Saturday, February 13, 2010

TẾT, NHÌN TỪ GÓC ĐỘ VĂN HOÁ

Tết, nhìn từ góc độ văn hoá
Như Mai
12/02/2010 - 16:13
http://www.bayvut.com.au/nh%E1%BB%8Bp-s%E1%BB%91ng/t%E1%BA%BFt-nh%C3%ACn-t%E1%BB%AB-g%C3%B3c-%C4%91%E1%BB%99-v%C4%83n-ho%C3%A1
Tùy theo tâm trạng của mỗi người, mỗi lần Tết đến là mỗi lần, với người này thì “Rũ áo phong sương trên gác trọ, lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang” (Thế Lữ), với kẻ khác lại chép miệng “lại Tết” vì Tết mang theo ‘nước thời gian gội tóc trắng phau phau” trong thơ của Đoàn Văn Cừ.
Tuy nhiên, nói chung, dù sống ở bất cứ đâu, với người Việt, Tết cũng là khoảng thời gian để mọi người tạm hoặc cố quên đi những lo toan, vất vả của một năm dài để “ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi” (nhạc Phạm Đình Chương) và gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp nhất.
Nhân dịp Tết Canh Dần, Bay Vút có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn, chủ nhiệm Ban Việt ngữ và Việt học tại Đại học Victoria ở Melbourne về ý nghĩa văn hoá của Tết Nguyên đán với người Việt Nam.

Bay Vút: Trước hết, xin Tiến sĩ cho biết về sự khác biệt giữa việc đón Tết tại Úc và Việt Nam?
Nguyễn Hưng Quốc: Môi trường khác, điều kiện sinh sống khác, cách đón Tết của người Việt tại Úc cũng như ở hải ngoại nói chung đương nhiên khác với cảnh đón Tết ở Việt Nam. Khác, theo tôi, chủ yếu ở điểm này: Người Việt ở Úc đón Tết lâu hơn nhưng, cuối cùng, bản thân ngày Tết lại trôi qua một cách lặng lẽ hơn. Lâu, có khi đến 4 - 5 tuần, nghĩa là lâu hơn ở Việt Nam gần gấp đôi. Ở Việt Nam, Tết thường bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp. Tại Úc, ít nhất là tại thành phố Melbourne, nơi tôi đang định cư, Tết bắt đầu bằng các ngày hội chợ ở các trung tâm thương mại của người Việt. Có khoảng 4 hoặc 5 trung tâm như thế. Để khỏi trùng nhau, các hội chợ ấy được rải đều vào cuối tuần cho từng nơi, thành ra nơi đầu tiên tổ chức hội chợ Tết có thể diễn ra vào một, hai tuần cuối cùng của tháng 11 âm lịch. Tuy nhiên, một điều hoàn toàn nghịch lý là tuy việc đón Tết kéo dài như thế nhưng khi ngày Tết đến, nó lại đến một cách lặng lẽ, nhất là khi Tết rơi đúng vào những ngày trong tuần là lúc hầu hết mọi người phải đi học hoặc đi làm.

Bay Vút: Hội chợ Tết tại các trung tâm thương mại mà ông đề cập có gì đặc biệt?
Nguyễn Hưng Quốc: Trước hết, xin lưu ý là thường các hội chợ Tết như vậy chỉ là một hình thức đón tết. Ngoài các hội chợ nhỏ như vậy, tại các địa phương có đông người Việt cư ngụ, còn có hình thức hội chợ lớn cho cả cộng đồng, có khi quy tụ được cả mấy chục ngàn người. Hai hình thức hội chợ này khác nhau không chỉ ở quy mô mà còn ở cả ý nghĩa nữa. Ở hình thức đầu, tại các trung tâm thương mại, ‘chợ’ là chính, ‘hội’ là phụ. Ở đó, tính chất thương mại lấn át tính chất xã hội và văn hoá. Còn ở hình thức sau, cho cả cộng đồng, tính chất ‘hội’ lại lấn át tính chất ‘chợ’, như vậy khía cạnh văn hoá nổi bật hẳn so với khía cạnh thương mại.

Bay Vút: Với các hình thức hội chợ như thế, việc đón Tết ở Úc cũng như ở hải ngoại nói chung, ngoài độ dài về thời gian như ông đã trình bày, về phương diện văn hoá còn có sự khác biệt nào khác nữa không?
Nguyễn Hưng Quốc: Khác nhiều. Chủ yếu về kích thước. Việc đón Tết và mừng Tết ở Việt Nam có nhiều kích thước khác nhau. Trước hết là quy mô gia đình. Tết, trước hết, là một sinh hoạt gia đình, hoặc rộng hơn, gia tộc, lúc mọi người trong dòng họ gặp gỡ nhau, vừa để mừng nhau, vừa để tưởng nhớ tổ tiên và những người đã khuất. Sau đó là kích thước làng xóm, lúc tình láng giềng được củng cố bằng những cuộc thăm viếng và chúc tụng nhau. Sau nữa là kích thước xã hội, lúc mọi người cùng hân hoan giã từ năm cũ và đón chào năm mới với những hy vọng mới.
Những kích thước ấy làm cho Tết có thêm một kích thước khác nữa: cá nhân. Tết là dịp mọi người ý thức về thời tính của cuộc đời, là dấu mốc quan trọng cho một kết thúc và một khởi sự, cho những hoài bão và ước mơ. Những ý thức ấy làm cho Tết có sắc thái tình cảm và đồng thời, sắc thái siêu hình, qua đó, người ta liên tưởng không những với truyền thống mà còn với cả những thế giới khác, kể cả thế giới của thần linh, nguồn gốc của những may mắn và rủi ro có thể gặp phải.
Ở Úc hay ở hải ngoại nói chung thì khác. Kích thước xã hội không có: trong khi chúng ta đón Tết hay mừng Tết, mọi người chung quanh, thuộc những sắc tộc và với những nền văn hoá khác, hoàn toàn dửng dưng, thậm chí, không hề hay biết gì cả. Kích thước làng xóm cũng không có: phần lớn người Việt sống xen kẽ với người Tây phương, ngay cả khi sống gần người Việt thì người ta cũng không còn giữ được thói quen đến gõ cửa nhà nhau để chúc Tết. Ngay cả kích thước gia đình cũng rất yếu ớt. Theo chỗ tôi biết, rất hiếm gia đình tổ chức đón Tết cho đàng hoàng. Phần lớn chỉ tập trung ăn uống với nhau một bữa là hết. Bữa ăn đêm giao thừa cũng thường kết thúc khá sớm. May mắn, ở hải ngoại, Tết có một kích thước khác: đó là kích thước cộng đồng. Các hội chợ Tết, dưới nhiều hình thức khác nhau, làm cho người Việt gặp gỡ nhau, chia sẻ với nhau ký ức tập thể liên quan đến một quê hương đã trở thành xa xôi.

Bay Vút: Ông vừa nhắc đến khái niệm ‘ký ức tập thể’. Theo tôi biết, hình như đó là một khái niệm khá mới, đúng không thưa ông?
Nguyễn Hưng Quốc: Đúng vậy. Đó là một khái niệm tương đối mới trong các ngành Văn hoá học ở Tây phương. Khái niệm ‘ký ức tập thể’ (collective memory) đặc biệt có ý nghĩa trong việc nghiên cứu các cộng đồng lưu vong (diaspora), trong đó, có cộng đồng lưu vong Việt Nam. Nói một cách tóm tắt, theo nhiều nhà nghiên cứu, nó là việc những người xa xứ gặp gỡ nhau và nối kết với nhau thành một cộng đồng cũng như duy trì mối quan hệ chặt chẽ với quê gốc không phải thông qua yếu tố địa lý mà chính là ký ức, một thứ ký ức tập thể gắn liền với những huyền thoại và kỷ niệm chung mang tầm quốc gia.

Bay Vút: Ký ức tập thể ấy có thể thấy rõ nhất ở đâu, thưa anh?
Nguyễn Hưng Quốc: Ở nhiều nơi. Nhưng rõ nhất là ở các tờ báo Tết. Hằng năm, cứ đến Tết, các báo bằng tiếng Việt đều ra các giai phẩm dày và khá đẹp để mừng xuân. Ở Việt Nam và hải ngoại cũng đều như thế. Không phải tất cả nhưng phần lớn các tờ báo đều ra giai phẩm xuân.

Bay Vút: Hình như người Úc không có thói quen ấy, phải không thưa ông?
Nguyễn Hưng Quốc: Không những ở Úc mà ở các nước nói tiếng Anh, như Anh, Mỹ, Canada và New Zealand, theo tôi biết đều không có hình thức báo Tết như thế. Ngay cả Tết năm 2000 và 2001, hai năm chuyển tiếp của hai thiên niên kỷ, các tờ báo tiếng Anh cũng không có giai phẩm gì đặc biệt. Ở Việt Nam thì khác. Ngay từ năm 1918, tạp chí Nam Phong đã ra số Tết. Báo Phong Hoá của nhóm Tự Lực Văn Đoàn từ đầu thập niên 1930 càng làm cho báo Tết khởi sắc, trở thành khuôn mẫu cho báo Tết sau này. Qua gần một thế kỷ, hình thức thay đổi, nhưng bản chất của báo Tết, kể cả báo Tết ở hải ngoại, vẫn là một. Đó là một thứ văn hoá nhìn lại. Nhìn lại một năm với những thành công và những thất bại. Nhìn lại một giáp với những biến cố. Nhìn lại một thế kỷ với những dấu mốc quan trọng. Và nhìn lại lịch sử với những truyền thống và huyền thoại nói chung. Nhìn lại. Mỗi số báo Tết là một sự nhìn lại, nên lúc nào chúng cũng nặng trĩu quá khứ và cũng man mác tâm sự u hoài. Báo Tết ở hải ngoại lại càng như vậy. Năm nào cũng có hình ảnh của hoa đào, hoa mai, dưa hấu, cây nêu, mâm ngũ quả, câu đối. Năm nào cũng có những bài viết về phong tục, tập quán. Năm nào cũng có những sự tích về bánh dày bánh chưng, những giai thoại liên quan đến các con vật biểu tượng của từng năm. Năm nào cũng thế.

Bay Vút: Nếu lặp lại như thế thì liệu có sợ rằng báo tết sẽ bị đơn điệu không thưa ông?
Nguyễn Hưng Quốc: Chữ ‘đơn điệu’ dùng đúng lắm. Phần lớn nội dung trong các tờ báo Tết lặp lại theo chu kỳ 12 năm. Bài vở viết trên báo tết năm Canh Dần này, chẳng hạn, chắc chắn là có khá nhiều điểm giống với các tờ báo Tết năm Mậu Dần, 1998, trước đó. Cũng chuyện cổ tích về con cọp. Cũng hình ảnh con cọp trong văn học dân gian. Cũng những thành ngữ và tục ngữ liên quan đến cọp. Cũng những năm Dần trong lịch sử đất nước từ thời cổ đại về sau. Rất ít thay đổi. Tuy nhiên, cần nói ngay, sự nhìn lại và lặp lại như vậy cũng có điều hay. Đó là dịp để mọi người cũng ôn lại lịch sử và truyền thống. Việc ôn lại thường xuyên như vậy không những củng cố kiến thức của từng cá nhân mà còn, quan trọng hơn, củng cố ký ức tập thể của cả động đồng. Để mọi người, bất kể những khác biệt về địa lý, giai cấp và chính kiến, có những ký ức và kỷ niệm giống nhau chung quanh những huyền thoại lập quốc, những cổ tích dân gian, những màu sắc giàu tính liên văn bản trong tiếng Việt mà họ sử dụng. Chính những ký ức và kỷ niệm này làm nên cái mà chúng ta gọi là quốc gia, nói theo chữ của Benedict Anderson, là một thứ ‘cộng đồng tưởng tượng’ (imagined community).



No comments: