Thursday, August 26, 2010

BIỂN ĐÔNG TRONG TÍNH TOÁN ĐỊA CHIẾN LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC

Andrew Scobell, Tính toán địa chiến lược của Trung Quốc và Đông Nam Á – Phòng thí nghiệm sân sau của một cường quốc

nghiencuubiendong.vn

Thứ năm, 26 Tháng 8 2010 00:00

http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-nuoc-ngoai/1014-andrew-scobell-tin-toan-dia-chien-luoc-cua-trung-quoc-va-dong-nam-phong-thi-nghiem-san-sau-cua-mot-cuong-quoc-

Báo cáo tại Phiên Điều trần trước Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung (Quốc hội Mỹ) về "Hoạt động của Trung Quốc tại Đông Nam Á và tác động đến lợi ích của Mỹ" vào tháng 2/2010 của Tiến sĩ Andrew Scobell, Phó giáo sư về các vấn đề quốc tế kiêm Giám đốc Chương trình Trung Quốc, Trường Quản lý và dịch vụ công George H. W. Bush, Đại học Texas A&M:

Bản báo cáo này nghiên cứu tư tưởng địa chiến lược ‎‎của CHND Trung Hoa kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc và khu vực Đông Nam Á được đặt ở đâu trong tính toán chiến lược này. Tác giả chỉ ra rằng Đông Nam Á có thể được cho là một “phòng thí nghiệm sân sau” tốt nhất nơi mà Trung quốc có thể thử nghiệm các ý tưởng và các cách tiếp cận mới về các chính sách đối ngoại và an ninh của họ. Đông Nam Á dường như là một miếng đất màu mỡ cho những thử nghiệm đó bởi tiểu vùng này không có nước bá chủ khu vực nào hoặc cũng không bị lệ thuộc hoàn toàn vào một cường quốc nào. Hơn nữa vùng này có một tầm quan trọng lớn đối với Trung Quốc. Trong khi Hoa Kỳ là một nhân tố an ninh bên ngoài quan trọng nhất ở khu vực Đông Nam Á, sự hiện diện của Hoa Kỳ đã bị thu hẹp lại kể từ khi họ rút các căn cứ quân sự ra khỏi Philipin vào những năm đầu thập niên 90. Thêm vào đó, Hoa Kỳ không hoàn toàn áp đặt được ảnh hưởng của mình trên phạm vi ngoại giao và kinh tế. Trong thực tế Nhật Bản mới là lực lượng ngoại bang quan trọng nhất ở khu vực này trong lĩnh vực kinh tế, nhưng Nhật không áp đặt được về mặt ngoại giao hay có bất kỳ sự hiện diện quân sự nào. Chính vì lẽ đó Đông Nam Á đã chứng tỏ là một địa điểm sáng giá nơi Trung Quốc có thể thử nghiệm chính sách ngoại giao đa phương và các sáng kiến quyền lực mềm và quyền lực cứng khác của mình.

Vào những năm đầu thập niên 90, Trung Quốc đã bắt đầu gia nhập vào một thế giới hoàn toàn mới. Liên Xô tan rã vào năm 1991 đã tạo ra một cơn địa chấn cho Đảng cộng sản Trung Quốc cầm quyền. Việc sụp đổ của siêu cường Liên Xô một thời hùng mạnh đã làm Bắc Kinh rúng động, ngay lập tức họ đặt câu hỏi về hai vấn đề an ninh song song nhau đó là an ninh của chế độ và an ninh quốc gia. Đảng CS Trung Quốc gộp hai vấn đề này thành một bằng cách gắn liền sự tiếp tục thống trị của của đảng cộng sản với sự sinh tồn và phát triển của Trung Quốc như một quốc gia-dân tộc. Hai nhiệm vụ chiến lược này đồng nghĩa với việc Đảng CS Trung Quốc ngay lập tức nâng cao cảnh báo về ổn định trong nước và e ngại các mối đe dọa mới ở các vùng biên giới của nước này. Vì vậy việc Liên Xô sụp đổ không chỉ có nghĩa là sự biến mất một cách đột ngột và gây chấn động của nhà nước cộng sản lâu đời và hùng mạnh nhất trên thế giới mà còn là sự xuất hiện của ba quốc gia láng giềng mới tại Trung Á.

Hơn nữa, Xô Viết sụp đổ báo hiệu sự kết thúc của một thế giới hai cực và sự xuất hiện trật tự đa cực khu vực. Vào năm 1992, hệ thống thế giới không còn do hai siêu cường thống trị. Hệ thống này được thay bằng một xáo trộn trong đó thế lực của Châu Á trở nên phân tán hơn và nền chính trị thế giới càng trở nên phức tạp và khó lường. Bắc Kinh, vốn từ lâu ủng hộ trật tự đa phương, đột nhiên phải đối mặt với cảnh báo rằng “hãy coi chừng điều bạn muốn” và phải chấp nhận thích nghi với thực tế mới. Mặc dù sự xuất hiện của một Châu Á đa cực có vẻ như là một xu hướng tất yếu nhưng trật tự đơn cực là một thực tế bao trùm do sự vượt trội của Hoa Kỳ. Với Trung Quốc, điều này có nghĩa là mối đe doạ Hoa Kỳ đối với Trung Quốc ngày càng rõ hơn. Một điều đáng quan tâm nữa là duy trì tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng. Do dó, năm 1992, nhà lãnh đạo kỳ cựu Đặng Tiểu Bình đã đích thân tái khởi động các nỗ lực cải cách và đảm bảo rằng sẽ không chùn bước trước con đường mà ông đã chọn cho cho nước này hơn một thập kỷ trước đó. Vì thế, Đặng đã đưa ra cái được gọi là “tuần du về phương Nam” (nanxun) mà trong đó ông ta thúc giục người Trung Quốc tiến hành “cải cách và mở cửa” mạnh mẽ.

Tình thế này đã làm cho Bắc Kinh phải suy tính lại về chiều hướng chính sách đối ngoại của họ và các nước láng giềng của Trung Quốc bỗng chiếm một vị trí lớn hơn trong suy nghĩ của nước này. Việc đảm bảo sự ổn định của chế độ và các đường biên giới quốc gia đòi hỏi phải chú ý nhiều hơn đến các quốc gia láng giềng. Để chống lại thách thức được cho là lớn hơn từ một nước Mỹ thù địch hay ít nhất là không thân thiện đồng nghĩa với việc cần có những nỗ lực nghiêm túc để xây dựng một mạng lưới quan hệ với các quốc gia khác, đặc biệt là trong phạm vi Châu Á. Điều này được khẳng định, theo quan điểm của Bắc Kinh, qua việc biến Hoa Kỳ từ một chất xúc tác quan trọng trong thương mại và đầu tư của Trung Quốc trở thành một vật cản chính cho sự lớn mạnh của nước này. Vì thế, Bắc Kinh bắt đầu tìm kiếm các cơ hội thương mại từ các nguồn khác. Nói tóm lại, Bắc Kinh đã ý thức được thực tế địa lý của họ - Trung Quốc trước hết và trên hết là một cường quốc Châu Á.

Điều này có nghĩa là sự xuất hiện của một hiện tượng chưa được có từ trước tới nay- sự hình thành một chính sách Châu Á. Trước khi chiến tranh lạnh kết thúc, Trung Quốc đã là “một cường quốc khu vực mà không có một chính sách khu vực.[1] Vào giữa thập niên 90, Bắc Kinh đã thực hiện “ngoại giao láng giềng tốt” (mulin youhao waijiao) qua đó họ đã có những nỗ lực nhiều mặt nhằm cải thiện quan hệ với tất cả các quốc gia láng giềng. Kết quả là sự xuất hiện một chính sách Châu Á không chính thức.

Động cơ và các ưu tiên khu vực ở Châu Á:

Có 4 động cơ chủ yếu trong chính sách mới về Châu Á của Trung Quốc. Động cơ đầu tiên cũng là cấp bách nhất là sự lo lắng của Bắc kinh về việc bảo vệ đường biên giới và an ninh nội địa. Động cơ gần như là thứ hai là duy trì tăng trưởng kinh tế, điều mà họ lo sợ sẽ bị ngưng trệ hoặc chậm lại. Hai vấn đề này gộp chung là là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh bởi vì chúng được nhìn nhận là nhân tố liên quan trực tiếp tới sự ổn định chính trị. Nếu các đường biên giới không được đảm bảo, Bắc Kinh có cảm giác bị cực kỳ dễ bị tổn thương từ mối đe dọa song song là sự thù địch bên ngoài và bất ổn bên trong.[2] Suy thoái kinh tế sẽ làm gia tăng nạn thất nghiệp điều có thể dẫn tới nguy cơ bất ổn xã hội. Người dân sẽ hướng sự thất vọng của họ vào Đảng CS Trung Quốc và nghi vấn bản hợp đồng xã hội bất thành văn gữa tầng lớp thống trị và bị trị. Một khi Bắc Kinh đã đạt được tiến bộ trong 2 vấn đề đầu tiên thì vấn đề thứ ba sẽ được phát huy đó là đối trọng sức mạnh hùng hậu của gã khổng lồ Washington.

Sau cuộc bạo động năm 1989 tại Trung Quốc và sự tan rã nhanh chóng của khối Xô Viết, Hoa Kỳ trở thành nguồn thách thức bên ngoài lớn nhất đối với Trung Quốc. Washington được nhìn nhận là thù địch và đáng sợ - một kết luận dựa trên sự ủng hộ bằng lời nói của Mỹ cho cuộc bạo động mùa xuân năm 1989 qua việc lên án cuộc đàn áp cùng với áp đặt các lệnh trừng phạt chống Bắc Kinh sau sự kiện Thiên An Môn. Việc xuất hiện một thế giới đơn cực được cho là một dấu hiệu về sự đe dọa của Mỹ đối với sự phát triển của Trung Quốc. Do đó Bắc Kinh bắt đầu có các nỗ lực đồng bộ để tạo đối trọng-hay ít nhất là hạn chế-ảnh hưởng của Mỹ lên Châu Á. Cuối cùng, động cơ thứ tư xuất hiện khi Trung Quốc nhận ra rằng hình ảnh của họ không được tốt trong khu vực. Nỗ lực của Bắc kinh nhằm đảm bảo các tuyến biên giới và bảo vệ lợi ích quốc gia đã tạo ra một tình thế lưỡng nan về mặt an ninh. Các nước láng giềng của Trung Quốc bắt đầu quan ngại rằng việc tăng cường quân sự và sự mạnh dạn ngày càng tăng của Trung Quốc tạo nên một sự đe dọa cho họ. Vào cuối những năm 1990, Bắc Kinh bắt đầu trấn an các quốc gia láng giềng và cả thế giới rằng không có sự đe dọa nào từ phía Trung Quốc.

Ban đầu khu vực ưu tiên của Trung Quốc là Trung Á. Việc Liên Xô tan rã đã tạo ra một sự bất ổn lớn tại các vùng biên giới rộng lớn ở phía bắc và phía tây Trung Quốc. Bên cạnh vấn đề biên giới với Nga và Mông Cổ, Trung Quốc đột nhiên còn phải đối mặt với các quốc gia cộng hòa mới hình thành ở vùng Trung Á. Trong đó các nước được quan tâm đặc biệt là Kazakhstan, Kyrgyzstan, và Tajikistan có cùng đường biên với Trung Quốc. Một khi các mối quan hệ chân thành với các quốc gia mới tuyên bố độc lập được thiết lập và có các biện pháp xây dựng lòng tin, các đường biên giới được phi quân sự hoá, các hiệp định về biên giới được ký kết và các tranh chấp lãnh thổ được giàn xếp thì Bắc Kinh chuyển sự chú ý sang Đông Bắc Á và bán đảo Triều Tiên.[3] Liên Xô tan rã đồng nghĩa với viện trợ kinh tế của Mát-xcơ-va cho Bình Nhưỡng là không còn. Việc cắt viện trợ của Liên Xô cho CHDCND Triều Tiên vào những năm đầu thập kỷ 90 đã tạo ra cho nước này một cuộc khủng hoảng kinh tế trong khi căng thẳng với Hoa Kỳ tăng lên khi Washington bắt đầu cảnh báo về chương trình hạt nhân mới được khởi động của nước này. Trung Quốc đã nỗ lực thực hiện ‘hành động cân bằng’ hai cấp độ một cách tinh tế. Một mặt Bắc Kinh cố gắng đẩy mạnh quan hệ với Bình Nhưỡng đồng thời cũng tiến hành cải thiện quan hệ với Sơ-un.[4] Mặt khác, Trung Quốc cố gắng kềm chế hành vi của Bắc Triều Tiên trong khi cũng đồng thời ngăn cản Mỹ có động thái phản ứng quá cứng rắn. Bắc Kinh dường như đã thành công trong nỗ lực cân bằng khi họ thiết lập mối quan hệ toàn diện với Hàn Quốc vào năm 1992 trong khi đó vẫn duy trì được mối quan hệ truyền thống với Bình Nhưỡng. Hơn nữa, Thỏa thuận khung năm 1994 đã xoa dịu căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Washington cũng như đưa ra một lộ trình cho việc cải thiện quan hệ giữa hai đối thủ cũ.

Tiếp cận Đông Nam Á.

Khi tình hình biên giới tây bắc được sự cải thiện và bán đảo Triều Tiên tạm thời ổn định vào năm 1995, Bắc Kinh có thể chuyển trọng tâm chú ý của mình về phía đông nam. Các khả năng ở Đông Nam Á đường như sáng sủa hơn cho họ so với Nam Á nơi mà tiến triển trong việc cải thiện mối quan hệ với Ấn Độ diễn ra chậm chạp. Khác với tình hình phía nam dãy Himalayas nơi mà Ấn Độ tỏ ra là một nước bá chủ khu vực cảnh giác và do dự không sẵn lòng thúc đẩy các vấn đề gai góc và có vẻ như là khó giải quyết giữa hai bên, thì ở Đông Nam Á Bắc Kinh không phải đối mặt với một cường quốc nào có thể chặn những sáng kiến của họ trên lục địa cũng như trên biển Đông Nam Á. Thách thức lớn nhất mà Trung Quốc phải đối mặt ở Đông Nam Á chính là tiếng tăm của mình. Với các quốc gia tại lục địa Đông Nam Á là Miến Điện/Myanmar, Cam-pu-chia, Lào, Thái Lan, và Việt Nam, di sản của Trung Quốc là chiến tranh và cách mạng. Trung Quốc, với các quốc gia này là một nước hiếu chiến mặc dù đã từng trợ giúp các cuộc đấu tranh của dân bản xứ chống lại các cuộc xâm lược của ngoại bang vào những thập niên 50, 60, 70 và 80. Nhưng Trung Quốc cũng bị nhìn nhận có một lịch sử xâm lược trong cuộc chiến tranh hạn chế ngắn ngủi nhưng vô cùng đẫm máu với Việt Nam vào năm 1979 và sau đó là các cuộc đụng độ tại vùng biên giới tranh chấp giữa hai nước trong suốt thập niên 80.

Với các quốc gia biển ở Đông Nam Á là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, và Việt Nam, Trung Quốc mang tiếng là người kích động các cuộc cách mạng.5 [5] Tại các quốc gia này, cộng đồng người Hoa đáng kể được xem là công cụ thứ năm được Bắc Kinh hậu thuẫn như là một lực lượng cách mạng hay phần tử nổi loạn sẵn sàng giành chính quyền. Những cuộc bạo loạn lật đổ ở Malaysia và Philippines và cuộc nổi dậy đẫm máu của phe cộng sản ở Indonesia vào năm 1965 luôn nhắc nhở đây là một mối quan ngại thực sự cho tới những năm cuối thập niên 70. Bắc Kinh đã có những nỗ lực đồng bộ để xoa dịu sự lo sợ này bằng việc cắt đứt quan hệ của họ với các phần tử nổi loạn, VÀ tuyên bố rõ ràng rằng những người mang dòng máu Hoa ở các quốc gia Đông Nam Á là công dân của các quốc gia nơi họ sinh ra hay đang cư trú mà không cần có bổn phận với một nước khác dựa trên chủng tộc và tổ tiên của họ. Thách thức lớn nhất về địa vị và sự trung thành của những người thiểu số Hoa sống bên ngoài Trung Quốc là vấn đề người Hoa ở Việt Nam vào cuối thập kỷ 70. Đây cũng là một nhân tố dẫn tới cuộc chiến tranh 1979 giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Trong những năm cuối cùng của chiến tranh lạnh, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng mối quan bệ tốt hơn với Đông Nam Á và nâng cao quan hệ kinh tế đã có một số tiến triển. Tuy nhiên nhận thức của Đông Nam Á về Trung Quốc như một mối đe doạ quân sự chỉ ngày một tăng thêm vì những yêu sách chủ quyền vụng về của Bắc Kinh tại vùng biển phía Nam Trung Quốc (Biển Đông). Trong những năm cuối thập niên 80 tới cuối thập niên 90, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để củng cố yêu sách lãnh thổ trên biển của mình. Trong khi Trung Quốc cố gắng âm thầm hành động, họ cũng không thể tránh khỏi đụng độ. Vì thế xung đột đã nổ ra vào năm 1988 tại quần đảo Trường Sa giữa quân đội Việt Nam và Trung Quốc. Các cuộc xung đột tiếp tục nổ ra lẻ tẻ trong những năm 90 bao gồm các cuộc xung đột giữa tàu hải quân Trung Quốc và các tàu đánh cá của nhiều nước và tranh cãi xung quanh việc chiếm đóng các hòn đảo nhỏ. Hơn nữa vào năm 1995­1996 khủng hoảng ở eo biển Đài loan đã dấy lên sự quan ngại trên toàn Đông Nam Á rằng Trung Quốc trở nên ngày càng thách thức và đáng sợ.[6]

Bắc Kinh bắt đầu nhận ra họ có vấn đề về hình ảnh của mình và đã tìm cách trực tiếp giải quyết. Sáng kiến này khởi đầu bằng việc liên tục tuyên bố rằng “thuyết mối đe doạ Trung Quốc” là “vô căn cứ” và hiểm ác. Chiến dịch này không quá tinh tế, không được chuẩn bị kỹ và cũng không mang lại hiệu quả tức thì. Bắc Kinh cho ra mắt vào cuối những năm của thập niên 90 một ‘Quan niệm an ninh mới.’ Đáng chú ý là khái niệm này được đưa ra lần đầu tiên tại Đông Nam Á. Quan niệm này thực chất chỉ là chiếc áo mới của của 5 Nguyên tắc cùng chung sống hoà bình được Bắc Kinh đề xướng 40 năm về trước. Tuy nhiên nó đã dần dần tạo ra tiếng vang với nhiều quốc gia ở Đông Nam Án do phù hợp với cái gọi “Phương cách ASEAN” vốn đề cao sự tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và ra quyết sách dựa trên sự đồng thuận. Các sáng kiến đa dạng của Trung Quốc nhìn chung được tiếp nhận khá tốt ở Đông Nam Á và sự song trùng về giá trị và luật chơi tỏ ra là phù hợp cho cả bên khởi xướng là Trung Quốc và bên tiếp nhận là khối ASEAN và các quốc gia thành viên. Mỗi bên đều hiểu rằng họ có thể hoà thuận với nhau để cùng có lợi. Trung Quốc đã tìm thấy một sự an tâm bất ngờ trong trải nghiệm này và được cam đoan rằng các nước ASEAN không kết bè phái để chống lại họ. Còn các nước ASEAN thì được đảm bảo bằng những nỗ lực ngoại giao hoà dịu của Trung Quốc và sự biến mất của sự áp bức công khai.

Do đó, các quốc gia Đông Nam Án bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ 21 quan tâm nhiều hơn tới Trung Quốc như là một mối đe doạ về kinh tế hơn là mối đe doạ về quân sự.[7] Trung Quốc đã làm an lòng các quốc gia ở lục địa Đông Nam Án về những ý đồ an ninh của nước này qua việc giải quyết các tranh chấp biên giới trong hoà bình, bao gồm các hiệp định song phương với Việt Nam và Lào trong những năm của thập niên 90 và những năm 2000.[8] Hơn nữa, việc mở rộng quan hệ kinh tế với các nước Đông Dương đã chỉ ra rằng Trung Quốc trước mắt không có ý định mở rộng lãnh thổ hay xâm chiếm bằng vũ lực. Đàm phán về một Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc ­ ASEAN cùng với việc Bắc Kinh tham gia vào Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác vào tháng 10-2003 đã giúp nhiều quốc gia Đông Nam Á thấy rõ điều này. Các quốc gia ven biển cũng được Trung Quốc xoa dịu bằng việc sẵn lòng can dự ở cấp đa phương nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực Biển Đông thông qua việc ký Tuyên bố về Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 8 tại Phnom Penh vào tháng 11-2002.

Các mối quan tâm chủ yếu trước mắt của Trung Quốc là mở rộng thị trường và đảm bảo các nguồn tài nguyên. Các nước ở lục địa Đông Nam Á được nhìn nhận là một địa bàn tiềm năng cao cho xuất khẩu hàng hoá, đầu tư và khai thác nguyên liệu thô của Trung Quốc. Điều này đã dẫn tới tranh cãi về tác động tiêu cực của sự lấn át về mặt kinh tế của Trung Quốc, bao gồm tổn hại tới các nền kinh tế quốc nội và ‘ăn cắp’ tài nguyên quốc gia. Chẳng hạn như ở Việt Nam năm 2008, công luận phản đối bùng phát xung quanh các nỗ lực của một tập đoàn Trung Quốc nhằm khai thác quặng bô-xít. Có lẽ không có vấn đề nào được các quốc gia này quan tâm bằng việc quản lý hệ thống sông ngòi. Khoảng một nửa các con sông chính bao gồm sông Irrawaddy và sông Mekong bắt nguồn từ Trung Quốc và chảy qua Đông Dương rồi vào vịnh Bengal hay ra Biển Đông. Việc xây dựng các con đập ở thượng nguồn đã tác động nghiêm trọng tới hạ lưu của các con sông này.[9]

Các mối đe dọa phi truyền thống đối với an ninh Trung Quốc từ lục địa Đông Nam Á là buôn bán ma túy và buôn người bất hợp pháp. Trong khi những vấn đề này hiện hữu trong mối quan hệ giữa Trung Quốc với tất cả 5 nước Đông Dương, chúng đặc biệt nhạy cảm đối với một quốc gia thành viên của Đông Nam Á là Myanmar/Miến Điện. Đây là một trong những nước mong manh nhất ở ngoại biên Trung Quốc với tầm quan trọng đặc biệt có tính chiến lược đối với Bắc Kinh bởi vị trí địa lý của nó nằm trên sườn phía đông của Ấn Độ. Vì vậy Myanmar đóng vai trò như một con tốt chính trên bàn cờ tướng mà Trung Quốc đang chơi với Ấn Độ. Vị thế khốn khó của chính quyền quân sự Myanmar trên trường quốc tế đã đẩy quốc gia này vào thế ít có lựa chọn. Do đó, càng ngày Myanmar càng tiến gần hơn vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc trên bình diện kinh tế và quân sự (xem phần sau) và trở thành gần như là một tay sai cho Bắc Kinh. Myanmar đã từng bị chia xẻ vì những cuộc nổi loạn của các nhóm sắc tộc, xáo động trong nước và bất ổn chính trị. Vào năm 2009 biến động trong nước đã đẩy rất nhiều người tị nạn chạy qua biên giới với Trung Quốc.

Trong khi đó, sự quan tâm của Trung Quốc tại các quốc đảo ở Đông Nam Á là việc củng cố yêu sách của họ ở Biển Đông, khai thác hay thăm dò các tài nguyên, và mở rộng thương mại và đầu tư với các quốc gia trong khu vực.

Quy mô quân sự.

Trung Quốc cũng đang có các hoạt động quân sự tại khu vực Đông Nam Á. Trung Quốc có các mối quan hệ quân sự song phương với các quốc gia trong tiểu khu vực này. Các nhân vật cao cấp trong quân đội Trung Quốc đã thăm viếng tất cả các quốc gia ASEAN ít nhất một lần trong 3 năm trở lại đây.[10] Trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng đã tiến hành nhiều cuộc tập trận với các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm các cuộc tập trận chung với Thái lan vào tháng 7-2007 và tháng 7-2008 và một cuộc tập trận hải quân đa phương ở vùng biển của Singapore vào tháng 5-2007.[11] Vào những năm từ 2000 đến 2008 Trung Quốc đã bán khoảng 264 triệu đô-la vũ khí cho các quốc gia ở Đông Nam Á, trong đó khoảng 2/3 (62%) được báo cáo là bán cho một quốc gia—Myanmar.[12] Trung Quốc còn được cho là có liên quan tới việc xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo do Myanmar kiểm soát ở vùng biển Andaman.[13]

Biển Đông trong trong tính toán địa chiến lược của Trung Quốc.

Các vấn đề về biển đã là mối quan tâm lớn của Trung Quốc trong những thập niên gần đây. Tại sao vậy? Bởi vì từ những năm 70 Trung Quốc đã chuyển sang hướng ngoại. Với việc bùng nổ thương mại quốc tế, các hạm đội tàu thương mại phát triển nhanh và một lực lượng hải quân phát triển, thì việc tiến ra biển là một xu thế không thể tránh. Hơn nữa Trung Quốc đã có những yêu sách chủ quyền trên biển lâu nay, rõ ràng nhất là Đài Loan nhưng họ cũng có những yêu sách khác ở biển Hoa Nam và Biển Đông. Kể từ khi Công ước Liên hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 thiết lập một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý cho các quốc gia ven biển, Bắc Kinh đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với các yêu sách chủ quyền trên biển của họ. Việc quan tâm nhiều hơn tới các nguồn tài nguyên và đặc biệt là năng lượng đã thúc đẩy Trung Quốc càng quyết tâm hơn. Điều này đặc biệt đúng với những nơi có nhiều tài nguyên do Bắc Kinh có những quan ngại sâu sắc tới an ninh năng lượng, đặc biệt là kể từ năm 1993 khi Trung Quốc trở thành một nhà nhập khẩu ròng dầu mỏ. Điều này làm tăng tầm quan trọng của Biển Đông vì hai lý do. Thứ nhất là vùng này khẳng định niềm tin của Trung Quốc là nơi có nhiều mỏ hydrocarbon. Thứ hai là vùng này luôn là tuyến đường giao thông biển quan trọng mà Trung Quốc cần để vận chuyển dầu từ Trung Đông và Châu Phi. Sau khi đi qua eo biển Malacca, các tàu dầu đều phải đi qua khu vực Biển Đông.[14]

Những nỗ lực tập trung của Trung Quốc nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên bộ trong hai thập niên vừa qua đã có nhiều thành công hơn các tranh chấp trên biển. Trong khi cả hai loại tranh chấp đều quan trọng đối với Bắc Kinh, tranh chấp trên biển có vẻ như được đặt nặng hơn. Trong thực tế, các tranh chấp trên biển gây nhiều chú ý nhất và khó giải quyết nhất. Phần lớn các tranh chấp trên bộ được giải quyết êm thấm và trong nhiều trường hợp Trung Quốc đã nhượng bộ khá nhiều cho phía bên kia. Trong 16 lần Trung Quốc dùng vũ lực để thu hồi lãnh thổ kể từ năm 1949 thì một nửa liên quan tới Đài Loan và các đảo trên Biển Đông.[15] Điều đáng chú ý là đa số các tranh chấp căng thẳng chưa được giải quyết liên quan tới đảo Đài Loan và các dải đá ngầm, san hô trên biển Hoa Nam cũng như trên khu vực Biển Đông. Kể từ những năm 1950, Trung Quốc đã tuyên bố đa phần Biển Đông là lãnh thổ của họ.

Xung đột cường độ thấp ở 3 giai đoạn

Trung Quốc đã đưa ra một chiến lược hướng ra Biển Đông là phù hợp với một cường quốc đang trỗi dậy có tham vọng với năng lực hải quân yếu nhưng có nhiều nguồn lực quốc gia khác để tuỳ nghi sử dụng. Tôi gọi chiến lược này là ‘Xung đột với cường độ thấp’ (gọi tắt là ‘SLIC’).[16] Chiến lược này được điều chỉnh nhằm tránh phản ứng ngược hoặc việc các nước đoàn kết chống lại chính sách của Trung Quốc hay gây tác động bất lợi cho hình ảnh của Trung Quốc. Chiến lược này được thực hiện qua 3 giai đoạn.

Trong giai đoạn 1, từ những năm 1970 tới những năm 1980, Trung Quốc đưa ra một cách tiếp cận cứng rắn nhấn mạnh sức mạnh cứng. Mãi tới những năm 1970 thì Bắc Kinh mới có những nổ lực thật sự để thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ tại khu vực Biển Đông. Năm 1974 các lực lượng hải quân Trung Quốc xung đột với lực lượng quân đội đang trên bờ sụp đổ của chính quyền Miền Nam Việt Nam tại Quần đảo Trường Sa. Chiến thắng, hải quân Trung Quốc kiểm soát các hòn đảo phía tây của quần đảo này. Trong trận đánh đó, một đội tàu nhỏ của hải quân Trung Quốc đã đánh bại 4 tàu lớn của quân đội Miền Nam Việt Nam. 14 năm sau đó, vào tháng 3 năm 1988, các lực lượng hải quân Trung Quốc đã đụng độ với các lực lượng quân đội của CHXHCN Việt Nam tại Trường Sa. Hải quân Trung Quốc đã giành chiến thắng trong trận đấu chính diễn ra tại bãi đá ngầm Johnson và tiếp tục chiếm 7 đảo bên cạnh.[17] Cùng năm đó, Đảo Hải Nam trở thành tỉnh mới nhất của Trung Quốc—đơn vị cấp tỉnh thứ 30 của Trung Quốc. Trước đó thì đảo này là một phần của tỉnh Quảng Đông. Có nhiều lý do cho động thái này, bao gồm thúc đẩy phát triển kinh tế đảo Hải Nam. Bên cạnh đảo này thì các hòn đảo nhỏ, các rặng san hô, đá ngầm mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông cũng nằm dưới sự quản lý của tỉnh này. Vì thế việc một tỉnh mới được thành lập cho thấy sự quan tâm lớn của Trung Quốc tới lãnh thổ trên biển. Một trong những “hy vọng lớn nhất ” của Bắc Kinh là dầu mỏ mà khí hoá lỏng có thể được tìm thấy trong lãnh hải của tỉnh mới nhất này.[18]

Trong giai đoạn 2, trong suốt thập kỷ 90 Trung Quốc đã áp dụng cách tiếp cận quyền lực cứng kết hợp với một số khía cạnh của quyền lực mềm. Sau chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, Bắc Kinh trở nên có ý thức hơn về tầm quan trọng của an ninh năng lượng, điều này càng nâng cao tầm quan trọng của các yêu sách chủ quyền trên biển của họ. Vào đầu năm 1992 Bắc Kinh thông qua Luật Lãnh hải và các vùng tiếp giáp của CHND Trung Hoa, khẳng định lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông. Sau đó vào đầu năm 1995, Philippines phát hiện ra rằng Trung Quốc đã xây dựng một công trình cứng trông khá vững chãi trên dải đá ngầm Vành Khăn đang tranh chấp. Sau khi phối hợp song phương với Manila để giải quyết vấn đề, Bắc Kinh bắt đầu đàm phán thông qua Diễn đàn khu vực ASEAN.

Trong suốt giai đoạn 3, thập niên đầu thế kỷ 21, Trung Quốc đã vận dung cách tiếp cận mang tính hòa giải hơn để giải quyết các vấn đề Biển Đông chú trọng đến quyền lực mềm. Thỏa thuận đa phương chủ yếu có lẽ là Bộ quy tắc ứng xử do Trung Quốc và tất cả 10 thành viên của khối ASEAN ký kết. Trong khi thỏa thuận rõ ràng đã cải thiện ‘bầu không khí’ chung của các mối quan hệ, thoả thuận cũng có những hạn chế quan trọng. Đầu tiên là vấn đề chủ quyền bị gác lại. Tiếp đến, ranh giới địa lý trong thỏa thuận không được chỉ rõ. Thứ ba, điều quan trọng nhất là, thỏa thuận không có tính ràng buộc về mặt pháp lý.[19]

Vào tháng 11-2004, Tập đoàn khai thác dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã ký một thỏa thuận với Công ty dầu khí quốc gia Philippines tiến hành liên doanh thăm dò dưới lòng biển trong khu vực Biển Đông. Sau đó vào tháng 3-2005, Tập đoàn dầu khí Việt Nam cũng tham gia khảo sát địa chấn biển chung (JMSU). Tuy nhiên, Trung Quốc đã không hoàn toàn từ bỏ sự áp đặt và thỏa thuận nêu trên không ngăn cản sự bùng phát căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam vào năm 2007. Một trong những xung đột nghiêm trọng nhất của hai bên trong năm đó là sự kiện tàu tuần tra Trung Quốc bắn vào một tàu cá của Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa làm một ngư dân bị chết.[20]

Thách thức đối với lợi ích của Mỹ

Điều đe dọa lớn nhất đối với lợi ích của Mỹ liên quan tới các hoạt động táo bạo của Trung Quốc để củng cố yêu sách chủ quyền biển của mình. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền biển ở một lãnh hải 12 hải lý và một vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý ở nhiều vùng trong biển Đông. Điều này tạo ra một thách thức nghiêm trọng tới tự do hàng hải. Mặc dù Bắc Kinh đã áp dụng một cách tiếp cận linh hoạt hơn đối với việc cùng thăm dò và chia sẻ nguồn lực của Biển Đông thì họ vẫn duy trì thái độ cứng rắn về các vấn đề liên quan tới chủ quyền và không có ý định nhượng bộ. Thái độ cứng rắn về vấn đề chủ quyền đã dẫn tới những chỉ trích gay gắt của Trung Quốc đối với các hoạt động trinh thám và kiểm soát thường xuyên trên không và trên biển của các máy bay và tàu quân sự Mỹ trong khu vực được cho là vùng trời và vùng biển quốc tế. Các vụ điển hình là vụ xung đột EP­3 vào tháng 4-2001 và vụ tàu sân bay USNS Impeccable vào tháng 3-2009. Không rõ những hoạt động đó liệu có phải là những dấu hiệu về một chính sách đối đầu có chủ ý do những nhân vật cao nhất của Đảng CS Trung Quốc thông qua hay chỉ là kết quả của hành động thiếu suy nghĩ của những quân nhân ngỗ nghịch mà không được các nhà lãnh đạo biết hay chấp thuận hay không.[21]

Trong khi Trung Quốc rõ ràng muốn thu hẹp phạm vi hoạt động và ảnh hưởng của quân đội Mỹ trong vùng Biển Đông, họ dường như không có ý định phản đối toàn bộ các hoạt động của Mỹ ở đây. Trung Quốc vẫn tiếp tục nhìn nhận hải quân Mỹ như là một người bảo vệ quan trọng cho các tuyến đường giao thông trên biển. Tuy nhiên, khi lực lượng hải quân của Trung Quốc được cải thiện thì suy nghĩ này có thể thay đổi. Với Mỹ, Trung Quốc hiện tại là một nhân tố hung hăng nhưng đóng vai trò quan trọng ở khu vực Đông Nam Á. Bắc Kinh là một đối tác quan trọng với Washington trong nỗ lực giải quyết một loạt các mối đe dọa an ninh phi truyền thống đang phổ biến tại Đông Nam Á như khủng bố, cướp biển, ma túy, buôn người, ô nhiễm và xuống cấp môi trường.

Kết luận

Chiến lược của Trung Quốc đối với Đông Nam Á có 4 động cơ. Đầu tiên, Bắc Kinh muốn đảm bảo biên giới lãnh thổ của họ và đảm bảo an ninh nội địa; thứ hai Bắc Kinh luôn mong muốn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế năng động; thứ ba Trung Quốc luôn nỗ lực đối trọng hoặc ít nhất cũng là kiểm tra sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực; và thứ tư là Bắc Kinh đang nỗ lực để trấn an các quốc gia láng giềng rằng Trung Quốc phát triển mạnh không có nghĩa là trở thành một mối đe doạ cho các quốc gia khác.

Đông Nam Á đã tạo cho Trung Quốc một địa bàn thử nghiệm quan trọng- một “phòng thí nghiệm sân sau.” Khu vực này quan trọng đối với Trung Quốc cả trên bình diện kinh tế và an ninh, chỉ đứng sau khu vực Đông Bắc Á theo ưu tiên của Bắc Kinh. Chính vì vậy, không có gì là ngạc nhiên khi Trung Quốc đã thực sự đi những bước đầu tiên tiến đến chủ nghĩa đa phương và thử nghiệm các sáng kiến sức mạnh mềm ở Đông Nam Á. Đáng chú ý là những nỗ lực thử nghiệm đa dạng dường như đã có những thành công nhất định và đang được sử dụng như là một hình mẫu cho các sáng kiến lớn hơn mang tính toàn cầu. Trong khi áp dụng các nỗ lực này vào các khu vực khác ngoài Đông Nam Á đã mang lại thành công ở các mức độ khác nhau, thì mức độ an tâm của Trung Quốc ở tiểu khu vực này được tăng lên đáng kể vì ‘Phương cách ASEAN’ tỏ ra hoàn toàn phù hợp với mô hình ngoại giao đặc thù của Trung Quốc.

Trong khi các quốc gia Đông Nam Á nhìn chung đều chào đón việc tăng cường sự hiện diện trong khu vực cũng như sự tăng cường tham gia vào các diễn đàn đa phương của Trung Quốc thì sự tiếp nhận này chưa phải là toàn bộ. Các nước lục địa ASEAN tiếp tục mong muốn Mỹ tăng cường sự hiện diện của mình về quân sự, ngoại giao, kinh tế trong khu vực Đông Nam Á như là một đối trọng với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Thậm chí một nước khốn khó như Myanmar cũng mong muốn nâng cao quan hệ của mình với Mỹ nhằm cân bằng với sự chi phối của Trung Quốc. Trong bối cảnh này, có lẽ thách thức lớn nhất đối với lợi ích của Mỹ trong khu vực không phải là Trung Quốc mà chính là sự thờ ơ của Washington đối với khu vực này./.

( Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)


[1] Steven I. Levine, “China in Asia: The PRC as a Regional Power,” in Harry Harding, ed., China’s Foreign Relations in the 1980s (Yale University Press, 1984),), tr. 107.

[2] Điều này cho đến nay vẫn đúng. Xem, ví dụ như, China’s National Defense in 2008 (Beijing: Information Office of the State Council of the People’s Republic of China, January 2009), tr. 6.

[3] Để có một cái nhìn toàn diện về nỗ lực của Trung Quốc nhằm giải quyết các thách thức về an ninh với Nga và các nước CH Trung Á, xem Bates Gill, Bates Gill, Red Star Rising: China’s New Security Diplomacy (Brookings Institution Press, 2007), tr. 37,52.

[4] Andrew Scobell, “China and InterKorean Relations: Beijing as Balancer,” trong Samuel S. Kim, chủ biên., InterKorean Relations: Problems and Prospects (New York: Palgrave Macmillan, 2004), tr. 81,96.

[5] Do vị trí địa lý của mình, Việt Nam là một phần của cả vùng biển lẫn vùng lục địa của Đông Nam Á.

[6] Allen S. Whiting, ““ASEAN Eyes China: The Security Dimension,” Asian Survey XXXVII: 4 (tháng 4- 1997), trang 299 và 322.

[7] Xem, ví dụ như, Tim Johnston, “A wider radius: Southeast Asia as China’s economic of strategic influence grows…,” Financial Times, January 28, 2010, tr. 7.

[8] M. Taylor Fravel, Strong Borders, Secure Nation: Cooperation and Conflict in China’s Territorial Disputes (Princeton University Press, 2008), chương 3.

[9] Xem ví dụ như nghiên cứu về sông Mê-kông của Richard Cronin http://www.stimson.org/southeastasi a/?SN=SE 20060519999

[10] Dữ liệu do Cristine Salo sưu tầm.

[11]China’s National Defense in 2008,,tr. 50.

[12] “The Strengthening SinoASEAN Defense Ties,” The Straits Times (Singapore) October 12, 2009. Trích từ dữ liệu của Viện nghiên cứu hoà bình quốc tế Stockhom (Stockholm International Peace Research Institute).

[13] Joyce Roque, “China’s Relationship with Myanmar,” China Briefing August 27, 2008 truy cập tại

http://www.chinabriefing.com/news/2008/08/27/chinasrelationshipwithmyanmar.html

[14] Về các vấn đề này, xem Andrew Scobell, “China’s Strategy toward the South China Sea,”” trong Martin Edmonds và Michael M. Tsai, chủ biên, Taiwan’s Maritime Security (Routledge Curzon, 2003), tr. 41.

[15] Andrew Scobell, “China’s Rise: How Peaceful?” trong Sumit Ganguly, Joseph Chinyong Liow, và Andrew Scobell, chủ biên, Routledge Handbook of Asian Security Studies (Routledge, 2010),tr. 16. Thống kê lấy từ Fravel, Strong Borders, Secure Nation, Bảng 1.5 tr. 64-65.

[16] Scobell, “China’s Strategy toward the South China Sea,” tr. 42-43, và Andrew Scobell, “Slow Intensity Conflict in the South China Sea,” ENote (Philadelphia, PA: Foreign Policy Research Institute, phát hành 16-8-2000).

[17] Scobell, “China’s Strategy toward the South China Sea,” tr. 44, 45.

[18] Ezra F. Vogel, One Step Ahead in China: Guangdong Under Reform (Harvard University Press, 1989), (Harvard University Press, 1989), tr. 307.

[19] Ralf Emmers, “Maritime Security in Southeast Asia,” trong Ganguly, Scobell, và Liow, chủ biên., The Routledge Asian Security Studies Handbook, tr. 245.

[20] “Trouble and Strife in the South China Sea: Vietnam and China,” China Brief Vol. 8, no. 8 (14-4-2008).

[21] Về vấn đề này, xem Andrew Scobell, “Is There a CivilMilitary Gap in China’s Peaceful Rise?” Parameters Vol. XXXIX, no. 2 (Summer 2009), tr. 4,22.

.

.

.

No comments: