Wednesday, August 4, 2010

ĐÀI BBC PHỎNG VẤN CÁC NHÀ VĂN TRƯỚC THỀM ĐẠI HỘI VIII

”Một thời đã qua”

BBC

Cập nhật: 12:57 GMT - thứ ba, 3 tháng 8, 2010

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture/2010/08/100803_nhattuan_interview.shtml

Đại hội toàn thể toàn quốc của Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra trong tuần này, từ 4 đến 6-8.

Điểm đặc biệt của lần họp này là cả 922 hội viên cả nước đều được tham dự, khác với những lần trước chỉ là đại hội đại biểu.

Trong loạt bài của BBC về sự kiện này, có những nhà văn như Nguyễn Phan Hách cho biết ông mong đợi sự kiện này và hy vọng nhân sự lãnh đạo mới là "nhà văn có uy tín" và đồng thời, phải có những "người trẻ, đội ngũ trẻ, những nhân tố trẻ".

Nhưng cũng có những nhà văn không tham dự, như Nguyên Ngọc, Nhật Tuấn...

.

Trả lời phỏng vấn của BBC qua điện thoại hôm 3/8, nhà văn Nhật Tuấn, tác giả của Đi về nơi hoang dã (1988) và hiện sống ở Sài Gòn, cho biết lý do không dự đại hội Hội nhà văn lần thứ Tám.

Nhật Tuấn: Tuần trước, tôi có gặp nhà văn Nguyên Ngọc. Nhìn thấy ông như nhìn thấy cả một thời đã qua. Tôi ghé tai ông nói nhỏ: Anh ơi, một thời đã qua rồi.” Nguyên Ngọc nhìn tôi cười cười: “Nhưng mà thời mới chưa tới…”

Vâng, một thời đã qua rồi, cái thời nhà văn còn là “lương tâm thời đại”, “thư ký thời đại”, là bộ phận “nhạy cảm nhất của dân tộc”, cái thời ấy đã qua rồi.

Vào thời đó, nhà văn còn đau đáu những nỗi buồn dân tộc, còn rung cảm với những nỗi đau thời đại và họ “lập ngôn” bằng văn chương chứ ít ai đăng đàn phát biểu hoặc viết bài nghị luận.

Vào thời đó nhà văn đồng thời cũng là tác giả, nhắc tới tên nhà văn thường kèm theo tên tác phẩm. Như Hà Minh Tuân với “Vào đời”, Vũ Bão với “Sắp cưới”, Văn Linh với “Mùa hoa dẻ”…

Nếu văn chương thường được mùa vào thời điểm xã hội được xả xú páp thì ở Việt Nam đã có hai lần như vậy.

Lần thứ nhất, sau năm 1936, Mặt trận Bình dân Pháp lên cầm quyền, ở Việt Nam không khí cởi mở đến độ chỉ trong vòng 10 năm văn học VN đã có Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Nam Cao, Nguyễn Tuân … và cả một nền nghệ thuật ta vẫn gọi là “tiền chiến”. Tiếc thay, sau năm 1945, cái xú páp đã đóng lại rồi. Nhưng cũng còn may, giả thử Đảng CS Đông Dương cướp được chính quyền từ năm 1930, liệu chúng ta có được “Số đỏ”, “Chí Phèo”, “ Thiên Thai “, “Đêm Đông”, “Giọt mưa thu”…?

Đợt xả xú páp thứ 2 cho văn học chính là năm 1989 khi ông Tổng Bí thơ Nguyễn văn Linh lên tiếng cởi trói cho văn nghệ sĩ và lập tức một dòng văn học “phản kháng”, “phản tỉnh” đã ra đời với nhiều tác phẩm của nhiều tác giả mà cho đến nay vẫn là bộ phận sáng giá nhất trong kho lưu trữ văn học.

Rất tiếc cánh cửa mở hé năm 1989 chỉ hai năm sau đã đóng sập lại cho tới ngày nay.

Cái thời đó qua rồi và “cái thời mới” như nhà văn Nguyên Ngọc nói chắc phải chờ tới lần xả xú páp thứ ba thì văn học may ra có cơ hội được mùa.

Có thể biết trước cái đại hội nhà văn lần thứ 8 này chẳng có tác dụng gì trong việc thúc đẩy cái xú páp ấy mở ra nên tôi không tham gia.

BBC: Theo quan điểm của ông, Đại hội Hội nhà văn có tác động, ảnh hưởng gì đến dư luận xã hội hiện nay hay không?

Nhật Tuấn: Ai cũng biết Hội nhà văn là hội quần chúng của Đảng, là cơ quan để quản lý tư tưởng, sáng tác của nhà văn. Vào cái thời đã qua như tôi vừa nói, các nhà văn còn có “ý thức công dân”, có trách nhiệm với “lương tâm thời đại”, có đôi chút dũng cảm để “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Vào cái thời đó, Đảng đổ tiền bạc, công sức ra để làm công tác “quản lý nhà văn” là đúng rồi.

Thời nay vai trò “phản biện xã hội” dường như các nhà văn đã nhường cho các luật sư. Chính các luật sư mới là đối tượng Đảng cần phải lưu tâm, lo lắng tới chứ không phải các nhà văn. Ta cứ thử coi Cù Huy Hà Vũ, Lê thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Lê Công Định, Trần Đình Triển…Chính những luật sư đó mới là những người “phản biện” một cách sâu sắc, quyết liệt nhất.

Chính vì lẽ đó, tôi đề nghị Ban tuyên giáo tổ chức lại Hội nhà văn sao cho gọn nhẹ, thiết thực, rút bớt đến mức tối thiểu tiền tài trợ cho Hội. Ban chấp hành cần thiết phải am hiểu văn học Việt Nam để có thể tổ chức những cuộc hội thảo, định đúng giá trị những tác phẩm hiện nay còn nằm trong vùng “nhạy cảm” như “Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn, “Miền hoang tưởng” và “Trư cuồng” của Nguyễn Xuân Khánh, “Đi về nơi hoang dã” của Nhật Tuấn, “Đêm thánh nhân” của Nguyễn Đình Chính, “Người dẫn đường thọt chân” của Bùi Việt Sỹ, “Ngửa mặt kêu trời” của Tô Hoàng, vân vân…Mặt khác, cần kịp thời phát hiện những tài năng mới để quảng bá cho bạn đọc.

BBC: Xin hỏi ông nghĩ gì về thế hệ nhà văn trẻ gần đây?

Nhật Tuấn: Sau đại chiến lần thứ Hai, thế giới phục hưng, văn học nghệ thuật nở rộ những trào lưu “hiện đại” như chủ nghĩa hiện sinh, siêu thực, biểu hiện, cấu trúc…Tiếc thay khi đó văn nghệ sĩ miền Bắc lại kéo nhau lên rừng để học “đề cương văn hoá Diên An”, còn người đọc thì được giáo dục một thứ thẩm mỹ “văn hoá công nông” hoàn toàn xa lạ với thế giới bên ngoài.

Do mất cái gốc đó, nên sang thời kinh tế thị trường những thể nghiệm “hậu hiện đại” vừa khó được công chúng tiếp nhận vừa giống như trò nhăn mặt bắt chước Tây Thi đau bụng thời xưa. Tài năng lớn để có thể cho ra đời kỳ hoa dị thảo thì chưa thấy nhưng đã xuất hiện những tài năng trẻ thực sự như Nguyễn Ngọc Tư, Lynh Bacardi, Bùi Chát, Lý Đợi, Đinh thị Như Thuý…

Hy vọng họ sẽ vượt qua được cơn hồng thuỷ của sự dối trá đang diễn ra làm đảo lộn các giá trị để cho ra đời những kỳ hoa, dị thảo.

.

.

.

Phỏng vấn nhà văn Nguyễn Phan Hách

BBC

Cập nhật: 11:40 GMT - thứ ba, 3 tháng 8, 2010

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/av/2010/08/100803_nguyenphanhach.shtml

NGHE TẠI : http://www.bbc.co.uk/vietnamese/av/2010/08/100803_nguyenphanhach.shtml

.

.

.

Đại hội Hội nhà văn đổi mới hay không?

BBC

Cập nhật: 14:24 GMT - thứ bảy, 17 tháng 7, 2010

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture/2010/07/100714_writer_asso_congress.shtml

Theo dự kiến, từ ngày 3 - 6 tháng Tám tới đây, sẽ diễn ra Đại hội Ban chấp hành (BCH) Trung ương Hội Nhà văn Việt Nam, khóa VIII, một sự kiện được tổ chức năm năm một lần.

Một phần trong các nội dung chính của Đại hội sẽ đánh giá hoạt động, hiệu quả của BCH nhiệm kỳ khóa VII, đồng thời thảo luận phương hướng, mục tiêu, chương trình hành động của BCH khóa mới, bàn thảo quy mô, mô hình, tổ chức bộ máy của Trung ương hội và đặc biệt lựa chọn, giới thiệu nhân sự để bầu ra một Ban chấp hành mới.

Nhà văn Nguyễn Phan Hách, nguyên Giám đốc NXB Hội Nhà văn, cho BBC Việt ngữ hay rằng ông đang mong đợi sự kiện này diễn ra, song tiên lượng rằng việc bầu chọn nhân sự mới không đơn giản:

"Vấn đề bầu theo tôi là vấn đề tương đối phức tạp. Có người muốn gửi gắm nhân vật này, nhân vật kia ra gánh vác công việc. Nhưng người khác lại muốn gửi gắm các nhân vật khác," ông Hách nói.

Theo nhà văn này, nhân sự mới phải đảm bảo hai yếu tố. Thứ nhất bao gồm những người có tài tổ chức, có uy tín, đức độ, kinh nghiệm mà ông gợi ý thêm là "nhà văn có uy tín" và đồng thời, phải có những "người trẻ, đội ngũ trẻ, những nhân tố trẻ."

"Trong khóa trước, chúng tôi đã bầu được một số những người trẻ ví dụ như anh Hồ Anh Thái, chị Phan Thị Vàng Anh v.v... Còn lần này, ở các đại hội địa phương người ta cũng đã rất chú ý tới những nhân vật trẻ."

Ông Hách cũng kỳ vọng Đại hội và BCH khóa mới sẽ hoàn thiện thêm một số nội dung về hội viên, cơ cấu cũng như chuyên môn: "Cần trước hết làm sao có được một điều lệ hội chính xác, khoa học, sửa đổi hay hơn, chi tiết hơn điều lệ cũ.

"Rồi làm sao để tất cả các hội viên đoàn kết hơn, sáng tạo hơn, với nhiều khuynh hướng hơn nữa, để tạo thêm các tác phẩm hay cho nền văn học Việt Nam," ông nói.

.

'Đột biến'

Đưa ra dự đoán khái quát về điểm mới của Đại hội, vị hội viên năm nay 66 tuổi này nhận định, tuy vậy, Đại hội sẽ không có nhiều điểm mới so với các đại hội và nhiệm kỳ BCH các khóa trước:

"Nếu nói là những cái mới khác hẳn so với trước, thì có lẽ sẽ không có những chuyện mới khác hẳn các đại hội cũ. Mà sẽ là sự kế thừa, đồng thời có những sáng tạo để hoàn thiện hơn đại hội của mình."

Về tài trợ mà Hội nhà văn khóa vừa qua nhận được từ Ngân sách Nhà nước, ông Hách xác nhận đã có 'đột biến' về ngân sách hỗ trợ hội từ cấp trung ương tới cấp địa phương:

"Đột biến ở chỗ nhà nước cho một khoản tiền, để lấy tiền đó đầu tư chiều sâu cho rất nhiều nhà văn. Nhiều hội nhà văn địa phương, nhiều nhà văn địa phương cũng nhận được tiền."

Ông Hách cho biết có nhiều người chưa phải là hội viên hội nhà văn, mà chỉ là những người sáng tác ở địa phương, cũng đã nhận được tiền tài trợ.

"Tài trợ này có thể nói đã thấm sâu vào nhiều người," nhà văn nhận định.

Còn về kinh phí liên quan tới tham dự Đại hội tháng tới cho các hội viên có nhu cầu tham dự, nhà văn Nguyễn Quang Lập xác nhận:

"Tháng Tám này Đại hội chính thức có điều đặc biệt là nhà nước mở hầu bao cho anh em tham dự cả. Ngày xưa cứ hai nhà văn thì gạch một, bây giờ hai nhà văn không ai đại diện cho ai cả, cứ đến dự đại hội, nhà nước cho tiền cả," ông Lập nói.

.

'Hai gạch một'

Nhưng nhà văn mà cũng là một blogger nổi tiếng từ trong nước nhận định bản thân ông không muốn đi dự vì lý do sức khỏe và thời gian, và ông tin nhiều người khác cũng có thể không tham dự như ông:

"Ngày xưa, tôi dự đại hội vì tôi cũng như người ta hy vọng sẽ giải quyết được một việc, một ẩn ức, hay một khó khăn gì đó, đối với nhà văn.

"Nhưng trải qua mấy đại hội, chẳng thấy đại hội nào làm được việc đó cho nhà văn cả, nên hy vọng đó dần dần tiêu tan. Cá nhân tôi chẳng có hy vọng gì."

Ông Lập cho rằng công việc chính của nhà văn hướng tới cần phải là tác phẩm, chứ không phải là các vị trí hành chính trong các đoàn hội:

"Nhà văn cần tác phẩm thì ngồi làm việc đi. Còn tới đại hội để mong ngóng có một chân trong Ban chấp hành, thay vì làm sao để có tác phẩm tốt, thì đó không phải là nhà văn. Đó là nhà chính trị."

Bình luận riêng về một số ý kiến từ trong nước cho rằng Hội nhà văn cần xem lại bộ máy cơ cấu của mình, nhà văn Nguyễn Quang Lập nhận xét:

"Người ta có khuynh hướng hành chính hóa, chính trị hóa các hội như thế này. Cho nên các hội được tổ chức cũng giống như là các công ty, các tổng công ty. Cũng có các hội, chi hội, làm rất cồng kềnh. Cái đó chỉ làm cản trở cho việc giao tiếp giữa các nhà văn, mà chẳng để làm gì cả," ông nói.

.

.

.

No comments: