Friday, May 8, 2009

VIỆT NAM - HÀN QUỐC - TRUNG QUỐC

Việt Nam, Hàn Quốc và Trung Quốc
Ngô Nhân Dụng
Thursday, May 07, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=94596&z=7
Vào thế kỷ thứ 7, cả Việt Nam và Hàn Quốc đều được nhà Ðường bên Trung Quốc chiếu cố bằng chính sách bành trướng. Vua Cao Tông nhà Ðường sai Tiết Nhân Quý (Xue Renguy) chinh phục xứ Cao Ly, lúc đó họ đang chia làm ba nước, rồi nhà Ðường lập An Ðông Ðô Hộ Phủ vào năm 668 để cai trị Triều Tiên. Rút kinh nghiệm đó Cao Tông cũng sai lập An Nam Ðô Hộ Phủ vào năm 679 để cai trị 12 châu của xứ Giao Châu cũ.

Dân Cao Ly chống ngoại xâm giỏi hơn dân Việt. Năm 676 một đạo quân của nước Silla từng liên kết với quân Ðường đã quay ngược lại, đánh thắng được quân Ðường. Họ phải đợi tới năm 761 mới chấm dứt chế độ Ðô Hộ Phủ, giành độc lập và dần dần thống nhất quốc gia. Một phần họ cũng nhờ quân Ðường phải rút về vì quân Tây Tạng đang tiến đánh đe dọa cả kinh đô Trường An. Còn dân Việt Nam ta phải đợi lâu hơn một thế kỷ nữa, tới năm 906, khi nhà Ðường suy sụp mới có ông Khúc Thừa Dụ tự lập lên làm Tiết Ðộ Sứ.
Tuy nhiên ông vẫn xin vua nhà Ðường phong nhậm; mãi đến đời Ngô Quyền vào năm 939 nước ta mới thật sự độc lập.

Trong hơn một ngàn năm sau đó, các nước Triều Tiên và Việt Nam vẫn giữ phận nước nhỏ, mặc dù độc lập nhưng vẫn thần phục và triều cống các hoàng đế Trung Hoa.

Ngày nay, Hàn Quốc cũng chia đôi, không khác gì thời “Tam Quốc” trước đây 14 thế kỷ. Nhưng họ may mắn còn một nửa đất nước vẫn độc lập và đang trở thành một quốc gia hùng cường ở Á Ðông. Người dân Nam Hàn không chịu cảnh một ngàn năm bị đô hộ như dân Việt, và cũng không lo bị quân Trung Cộng đánh như hồi 1950; nhưng dân Nam Hàn vẫn đang quan tâm lo ngại về kế hoạch bành trướng của Trung Quốc về mặt kinh tế khiến họ phải lấn áp các nước chung quanh. Giữa Tháng Tư năm 2009 bộ Tài chánh ở Seoul đã công bố một tài liệu nêu lên mối đe dọa vì chính phủ Bắc Kinh đi tìm tài nguyên quặng mỏ bằng cách liên kết thương mại hoặc mua chuộc các chính quyền tham nhũng ở các nước chưa mở mang. Bản báo cáo nói rằng chương trình đó của Bắc Kinh có thể làm cho “các nỗ lực của Hàn Quốc trong việc nhập cảng tài nguyên thiên nhiên sẽ bị lâm nguy.” Bản báo cáo kết luận kêu gọi chính phủ Seoul phải tìm các biện pháp đối phó với kế hoạch bành trướng của Trung Quốc. Những ý kiến công khai này đã gây ra một cơn sốt ngoại giao mà sau đó chính phủ hai nước phải tìm cách làm cho nguội bớt.

Gần đây, Triều Tiên Nhật báo (Chosun Ilbo) ở Seoul đã viết một bài xã luận về mối đe dọa của Trung Quốc. Trong bài báo đó họ nêu lên một thí dụ về thái độ trịch thượng của chính quyền Trung Quốc là việc chính phủ Pháp phải “kéo cờ trắng” trước áp lực của Bắc Kinh. Bên lề cuộc họp Khối G 20 ở London, Tổng Thống Nicolas Sarkozy phải công khai tuyên bố xác nhận nước Pháp không bao giờ ủng hộ Tây Tạng độc lập. Nhưng điều “nhục nhã” mà báo này nêu lên, là vị tổng thống nước Pháp phải đích thân đến phòng ông Hồ Cẩm Ðào để “triều kiến” ông trùm đảng Trung Quốc, người chủ tịch đảng Cộng Sản đang ngồi trên ngai vàng của Ðường Cao Tông ngày xưa.

Chính phủ Nam Hàn và báo chí ở Seoul có “thù nghịch” với Trung Quốc hay không? Không thù nghịch mà còn giao hảo. Nhưng không phải vì thế mà họ không công bố những ý kiến bất đồng. Và chính phủ Hàn Quốc cũng không cấm báo chí không được nói xấu về Trung Quốc. Không có tờ báo “Du lịch” nào ở Seoul bị đóng cửa vì chỉ trích nước láng giềng vĩ đại.

Hàn Quốc không thể coi Bắc Kinh là kẻ thù; mà ngược lại phải coi đó là “đồng minh khách quan,” vì chỉ có cộng sản Trung Quốc mới có thể tạo sức ép trên chính quyền cộng sản ở Bắc Hàn, và chia sẻ ảnh hưởng của Nhật Bản trong vùng Ðông Á. Trung Quốc là nước đứng hàng đầu trong hoạt động ngoại thương của Nam Hàn, mỗi năm có gần 6 triệu người đi lại giữa hai quốc gia. Các công ty Nam Hàn từ Sam Sung tới Kia đang đầu tư 40 tỷ Mỹ kim trong lục địa Trung Hoa. Về mặt kinh tế thì hai quốc gia liên kết với nhau theo thế “môi hở răng lạnh!” Một câu ngạn ngữ ở Hàn Quốc là “Gà gáy ở Sơn Ðông thì bên Cao Ly cũng nghe thấy.”

Nói đến gà gáy lại nhớ tới bài hát “Việt Nam, Trung Hoa núi liên núi, sông liền sông” của Ðỗ Nhuận viết dưới thời Hồ Chí Minh trị vì, trong đó có câu cực tả (cường điệu) nói dân hai nước (ở Quảng Tây và ở Lạng Sơn, dân Vân Nam cùng dân Lào Cay) cùng nghe thấy tiếng gà gáy sáng với nhau: “Sớm sớm chung nghe tiếng gà gáy cùng!”

Ở nước ta bây giờ, nhiều người dân Quảng Tây của Trung Quốc cũng đang nghe được tiếng gà gáy ở Việt Nam, nhưng không phải chỉ tiếng gáy ở Lạng Sơn mà là tiếng gà ở tận Quảng Nam lận! Hôm qua Nhật báo Người Việt đã thuật lại những chi tiết do tờ báo Sài Gòn Tiếp Thị tường thuật là có cả một làng công nhân Trung Quốc đã lập nên ở tỉnh Quảng Nam từ mấy năm nay. Báo chí trong nước cho biết có hàng chục ngàn công nhân Trung Quốc đã sang Việt Nam làm việc từ nhiều năm qua ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Cà Mau, và bây giờ vào tận Ðắc Nông! Công nhân đi tới đâu mang theo cả các đầu bếp đi theo nấu nướng cho hợp khẩu vị! Họ được chính quyền cộng sản Việt Nam hoan nghênh để thể hiện hình ảnh “Sớm sớm chung nghe tiếng gà gáy cùng!”

Ở thôn Cà Dầu gần nhà máy thủy điện Za Hưng 1 đang xây cất, thôn trưởng nói mỗi khi công nhân Trung Quốc đến thăm nhà người Việt Nam, họ đều mang quà tới; như chăn màn, thuốc lá, và cả cơm nguội ăn dư để nuôi heo! Cứ theo cái đà tiến triển của tình hữu hảo này thì các công nhân Quảng Tây và người dân Quảng Nam sẽ có ngày không những cùng nghe tiếng gà gáy sớm mà sẽ dần dần tiến đến cảnh “tam cùng,” cùng hút thuốc, cùng ăn thịt heo và cùng chung chăn, chung màn nữa.

Nhưng tại sao phải nhập cảng công nhân Trung Quốc sang làm cả những công việc lặt vặt gọi là việc “phổ thông” như đẩy xe, múc nước, làm “cửu vạn” khuân vác? Bài báo hôm qua dẫn lời giải thích của ông Nguyễn Văn Ðảm, tổng giám đốc công ty Za Hưng thuộc Bộ Quốc Phòng Hà Nội: Công nhân Trung Quốc làm việc có hiệu quả hơn, vì ba yếu tố, sức khỏe tốt hơn, chuyên nghiệp hơn, và giữ kỷ luật và tôn trọng của công cao hơn các công nhân người Việt. Ðây chắc hẳn là một chính sách của Bộ Quốc Phòng trong chính phủ Hà Nội, chính sách nâng cao hiệu quả công việc.

Nhưng tại sao các công nhân Việt Nam lại yếu sức hơn, tay nghề thì kém mà tinh thần kỷ luật lại yếu hơn các đồng chí Trung Quốc? Có phải bản chất dân Việt Nam vốn thấp kém như thế, hay là nhờ được đảng Cộng Sản lãnh đạo cho nên mới gây ra như thế? Tại sao công nhân nước mình kém cỏi như thế mà hàng trăm ngàn thanh niên nam nữ vẫn được “xuất khẩu lao động?” Nếu công nhân nước mình yếu đuối như vậy thì có nên tìm cách cho họ ăn uống no đủ hơn để nâng cao sức khỏe? Có nên mở trường huấn luyện nghề nghiệp cho công nhân hay là cứ phải đi nhập cảng lao động? Có thể nào nâng cao kỷ luật của công nhân bằng cách các cấp chỉ huy làm gương hay không? Nếu các quan lớn, từ Bộ Chính Trị cho đến chính phủ cũng tôn trọng kỷ luật quốc gia, không tham nhũng, giữ đạo công bằng không kết bè kết phái, không nâng đỡ con ông cháu cha và các đảng viên để chèn ép những người khác, tôn trong của công, thì liệu dân Việt Nam có học được thêm tinh thần kỷ luật hay không?

Nếu theo tiêu chuẩn hễ thấy người ngoại quốc nào làm việc với sức khỏe tốt hơn, hiệu năng cao hơn, thì nên đem họ vào Việt Nam làm việc thay cho các công nhân người Việt, thì có lẽ nên thay thế tất cả Bộ Chính trị, cả chính phủ, nhập cảng các đồng chí Trung Quốc vào làm việc thế chỗ họ. Vì bên Trung Quốc thiếu gì người có học vấn và kinh nghiệm hơn các ông bà trong Trung ương Ðảng Cộng Sản Việt Nam!
Và chắc chắn các đồng chí Trung Quốc thông hiểu chủ nghĩa Mao Trạch Ðông hơn các cán bộ lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam.

Bên Trung Quốc người ta đang tái lập đạo thờ Mao, và ca tụng Mao như một nhà ái quốc. Mới có một cuộc thi chọn những bài hát ái quốc nào hay và được ưa chuộng nhất, do một trang nhà (Website) của chính phủ tổ chức. Bài hát đứng đầu bảng là bài “Ðông Phương Hồng” mà các cán bộ lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam tuổi từ 60 trở lên chắc đều phải thuộc lòng (Ðông phương hồng mặt trời lên, Trung Quốc có ông Mao Trạch Ðông!) Bài hát đứng hạng nhì là “Mặt trời đỏ nhất, Mao chủ tịch yêu quý nhất.” Ðây là những bài hát rất phổ thông trong thời “Cách Mạng Văn Hóa” nhưng bây giờ lại được đề cao. Vì lý do nào vậy?
Vì giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đang mở một chiến dịch cổ động tinh thần ái quốc, và lấy ông Mao làm biểu tượng. Ngày 1 Tháng Mười năm nay họ sẽ kỷ niệm 60 năm thành lập chính thể cộng sản. Sẽ có những cuộc diễn binh vĩ đại. Ðêm sẽ có những màn trình diễn ngoạn mục do Trương Nghệ Mưu đạo diễn không kém gì cảnh diễn xuất ở Thế Vận Hội năm ngoái. Cho nên ngay tự bây giờ Bộ Chính trị đảng Cộng Sản đã nấu sẵn món canh “ái quốc” cho dân tộc Trung Hoa ăn, và mô tả ông Mao Trạch Ðông là người có tư tưởng ái quốc vĩ đại! Họ muốn mọi người dân Trung Hoa hãnh diện về nước Trung Hoa, tự hào về nhà ái quốc Mao Trạch Ðông!

Nhưng khi mô tả Mao Trạch Ðông như một nhà ái quốc thì họ có tự mâu thuẫn hay không, khi cũng vẫn ca ngợi ông như là một nhà lãnh đạo vĩ đại của vô sản thế giới trong suốt mấy chục năm? Không sao cả, đối với người Trung Hoa thì ông ta là người theo chủ nghĩa dân tộc vĩ đại, còn đối với thế giới sẽ đeo cho ông ta bộ mặt khác!

Ðối với người Trung Hoa ở lục địa, Mao Trạch Ðông là người theo chủ nghĩa ái quốc. Ai đi thăm Vạn Lý Trường Thành đều thấy chữ viết của Mao Trạch Ðông trên bia đá; một cảnh tượng khiến ông Lý Quang Diệu phải thấy dòng máu Hán tộc trong con người ông sôi lên. Mao viết: “Bất kiến Trường thành phi hảo Hán” (Chưa thấy Trường Thành thì không phải là người Hán giỏi). Cũng trong thắng cảnh đó, có thủ bút của Ðặng Tiểu Bình: “Ái ngã Trung Quốc, tu ngã Trường thành” (Yêu Trung Quốc của ta, tu bổ Trường thành của ta). Cái gì cũng của ta, của ta. Họ rất tự hào, và họ có lý do chính đáng!

Nhưng khi một tỷ người Trung Hoa được bộ máy tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc đêm ngày tôi luyện tinh thần ái quốc và tự hào chủng tộc, thì tất cả các dân tộc ở những nước nhỏ chung quanh đều phải lo lắng. Có người sẽ thấy sợ đến dựng tóc gáy!

Trừ quý vị lãnh tụ đảng Cộng Sản Việt Nam là cứ thản nhiên.

Khi các nhà trí thức trong nước tỏ ý kiến chống việc cho đạo quân công nhân Trung Quốc vào khai thác quặng bô xít ở cao nguyên Trung phần, ngoài các lý do kinh tế và môi trường sống người ta còn nêu lên vấn đề chiến lược. Cao nguyên Trường Sơn ở nước ta là mái nhà của cả vùng. Làm xa lộ Bắc Nam trên Trường Sơn, mở rộng các xa lộ nối nước Lào với bờ biển miền Trung, rồi lại cho hàng vạn người Trung Quốc tới làm việc ở đó không theo quy chế nào cả, thì quả là một điều đáng lo ngại.
Nhưng trong tháng trước, ông Nguyễn Tấn Dũng đã làm một cuộc hành hương kéo dài một tuần lễ ở Trung Quốc. Nhà bình luận David Pilling trên Nhật báo Financial Times đã mô tả chuyến công du đó như là một cuộc triều kiến, và nêu rõ món quà ông Nguyễn Tấn Dũng đã tiến cống thiên triều là những quặng mỏ bauxite, mà ký giả này ghi nhận đó là nguồn quặng bauxite lớn thứ ba trên thế giới. Món quà triều cống này, theo ông, là để giảm bớt một phần lỗ hổng mậu dịch giữa Trung Quốc và Việt Nam, năm ngoái lên tới 11 tỷ đô la. Ông Pilling cũng nhắc lại là Việt Nam từng bị Trung Quốc đô hộ một ngàn năm.

Nhưng ai cũng biết dù bị cai trị hà khắc suốt một ngàn năm, dân Việt Nam vẫn không bị đồng hóa mà còn giành lại được độc lập, cũng như dân Cao Ly. An Nam Ðô hộ phủ đã sụp đổ cũng như An Ðông Ðô hộ phủ đã tan rã.

Hai dân tộc Việt Nam và Hàn Quốc cùng anh dũng như nhau. Họ không bao giờ chịu khuất phục. Hiện nay chỉ có một điểm khác biệt giữa hai nước, Việt Nam và Hàn Quốc, là bên xứ Nam Hàn có một chế độ dân chủ tự do và đã theo kinh tế thị trường từ hơn nửa thế kỷ nay; ngược lại bên Việt Nam thì đã bị chủ nghĩa cộng sản theo lối Mao Trạch Ðông chiếm cứ hơn nửa thế kỷ và đến giờ vẫn một đảng cộng sản nắm độc quyền.


No comments: