Tuesday, May 19, 2009

VẤN ĐỀ TRUNG QUỐC CỦA NGA

Vấn Đề Trung Quốc Của Nga
NGUYỄN XUÂN NGHĨA
Việt Báo Thứ Hai, 5/18/2009, 12:00:00 AM
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=115&nid=144674
Chuyển Động Ngầm Tại Đông Á...

Mặc dù đang ráo riết tăng cường khả năng hải quân tại biển Đông, Trung Quốc biết rõ và không muốn đụng độ với siêu cường Á châu là Hoa Kỳ. Cho đến nay, mục tiêu của Bắc Kinh chỉ là bành trướng và bảo vệ một vùng trái độn ngoài biển, tối đa thì chỉ nhằm thu hẹp ảnh hưởng của Hoa Kỳ nhưng chưa hẳn để thách thức hải quân Mỹ. Chỉ vì Trung Quốc chưa thể có khả năng đó trong một tương lai còn rất xa, không biết bao giờ mới có. Lý do là cường quốc đại lục này chưa thể trở thành một cường quốc hải dương. Họ chưa có truyền thống ấy, và kế hoạch phát triển hải quân mới chỉ khởi sự từ 15 năm nay thôi.
Việc Hoa Kỳ tập trung đối phó với cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo và bận chân tại hai chiến trường nóng là Iraq và A Phú Hãn có tạo ra một cơ hội - khoảng trống nhất thời - được Bắc Kinh tích cực khai thác. Nhưng việc khai thác ấy lại khiến các nước Á châu khác lo ngại.
Các quốc gia đó là Nhật Bản, Ấn Độ, Úc Đại Lợi và thậm chí Liên bang Nga.
Tiếp tục tìm hiểu về vấn đề Trung Quốc của thế giới, kỳ này, ta sẽ theo dõi một quan hệ bất ngờ và thực tế là hậu quả của sự bành trướng Trung Quốc, đó là bang giao giữa Nhật và Nga. (Xin theo dõi từ bài "Trung Quốc và Việt Nam" và "Vấn đề Trung Quốc của Thế giới" trên cột báo này trong các số ra ngày mùng chín và 16 tháng Năm).
Sau khi đã tìm hiểu về Ấn Độ và Nhật Bản, nay hãy nói về Liên bang Nga.


***

Liên bang Nga có lãnh thổ rộng nhất thế giới trải ngang hai lục địa Âu Á trên một diện tích hơn 17 triệu cây số vuông - rộng hơn Canada (gần 10 triệu) và Trung Quốc (hơn chín triệu sáu) hay Hoa Kỳ (quãng chín triệu sáu). Nhưng Liên bang Nga chỉ có 142 triệu dân, chưa bằng một phần mười của Trung Quốc. Nước Nga cũng là một xứ hiếm hoi mà dân số giảm. Các nhà nhân khẩu học dự đoán là đến năm 2050 thì Liên bang Nga chỉ còn từ 90 triệu đến quãng 120 triệu dân, tức là có thể chỉ bằng dân số Việt Nam trong vài năm tới!
Chỉ riêng hai con số về diện tích và dân số cũng nói lên nhiều vấn đề sinh tử của Nga.
Bên cạnh một quốc gia có một phần tư dân số của thế giới, vừa đói ăn vừa khát dầu, lại không che giấu tham vọng bá quyền và sẵn sàng nhổ cọc biên giới của lân bang để lẻn vào kiếm ăn, thì áp lực dân số người Hán trên khu vực hoang vu vắng vẻ của Nga tại châu Á sẽ là mối họa.

***

Hai chục năm sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc cùng với sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, lãnh đạo Nga thời nay, từ Thủ tướng Vladimir Putin tới Tổng thống Dmitri Medvedev, tất nhiên phải cố khôi phục lại vị thế đại cường như dưới thời Xô viết và bên trong phải củng cố lại khả năng cai trị của chính quyền trung ương tại Moscow.
Cho đến nay, người ta mới chỉ để ý tới cuộc tổng phản công của Nga tại Georgia và Ukraine để tìm lại vị trí đã mất ở Trung Âu, hầu xây dựng lại một vùng trái độn trong quỹ đạo truyền thống của Nga. Thế giới ít chú ý tới mặt Á châu của Nga. Sở dĩ như vậy vì chính lãnh đạo Nga, từ Boris Yeltsin tới Vladimir Putin, phải dồn sức chấn chỉnh nội bộ và khôi phục ảnh hưởng đã mất tại Âu Châu.
Nhược điểm về địa dư hình thể của Nga là sự trống trải của các thảo nguyên tiếp cận với Âu Châu. Đây là nơi mà Nga đụng trận nhiều lần trong hai thế kỷ vừa qua, từ thời chiến tranh của Napoleon tới hai Thế chiến rồi gần nửa thế kỷ Chiến tranh lạnh. Đâm ra, một cường quốc Âu-Á lại chỉ tập trung ứng phó với một mặt Âu của bài toán mà thôi.
Nước Nga cũng giáp giới với Trung Quốc qua khu vực bát ngát của Tây Bá Lợi Á (Siberia). Trong nhiều năm, lãnh đạo Nga lầm tưởng rằng hai nước giáp ranh, theo cùng một chế độ chính trị, lại bị kẹp giữa hai khối của Minh ước NATO là Âu Châu và Hoa Kỳ, tất nhiên khó khai chiến với nhau. Vì vậy, Moscow thời Yeltsin đã sẵn sàng hợp tác với Bắc Kinh thời Giang Trạch Dân để tăng cường quan hệ với nhau và với năm xứ Hồi giáo Trung Á trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organization - SCO).
Điều Moscow không ngờ và Putin bắt đầu hiểu ra là Bắc Kinh thời Hồ Cẩm Đào đã khác với thời Giang Trạch Dân hay Đặng Tiểu Bình: Trung Quốc đã đổi khác nên cần bành trướng ra ngoài để bảo đảm nguồn cung cấp nguyên nhiên vật liệu và thị trường xuất cảng.
Quân đội Trung Quốc ngày nay có cấp số còn lớn hơn tổng số quân của NATO trên cao điểm của thời Chiến tranh lạnh và khi Nga mãi quay về hướng Tây để đối đầu với NATO thì Bắc Kinh đã kín đáo đẩy cửa sau vào tới Trung Á bằng đường hỏa xa và ống dẫn dầu, trong khi vẫn chi phối được Bắc Hàn nhiều hơn là Moscow trù tính. Cũng thế, Bắc Kinh đã lẳng lặng thi hành chánh sách di dân để đưa thêm Hán tộc vào Tây Bá Lợi Á của Nga. Sau khi tung tiền mua võ khí của Nga để hiện đại hoá quân đội, Trung Quốc ngày nay đã có những cuộc thao diễn quân sự quy mô tại vùng cực Bắc lãnh thổ mà Bắc Kinh mệnh danh là "Bắc kiếm", bảo hiếm phương Bắc!
Tức là trong khi Liên bang Nga cố đứng dậy trên đôi chân yếu của mình để chinh phục lại những gì đã mất tại hướng Tây với Âu Châu, thì mặc nhiên để hở lưng tại mạn Đông, với Trung Quốc. Khi Moscow lên giọng với Âu Châu thì Bắc Kinh nói chuyện hoà dịu và hợp tác với mọi nước trên thế giới, mà vẫn chuẩn bị một khả năng quân sự chưa từng lớn lao như vậy. Có thể là Moscow đã bị Bắc Kinh vận dụng làm tụ điểm gây chú ý và hiềm khích với Hoa Kỳ và NATO để tính chuyện riêng của mình.

***

Biến cố đánh dấu sự giác ngộ của Moscow là việc Mật vụ Nga (FSB, hậu thân của KGB) đã tống giam Tổng giám đốc Igor Reshetin của doanh nghiệp TsNIIMASH-Export về tội bán kỹ thuật không gian tối mật cho Bắc Kinh và việc Putin cách chức Tổng trấn Konstantin Pulikovsky của khu vực Viễn Đông. Chuyện ấy xảy ra từ gần bốn năm trước, vào trung tuần tháng 11 năm 2005, cũng là khi Putin bổ nhiệm Dmitri Medvedev làm Phó Thủ tướng, chuẩn bị cho việc kế nghiệp sau hai nhiệm kỳ làm Tổng thống.

Ngày 30 tháng Tư vừa qua, đến lượt Tổng thống Medvedev bổ nhiệm một đặc sứ của ông tại Viễn Đông. Trước đây là Tổng trấn Khabarovsk, tân Sứ thần Đặc mệnh Toản quyền Viktor Ishayev là chuyên gia kinh tế và ngoại giao đặc trách Viễn Đông từ thời Putin và là người am hiểu tường tận về quan hệ với Nhật.
Quyết định của Medvedev được đưa ra mươi ngày trước khi Thủ tướng Putin - người thực tế lãnh đạo nước Nga - qua Tokyo họp thượng đỉnh với Thủ tướng Taro Aso của Nhật Bản.
Hai tháng trước đó, Medvedev cũng đã gặp Thủ tướng Nhật tại đảo Sakhalin của Nga và tuyên bố nhân dịp này, rằng hai quốc gia sẽ khai thông mâu thuẫn Nga-Nhật về quần đảo Kuriles, "một cách sáng tạo, mới lạ và rất phi quy ước"!

Hai quốc gia Đông Bắc Á này vốn có tranh chấp về chủ quyền trên bốn hòn đảo Bắc phương của Nhật, bị Liên Xô lấn chiếm ngay sau khi Nhật đầu hàng sau Thế chiến. Hồ sơ này gây chướng ngại mà đôi bên không thể vượt qua trong gần nửa thế kỷ. Cho đến nay, hai nước chưa chính thức ký kết một hiệp định ngưng bắn vì phía Nhật Bản đòi lại chủ quyền trên bốn hòn đảo của mình như một điều kiện tiên quyết. Nga thì đề nghị trả hại hai hòn, còn hai hòn kia thì sẽ thảo luận tiếp, vì vậy mà hồ sơ vẫn còn dang dở.
Lần đầu tiên lãnh đạo Nga Nhật - Tổng thống Putin và Thủ tướng Junichiro Koizumi - cố hâm nóng hồ sơ ấy là nhân Thượng đỉnh nhóm G-8 tại Genoa của Ý vào tháng Bảy năm 2001, mà không có kết quả. Thế rồi từ vài năm nay, mối quan tâm của Liên bang Nga về cục diện Viễn Đông đã dẫn tới thay đổi trong lập trường của lãnh đạo Moscow, từ Thủ tướng Putin tới Tổng thống Medvedev. Trong khi đôi bên bắt đầu tỏ vẻ hòa dịu và cùng tìm một giải pháp khai thông, lãnh đạo hai nước đã thông báo nhiều chương trình hợp tác kinh tế cụ thể tại Viễn Đông nhân chuyến thăm viếng Tokyo của Thủ tướng Putin hôm 12 vừa qua với một phái đoàn cả trăm doanh gia Liên bang Nga.
Người ta chú ý là Nhật sẽ bán kỹ thuật năng lượng nguyên tử cho Nga, mua dầu khí của Nga và góp phần đầu tư để mở rộng quan hệ kinh tế giữa hai nước, kể cả quan hệ với Cộng hoà Mông Cổ nằm bên kia khu vực Nội Mông của Trung Quốc. Nhưng đáng chú ý hơn là việc Putin loan báo hai nước sẽ thảo luận việc ký kết một hòa ước (hợp thức hoá chuyện ngưng bắn bị kẹt từ 1945 vì các quần đảo Kurils) nhân cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Medvedev và Thủ tướng Aso bên lề Thượng đỉnh của khối G-8 vào tháng Bảy này tại Ý Đại Lợi.
Việc khai thông bế tắc về quần đảo Kurils tất nhiên là không dễ, nhưng đôi bên đều bày tỏ thiện chí, trong khi Nhật đã thực tế chuyển dịch mục tiêu đầu tư vào lãnh thổ mênh mông của Nga để vừa giải quyết nhu cầu năng lượng cho mình vừa tăng cường quan hệ với một cường quốc nay cũng nhìn vào Đông Bắc Á với cùng một mối quan tâm: sức bành trướng của Trung Quốc.

***

Bây giờ, ta nhìn lại toàn cảnh...

Thế giới cứ vội nói đến ngày tàn của Hoa Kỳ như một siêu cường toàn cầu, vì khủng hoảng kinh tế và cuộc chiến dai dẳng bất tận chống khủng bố Hồi giáo. Nhưng có khi người ta cần lùi lại một chút để thấy ra cục diện toàn cầu.
Ngày nay quân lực Mỹ đã có mặt tại cả Iraq và A Phú Hãn - với Iran bị kẹp ở giữa - và sẽ còn có mặt ở đó khá lâu. Hoa Kỳ cũng đã cố mở rộng quan hệ với các quốc gia Hồi giáo Trung Á trong quỹ đạo của Liên bang Nga, gồm có theo chiều kim đồng hồ, Turkmenistan, Uzbekistan, Kazahkstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Bên kia ba nước "stan" sau cùng ấy là biên giới Trung Quốc và khu vực Tân Cương của dân Hồi giáo. Duy Ngô Nhĩ là tên gọi của Trung Quốc về sắc dân Uighurs đang muốn ly khai để được tự trị tại đấy. Kế tiếp là Pakistan và Ấn Độ, tiếp giáp với Tây Tạng đang bị Trung Quốc chiếm đóng. Khu vực Trung Á này có nhiều tài nguyên khoáng sản mà Trung Quốc rất thèm và Hoa Kỳ có kỹ thuật và tư bản để khai thác, nhưng cũng là khu vực mà Nga có khả năng kiểm soát chặt chẽ về quân sự. Đây không là nơi Trung Quốc dễ dàng khai thác hay khống chế. Ngược lại, ung nhọt ly khai cũng có thể xuất phát từ đây mà phá tác vào ruột gan Trung Quốc

Thành thử, từ Đông Bắc Á về tới Trung Á, Bắc Kinh không có khả năng tự tung tự tác như nhiều người nghĩ. Khi ấy, ta nên nhớ lại đặc tính hãi sợ của nền văn hoá Trung Quốc và các vùng trái độn họ muốn thành lập để phòng thủ, từ Mãn Châu về Nội Mông, Tân Cương, Tây Tạng và Cao nguyên Thanh Tạng.

Cho nên, việc Nhật Bản và Liên bang Nga đang hâm nóng quan hệ cần được nhìn lại trong ý nghĩa có thể làm các lãnh tụ Bắc Kinh mất ngủ. Trong những kỳ sau, mình có thể tìm hiểu thêm về đồng minh chiến lược Âu châu nhất của Hoa Kỳ tại Á châu là Úc Đại Lợi. Và về con rồng giấy Trung Quốc đang làm Hà Nội hãi sợ và cúi đầu...

No comments: