Thursday, May 21, 2009

LÀM GÌ ĐỂ NÔNG THÔN VIỆT NAM GIẢM NGHÈO ?

Làm gì để nông thôn Việt Nam giảm nghèo?
Cập nhật: 07:48 GMT - thứ năm, 21 tháng 5, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2009/05/090520_caicach_nongthon.shtml
Chính phủ Việt Nam vừa lên kế hoạch chi 320.679 tỷ VNĐ trong vòng 12 năm để dạy nghề nông thôn. Đồng thời trong thời gian gần đây, báo chí Việt Nam và quốc tế dự báo về tỷ lệ nghèo và tái nghèo đói tại Việt Nam sẽ tăng nhanh do khủng hoảng kinh tế.
Hội nghị trung ương VII ĐCS Việt Nam họp năm ngoái có bàn tới tam nông: nông nghiệp, nông thôn và nông dân, chứng tỏ chính quyền ý thức được những nguy cơ có khả năng bùng phát từ một "hậu phương" chiếm khoảng 70% dân số này.
Tuy nhiên, từ ý thức được vấn đề tới việc tìm ra những chính sách, chiến lược dài hạn để đưa nông thôn Việt Nam đi lên là thách thức lớn, đặc biệt khi những vấn nạn như: nhân mãn, suy giảm diện tích canh tác do đô thị và công nghiệp hóa, sa mạc và mặn hóa đất đai, thảm họa thiên nhiên do mất rừng cục bộ, biến đổi khí hậu toàn cầu...cộng với sự thất bát lợi nhuận nông phẩm do những chính sách vĩ mô sai lầm và làn sóng công nhân thất nghiệp quay trở lại nông thôn gần đây do khủng hoảng, ...đang khiến tình hình ngày càng trầm trọng.
Bài viết này đưa ra một lựa chọn cải cách, nhằm đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển hiệu quả và bền vững hơn.

So sánh
Có những ý kiến cho rằng, ở một nước mà sản lượng gạo xuất khẩu đứng thứ hai thế giới thì những suy tính và kêu gọi cải cách trong nông nghiệp là không cần thiết thậm chí gây hoang mang và thiếu xây dựng.
Hãy nhìn vào số liệu thực tế trên biểu đồ I, Việt Nam là nước có giá trị tổng sản phẩm nông nghiệp quy trên đầu người (GDP from Agriculture per capita) thấp nhất trong năm nước cùng khu vực, trong khi có tỷ lệ sử dụng lao động nông nghiệp cao nhất trong năm quốc gia đó, điều này có nghĩa hiệu xuất nền nông nghiệp Việt Nam là thấp kém hơn so với các nước có những điều kiện tự nhiên và xã hội khá gần gũi.
Trên thực tế, giá gạo Việt Nam luôn thấp hơn khoảng 100$/tấn so với Thailand, rau Trung Quốc, quả Thailand đang tràn ngập chợ Việt Nam, dù đa số các chủng loại này có ở bản địa... là những ví dụ minh họa cho hiệu suất và sức cạnh tranh thấp.
Nhìn vào nền nông nghiệp Mỹ, với lực lượng lao động trong cả ba ngành, nông nghiệp, nghề rừng và đánh cá là 1.8 triệu nhưng sản phẩm nông nghiệp làm ra đủ cho nhu cầu của hơn 300 triệu dân trong một cân đối giữa xuất và nhập khẩu. Để nâng cao hiệu suất nông nghiệp, con đường bền vững bắt buộc mà Việt Nam phải đi qua là chuyên nghiệp và hiện đại hóa lực lượng sản xuất nông, lâm ngư nghiệp.

Biểu đồ 1: Thu nhập đầu người từ nông nghiệp và lao động sử dụng
http://www.bbc.co.uk/worldservice/assets/images/2009/05/20/090520154615_untitled-3.jpg

Năm 2007-2008, Việt Nam đã bỏ ra 313 tỷ để đào tạo 710.000 lao động nông thôn nhưng không rõ kết quả. Trong thập niên 80, hàng chục vạn thanh niên Việt Nam được đưa sang học tập và lao động tại Đông Âu, dù được đào tạo ở trình độ cao hơn, khi trở về họ đã không phát huy hiệu quả. Đây là phải được xem là bài học đắt giá cho việc lựa chọn cách thức đào tạo dạy nghề.

Đào tạo mới

Với điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng, nền tảng tri thức chung như Việt Nam hiện nay sẽ là ngây thơ khi nghĩ rằng cứ rót kinh phí là có thể đào tạo đại trà một lớp nông dân có những am hiểu về những kỹ thuật nông nghiệp hiện đại.
Một thực tế rất nghịch lý là lực lượng kỹ sư nông nghiệp được đào tạo từ đại học Việt Nam phần lớn không đủ kiến thức và kỹ năng tiến hành những nghiên cứu cơ bản, nhưng vì điều kiện cũng như trình độ đào tạo lâu nay, họ cũng rất yếu trong vai trò kỹ thuật viên sử dụng các kỹ thuật nông nghiệp hiện đại.
Kỹ sư ra trường đổ về các vụ viện, sở nông nghiệp hay làm tiếp thị cho các công ty bán giống, phân bón, thuốc sâu...rất hiếm người tham gia trực tiếp kinh doanh hay sản xuất nông nghiệp, vậy là kỹ sư nông nghiệp được đào tạo thành cán bộ "cạo giấy". Để đáp ứng chiến lược hiện đại hóa nông nghiệp, đội ngũ kỹ sư này cần được đào tạo lại.
Những tồn tại và nghịch lý trên chính là nguyên nhân cho sự thiếu đa dạng sản phẩm và thua trên ngay chính sân nhà của nền nông nghiệp Việt Nam.
Để thoát khỏi tình trạng luẩn quẩn trên, Việt Nam nên bắt đầu bằng việc kết hợp hai hình thức đào tạo kỹ sư và nông dân ở trên thành một dạng đào tạo mới, hiệu quả và thời gian ngắn hơn.
Mục tiêu là đào tạo những đối tượng mà bản thân họ và gia đình muốn làm giàu từ hoạt động nông nghiệp. Một lựa chọn đầu vào phù hợp và cấu trúc ba năm cường độ cao sẽ là phù hợp và đạt được mục đích. Năm học đầu sẽ trang bị những kiến thức cơ bản chung, bao gồm Sinh học đại cương, Nông nghiệp đại cương, Hóa hữu cơ đại cương, Thổ nhưỡng và công nghệ cải tạo đất, Môi trường, Thông tin và kinh tế nông nghiệp (IT), Thống kê và kế toán, Sinh lý trồng trọt, Sinh lý chăn nuôi.
Môn tiếng Anh tập trung rèn luyện kỹ năng xây dựng những dự án vừa và nhỏ với kế hoạch vay vốn cho dự án là đòi hỏi khắt khe trong suốt quá trình học. Kỹ năng đọc và viết này sẽ giúp sinh viên tìm hiểu và khai thác được những nguồn tài trợ, nguồn vay với lãi suất thấp của rất nhiều các tổ chức quốc tế để phát triển doanh nghiệp chăn nuôi, sản xuất nông lâm ngư nghiệp.
Trong hai năm tiếp theo, có thể chia thành 4 nhóm ngành chính cho sinh viên lựa chọn, bao gồm Kỹ thuật nông nghiệp, Kỹ thuật lâm nghiệp, Kỹ thuật chăn nuôi và Kỹ thuật thủy sản. Các môn học được tổ chức theo nguyên tắc phát tài liệu lý thuyết đi kèm với những bài giảng trên đĩa CD cho sinh viên nghiên cứu. Cung cấp các website và thư viện điện tử cho sinh viên. Sinh viên sau đó được nghe giảng lý thuyết xen kẽ với làm thực hành trực tiếp từng công nghệ để cuối cùng phải thi tay nghề bằng thực nghiệm trên đối tượng cụ thể, giành chứng chỉ cho từng kỹ thuật.
Dự kiến sinh viên từ 4 nhóm ngành sau khi tốt nghiệp sẽ thuần thục các kỹ thuật nông nghiệp cơ bản như : Nuôi cấy mô; Thủy canh và khí canh; Tạo Biogaz và xử lí chất thải rắn; Xử lí chất thải lỏng và nuôi tảo thu sinh khối; Tách chiết các hoạt chất sinh học; Trồng Nấm; Dùng kính hiển vi, Eliza và PCR chẩn đoán bệnh thực vật và vật nuôi; An toàn bảo vệ thực vật; An toàn thực phẩm; Nuôi cấy mô cây gỗ; Công nghệ nuôi chim yến nhân tạo; Tạo thức ăn gia súc từ nguyên liệu tại chỗ; Bệnh gia súc gia cầm thông thường, chẩn đoán và điều trị; Các phương pháp nuôi thuỷ sản mật độ cao; Bệnh thuỷ sinh thông thường, chẩn đoán và điều trị; Tạo thức ăn thủy sinh từ nguyên liệu tại chỗ...
Đây là những công nghệ đang được sử dụng rộng rãi, hiệu quả trong sản xuất ở nhiều nước tiên tiến, nhưng ở Việt Nam do cách đào tạo của nền giáo dục và chính sách nông nghiệp quan liêu nên tới nay vẫn chỉ gặp ở các viện nghiên cứu hoặc đại học, mặc dù nguyên tắc của các công nghệ này là đơn giản và đã được nghiên cứu đầy đủ.

Lấy niềm tin thị trường
Với những kiến thức và kỹ năng được đề cập ở trên, đối tượng thụ hưởng sẽ chủ động kinh doanh, tổ chức sản xuất, đào tạo nhân lực địa phương một cách tiết kiệm nhất. Vì được đào tạo để tuân thủ các quy chuẩn về an toàn thực phẩm, bảo vệ thực vật, kích thích sinh trưởng... sản phẩm họ làm ra sẽ sớm chiếm được niềm tin của thị trường nội địa rộng lớn. Tấm bằng của họ nên được chế tài như các chứng chỉ Dược sĩ hay Y sĩ để quy trách nhiệm và độ tin cậy của sản phẩm.
Khả năng vay vốn, xin viện trợ từ các tổ chức quốc tế do biết cách xây dựng các dự án và tìm kiếm thông tin đối tác từ các tổ chức từ thiện, worldbank, FAO... sẽ là các kênh tài chính quan trọng, các network được hình thành qua các dự án kiểu này còn có thể giúp các thành viên của nó xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Từ đây sẽ không phải "mỏi mồm" hỏi nhau là trồng cây gì hay nuôi con gì? Những kiến thức được trang bị sẽ giúp đối tượng tự phát hiện cây, con thích hợp với mỗi địa phương họ cư trú hoặc chủ động nhập cây con giống theo các quy chuẩn pháp lý.
Mô hình đào tạo này sẽ dần giúp loại bỏ các bộ phận nặng hình thức và thiếu hiệu quả như ban khuyến nông, khuyến ngư...của các sở, phòng nông nghiệp, tạo sức ép để những cơ cấu hành chính này "lột xác" thành dạng các công ty dịch vụ nông nghiệp, tiết kiệm ngân sách.
Cơ sở đào tạo có thể tổ chức những khóa nhắn hạn hàng năm để cập nhật kiến thức cho sinh viên cũ, đào tạo lại kỹ sư nông nghiệp... bên cạnh đào tạo mới hàng năm. Mô hình này thành công trong vòng 10-15 năm sẽ tạo ra một lớp "Tư bản nông thôn", động lực vươn tới các công nghệ sinh học, dược phẩm, thực phẩm, lâm sinh, thú y...cao cấp hơn. Sự hình thành kiểu đào tạo này sẽ lập tức tạo sức ép ngược trở lại để các viện nghiên cứu, trường Đại học bắt buộc phải hướng đến những trình độ công nghệ cao hơn, nếu không muốn bị thị trường bỏ qua.
Đây là mô hình khả thi và là "lối thoát" cho nông nghiệp Việt Nam, sự khởi động ban đầu của nó hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức và quyết tâm cải cách nền nông nghiệp truyền thống của chính phủ Việt Nam.

No comments: