Saturday, May 9, 2009

TẬP HỌP THANH NIÊN DÂN CHỦ TRÒN 3 NĂM

Kỷ niệm 3 năm ngày thành lập “Tập hợp Thanh niên Dân chủ”
Trà Mi, phóng viên đài RFA 2009-05-08
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/First-independent-viet-youth-for-democracy-group-marks-3-year-withs-sbs-05082009141019.html
Ngày 8/5 năm nay đánh dấu tròn 3 năm ngày bạn trẻ Nguyễn Tiến Trung khởi xướng Tập hợp Thanh niên Dân chủ, tổ chức chính trị độc lập đầu tiên của thanh niên Việt Nam do giới du sinh thành lập.
Với mục tiêu vận động và cổ võ cho nền dân chủ Việt Nam, Tập hợp đã quy tụ được sự quan tâm và tham gia của người trẻ yêu chuộng dân chủ khắp nơi, cả trong lẫn ngoài nước.

Từ một bức thỉnh nguyện thư
Tập hợp Thanh niên Dân chủ ra đời cách đây 3 năm, sau khi bức thỉnh nguyện thư của du sinh Nguyễn Tiến Trung gửi đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Việt Nam yêu cầu những thay đổi trong lĩnh vực giáo dục chính trị trong nước được phổ biến rộng rãi trên mạng internet.
Bức thư ngắn gọn bày tỏ những trăn trở của một người trẻ sau khi rời Việt Nam ra nước ngoài học tập tuy không thuyết phục được giới chức hữu trách, nhưng đã thật sự chinh phục sự ủng hộ của rất nhiều thanh niên cùng chung thổn thức. Rất nhiều bạn trẻ viết thư đến Tiến Trung làm quen, chia sẻ quan điểm, và bày tỏ lòng thán phục một người bạn đồng trang lứa đã mạnh dạn lên tiếng thể hiện nguyện vọng chung của giới trẻ Việt Nam.
Và Tập hợp Thanh niên Dân chủ được hình thành từ cơ duyên đó, kết nối những người trẻ cùng chung chí hướng vì một Việt Nam dân chủ thực thụ.

Bạn Hoàng Lan, đại diện Tập hợp cho biết thêm về mục đích hoạt động của tổ chức này:
“Tập hợp đựơc lập ra với 3 mục đích chính. Thứ nhất là tiếng nói của thanh niên mong muốn dân chủ cho Việt Nam, cùng nhau phổ biến nhu cầu dân chủ hoá Việt Nam. Mục tiêu thứ hai là cùng nhau thực tập các sinh hoạt trong một tổ chức, và cùng học tập thêm về dân chủ và chính trị. Thứ ba là chuẩn bị lực lựơng cho những đảng phái chính trị dân chủ chân chính sau này.”

Lan tràn nhiều nơi trên thế giới
Sau 3 năm hoạt động, Tập hợp Thanh niên Dân chủ đã có nhiều thay đổi so với ngày đầu thành lập. Ban đầu, mọi sinh hoạt của các bạn đều tập trung ở Pháp. Dần dần về sau, khi lực lượng tham gia ngày càng đông đảo, Tập hợp đã mở rộng hoạt động ra rất nhiều nơi như Mỹ, Anh, Thuỵ Sĩ, và ngay cả tại Việt Nam.
Năm đầu tiên, các bạn hướng tới các sinh hoạt mang tính vận động sự quan tâm của công luận như thực hiện các cuộc tiếp xúc giữa Nguyễn Tiến Trung với chính khách một số nước, mở chiến dịch “Marathon Nối Vòng Tay Lớn” ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc, Châu Á và ngay cả tại Việt Nam, thu thập chữ ký, gửi thỉnh nguyện thư đến nguyên thủ các quốc gia yêu cầu áp lực Việt Nam cải thiện dân chủ-nhân quyền…vv…v…
Sau khi người đứng đầu Tập hợp là Nguyễn Tiến Trung hoàn tất việc học tại Pháp trở về Việt Nam, các bạn tập trung phát triển tổ chức, xây dựng những mối quan hệ gần gũi hơn tại các địa phương có thành viên của Tập hợp, và giữ sự trao đổi liên lạc thường xuyên với một số tổ chức quốc tế để tiếp tục vận động cho dân chủ Việt Nam.

"Tạp chí Phía Trước"

Qua 3 năm hoạt động, các bạn đã cùng nhau gầy dựng nên tờ báo độc lập đầu tiên của thanh niên Việt Nam mang tên Tạp chí Phía Trước phổ biến trên mạng đối với độc giả Việt Nam và phát hành báo in ở ngoài nước.
Song song với trang web và trang blog của Tập hợp, kênh radio Tiếng nói thanh niên cũng được trình làng trên internet, với cùng mục đích phổ biến thông tin về dân chủ và đồng thời tạo diễn đàn để thanh niên khắp nơi chia sẻ, trao đổi quan điểm về các vấn đề liên quan đến Việt Nam.
Tại Việt Nam, nơi tất cả các tổ chức chính trị đều thuộc sự kiểm soát của Đảng, thì tất cả các tổ chức độc lập như Tập hợp Thanh niên Dân chủ, dù tiêu chí hoạt động có như thế nào đi nữa, đều bị quy kết là “phản động”. Vì vậy, tiếp cận và tham gia Tập hợp, đối với nhiều bạn trẻ trong nước, quả là điều không dễ thực hiện. Tuy nhiên, đại diện Tập hợp cho biết số đăng ký xin gia nhập từ Việt Nam ngày một tăng, bất chấp những khó khăn và cản trở từ phía chính quyền, như trường hợp của bạn Trang Nhung. Kể từ khi phát hiện bạn tham gia Tập hợp, an ninh đã cảnh cáo gia đình Nhung, và thường xuyên theo dõi cũng như mời bạn lên “làm việc”.


Kêu gọi dân chủ cho nước nhà không thể gọi là phản động

Cũng như những thành viên khác của Tập hợp Thanh niên Dân chủ tại Việt Nam, Nhung kiên quyết khẳng định:
“Dân chủ không phải là trở ngại cho quốc gia mà chỉ trở ngại đối với đảng cầm quyền mà thôi. Tham gia vào các tổ chức dân chủ để đóng góp cho nền dân chủ nước nhà thì không thể gọi là phản động. Khi tham gia vào các tổ chức như thế này, mình có khả năng trao dồi kiến thức và lý luận về dân chủ, từ đó có thể biểu hiện bằng hành động cụ thể để cải thiện môi trường xung quanh, cải thiện xã hội. Việt Nam hiện nay vẫn chưa có dân chủ mà dân chủ là thể chế tốt nhất trong mọi thể chế.
Cho nên một trong những hình thức có thể đẩy mạnh dân chủ hoá Việt Nam là tham gia vào các tổ chức dân chủ như Tập hợp này. Đây là một lựa chọn tốt cho các bạn thanh niên có hoài bão và bản lĩnh.”

Chúng ta không nói thì ai nói cho chúng ta

Bạn Ngọc Thuận, một thành viên khác tại Việt Nam, nói thêm về mục đích của các bạn khi đến với Tập hợp Thanh niên Dân chủ:
“ Em xin trích lời anh Nguyễn Tiến Trung là “Chúng ta không nói thì ai nói cho chúng ta ? Chúng ta không làm, ai sẽ làm thay cho chúng ta ? Và không làm bây giờ thì đợi đến bao giờ ? Ai cũng đợi có dân chủ sẵn để hưởng thụ thì chắc là mình sẽ không bao giờ có. Mình phải tự đi tìm và tự đòi hỏi và nhiều người cùng đòi hỏi mới có thể mang lại dân chủ cho Việt Nam. Nếu ai cũng chỉ vì sợ mà không dám đòi hỏi thì dân chủ sẽ không bao giờ có trên đất nước Việt Nam.”

Và thông điệp mà các bạn trẻ trong Tập hợp Thanh niên Dân chủ muốn gửi gắm đến người trẻ khắp nơi nhân sinh nhật lần thứ ba của Tập hợp là:
“Việt Nam dân chủ hơn là vì tương lai của mỗi người và của đất nước. Như mọi người thấy như vụ bauxite hiện nay, thiếu dân chủ và không có cơ chế cho người dân lên tiếng vì những quyền lợi chính đáng của mình. Đó là một tổn hại lớn cho đất nước và cho tương lai của mỗi người. Vấn đề dân chủ liên quan trực tiếp đến đời sống mỗi công dân. Mong rằng các bạn thanh niên thấy được điều đó và thấy được trách nhiệm của mình đối với bản thân và đất nước để mạnh dạn lên tiếng. Đó là những quyền cơ bản của người dân được bảo vệ trong Hiến pháp và luật quốc tế.”

Một thành viên trẻ từ Pháp tên Đông A tiếp lời Hoàng Lan:
“Mong muốn của em là được nhìn thấy sự tham gia của nhiều bạn thanh niên hơn trước các vấn đề của đất nước và xã hội hiện tại, vì điều đó cho thấy các bạn thật sự quan tâm và coi dân chủ là một giá trị sống.”

Nguyễn Tiến Trung, người thành lập Tập hợp, sau khi về nước ngay lập tức bị gọi đi thi hành nghĩa vụ quân sự tại Trung đoàn Gia Định. Các bạn trong Tập hợp cho biết dù bị bị nhiều áp lực, bị cô lập với thế giới thông tin bên ngoài, nhưng tinh thần của Trung vẫn vững vàng, và theo đúng hạn định, Trung sẽ xuất ngũ trong 3 tháng nữa.

-----------------------------------------
Đính chính về việc trả lời phỏng vấn RFA
Nguyen Trang Nhung’s Blog
http://blog.360.yahoo.com/blog-3B6UyfslaadiuYvbPKpLvjnAoeHvsGc-?cq=1&p=3087

Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần 3 của THTNDC, RFA đã có một bài phỏng vấn các thành viên của TH về sự kiện này:

Kỷ niệm 3 năm ngày thành lập “Tập hợp Thanh niên Dân chủ”
Tôi là một trong những người tham dự phỏng vấn. Trong bài phỏng vấn này có một chi tiết không chính xác mà tôi thấy cần thiết phải đính chính trước hết trên blog của mình

RFA viết: Kể từ khi phát hiện bạn tham gia Tập hợp, an ninh đã cảnh cáo gia đình Nhung, và thường xuyên theo dõi cũng như mời bạn lên “làm việc”.

Thứ nhất, tôi không nói "cảnh cáo" mà nói "cảnh báo", hai từ này khá khác nhau.
Thứ hai, tôi không nói an ninh "thường xuyên" (theo dõi và mời làm việc) mà nói họ có theo dõi và mời làm việc mà thôi.
Có lẽ chị Trà Mi, người thực hiện phỏng vấn, nghe không rõ hoặc không chú ý lắm khi diễn đạt lại những câu trả lời của tôi nên đã dẫn đến sai khác này.

Tôi đã gửi thư yêu cầu đính chính tới RFA, vì không muốn người đọc hiểu vấn đề ở mức độ nặng hơn thực tế. Đọc câu tường thuật của RFA ở trên, những ai không hiểu tôi có thể cho là tôi phóng đại.
Bản thân tôi không lấy việc bị sách nhiễu (vì tham gia THTNDC) là một thành tích hay điều gì đáng kể. Cho nên, những sự phóng đại (dù là chút đỉnh) về những khó khăn của mình là điều tôi không muốn có.
Đây là entry tạm và có thể sẽ được xóa khi RFA đính chính bài phỏng vấn này.

No comments: