Monday, August 2, 2010

BIỂN ĐÔNG DẬY SÓNG

Biển Đông Dậy Sóng
Trần Khải

Chủ Nhật, 8/1/2010, 12:00:00 AM

http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=2&nid=162388

Không thể bình yên được. Nhiều người đã thấy như thế từ lâu. Có người đã thấy từ nhiều thập niên trước, rằng tình hình Trung Quốc đánh chiếm đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa năm 1974, và một phần Trường Sa của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa VN năm 1988 tất sẽ có những bước đi hung bạo xa thêm... Hay gần nhất, là khi Trung Quốc cuối năm 2007 đã chính thức lập huyện hành chánh Tam Sa để chính thức sáp nhập Hoàng Sa và Trường Sa vào với địa giới Hải Nam cũng không phải là để ngưng ở đó.

Tuổi trẻ cả ở Sài Gòn và Hà Nội, và ở nhiều thành phố lớn khắp thế giới đã biểu tình phản đối TQ trong những ngày cuối năm 2007 và đầu năm 2008 -- người ngoài nước thì không sao, người trong nước đã bị đàn áp dữ dội, trong đó nhà báo tự do Điếu Cày đã bị truy bức bằng cách ghép tội trốn thuế để bắt giam và kêu án tù.

Bây giờ, các diễn biến đã cho thấy dã tâm của TQ, nhưng chính phủ CSVN vẫn lặng lẽ đàn áp những người quan tâm về Trường Sa và Hoàng Sa, kể cả các đồng bào mặc áo in chữ kẻ tên các đảo...

.
Trong khi chính phủ CSVN đàn áp các tiếng nói của người dân, nhưng vẫn chuẩn bị làm các dàn phên dậu cho biển, đảo. Đặc biệt là kế hoạch liên minh đa phương, một giảỉ pháp được xem là có thể dùng để cản bước TQ.
Bản tin TTXVN từ Hà Nội cho biết một hội nghị các bộ trưởng quốc phòng ASEAN và các nước đối tác sẽ họp ở Hà Nội tháng 10-2010. Hội nghị này thường được viết tắt là ADMM+, viết theo tiếng Anh là ASEAN Defence Ministers' Meeting.
Bản tin đăng trên báo VIT cho biết:
“Chiều 29/7, tại Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao thư mời dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN cộng (ADMM+) cho các đại sứ, tùy viên Quân sự của các quốc gia thành viên ASEAN và 8 nước đối tác, đối thoại gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ.
ADMM+ lần này dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 12/10 tại Hà Nội với chủ đề “Tiềm năng, triển vọng và định hướng hợp tác thiết thực trong khuôn khổ ADMM+.”
...Cũng tại hội nghị này, các bộ trưởng dự kiến sẽ ký Tuyên bố chung của ADMM+. Đây là văn kiện có ý nghĩa lịch sử, phản ánh thiện chí chính trị và cam kết thúc đẩy hợp tác thiết thực của các Bộ trưởng Quốc phòng các quốc gia ASEAN và các nước đối tác, đối thoại vì hòa bình, ổn định và phát triển...”(
hết trích)
.

Tuyên bố chung của hội nghị ADMM+ sẽ nói gì? Sẽ bỏ phiếu để lấy thịt đè người, lấy nhiều bao vây ít, nhằm cô lập Trung Quốc? Chúng ta không hình dung được chính xác. Nhưng chắc chắn TQ sẽ không chịu để cho êm, bởi vì khi TQ vào dự hội nghị tháng 10-2010 sẽ thấy chung quanh toàn là “những đôi mắt hình viên đạn” đang lăm lăm từ phía VN, Indonesia, Phi Luật Tân, Mỹ, Ấn, Úc, Nhật, Nam Hàn...
Bởi vậy, Trung Quốc thấy hết, và đã tập trận ngay để dằn mặt. Bản tin đài VOA hôm Thứ Năm 29-7-2010 có nhan đề “Trung Quốc tập trận trong vùng biển Đông đang tranh chấp” đã ghi:
“Quân đội Trung Quốc cho biết họ đang thực hiện một cuộc thao diễn qui mô lớn trong vùng biển Đông, nơi mới đây đã diễn ra nhiều vụ xích mích giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Tờ báo và trang Web của quân đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc cho biết vụ thao diễn đã được đặt dưới sự giám sát của Tổng tham mưu trưởng quân đội Trần Bỉnh Đức.
Tướng Trần Bỉnh Đức nói với các lực lượng dưới quyền ông rằng "họ phải cảnh giác vì có thể sẽ có những thay đổi trong nhiệm vụ và cần phải sẵn sàng chuẩn bị cụ thể ứng phó với những đụng độ quân sự."...”(
hết trích) Không e dè gì hết, Tướng Trần Bỉnh Đức nói thế, rằng sẵn sàng ứng phó đụng độ quân sự. Riêng với phía VN, các đụng độ quân sự đã có, nhưng 2 nước đều giấu bặt các tin giao chiến.
Lần tập trận này, tầm cỡ TQ đưa ra tới đâu?
Báo VIT từ Hà Nội, hôm Thứ Sáu 30-7-2010 bài “Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật quy mô lớn tại Biển Đông” kể:
“Hải quân Trung Quốc đã tiến hành cuộc huấn luyện diễn tập bắn đạn thật quy mô lớn tại Biển Đông, theo nguồn tin trên trang nhất của Nhật báo Quân đội Trung Quốc đăng tải ngày 29/7.
Như để tăng sức mạnh cho tuyên bố "Mỹ cần phải thay đổi chính sách để thừa nhận vai trò của Trung Quốc như một cường quốc lớn trên trường quốc tế nếu họ muốn tránh va chạm và bất ổn!"
-
được đăng tải trên một tờ báo lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc - từ giữa tháng 7 tới ngày 26/7 quân đội Trung Quốc đã tiến hành tập trận bắn đạn thật quy mô lớn trên biển Đông với sự tham gia của nhiều tàu chiến, tàu ngầm và máy bay chiến đấu.
Trung Quốc cũng đang gia tăng cường độ tập trận bắn đạn thật tại vùng biển Hoa Đông, cách không xa nơi liên quân Mỹ-Hàn đang tập trận.
Những phản ứng "cứng rắn" này của Trung Quốc xảy ra trong bối cảnh phía Đông Bắc Á đang có cuộc tập trận qui mô lớn của liên quân Mỹ-Hàn và phía Đông Nam Á vừa kết thúc diễn đàn các bộ trưởng ngoại giao ASEAN - ARF.(...)
Trung Quốc tập trung ba hạm đội tiến hành diễn tập bắn đạn thật tại Biển Đông: Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Nam Hải.
Hạm đội Nam Hải là thành phần tham gia chính thức với sự có mặt của tầu khu trục 171,169, tàu hộ vệ tên lửa 570, tàu tên lửa cơ động nhanh, tàu ngầm, máy bay tiêm kích, tàu tiếp tế hậu cần…. Hạm đội Đông hải với sự có mặt của tàu khu trục Hàng Châu-136, Phúc Châu-137, Thái Châu-138, Ninh Ba-139. Hạm đội Bắc Hải cử tàu khu trục 116 và một số tàu hội vệ tên lửa khác.
Được biết, tham gia thị sát và kiểm tra lần diễn tập này với sự có mặt của tổng tham mưu trưởng, ủy viên quân ủy trung ương - ChenBingDe, tư lệnh hải quân, ủy viên quân ủy trung ương-WuShengLi, Tư lệnh quân khu Quảng Châu-XuFenLin, lãnh đạo quốc gia và các cơ quan hữu quan, lãnh đạo cục công nghiệp quốc phòng…”(
hết trích)

Ghi nhận: Chen Bing De phiên âm là Trần Bỉnh Đức. Như thế, tham dự tập trận có một số lãnh đạo cấp cao nhất của quân lực TQ. Nghĩa là để nâng tầm mức hù dọa.

.
Riêng đối với các nhà dân chủ VN, họ đã nghe Biển Đông vang dậy tiếng súng từ cuối năm 2007 rồi.
Lúc đó, hành vi hung hãn nhất là khi TQ cho lập “Tam Sa, một đô thị cấp huyện, thuộc tỉnh Hải Nam, do Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phê chuẩn thành lập vào tháng 11 năm 2007, có phạm vi quản lý 3 quần đảo trên Biển Đông: Hoàng Sa, Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa) và Trung Sa, với diện tích bằng 1/4 diện tích nước Trung Quốc. Trong 3 quần đảo trên, Hoàng Sa đang thuộc diện tranh chấp với Việt Nam, còn Trường Sa thuộc diện tranh chấp với Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei.” (Theo Wikipedia, Tự Điển Bách Khoa Mở)

.
Wikipedia cũng viết thêm:
“Kỳ họp thứ 10 của Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Nẵng khoá VII ngày 7 tháng 12 năm 2007 khẳng định Hoàng Sa là đơn vị hành chính của thành phố này và phản đối Trung Quốc đòi quản lý quần đảo này.
Ngày 9 tháng 12 năm 2007, vài trăm người Việt Nam đa số là sinh viên học sinh thông qua Internet và điện thoại di động đã tập hợp và biểu tình ôn hòa trước cổng Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và trước Lãnh sự quán Trung quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh để phản đối Trung Quốc và bảo vệ tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các cuộc biểu tình ôn hòa lại tiếp diễn vào ngày 16 tháng 12 tại hai thành phố trên, nhưng lần này cảnh sát ngăn không cho đoàn biểu tình tụ tập trước cổng các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc. Ở Hà Nội cuộc biểu tình biến thành một cuộc tuần hành trên một số đường phố chính...”
(hết trích)

.
Thông tin sơ sài của Wikipedia cho người đọc cảm giác rằng trang Tự Điển Bách Khoa này đang bị kiểm soát bởi Ban Tuyên Giáo Trung Ương, vì không nhắc tới những cuộc biểu tình đầu năm 2008, và các trường hợp truy bức kéo dài về sau đối với những người biểu tình, thí dụ như nhạc sĩ Tô Hải, anh Nguyễn Tiến Trung, anh Điếu Cày, đạo diễn Song Chi, chị Tạ Phong Tần, Thiên Sầu, Mẹ Nấm... Đúng ra, mỗi người tuy chung sức biểu tình, nhưng đều có cách tham dự riêng của họ. Trong đó, anh Trung hoạt động đảng phái và bị ghép chung hồ sơ truy tố với Lê Công Định và Trần Huỳnh Duy Thức.
Tuy bị truy bức, nhưng ngọn lửa vẫn nung nấu trong ước mơ giữ gìn Hoàng Sa, Trường Sa. Những phong trào khác tiến hành. Gần nhất, là sinh viên nhiều tỉnh in các chữ “HS – TS – VN” để gây ý thức rằng Hoàng Sa, Trường Sa và VN là một, bất kể bị công an rình rập, bắt bớ.

.
Trang Boxitvn.net trong phần Thư Bạn Đọc tuần này có ghi lời ông Lê Minh Thịnh, trích:
“...Ngày nay, trước nguy cơ Trung Quốc xâm chiếm lãnh hải và lãnh thổ, chúng ta lại thấy xuất hiện sáu chữ và tinh thần Trần Quốc Toản đang sống lại. Các em sinh viên tại Tây Ninh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Bình Dương, Hà Nội, Sài Gòn, Lạng Sơn đã góp phần đánh động lòng yêu nước bằng cách dán sáu chữ này khắp nơi, mặc dù “triều đình” đã bắt bớ, không cho biểu lộ lòng yêu nước, nhu nhược trong việc khẳng định chủ quyền, không làm tròn nhiệm vụ bảo vệ ngư dân, và yếu hèn trong việc cho thuê rừng và khai thác Bauxite. Nhưng, sáu chữ này đã, đang, và sẽ xuất hiện khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam, và ngay cả trên không gian ảo, kêu gọi người Việt trong và ngoài nước cùng chung sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải, quyết tâm chống kẻ nội gian tà đạo, đem lại tự do, bác ái, và sự trường tồn cho dân tộc.
Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam.”

.
Điều mới nhất hiển lộ, cho thấy lập trường Hà Nội đang bày tỏ cứng rắn hơn đối với các lấn lướt của TQ. Diễn tiến này cũng từ một thực tế căng thẳng lâu dài, kể cả nhiều lần hải chiến, theo một tiết lộ mới đây từ nhà báo ký tên The Hanoist trên tờ Asia Times ngày 30-7-2010, qua bản tin nhan đề ““Vietnam hedges its China risk.”
Bài báo trên Asia Times cho biết rằng Việt Nam và Ấn Độ có cơ hội kết thân chiến lược nhờ một thương lượng kinh doanh: hãng dầu BP cần tiền để dọn dầu loang ở Vịnh Mexico, đã rao bán nhìều tích sản, trong đó có khoản đầu tư trong vùng biển Nam Côn Sơn ngoàì khơi phía nam VN. Theo tin nhà nước, VN đã chấp thuận cho các hãng dầu quốc doanh Ấn Độ và hãng Petro Vietnam mua đứt cổ phần của BP.
Bài viết nhắc lại rằng, chính hãng BP đã nói hồi tháng 3-2009 rằng BP sẽ ngưng thăm dò vì bị áp lực từ TQ. Bây giờ chuyển sang cho hãng Ấn Độ, nhiều là sẽ ít bị hù dọa bởi TQ, VN đang khẳng định quyền khai thác dầu khí vùng 200 dặm này.
Bài của Người Hà Nội cũng nói, Nhật Bản và VN cũng mới loan báo thiết lập đối thoại an ninh song phương, gồm các viên chức quân sự và ngoại giao. Đó là diễn biến mới, vì trước giờ chỉ bàn duy về giao thương. Nhật Bản hiện đã có những cuộc đối thoại như thế với Mỹ, Úc và Ấn Độ.
Bài báo cũng nhắc rằng TQ đã chiếm Hoàng Sa năm 1974, đã giao chiến ở biên giới với VN năm 1979, và đã có hải chiến để chiếm một phần Trường Sa năm 1988. Theo các nguồn tin ngoại giao, TQ và VN cũng đã có những trận hải chiến mới đây là năm 2005 và có lẽ lần nữa vào năm 2008, mà không phổ biến các thông tin này.
Bài báo nói, nội bộ Đảng CSVN lần này, vào đầu năm tới, sẽ có tranh chấp giữa 2 phe thân và chống TQ.
Trong khi đó, một tướng lãnh VN tuyên bố rằng VN có đủ sức để ngăn cản “việc sử dụng bạo lực hay việc đe dọa sử dụng bạo lực” từ nước khác.
Đó là lời Tướng Nguyễn Chí Vịnh nói trong bản tin “A flash of steel and the velvet glove from Vietnam” trên tờ South China Morning Post ngày 29-7-2010.
Tướng Vịnh, hiện là Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng VN, được báo South China Morning Post mô tả là “được nhìn như là Bộ Trưởng Quốc Phòng tương lai” của VN, đã trả lời phóng viên Greg Torode rằng VN có “tất cả năng lực” để ngăn cản bất kỳ việc sử dụng vũ lực nào chống lại VN, và thúc giục hãy minh bạch hơn và tin cậy hơn trong quan hệ quân sự với TQ.
Tướng Vịnh nói, “Chúng tôi... sẽ không bao giờ muốn sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực để kiếm lợi cho mình. Một thông điệp minh bạch khác chúng tôi đã gửi tới tất cả công đồng quốc tế là chúng tôi không bao giờ chấp nhận... bất kỳ giảỉ pháp nào liên hệ tới việc dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực và chúng tôi có tất cả khả năng để ngăn chận điều đó.”
Được hỏi có phải ông ám chỉ TQ mới đây đe dọa VN, ông nói rằng “đó là câu hỏi dành cho TQ, không phảỉ để cho VN.” Tướng Vịnh trong bản tin cũng nói có thể VN sẽ kết thân hơn với Mỹ và Nga cũng như với TQ.
Như thế, phía VN đã bày tỏ cứng rắn. Và nói thẳng là sẽ kết thân với Mỹ. Điều chúng ta lo ngại rằng, sẽ có một sĩ quan tình báo cao cấp nào sẽ bán tin mật cho Trung Quốc, y hệt như thời cuộc chiến ở núi Loã Sơn, Hà Giang, năm 1984. Nghĩa là, bàn tay tình báo TQ đã gài ở Hà nội.

.
Thêm nữa, tại sao Hà Nội chưa trả tự do và giảỉ chế cho tất cả những người bị truy bức vì bênh vực chủ quyền VN. Thí dụ, hãy trả tự do cho anh Điếu Cày. Thí dụ, cho các hội đoàn địa phương mời anh Điếu Cày, chị Mẹ Nấm tới nói chuyện về lịch sử các đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Thí dụ, tại sao nhà nước chưa in hàng loạt áo T-shirt mang khẩu hiệu sáu chữ “Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam” để tặng cho sinh viên toàn quốc.
Giây phút này, không chuẩn bị tinh thần như thế, khi hữu sự sẽ có ai ra tác chiến giữ đảo, giữ biển? Không lẽ khi hữu sự, lại đưa các bác Nguyễn Trường Tô và Sầm Đức Xương ra ôm bom làm đặc công biển?
Hòa bình là phước đức lớn của dân tộc, nhưng không có nghĩa là để Biển Đông trở thành một Tân Cương, Tây Tạng mới, và nhỡ khi nạn mất biển xảy ra, thì đất mẹ cũng không thể nào giữ nổi. Vì chỉ có Biển Đông, mới là cớ chính đáng để Mỹ và Ấn Độ bênh vực, vì quốc tế cần có tuyến hải lưu thông thương.
Hãy đối xử tử tế với những người yêu nước đang bị công an truy bức, giam cầm và quản chế, trước khi nhà nước suy tính các trận Bạch Đằng Giang thời mới.

.

.

.

No comments: