Monday, May 11, 2009

TRANH NHÁI GÂY TAI HOẠ CHO VIỆN BẢO TÀNG MỸ THUẬT VN

Tranh nhái gây tai họa cho Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Martha Ann Overland

Giang chuyển ngữ

11-05-2009

http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6294

Nghệ nhân Việt Nam Nguyễn Trọng Niết, một họa sĩ 85 tuổi, đã sống gần hết đời mình trong một căn hộ lụp xụp ở khu phố cổ Hà Nội, hãnh diện nói rằng ông đã vẽ Chợ Mường Khương nhiều năm trước đây trong phòng khách cũng là phòng ngủ và nhà bếp của ông. Nét vẽ sơn mài sống động của tác phẩm đã ghi lại được một cách tinh tế một buổi họp chợ náo nhiệt trong một bản làng Việt Nam. Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, viện bảo tàng vào hàng quốc gia của đất nước, cũng nghĩ như vậy. Các cán bộ làm việc ở đó đã vồ ngay lấy bức tranh cho vào bộ sưu tập của viện, và trong 40 năm qua, công trình của Niết vẫn được treo trên tường của viện bảo tàng.

Có đúng là bức tranh đó không? Niết kinh ngạc khi ông bắt gặp một ảnh chụp của Chợ Mường Khương trong một quyển sách về nghệ thuật của Liên Xô nhiều năm trước đây – bức tranh hiện đang treo ở Viện Bảo Tàng Đông Phương ở Moscow. Niết nói ông có gởi một lá thư cho các cán bộ của Viện Bảo Tàng Đông Phương, họ xác nhận rằng họ đang sở hữu bản chính của bức tranh. Niết quay lại Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật để khiếu nại, ông kể lại “Họ bảo tôi rằng chính tôi đã vẽ hai bức tranh và bán một bức cho Liên Xô.” Ngồi cạnh bên chồng trên một cái ghế nhựa, bà Niết nói rằng bà ước gì điều ấy là sự thực. Bà hỏi một cách cay đắng “Nếu ông ấy có vẽ bản nhái, chẳng lẽ chúng tôi nghèo khổ như thế nầy sao?”

Chợ Mường Khương-Sơn mài của Nguyễn Trọng Niết đã bị bảo tàng làm giả (theo khẳng định của tác giả). Nguồn: Artistphuong, Blog: blog-qlHBE7Q8frJTcl9fQxr0x09p?p=614XXXX

http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6294

Không ai biết được thực sự có bao nhiêu tranh vẽ và tác phẩm điêu khắc ở trong Bảo tàng Mỹ thuật là hàng nhái. Nhưng những lời đồn đại lan truyền trong nhiều năm qua cho rằng nhiều tác phẩm có giá trị được sáng tác bởi các nghệ sĩ như Niết đã bị thất lạc hoặc là đã bị bán đi, thay vào đó là những bản phiên. Những bản nhái này không hẳn là hàng giả. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, chính sở phục hồi của viện bảo tàng là một cơ xưởng ảo nhằm sản xuất bản nhái – một sự thật mà các cán bộ viện bảo tàng, trong quá khứ và ngay cả hiện nay, đã công khai thừa nhận.

Nguyễn Xuân Tiệp, người đã từng làm việc ở viện bảo tàng trong 28 năm và là cựu phụ tá giám đốc, cho biết là cuộc triển lãm hiện nay về tượng Phật cổ và các tác phẩm điêu khắc cũng có cả các bản nhái được chế tạo bởi nhân viên của viện. Ông Tiệp cho biết viện bảo tàng, một nhà sưu tập tư, và chính tác giả, cả ba đều sở hữu “bản gốc” của Giao thừa bên Hồ Gươm, một bức tranh sơn mài nhiều màu sắc vẽ đám đông trong những bộ quần áo mới. Những phiên bản được coi là bản gốc của chơi Ô ăn quan, đã có lúc được treo trong viện bảo tàng, giờ đây xuất hiện ở các phòng tranh ở Singapore và Nhật, theo lời nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật và chuyên gia về các họa sĩ Việt Nam Nora Taylor, hiện đang giảng dạy tại Viện Mỹ Thuật Chicago.

Sau nhiều năm câm nín, giờ đây các nghệ sĩ, nhà sưu tập, và nhân viên bảo tàng lên tiếng đòi hỏi các cán bộ lãnh đạo về mỹ thuật của Việt Nam phải nói lên sự thật. Tiệp nói rằng toàn bộ sưu tập của viện bảo tàng đã bị hoen ố bởi vì các bản nhái đã không được ghi chú rõ ràng. Việc chấp nhận sự sao chép tranh này đã làm mất giá trị ngành mỹ thuật của Việt Nam, bởi vì các nhà sưu tập không chắc rằng mình sẽ mua được hàng thật. Tiệp qui lỗi cho viện bảo tàng trong việc trưng bày và bảo quản các bộ sưu tập không được chu đáo, điều này đã mang đến những thiệt hại và tổn thất không gỡ được. Hai năm trước Tiếp từ chức để phản đối điều ông cho là quản lý tồi. Ông nói “Tôi phải nuốt nước mắt, chúng ta có bổn phận phải nói lên tiếng nói của mình.”

Giao thừa bên Hồ Gươm - Nguyễn Tư Nghiêm. Nguồn: Vietnamnet.vn

http://www.dcvonline.net/php/images/052009/giaothuabenhoguom.jpg

Oái ăm thay, lề thói sao chép lại những tác phẩm có giá trị khởi đầu được thực hiện để cứu vãn di sản nghệ thuật của quốc gia trong thời chiến. “Người Mỹ tuyên bố sẽ ném bom để Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá, để xoá sạch văn hóa Việt Nam,” Nguyễn Đỗ Bảo nói. Ông là chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội. Năm 1966 khi những chiếc B-52 lần đầu xuất hiện trên bầu trời, ông là một nhân viên trẻ tuổi của viện bảo tàng. “Tiếp tục mở cửa đón khách là yêu cầu của đất nước.” Vì vậy các nhân viên - đôi khi ngay cả chính các nghệ sĩ - bắt đầu sao chép tranh. Các bản nhái được để ở Hà Nội trong khi các bản gốc được chở đi dấu trong các hang động.

Các tác phẩm nghệ thuật đáng lẽ phải được trả về sau cuộc chiến. Nhưng không phải tất cả đều được trả về. Các hồ sơ lưu trữ, ngay cả nếu có những hồ sơ như vậy, thì cũng bị thất lạc. Trong những trường hợp mà chính các nghệ sĩ tự sao chép tác phẩm của mình, thì không rõ bản nào là bản gốc. Và vấn đề càng thêm rối rắm, khi mà trong những năm khó khăn sau chiến tranh, cái văn hóa sao chép nầy tiếp tục phát triển. Việc viện bảo tàng cho các nghệ sĩ nghèo túng mượn lại những tác phẩm của mình để sao chép rồi mang bán càng góp phần vào vấn đề này. Họa sĩ có trả bản gốc lại cho viện bảo tàng không? Và nếu họa sĩ tự sao chép tác phẩm của mình, thì những phiên bản ấy có thể gọi là hàng giả hay không?

Chơi ô ăn quan của Nguyễn Phan Chánh trong Bảo tàng Mỹ thuật. Nguồn: vietbao.vn

http://www.dcvonline.net/php/images/052009/oanquan.jpg

Nguyễn Trường là một nhà sưu tập mỹ thuật đã dùng nhà riêng của mình làm phòng tranh cho những họa sĩ nghèo túng trong 30 năm qua. Ông nói rằng vấn đề lại càng trở nên tồi tệ hơn khi vào những năm 1980, chính viện bảo tàng do nhà nước tài trợ này lại mở ra một xưởng vẽ để sản xuất ra những bản chép có chất lượng cao mang bán. Cái lề thói hành xử này đã chấm dứt vào những năm 1990, nhưng Trường nói rằng mới năm ngoái một nhân viên của viện bảo tàng đã tìm ông để “rao bán một bản nhái với giá 2.000 đô la.”

Khi được hỏi có những bản chép đang được trưng bày hay không, giám đốc viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Trương Quốc Bình thừa nhận “có thể có bản nhái,” ông nói thêm rằng vấn đề sao chép “là một vấn đề vô cùng khó khăn.” Nhưng ông từ chối trả lời những câu hỏi khác. Các cán bộ của bộ Văn Hoá cũng từ chối trả lời những câu hỏi được viết sẵn về vấn đề sao chép, mặc dù họ nói rằng vấn đề đang được thảo luận.

Sự lan tràn của tệ nạn sao chép đã làm tổn hại đến thị trường có lúc rất ăn khách của Việt Nam. Taylor, nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật của viện Mỹ thuật Chicago, nói rằng các họa sĩ trẻ sống nhờ vào việc sao chép bắt đầu lo lắng rằng cái công việc đã từng mang đến lợi nhuận cho họ giờ đây bắt đầu tác hại đến triển vọng tương lai của chính họ. Mặc dù việc thực hiện các bản nhái lúc đầu không nhằm mục đích lừa gạt đi nữa, giờ đây tình trạng tồi tệ đến mức không một viện bảo tàng có uy tín nào muốn mượn tranh của viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Bà nói tiếp “Sự thiệt hại lớn nhất bây giờ là Việt Nam bị mang tai tiếng.”

Thế hệ họa sĩ già vì đã từng sống cả đời mình dưới một chế độ mà Đảng Cộng Sản chỉ định những gì được vẽ, và chỗ nào thì được trưng bày, nên họ giữ yên lặng. Nhưng những họa sĩ không còn nằm trong lòng bàn tay của nhà nước càng ngày càng thúc dục viện bảo tàng hãy phân loại bản gốc và bản nhái bằng cách nhờ các chuyên gia để xem xét các bức họa. Họ cũng muốn viện bảo tàng cung cấp những hồ sơ về các tranh vẽ, và tháo xuống các bản nhái – hoặc là ít nhất phải ghi chú đó là bản nhái.

Lương Xuân Đoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, nói rằng đã đến lúc phải đề cử ra một ủy ban gồm các chuyên gia để phân loại các bạn gốc và bản nhái một lần cho xong. “Trong thời chiến triển lãm tranh nhái thì còn chấp nhận được, nhưng chiến tranh đã qua đi hơn 30 năm rồi.”

© DCVOnline

------------------------------------------

Nguồn:

(1) Copied Paintings Plague Vietnam's Museum. Time partners with CNN, by Martha Ann Overland, 4 May 2009

(2) Đọc thêm: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trưng bày tranh, tượng giả? Vietnamnet.vn, bài của Mai Sen, 16 tháng Tư năm 2009

No comments: