Saturday, February 13, 2010

MÙA XUÂN NGHĨ VỀ NHỮNG NGƯỜI TÙ

Mùa xuân nghĩ về những người tù
Lê Trần Luật
Feb 13, '10 12:24 PM
http://letranluat.multiply.com/journal/item/10/10
Mùa xuân là mùa của cảm xúc. Mùa xuân là mùa của tình yêu. Mùa xuân là mùa của đoàn tụ và sum họp. Mùa xuân là mùa của hy vọng về tương lai.
Có những người đón mùa xuân trong tâm trạng ngập tràn niềm vui. Có những người đón mùa xuân trong nổi cô đơn buồn tủi. Có những người không biết mùa xuân đến từ bao giờ.

Không biết có ai nghĩ về những người dấn thân cho công lý đang đón mùa xuân ở trong chốn lao tù hay không. Họ đã hy sinh nhiều mùa xuân của mình để hy vọng dân tộc thực sự có một Mùa Xuân. Tôi đã nghĩ về họ theo trật tự thời gian trong những trải nghiệm của mình.

Người tù số một- blogger Điếu Cày.
Tôi chưa từng gặp anh bao giờ, nhưng anh là khởi sự đầu tiên của tôi cho cuộc đấu tranh vì công lý. Tôi ngưỡng mộ lòng yêu nước của anh. Dù không được là luật sư cho anh nhưng tôi luôn tin chắc rằng anh vô tội. Hoàng sa, Trường sa mãi mãi là của anh, của mỗi người dân Việt chúng ta. Hết mùa xuân này anh sẽ trở về trong vòng tay thương yêu và kính trọng của mọi người.

Người tù số hai- ký giả Trương Minh Đức
Tôi là luật sư của anh. Tôi được nói chuyện nhiều lần với anh ở trại giam Cầu ván- Kiên giang. Anh có đôi mắt đầy kiên quyết. Một mình anh 3h sáng đi rải tryền đơn từ cầu Bình triệu đến cầu Khánh hội. Anh viết phóng sự về những vụ án oan sai ở Kiên giang. Anh giúp dân oan làm đơn khiếu kiện. Anh đã gọi Tòa án là “Tà án”, Viện kiểm sát nhân dân là “Viện cố sát nhân dân”. Tại tòa anh đã mạnh dạn hô to: “ Đả đảo cộng sản”. Hình ảnh anh bị lôi lên xe cảnh sát cho đến bây giờ vẫn ám ảnh tôi. Tôi nghiệm ra rằng đấu tranh cần có những người kiên cường như anh. Trong trại giam Cầu ván anh đã giúp một người bạn tù tên Vượng thoát khỏi bản án oan sai đến 15 năm. Người đó bây giờ được tự do vẫn hay gửi quà thăm nuôi “bố Đức”. Anh bị kết án 5 Mùa xuân.

Người tù số ba- kỹ sư Phạm Bá Hải
Tôi gặp anh ở trại giam B34- Bộ Công an. Tóc anh đã điểm bạc nhưng đôi mắt vẫn toát lên sự thông minh sáng ngời. Tôi nói với anh: “ Anh phải thấy hành động của anh là không phạm tội thì tôi mới làm luật sư cho anh được”. Anh nói:“ Đúng, đúng, tôi đang cần một luật sư như vậy”. Hai hôm sau tôi trở lại trại giam để bàn với anh về bài bào chữa của tôi. Anh tỏ ra là một nhà lý luận khá sắc sảo. Anh là người phân tích cho tôi thấy đa nguyên đa đảng đơn thuần chỉ là một khoa học về chính trị. Anh phải hy sinh 5 mùa xuân cho cái gọi là khoa học về chính trị.

Người tù số bốn- dân oan Lương Văn Sinh
Tôi gặp anh vào một ngày nắng gắt ở trại giam Hàm tân. Anh thấp người nhưng rắn chắc. Anh bị chuyển từ tội danh : “ Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” sang tội “ Gây rối trật tự công cộng”. Anh nói anh bị lừa nhận tội và bị đe dọa nếu kháng cáo sẻ tăng hình phạt. Tại tòa anh đưa ra hình ảnh hết sức sinh động: “ Con chim bị phá tổ còn kêu la thảm thiết huống chi tôi là con người bị mất hết nhà cửa, đất đai mà bảo tôi đừng khiếu nại, hay biểu tình”. Tòa lạnh lùng đáp: “ Người không được so sánh như chim”. Kết quả anh bị tuyên 2 mùa xuân, không biết khi về anh có tổ ấm nào để nương thân không.

Người tù số năm- người tù đặc biệt Phan Văn Sào
Sở dĩ tôi nghĩ anh là người đặc biệt vì không biết gọi anh như thế nào. Anh không phải là những nhà đấu tranh, cũng không phải là dân oan. Anh khiếu kiện vì một mảnh đất của một người hảo tâm hiến tặng cho Nhà Nước để làm Trường mẫu giáo. Một phần mảnh đất này bị một gia đình chức sắc địa phương chiếm làm của riêng- vị bí thư xã. Anh cực kỳ thông minh và sắc sảo trong lập luận dù anh ít học. Do sợ bị phát hiện, nên anh đã đo chiều dài của mảnh đất bị chiếm dụng bằng cách chạy xe từ đầu này sang đầu kia của mảnh đất. Sau đó tính vòng quay của bánh xe và nhân với chu vi. Tại Tòa anh đã làm cho Viện kiểm sát nhiều lần“ bí” vì khả năng lập luận hết sức lo-gich của mình. Trước khi bị kết tội “ Vu khống” anh bị cho là “có dấu hiệu tâm thần” và buộc phải “chữa bệnh”. Đây là mùa xuân thứ hai anh không được về với vợ con mình.

Người tù số sáu – Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa
Tôi gặp anh trong vụ kiện biểu tình. Anh trầm ngâm và hay suy tư. Suốt chặng đường đi cùng anh từ Hải Phòng đến Hà Nội, anh chỉ nói đôi câu. Anh bảo sau này anh sẻ viết một tác phẩm văn học để nói lên “thực trạng” xã hội hiện nay (xin thay đổi chữ dùng của anh ). Sau đó anh bảo phải hành động cụ thể chứ viết lách không ăn thua gì. Vâng! Anh đã hành động rất cụ thể bằng cách treo biểu ngữ trên cầu Lạch tray và cầu Lai cách. Anh bị mất 5 mùa xuân cho hành động cụ thể của mình.

Người tù số bảy- sinh viên Ngô Quỳnh
Khi hay tin em được trả tự do sau chín ngày bị giam giữ. Tôi lập tức có mặt ở Hà Nội để gặp em. Em gầy, đẹp trai và rất thư sinh. Em kể tôi nghe sự việc và những ngày trong tù. Tôi lại nhận định sai lầm là Quỳnh sẻ không bị khởi tố. Tối hôm đó em ngủ lại khách sạn với tôi. Chiều hôm sau tôi hay tin an ninh của Bộ Công an đang xét nhà và đọc lệnh khởi tố em. Đó là lần đầu cũng như lần sau cùng tôi nhìn thấy em- tác giả của những chiếc bong bóng nhân quyền cho Việt Nam. Đã hai mùa xuân rồi em không sum họp cùng gia đình.

Người tù số tám- nữ chiến sỹ can trường Phạm Thanh Nghiên.
Có quá nhiều kỷ niệm với con người này, tôi không biết phải viết gì. Nghe nói Viện kiểm sát đã rút lại một phần cáo trạng truy tố về hành vi tọa kháng tại nhà của em, nhưng nếu đúng như thế thì chắc chắn phiên phúc thẩm sắp tới sẽ có nhiều điều thú vị. Em bị mất bốn mùa xuân nhưng em mãi mãi là mùa xuân trong lòng mọi người.

Người tù số chín- thiên tài Trần Huỳnh Duy Thức.

Tôi nói với bạn tôi: “Anh Thức có dấu hiệu của một thiên tài” . Bạn tôi bảo: “ Đó thật sự là một thiên tài rồi chứ còn dấu hiệu gì nửa”. Anh phải mất mười sáu mùa xuân cho hành động kiên cường không nhận tội của mình. Nhưng nếu đúng như nhận định của anh về “năm tận” “năm vong” thì tôi hy vọng anh chỉ mất chưa đến một nửa trong số đó.

Người tù số mười- người tù vĩ đại nhất của lịch sử hiện đại Việt Nam- linh mục Nguyễn Văn Lý
Chẳng biết Cha đã mất bao nhiêu mùa xuân rồi nữa. Chỉ thầm cầu nguyện cho Cha được bình an trong chốn lao tù.

Còn biết bao nhiêu người đấu tranh đang đón mùa xuân trong bốn bức tường , tôi chợt nhớ đến câu: “Mỗi người dân Việt Nam là một người tù hờ”.



No comments: