như một lập trường chung. Các phát biểu của Ngoại trưởng Hillary Clinton tại Hà Nội có thể trở thành một trong những biểu tượng nổi bật nhất của cuộc chiến ngoại giao sẽ định hình châu Á trong những thập niên tới - sự giằng co giữa Mỹ và Trung Quốc về vai trò nổi trội tại khu vực. Chính quyền Obama chấm dứt điệu kèn ngập ngừng của chính quyền Bush trong chính sách châu Á.
Bà Clinton đã giăng ra một cái bẫy. Nếu Trung Quốc khăng khăng duy trì “lợi ích cốt lõi”, đóng mọi cánh cửa thương lượng và thoả hiệp, có thể tạo điều kiện cho Mỹ tập hợp lực lượng. Với nhiều lợi thế, Bắc Kinh không khó để giải bài toán ngoại giao này, nhưng một nhà bình luận có lý khi nhận xét, quả bóng đang nằm trong sân của Bắc Kinh.
.
Biển Đông chỉ là điểm nhấn trong cách tiếp cận mới của Mỹ tại khu vực. Sự kiện gây chú ý là Mỹ đưa hàng không mẫu hạm George Washington đến Biển Đông đậu ngoài khơi cách Đà Nẵng 200km và khu trục hạm John McCain thăm cảng Đà Nẵng. Người ta không đánh giá thấp tín hiệu này. Nhưng nó “vẫn thường xẩy ra” ở nơi này nơi khác, như nhận xét trên một tờ báo Trung Quốc. Dù khá nhiều giận dữ “đổ lên đầu” Việt Nam, nhưng nó sẽ nhanh chóng qua đi, vì các quan chức Việt Nam đã 3 lần thăm hàng không mẫu hạm Mỹ: hai lần ở Biển Đông, một lần ở cảng bên Washington. Đó chẳng qua là cử chỉ tượng trưng trên con đường dài xây dựng sự tin cậy giữa hai quốc gia một thời đối địch.
Người ta cũng không quên nhắc tới lễ ký biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân giữa Việt Nam và Mỹ, trong đó có việc chia sẻ các nguyên liệu và công nghệ hạt nhân. Nhiều người bảo Mỹ quá ưu ái khi để ngỏ vấn đề làm giàu urani. Ngày 5/8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ trả lời: “Theo Hiệp ước về không phổ biến vũ khí hạt nhân thì các nước có quyền theo đuổi việc làm giàu urani vì mục đích dân sự”.
Nhiều nhân vật chóp bu của Mỹ còn khẳng định ủng hộ Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Mỹ. Thời báo hoàn cầu cho rằng PPT “chỉ là trò bịp của Washington”, “bình mới rượu cũ”, được phát triển từ thỏa thuận về Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do do Brunei, Chile, New Zealand và Singapore đạt được năm 2006. Tuy nhiên, Chile mới đây vừa bổ sung nội dung cho Hiệp định tự do thương mại với Trung Quốc thêm phong phú, trong khi vẫn tích cực tham gia các cuộc đàm phán PPT, chuẩn bị bước vào vòng ba, nghĩa là “bỏ trứng vào nhiều giỏ”. Việt Nam, cho đến nay chỉ được hưởng quy chế thương mại bình thường của Mỹ với nhiều hạn chế, sẽ được biệt đãi nếu vào PPT.
.
Việc Mỹ quyết định nâng cấp quan hệ an ninh với Indonesia là một dấu hiệu nữa cho thấy sự thay đổi chiến lược trong chính sách của Washington đối với khu vực. Để tranh thủ quốc gia quan trọng và lớn nhất Đông Nam Á này, trong chuyến thăm Indonesia mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đồng ý cho nối lại các cuộc tiếp xúc với Kopassus - lực lượng đặc biệt của Indonesia từng dính líu đến những vụ lạm dụng nhân quyền trước đây ở Đông Timo, Aceh và Papua - là cành ôliu làm hài lòng giới quân sự quốc đảo. Quyết định liên quan đến Kopassus đã khai thông bế tắc cho Hiệp định Khuôn khổ Quốc phòng Mỹ-Indonesia, tạo những cơ sở mới cho việc tăng cường hợp tác trong huấn luyện quân sự, mua sắm thiết bị quốc phòng và an ninh trên biển.
Mục tiêu của Mỹ lôi kéo các nước khu vực là rõ ràng. Bằng những bước đi nhỏ, nhưng đúng nơi, đúng việc, Mỹ đang đổi mới quan hệ với các quốc gia, trong đó có Campuchia và miền đất bị Mỹ lãng quên là Lào. Một số việc Mỹ làm tạo nên sự tương phản với Trung Quốc. Rõ nhất là việc thúc đẩy hợp tác với nhóm bốn nước hạ nguồn sông Mekong để khắc phục các hậu quả môi trường và nguồn nước con sông này do việc xây các đập thuỷ điện đầu nguồn.
Quyền lực mềm đòi hỏi sự bao dung và “ban phát”, lấy sự chân thành mà đối xử với các nước nhỏ yếu, vốn là điều các nước lớn xưa nay vẫn làm nếu muốn tạo ra các nước thân hữu chân thành làm "phên giậu" cho mình.
Tuy vậy, còn phải chờ xem kiểu “ngoại giao tâm công” (đánh vào lòng người) mà bộ máy của bà Hillary Clinton thực hiện sẽ tác động thế nào đến tương quan chung ở những địa bàn mà Trung Quốc nắm các dự án đầu tư chiến lược, có quan hệ ngày càng mật thiết về quân sự, nhất là nắm con người?
Sau những vụ va chạm giữa tàu Ngư chính Trung Quốc với tàu chiến Indonesia tại vùng đặc quyền kinh tế của quốc đảo, Indonesia khiếu nại lên Tổng thư ký Liên hợp quốc về đòi hỏi của Trung Quốc 3.300.000 km2 tại Biển Đông là không phù hợp luật quốc tế. Nhiều nhà quan sát cho rằng, việc Mỹ “nhúng tay” can dự sẽ làm lộ rõ sai lầm về ngoại giao của Bắc Kinh. Tờ Thái Dương (HK) ra ngày 15/8 nhận xét “Bộ Ngoại giao Trung Quốc dần chuyển sang đóng vai trò phụ trong các vấn đề quốc tế”; “Quân Giải phóng Trung Quốc gần đây đang từng bước đảm trách vai trò chính trên vũ đài ngoại giao - nhiều tướng lĩnh quân đội không chỉ có tiếng nói mạnh hơn mà còn sẵn sàng sử dụng binh quyền để thể hiện quan điểm và lập trường của họ”.
Khả năng lựa chọn của các nước nhỏ trong cuộc xung đột nước lớn không nhiều. Các bên cần kiềm chế và bình tĩnh để tránh đầu độc thêm bầu không khí quan hệ. Không ai được lợi nếu những cơn sóng lớn hiện nay phát triển thành bão tố./.
.
.
.
Hoa Kỳ chống đối việc sử dụng vũ lực trong vụ tranh chấp Biển Đông (VOA)
Mỹ không thấy áp lực “gần đây” của TQ đối với các công ty dầu ở Biển Đông (VOA)
Mỹ phản đối dùng vũ lực ở Biển Đông (vnexpress.net)
US opposes use of force in South China Sea dispute (AP)
Mỹ vạch mặt dã tâm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc (Vit)
Lầu Năm Góc cảnh báo : Biển Đông nằm trong tầm ngắm của quân đội Trung Quốc (RFI)
Trung Quốc sẽ không làm hài lòng Mỹ về sự minh bạch quân sự.
- Trung Quốc mở rộng tầm xa trên biển (PLTP)
Hoa Kỳ dấn sâu hơn vào vấn đề Biển Đông trong lúc Việt Nam bị Trung Quốc chèn ép (RFI).
Lầu Năm Góc cảnh báo : Biển Đông nằm trong tầm ngắm của quân đội Trung Quốc (RFI)
Đâu là “đích ngắm” của tên lửa Trung Quốc đặt tại Quảng Đông? (antg.cand.com)
.
.
.
No comments:
Post a Comment