Saturday, February 13, 2010

SỐ PHẬN CON CỌP TRONG THẾ KỶ 21

Số phận con cọp trong thế kỉ 21
Tuan’s blog
Friday, February 12, 2010
http://tuanvannguyen.blogspot.com/2010/02/nam-canh-dan-ang-en-va-so-phan-con-cop.html
Năm Canh Dần đang đến, và số phận con cọp lại được bàn đến với nhiều quan tâm về sự tồn tại của chúng. Báo Vietnamnet đăng một phóng sự về nạn buôn bán và giết cọp ngay tại Hà Nội rất sống động. Báo bee.net.vn phỏng vấn ông Scott Roberton, người đã từng làm công tác bảo tồn môi sinh ở Việt Nam gần 10 năm, và ông tiên đoán rằng với đà buôn bán cọp như hiện nay, loài vật này có thể biến mất hay diệt chủng ở VN trong vòng 10 năm tới. Báo Tiền Phong đăng một bài phóng sự dài, với đầy đủ chi tiết của các công đoạn chế biến xương cọp thành cao. Ở trời Tây, hình như tập san khoa học cũng nhận thức rằng đây là năm con cọp, nên PLoS có công bố một bài với nhiều thông tin thú vị về thái độ và nhận thức của người Trung Quốc liên quan đến việc buôn bán cọp. Nên nhớ rằng Trung Quốc là “thủ phạm” chính (gián tiếp và trực tiếp) trong việc mua bán và tiêu diệt cọp trên thế giới, vì thị trường thuốc Bắc rất lớn. Đọc xong bài này, chúng ta không có hi vọng gì ở người anh em khổng lồ phương Bắc trong nhận thức về bảo tồn loại động vật quí hiếm này. Nhưng đọc xong những bài trên báo VN, chúng ta thấy còn hãi hùng hơn là “phe ta” bắt chước một cách trung thành người anh em phương Bắc.

Giới y học cổ truyền xem cọp là một nguồn thuốc quí hiếm, và đây chính là một đe dọa cho sự tồn vong của cọp. Theo thống kê mới nhất, khoảng 1/3 dân số trên thế giới sử dụng một số thuốc y học cổ truyền, kể cả thuốc Bắc. Khoảng 13% nguyên liệu dùng chế biến thuốc Bắc là từ động vật hoang dã, kể cả cọp. Bất cứ cơ phận nào của cọp cũng có thể chế biến hay bán, vì người ta tin rằng chúng có giá trị sinh học. Người ta tin rằng cầu mắt cọp có thể dùng để điều trị bệnh động kinh; đuôi cọp trị bệnh da liễu; mật cọp cho chứng co giật ở trẻ em; râu cọp cho đau răng; óc cọp điều trị mụn nhọt. Nhưng xương cọp được xem là quí giá nhất. Những lời tán dương và niềm tin trên đây của giới báo chí và chuyên môn làm cho các cơ phận của cọp, mà đặc biệt là cao hổ cốt này trở thành một thần dược.

Trong các cơ phận của cọp, xương cọp được xem là một nguồn nguyên liệu quí hiếm để chế biến thuốc Bắc. Trên mạng, một số bác sĩ và chuyên gia viết bài ca ngợi lợi ích của cao hổ cốt trong việc điều trị các bệnh mãn tính liên quan đến xương khớp. Có người còn cho biết cao hổ cốt có hiệu quả tăng cường dương, thậm chí … bài trừ ma quỉ. Một số bài viết với phong cách tương đối khoa học hơn, mô tả thành phần hóa học trong xương cọp như calcium phosphate, collagen. (Tôi không biết có xương động vật nào mà không có những hợp chất này!) Người ta còn trích dẫn ý kiến của một giáo sư thuộc Viện Quân y 103 (đăng trên một tạp chí y học) cho biết lượng amino acid trong xương cọp cao gấp 900 lần xương các động vật khác (không biết động vật nào), cho nên khi uống vào, người ta thấy khỏe khoắn, hết đau xương, đau cốt!

Nhưng xương cọp và cao hổ cốt có hiệu quả y học để xứng đáng cái giá làm đe dọa đến sự tồn vong của dã thú này? Trái lại với những thuốc cổ truyền dựa vào thực vật, thuốc Bắc chế biến từ động vật chưa bao giờ được thử nghiệm lâm sàng để biết hiệu quả của chúng ra sao. Cho đến nay, chưa có một nghiên cứu khoa học nào trong y văn cho thấy cao hổ cốt có hiệu quả điều trị bệnh viêm khớp xương hay loãng xương. Cũng chưa có một bằng chứng khoa học nào cho thấy cao hổ cốt có hiệu quả chống viêm và cường dương. Nói lại cho chắc: Hoàn toàn không có bằng chứng nào để nói rằng cao hổ cốt có hiệu quả làm giảm đau khớp hay chống loãng xương hay có hiệu quả cường dương. Hoàn toàn không.

Tất cả những cái gọi là lợi ích y tế của cao hổ cốt chỉ là những lời đồn đại, huyền thoại, và niềm tin. Trong lịch sử y khoa, không thiếu những đồn đại và huyền thoại kéo dài hàng trăm năm, nhưng đến khi đưa vào thử nghiệm bằng khoa học thì tất cả đều trở nên hài hước. Đã đến lúc có thể khẳng định rằng cao hổ cốt chẳng có giá trị y khoa nào.

Tuy nhiên, vì được quảng bá như là một thần dược, nên người ta đổ xô đi tìm cao hổ cốt, và làm lợi cho giới kinh doanh món hàng này. Trong thời gian 1990 đến 1992, Trung Quốc xuất khẩu 27 triệu đơn vị sản phẩm chế biến từ cọp. Trung Quốc là nơi chế biến và tiêu thụ cọp nhiều nhất thế giới, và bị các tổ chức bảo vệ môi sinh chỉ trích nhiều nhất. Năm 1993, trước áp lực của các tổ chức quốc tế, chính phủ Trung Quốc ra lệnh cấm buôn bán cọp và các cơ phận của cọp. Tuy nhiên, trong thực tế, cọp ở Trung Quốc vẫn bị bắt và “hi sinh” cho các mục tiêu kinh doanh.

Nhận thức của người Trung Quốc về cọp rất mâu thuẫn và tầm nhìn của họ rất hạn hẹp. Khi được hỏi có nên bảo tồn loài cọp, 96% những người (TQ) trả lời là rất việc bảo tồn cọp rất quan trọng. Nhưng có đến 40% không hiểu được rằng luật cám buôn bán cọp là hành động quan trọng để bảo vệ cọp. Chỉ có 32% người TQ biết rằng hiện nay trên thế giới số cọp tồn tại chỉ không đầy 5000 con, và chỉ có 10% biết rằng ở Trung Quốc hiện nay chỉ có khoảng 50 cọp còn sống sót.

Một cuộc điều tra xã hội ở Trung Quốc cho thấy có 43% người dân được hỏi cho biết họ từng dùng các sản phẩm chế biến từ các cơ phận của cọp. Khi được hỏi dùng cao hổ cốt để làm gì, 57% trả lời là để điều trị viêm khớp xương, 38% bổ sung calcium, 23% dùng cho chống viêm. Chính vì nhu cầu này mà giá của cao hổ cốt rất đắt. Hiện nay, trên thị trường chui, một kí lô xương cọp giá từ 1250 đến 3750 USD. Mỗi con cọp trung bình có trọng lượng xương khoảng 20 kg. Đó chỉ là xương, nhưng tất cả các cơ phận khác của cọp cũng được tận dụng. Do đó, không ngạc nhiên khi giá một con cọp lên đến hàng trăm ngàn USD. Với lợi ích kinh tế này, không ngạc nhiên, ở các nước có thu nhập thấp (như ở nước ta và Trung Quốc) việc bắt và giết cọp để kinh doanh là một nghề hái ra tiền.

Nhưng đã đến lúc xã hội cần phải lên án việc bắt giết cọp. Trong thời gian 10 năm qua, các chuyên gia ước tính rằng diện tích đất cọp sinh sống đã giảm đến 41%, do gia tăng dân số và phát triển kinh tế đi kèm theo phá hủy môi sinh. Cọp trở thành tiệt chủng ở Bali từ thập biên 1940, Java vào thập niên 1980, và vùng biển Caspian vào thập niên 1970. Riêng ở Đông Dương, vài năm trước đây, tạp chí National Geographic ước tính rằng số cọp còn sống sót trong rừng chỉ khoảng 300 con hay ít hơn!

Nạn bắt giết cọp xuất phát từ những huyền thoại về cao hổ cốt mà giới y học cổ truyền từng quảng bá, và hành động này cần phải xem lại. Như nói trên, hoàn toàn không có bằng chứng khoa học nào để cho rằng cao hổ cốt hay cơ phận của cọp có hiệu quả điều trị các bệnh mãn tính. Do đó, có thể nói không ngoa rằng những cái giá mà người ta trả cho cao hổ cốt hay các sản phẩm chế biến từ cọp chẳng khác gì một sự đốt tiền. Chẳng những đốt tiền mà còn gián tiếp gây tác hại nghiêm trọng đến sự tồn vong của một động vật hoang dã đã tồn tại qua hàng triệu năm.

Vì không có bằng chứng về hiệu quả và vì sự đe dọa đến môi trường, chúng ta phải suy nghĩ lại việc sử dụng các thuốc được chế biến từ các cơ phận của động vật hoang dã. Khó tìm một lí do thuyết phục nào để giết một động vật như cọp để lấy làm thuốc cho con người, nếu thuốc đó chẳng đem lại lợi ích gì cho con người; ngược lại, giết một động vật quan trọng như cọp chẳng những gây ra những đau đớn không cần thiết mà có thể đem lại nguy hiểm cho chính con người. Bất cứ loại thuốc nào, kể cả thuốc Bắc, phải được bào chế dựa trên nguyên tắc đạo đức, không gây tổn hại đến môi trường, và phải nằm trong khuôn khổ của luật pháp quốc gia vả quốc tế. Dựa vào ba nguyên tắc này, không có lí do gì cao hổ cốt có mặt trong tủ thuốc Bắc.

NVT

No comments: