Monday, February 15, 2010

TRUNG QUỐC THẲNG TAY TRẤN ÁP GIỚI LY KHAI

Trung Quốc thẳng tay trấn áp giới ly khai dám thách thức vị trí độc tôn lãnh đạo của đảng Cộng sản
Đức Tâm
Bài đăng ngày 15/02/2010 - Cập nhật lần cuối ngày 15/02/2010 14:12 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/122/article_6906.asp
Việc chính quyền Bắc Kinh gia tăng trấn áp giới ly khai, đặc biệt là từ sau Thế Vận Hội Olympic mùa hè 2008, chứng tỏ là đảng Cộng sản Trung Quốc đang lo ngại trước những thách thức đe dọa vai trò lãnh đạo của mình.

Để được chấp nhận đứng ra đăng cai Thế Vận Hội mùa hè 2008, Trung Quốc đã cam kết cải thiện tình trạng nhân quyền. Thế nhưng, theo giới bảo vệ nhân quyền, từ hai năm qua, lập trường của chính phủ Trung Quốc trong hồ sơ này đã ngày càng cứng rắn hơn. Bắc Kinh không ngần ngại bỏ tù các nhà đối lập, kiểm duyệt gắt gao internet, phương tiện phát tán những bài viết đòi cải cách dân chủ, đa đảng, hoặc đàn áp những sắc tộc thiểu số bị coi là phản loạn, đòi ly khai, như tại Tây Tạng, Tân Cương.
Ngay tại Hồng Kông, một đặc khu có quyền tự trị tương đối rộng rãi, các nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyển cũng cảm nhận là gió đang đổi chiều.

Theo ông Nicholas Bequelin, thuộc tổ chức Human Rights Watch tại Hồng Kông, được AFP trích dẫn : « sự nghiêm khắc này chứng tỏ là đảng Cộng sản Trung Quốc ngày càng gặp khó khăn trong việc kiểm soát xã hội dân sự ».
Vẫn theo chuyên gia này, với Internet sự nhận thức về các quyền con người, giới báo chí ngày càng mạnh bạo hơn và những đòi hỏi xã hội của giai cấp trung lưu, tất cả những yếu tố nói trên đã tạo ra những thách thức chưa từng thấy đối với quyền lực của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Giới phân tích cho rằng các nhà ly khai như ông Lưu Hiểu Ba, Đàm Văn Thụy là những người đã phải trả giá đắt. Vào tuần trước, tòa phúc thẩm Trung Quốc y án 11 năm đối với ông Lưu Hiểu Ba. Còn trong phiên sơ thẩm, ông Đàm Văn Thụy đã phải lãnh án 5 năm tù. Tư pháp Trung Quốc cũng thẳng thừng tuyên án 3 năm tù đối với ông Hoàng Kỳ, người đã đưa lên Internet những vấn đề liên quan đến vụ các trường học xây dựng kém chất lượng và bị sụp đổ trong trận động đất tại Tứ Xuyên hồi năm 2008.

Theo ông Willy Lam, giáo sư đại học Hồng Kông, thì có sự đồng thuận tương đối mạnh mẽ giữa các phe phái bên trong đảng Cộng sản Trung Quốc và chính quyền, đó là phải đè bẹp giới bất đồng chính kiến và những thách thức của các nhà ly khai như ông Lưu Hiểu Ba, người dân Tây Tạng hay Duy Ngô Nhĩ.
Chính quyền cũng thường xuyên nhắc nhở, đe nẹt giới báo chí chính thức, còn Internet cũng như các mạng xã hội như Facebook và Twitter thì bị phong tỏa, đánh sập.
Vẫn theo chuyên gia Willy Lam, kể từ khi xuất hiện Hiến chương 08, ban lãnh đạo Trung Quốc nhìn nhận thấy một mối đe dọa mới đến từ Internet. Đảng Cộng sản đã tăng cường kiểm soát Internet và bỏ tù các nhà bất đồng chính kiến như ông Lưu Hiểu Ba, là những người sử dụng hệ thống Internet để quảng bá tư tưởng tự do, dân chủ.

Theo giới bảo vệ nhân quyền, Trung Quốc đã thành công trong việc chối bỏ thực hiện những cam kết cải thiện nhân quyền đưa ra hồi trước Thế Vận Hội mùa hè 2008. Bà Roseann Rife, thuộc Amnesty International giải thích là cuộc khủng hoảng tài chính đã làm tăng ảnh hưởng của Trung Quốc và suy nghĩ chung là họ khá mạnh để tiếp tục đường lối của mình.

Ông Bào Đồng, nguyên là thư ký của tổng bí thư Triệu Tử Dương có cùng nhận định : « chính phủ Trung Quốc cảm thấy khá mạnh để thách thức những giá trị phổ quát, các vụ xét xử gần đây đã chứng tỏ quyết tâm của họ ».

Cho đến nay, chính phủ Trung Quốc đã khai thác sự thành công về kinh tế, với tỷ lệ tăng trưởng trung bình khoảng 8% /năm, để duy trì mức nhân dụng, kìm hãm nạn thất nghiệp, đồng thời có gắng làm dịu đi những tranh chấp nhậy cảm nhất trong dân chúng, ví dụ như vụ cưỡng đoạt trưng dụng đất đai.
Tuy nhiên, những tuyên bố, hành động cứng rắn cũng phản ánh mối lo ngại của chính quyền trước tình trạng xã hội hiện nay. Tháng trước, ông Chu Vĩnh Khương, ủy viên bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc đã cảnh báo rằng « những đòi hỏi về công lý và bình đẳng xã hội của người dân ngày càng lớn ». Từ ngữ trong nguyên văn.


No comments: