Thursday, May 21, 2009

THỰC TRẠNG CÔNG NGHIỆP HOÁ VIỆT NAM

Công nghiệp hóa: chất lượng hơn số lượng
Nguyên Tấn thực hiện
Thời báo Kinh tế Saigon
http://www.thesaigontimes.vn/Home/thoisu/sukien/19105/
Nước ta đã trải qua một chặng đường khá dài công nghiệp hóa. Vậy, ta đang đứng ở đâu so với thế giới? Vì sao nhiều ngành công nghiệp vẫn trong tình trạng lắp ráp, thô sơ? Mô hình phát triển nào thích hợp? Những vấn đề này sẽ được GS.TS. Phạm Duy Hiển mổ xẻ trong cuộc trò chuyện với TBKTSG.

Chạy theo tăng trưởng
TBKTSG: Thưa Giáo sư, mục tiêu của chúng ta là đến năm 2020, tức chỉ còn hơn 10 năm nữa, Việt Nam sẽ cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nên hiểu khái niệm và mục tiêu này như thế nào?
- GS.TS. Phạm Duy Hiển: Khái niệm công nghiệp hóa theo hướng hiện đại có lẽ nên được xem xét trong bức tranh toàn cầu để thấy khoảng cách rất lớn giữa những nước được xem là công nghiệp tiên tiến với những nước khác, và ta đang đứng ở đâu.
Nếu so các nước tiên tiến với các nước kém phát triển thì sự khác biệt dễ thấy nhất là mức sống, hay bình quân GDP, có thể khác nhau đến hàng trăm lần. Nhưng đây chỉ là biểu hiện bề ngoài. Điều làm nên sự khác biệt cơ bản là nền kinh tế ở các nước công nghiệp hiện đại có năng suất và chất lượng rất cao nhờ dựa trên khoa học - công nghệ hiện đại, môi trường trong sạch và ít chênh lệch giàu nghèo.

TBKTSG: Vậy, theo Giáo sư, công nghiệp hóa của Việt Nam hiện đang đứng ở đâu và liệu rằng chúng ta có đạt được mục tiêu?
- Theo tôi quan sát, ở ta có xu hướng xem GDP là một tiêu chí thống soái có tính pháp chế, từ đó có người cho rằng có thể đẩy nhanh tăng trưởng GDP lên 9-10%, thậm chí cao hơn, để nhanh chóng đạt được trình độ công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Như đã phát biểu nhiều lần, chẳng những không đồng tình, tôi còn lo ngại về hậu quả phát triển theo kiểu này.
Hiện nay, nền kinh tế của ta được xếp vào loại tăng trưởng cao trên thế giới. Nhưng vì có xuất phát điểm quá thấp, chúng ta có thể tăng trưởng nhanh trong giai đoạn đầu chủ yếu dựa trên thâm dụng lao động giản đơn, vốn, năng lượng và tài nguyên. Năm 2008, đầu tư 7 đô la Mỹ chúng ta chỉ tạo ra được 1 đô la GDP, nghĩa là hiệu quả đầu tư rất thấp so với các nước khác.
Về điện năng, sử dụng 1 kWh điện chúng ta chỉ tạo ra chưa đầy 1 đô la GDP, thấp hơn hai lần so với Philippines và Indonesia và thấp hơn bốn lần so với các nước tiên tiến như Bắc Âu, Nhật Bản. Chính sự thâm dụng nói trên còn dẫn đến tàn phá môi trường, tệ nạn xã hội và phân hóa giàu nghèo ngày càng rộng.
Chúng ta quá quan tâm đến tăng trưởng mà không để ý rằng tăng trưởng đạt được là do phí phạm đến mức vô lý các nguồn lực của mình. Nếu không sớm thoát ra khỏi tình trạng này thì nguồn lực sẽ cạn kiệt, ta càng lún sâu vào lạc hậu, nói chi đến công nghiệp theo hướng hiện đại. Có thể trong một giai đoạn nhất định ta “buộc” phải chạy theo số lượng để giải quyết công ăn việc làm, thu ngân sách... nhưng đã đến lúc phải xoay chuyển, xem chất lượng tăng trưởng là tiêu chí hàng đầu.

Phải làm chủ công nghệ
TBKTSG: Công nghiệp hóa tức là gia tăng tỷ lệ công nghiệp và dịch vụ trong GDP và có vẻ như Việt Nam đi đúng hướng khi tỷ lệ này đang có xu hướng tăng. Tuy nhiên, cho dù tỷ lệ công nghiệp và dịch vụ tăng mà công nghệ vẫn lạc hậu, tức là công nghiệp hóa không gắn với hiện đại thì điều gì sẽ xảy ra?
- Rất đúng! Không thể nói công nghiệp theo hướng hiện đại khi mà hầu hết các ngành công nghiệp trong nước chỉ đơn giản là lắp ráp, gia công và khai thác sản phẩm thô. Giá trị gia tăng do tri thức công nghệ chưa có bao nhiêu. Hầu hết các dự án đầu tư trong nước đều phải dựa vào đấu thầu nước ngoài để họ mang công nghệ vào.
Quay trở lại câu chuyện khai thác bauxite ở Tây Nguyên, các chuyên gia trong ngành cho rằng chúng ta chỉ làm được một khâu đơn giản đầu tiên là tuyển rửa, trong khi công nghệ Bayer này không có gì là cao siêu và đã từng tồn tại từ hơn 120 năm nay trên thế giới. Một, hai nhà máy đầu tiên bằng công nghệ nước ngoài là thời gian quá đủ để làm chủ công nghệ. Các nhà máy tiếp theo phải dùng công nghệ Việt Nam.
Đến nay, việc thực thi chủ trương nội địa hóa công nghệ ngoại nhập và tiến lên tìm cách cạnh tranh và sáng tạo ra công nghệ mới vẫn chưa có. Như vậy, chúng ta không thể cạnh tranh được về chất lượng, giá cả, cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu với thương hiệu Việt Nam. Sứ mạng này trước hết phải giao cho các tập đoàn nhà nước để tạo nên những cú đấm lớn trong cuộc hội nhập và cạnh tranh toàn cầu.
Ngược lại, chúng ta sẽ mãi phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài như một hình thức nô dịch mới. Tệ hơn, chúng ta có thể tăng trưởng với tốc độ cao bằng cách thu hút các công nghệ lỗi thời, tiêu tốn năng lượng, phá hoại môi trường. Bài học mía đường, xi măng lò đứng và các nhà máy điện chạy than là những minh chứng.

TBKTSG: Thực ra thì Chính phủ cũng đang tìm cách tạo nên những cú đấm như vậy mà trường hợp đầu tư vào ngành đóng tàu, cụ thể là tập đoàn Vinashin, là một ví dụ điển hình. Ông đánh giá thế nào về mô hình này?
- Chúng ta đang cần rất nhiều công nghệ nhưng không đủ sức đầu tư vào tất cả và không thể dò dẫm lặp lại những bước đi từ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho đến sản xuất đại trà. Vấn đề quan trọng là chọn công nghệ gì và cần có lộ trình để nhanh chóng tiến lên “mặt tiền” công nghệ trong điều kiện ta đang lạc hậu hàng trăm năm so với thế giới. Xu thế toàn cầu hiện nay là nền kinh tế xanh và công nghệ cao để có nhiều giá trị gia tăng.
Dĩ nhiên rất nhiều công nghệ cao hiện chưa khả thi đối với ta và còn khó thu hút đầu tư nước ngoài. Song, không nên để lỡ thời cơ khi mất quá nhiều sức lực, thời gian và tiền của lao vào những công nghệ tiêu tốn năng lượng, tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường như luyện thép, đóng tàu, khai thác khoáng sản...
Vạch ra một lộ trình nội địa hóa công nghệ trong ba bốn thập kỷ tới với những ưu tiên cho từng thời kỳ đòi hỏi tầm nhìn của nhà lãnh đạo cộng với những trí tuệ lớn về kinh tế và khoa học - công nghệ (KH-CN). Phải có người hiểu cấu trúc KH-CN thế giới hiện nay, dự báo phát triển trong tương lai để vạch ra những lộ trình ngắn nhất.

TBKTSG: Vậy, theo Giáo sư, một mô hình phát triển thích hợp cho Việt Nam có thể sẽ như thế nào?
- Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan... mỗi nền kinh tế có cách đi riêng của mình, nhưng tựu trung lại họ đều bắt đầu bằng du nhập KH-CN để bắt chước, sau đó nội địa hóa từng phần, toàn phần, rồi tiến lên cạnh tranh và sản sinh ra công nghệ mới của mình. Không thể có công nghệ của mình, dù là những công nghệ cổ điển qua ngoại nhập, nếu không chịu xây dựng một nền khoa học và đại học nghiêm túc, chất lượng cao với đội ngũ nghiên cứu khoa học mạnh bám theo tiêu chí quốc tế.
Chúng ta đang mở ra nhiều trường đại học, đang có nhiều nhà nghiên cứu, nhiều đề tài, và số lượng các công trình khoa học in ấn trong nước nhiều vô kể, song trên thực tế chúng ta chưa có vị trí nào trên bản đồ thế giới về đại học và KH-CN. Chúng ta chưa tạo ra được điều kiện và môi trường từ đó xuất hiện những trung tâm KH-CN với đầu đàn đủ cao để từ bên ngoài còn nhìn thấy họ. Phải sớm nhận ra rằng nguy cơ tụt hậu chính là đây.
--------------------------------------------------------

Công nghiệp hóa: những cột mốc quan trọng
• 1960: Nhiệm vụ công nghiệp hóa lần đầu tiên được đặt ra tại Đại hội Đảng lần thứ III với nội dung “mấu chốt là ưu tiên phát triển công nghiệp nặng” nhằm “biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước có công nghiệp hiện đại và nông nghiệp hiện đại”.
• 1986: Đại hội Đảng lần VI xác định ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp nặng và kết cấu hạ tầng để làm tiền đề cho công nghiệp hóa gồm: năng lượng, một số cơ sở cơ khí, nguyên, vật liệu, giao thông vận tải và thông tin bưu điện.
• 1991: Công nghiệp hóa được Đại hội Đảng lần thứ VII xác định “theo hướng hiện đại gắn liền với phát triển một nền nông nghiệp toàn diện”.
• 1996: Đại hội Đảng lần thứ VIII yêu cầu công nghiệp hóa tập trung vào “một số ngành có lợi thế” và “mũi nhọn” như: chế biến lương thực - thực phẩm, khai thác và chế biến dầu khí, công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, sản xuất vật liệu.
• 2001: Đại hội Đảng lần thứ IX xác định mục tiêu “tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”
• 2006: Lần đầu tiên, tại Đại hội Đảng lần thứ X xác định gắn công nghiệp hóa với phát triển kinh tế tri thức, đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
---------------------------------------------------

GS. Phạm Duy Hiển là người đã chỉ huy khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.
Ông từng giữ các trọng trách như Phó viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Chánh cố vấn kỹ thuật dự án hợp tác vùng châu Á - Thái Bình Dương UNDP/IAEA về kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp.
Ông đang làm tư vấn cho Chương trình Không khí sạch Thụy Sỹ - Việt Nam và Dự án ADB/WB về xây dựng đại học chất lượng quốc tế.

No comments: