Wednesday, February 17, 2010

NGÀY TẾT của CỰU TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ NGUYỄN NGỌC QUANG

Ngày Tết của cựu tù nhân chính trị Nguyễn Ngọc Quang
Gia Minh, Biên tập viên RFA
2010-02-17
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Released-dissident-s-opinion-on-new-year-02172010063137.html
Cuộc sống và những ước mơ của một nhà đấu tranh dân chủ từng bị giam giữ hơn 3 năm về tội “Chống phá nhà nước”
Một tù nhân chính trị được trả tự do hồi năm ngoái, sau ba năm bị chính quyền Hà Nội giam giữ về tội ‘tuyên truyền chống Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội chủ nghĩa Việt Nam’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự, ông Nguyễn Ngọc Quang, vào hôm 28 tết vừa qua, có cuộc trao đổi với Đài Á Châu Tự do về việc chuẩn bị tết cũng như mong ước trong năm mới. Bài phỏng vấn do Gia Minh thực hiện.

Đưa ra khỏi thành phố để dễ kiểm sóat

Nguyễn Ngọc Quang: Người ta không cho phép tôi ở Sài Gòn nữa, phải chuyển về Đồng Nai. Họ không quản chế tôi được tại Sài Gòn, nên họ phải buộc chủ nhà không cho tôi thuê nhà nữa, chấm dứt hợp đồng. Con tôi cũng không được cho đi học ở Sài Gòn, buộc tôi phải về Đồng Nai.
Gia Minh: Tuy bị buộc về Đồng Nai và đang trong thời gian quản chế, ông có liên lạc với những người đồng chí hướng không?
Nguyễn Ngọc Quang: Nói thật, cũng vì việc liên lạc với những người đấu tranh cho dân chủ, sáng hôm qua – 27 Tết, công an đến nhà tôi kêu tôi lên xã làm việc. Tôi nói với họ không đi. Sáng nay họ gửi cho tôi một giấy mời yêu cầu ngày mai- 29 Tết- đến cơ quan Công an Xã làm việc. Tôi cũng nói tôi không đi làm việc và tôi trả giấy mời lại.
Lý do họ mời tôi vì nhận thấy tôi luôn liên lạc với các anh em dân chủ, ví dụ cách đây bốn ngày tôi có đi gặp anh Đỗ Nam Hải. Họ cũng biết điều đó. Ngoài ra tôi gặp chị Dương thị Tân, vợ anh Điếu Cày, và một số anh em trong nhóm Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự do. Tôi gặp thường xuyên và không ngại gì cả. Cũng vì lý do đó mà họ làm phiền tôi nhiều lắm.
Gia Minh: Còn đối với gia đình ông thì thế nào?
Nguyễn Ngọc Quang: Nói đúng ra đối với gia đình tôi họ chưa làm gì, dù rằng ở khu vực thôn quê việc quản chế dể dàng hơn ơ thành phố. Họ cũng dòm ngó dữ lắm nhưng vẫn để gia đình tôi sinh hoạt tự nhiên, không bị khủng bố như ở Sài Gòn.
Gia Minh: Đó là địa phương nào?
Nguyễn Ngọc Quang: Tôi đang ở xã Ngọc Định, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Ở thôn quê nên Tết cũng bình thường thôi.
Tôi cũng có sự chuẩn bị nhưng chuẩn bị để giúp cho anh em trong trại tù nơi tôi bị giam chung với họ ba năm. Ở đó với họ ba năm, nay ra tù và khi Tết đến thì tình cảm dành hết cho họ. Tôi không chuẩn bị gì cho gia đình hết mà cố thu vén để gửi vào cho anh em bạn còn trong tù.
Gia Minh: Xin ông cho biết thời gian còn ở trong tù, ông có những khoảnh khắc mùa xuân ra sao?
Nguyễn Ngọc Quang: Theo lời của anh Nguyễn Hữu Cầu, Tết năm ngoái là lần đầu tiên trong ba mươi mấy năm ở tù hai khu biệt giam tù nhân chính trị được thăm nhau. Trước đó không hề có chuyện ấy, tức tù biệt giam, tù chính trị không được thăm viếng nhau. Tết năm ngoái anh em đấu tranh, đề xuất lên Ban Giám thị trại giam, cuối cùng họ chấp nhận cho anh em được thăm nhau một tiếng đồng hồ.

Kỷ niệm và ước mơ

Gia Minh: Khẩu phần ăn uống trong ngày Tết có gì khác không?
Nguyễn Ngọc Quang: Theo pháp lệnh thi hành án thì trong ngày Tết khẩu phần ăn được tăng lên gấp ba lần. Ngày thường mỗi tháng khẩu phần thịt và cá cộng lại được tám lạng, chia cho 30 ngày. Tôi đùa nói với anh em ‘tha hồ ăn’. Tết gấp ba lần tức chừng khoảng hơn hai lạng.
Gia Minh: Đó là một số chia xẻ về thời gian ở trại giam. Vào thời điểm năm mới, ông có những ước mong và cầu chúc gì?
Nguyễn Ngọc Quang: Mong ước không phải của riêng tôi mà của 85 triệu người dân Việt, dù hiện nay còn có phân nửa vẫn còn sợ hải, là có một cuộc sống tự do, một nền dân chủ đích thực, một xã hội đa nguyên hơn.
Đến ngày Tết tôi mong muốn mọi người Việt Nam nên nhìn lại, bỏ hết tất cả mọi sự sợ hãi mà chính quyền Hà Nội gieo vào lòng họ bằng súng, bằng cùm, bằng nhà lao, bằng gươm, bằng mác… Tôi mong ước Việt Nam thoát khỏi sự nô lệ một chủ thuyết ngoại bang, đó là chủ thuyết cộng sản.
Gia Minh: Và lời cầu chúc?
Nguyễn Ngọc Quang: Tôi cầu chúc cho mọi người trước hết có sức khỏe và một tinh thần kiên cường, ý chí bất khuất để đòi lại cho bằng được tất cả những gì mình hẳn có, cái của mình bị người khác dùng bạo lực tước đi. Tôi cầu chúc cho họ thành công trong điều đó.
Gia Minh: Cám ơn về những chia xẻ và mong ước của Ông.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.


No comments: