Monday, February 15, 2010

TRUNG QUỐC BỊ NHU CẦU NGUYÊN LIỆU BÓ CHÂN

Trung Quốc bị nhu cầu nguyên liệu bó chân
Tú Anh
Bài đăng ngày 15/02/2010 - Cập nhật lần cuối ngày 15/02/2010 17:07 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/122/article_6913.asp
Trước thái độ cứng rắn của ba đối tác quốc tế, cuối cùng phía Trung Quốc phải đầu hàng chấp nhận mua khoáng sản theo giá đã quy định. Đây là một bài học cụ thể trong cách ứng xử với Bắc Kinh trong thương mại thế giới.

Muốn chiến thắng áp lực của Trung Quốc, các đối tác Tây phương phải giữ vững lập trường « trước sau như một » như ba tập đoàn khai thác quặng mỏ Anh, Úc và Brazil.
Trang thị trường của nhật báo Le Monde với bài « Trung Quốc bị đóng gông sắt » của nhà phân tích Alain Faujas nói lên được sức mạnh của tinh thần đoàn kết trong thương mại quốc tế đối với những bạn hàng lúc nào cũng lấy thịt đè người như Trung Quốc. bài báo mở đầu với nhận xét : « Trên thế giới này ít có ai tự dám tự hào là đã làm Trung Quốc phải « đầu hàng ».Từ tổng thống Mỹ Obama, tổng thống Pháp Sarkozy, công ty dịch vụ internet Google đều ước mơ. Thế nhưng BHP Billiton, tập đoàn khoáng sản số một thế giới đã thực hiện được ».
Theo thông tin từ Bắc Kinh, thứ sáu tuần trước 12/02/2010, năm công ty luyện kim quốc doanh Trung Quốc chấp nhận thỏa thuận với tập đoàn khoáng sản Anh Úc trả tiền mua nhiều tấn quặng sắt đang nằm chờ ở bến cảng với giá cao hơn giá hợp đồng 40%. Trung Quốc trong một thời gian dài kiên quyết chỉ trả thêm 20% trước khi phải lùi bước chấp nhận thực tế của thị trường. Trong một năm qua giá sắt trên thị trường đã tăng thêm 40% từ 62 đôla lên 82 đô la mỗi tấn.
Cú « chiếu bí thứ hai » là từ mùa xuân 2009, Trung Quốc muốn lợi dụng tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu để ép giá các công ty khoáng sản quốc tế đòi họ phải xuống giá sắt đến 45%.
Vấn đề là Bắc Kinh chơi cờ gian bạc lận. Vì trong cùng thời gian này, Trung Quốc tăng gia sản xuất thép lên đến cự điểm chiếm 50% lượng thép sản xuất trên toàn cầu, và do vậy rất thiếu sắt. Quặng sắt của Úc, Brazil trở thành nhu cầu sinh tử của ngành luyện kim Trung Quốc vì mỏ sắt của Hoa Lục cạn kiệt từ lượng tới phẩm chất.
Trung Quốc cũng không mua được sắt của Ấn Độ vì Ấn Độ cũng cần sắt cho công nghiệp đang phát triển mạnh của mình, và đánh thuế rất cao sắt xuất khẩu.
Nắm chắt được thế kẹt của Bắc Kinh, các tập đoàn Anh, Úc, Brazil bắt tay nhau thương lượng ở thế mạnh.
Gần đây, Trung Quốc bắt nhốt bốn nhân viên người Trung Hoa trong công ty xuất khẩu sắt của Úc tại Thượng Hải với tội danh « hối lộ » và « mua thông tin mật ».
Theo giới phân tích, thì 4 nhân viên này là nạn nhân của Bắc Kinh bị mất mặt nên tìm cách trả thù. Vì ngoài vấn đề giá sắt, Trung quốc còn thất bại trong kế hoạch liên danh với tập đoàn Úc Rio Tinto. Dù bị Bắc Kinh dụng kế « giết gà dọa khỉ » nhưng ba tập đoàn Anh, Úc, Brazil không lùi một ly.
Trước « tiếng thét hăm dọa của diều hâu » ba đối tác này đáp lại bằng lập luận không thể phản bác được : « Nếu các ông không chịu giá theo hợp đồng của chúng tôi thì hãy mua theo giá hiện hành trên thị trường hiện nay là từ 125 đến 130 đô la một tấn ». Tức là cao hơn 50% giá bán mỗi tấn sắt mà Trung Quốc từ chối.
Theo Le Monde, thật ra thì hai bên phải nương với nhau để sinh tồn. Ba tập đoàn Anh, Úc, Brazil cần thị trường Trung Quốc và ngược lại Trung Quốc biết rằng họ cần sắt của Anh, Úc, Brazil chứ không tìm đâu ra giá phải chăng. Điều mới mẻ là Bắc Kinh hết dám làm mưa làm gió.

Bong bóng đầu cơ địa ốc và sản xuất quá tải
Tình hình kinh tế Trung Quốc tiếp tục làm các chuyên gia lo ngại. Đứng trước nguy cơ « phát triển quá tải » , Trung Quốc siết chặt chính sách tiền tệ lần thứ hai trong vòng một tháng.
Nhật báo kinh tế Les Echos nhận định là biện pháp mới ban hành hôm thứ sáu buộc các ngân hàng phải nâng thêm mức dự trữ ngoại tệ thêm 0,5 điểm vào lúc chính phủ lo sợ xảy ra nạn bong bóng đầu cơ bị nổ tung. Bong bóng đầu cơ địa ốc vừa là chỉ số tăng trưởng phục hồi nhưng cũng là nguy cơ dẫn đến khủng hoảng tài chính. Do vậy nhà nước phải làm sao giữ tốc độ phát triển vừa đề phòng nổ bong bóng và sản xuất quá tải.
Theo các chuyên gia thì tại Trung Quốc có một sự đồng thuận là phải bỏ chính sách hổ trợ đầu tư bằng mọi giá trong năm 2010 này.



No comments: